Thursday, March 28, 2024

Việt-Ấn thảo luận về Biển Đông, tăng hợp tác quốc phòng

NEW DELHI, Ấn Độ (NV) – Ấn Độ và Việt Nam dự trù thảo luận về vấn đề Biển Đông và gia tăng hợp tác quốc phòng khi chủ tịch nước CSVN đến New Delhi vào cuối tuần thăm viếng chính thức.

Báo Ấn Độ Livemint hôm Thứ Ba, 27 Tháng Hai, thuật lời ông Tôn Sinh Thành, đại sứ CSVN tại New Delhi, cho biết Chủ Tịch Nước CSVN Trần Đại Quang sẽ thăm viếng chính thức Ấn Độ ba ngày, bắt đầu từ Thứ Sáu, 2 Tháng Ba. Hai bên sẽ “trao đổi ý kiến về các diễn biến trên Biển Đông” nơi Việt Nam đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và một số nước trong khu vực.

Cuộc thăm viếng của ông Trần Đại Quang diễn ra trong lúc Ấn Độ cũng đang đối diện với các hành động gia tăng của Trung Quốc từ biên giới trên đất liền tới các vùng biển. Ấn Độ nhiều lần cho biết Việt Nam là một nước hợp tác chủ chốt trong chính sách hướng về phía Đông của New Delhi.

Trên mặt nổi, báo Ấn Độ nói nhân dịp này, Việt Nam và Ấn Độ sẽ ký một số thỏa hiệp gồm cả hợp tác về năng lượng hạt nhân dân sự, xây dựng cảng biển tại tỉnh Nghệ An.

Theo lời đại sứ CSVN được báo Ấn thuật lại, hai bên sẽ nhằm “nâng mối quan hệ thương mại và quốc phòng” nhân chuyến thăm của ông Trần Đại Quang. Ấn đã cấp tín dụng $500 triệu cho Việt Nam để mua sắm trang bị quân sự khi Thủ Tướng Ấn Narendra Modi đến Việt Nam năm 2016. Hai năm trước đó, Ấn đã cấp tín dụng $100 triệu để mua sắm quân sự.

“Chúng tôi mua một số trang bị của Ấn cho bộ binh và hải quân Việt Nam,” ông Tôn Sinh Thành nói tại cuộc họp báo. Tuy nhiên, ông không xác nhận là Việt Nam đã mua hỏa tiễn dẫn đường siêu thanh Brahmos hay chưa.

Tin tức về Việt Nam muốn mua hỏa tiễn Brahmos do liên danh Nga-Ấn phát triển đã có từ mấy năm qua nhưng chưa hề thấy có sự xác định nào rõ rệt. Cũng từng có tin Việt Nam muốn mua một loại hỏa tiễn phòng không tầm gần và tầm trung của Ấn, Akash surface-to-air missile.

Hồi Tháng Bảy năm ngoái, hãng tin Reuters cho hay, Việt Nam đã đồng ý mở rộng thêm khu vực ở Biển Đông cho Ấn Độ tiến hành khai thác dầu khí. Điểm đáng nói là địa điểm được cấp phát dính đường “Lưỡi Bò” mà Bắc Kinh tuyến bố chủ quyền ngoài khơi miền Trung Việt Nam.

Sự thỏa thuận Việt Nam-Ấn Độ diễn ra sau khi vừa xảy ra những căng thẳng giữa Hà Nội và Bắc Kinh. Trung Quốc đe dọa sẽ đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam tiến hành dò tìm dầu khí ở khu vực lô 136.3 được đặt tên là Cá Rồng Đỏ, cũng dính cái “Lưỡi Bò” dù hoàn toàn nằm trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Giám đốc điều hành của công ty dầu khí ONGC Videsh, Ấn Độ, năm ngoái nói với Reuters rằng Việt Nam đã cho phép công ty Videsh gia hạn thêm hai năm thăm dò dầu khí tại lô 128, nằm ở ngoài khơi miền Trung Việt Nam. Một viên chức cao cấp khác của ONGC Videsh nhìn nhận lợi ích từ lô 128 “mang tính chiến lược nhiều hơn thương mại” vì việc khai thác dầu mỏ ở đây được xem là có rủi ro cao và tiềm năng trữ lượng khá hạn chế.

Viên chức giấu tên vừa kể tiết lộ với Reuters: “Việt Nam cũng muốn chúng tôi hiện diện ở đây vì sự can thiệp của Trung Quốc tại Biển Đông.” (TN)

Mời độc giả xem chương trình “Du lịch Croatia”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT