Friday, March 29, 2024

Con gà cúng mùng Ba Tết quê nhà

Nam Sơn Trần Văn Chi

Năm nay là năm thứ 33 tôi xa Việt Nam. Trong ngần ấy năm, tôi không có dịp nào được về lại quê đón Tết với gia đình. Gò Công, quê tôi, người ở đây có tục lệ cúng gà vào ngày mùng Ba Tết. Tục lệ này rất phổ biến khắp Lục Tỉnh ra đến miền Trung.

Con gà trống tơ, luộc nguyên con, là lễ vật cúng mùng Ba, nên người ta gọi là “Gà Cúng Mùng Ba.” Cách gọi này lưu truyền tới nay và ra tới hải ngoại.

Theo thói quen thành như bắt buộc, con gà này phải được gia đình chuẩn bị từ trước trong năm, đó là con gà giò nuôi độ bốn tháng tuổi, lông bắt đầu trổ màu sắc rực rỡ, vừa mới tập tọe biết gáy là vừa.

Hồi đó hình như không ai mua gà ở chợ để cúng bao giờ. Má tôi tin rằng, gà phải tự nuôi, tự chăm sóc thì cúng thần linh mới có ý nghĩa và linh nghiệm!

Vì sao phải cúng gà trống?

Ngoài lễ cúng mùng Ba Tết, các lễ cúng ở đình đền, miếu mạo, lăng mộ… ở quê tôi đều không thể thiếu lễ vật là con gà trống luộc.

Ông Lê Văn Duyệt (1763-1832) là một nhà chính trị, quân sự thời nhà Nguyễn. Lúc sinh thời từng tâu với vua Gia Long về năm cái đức của gà trống như sau: Một là, đầu gà có mồng đỏ, thân có lông đẹp như quần áo, đó là Văn. Hai là, chân gà cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ. Ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng. Bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân. Năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.

Ông tâu rằng, sách binh thư có câu: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch.”

Và loài gà trống có đủ năm đức ấy.

Theo tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gà trống với tiếng gáy, làm cầu nối giữa con người với thần linh, nên gà trống được chọn để dâng cúng thần linh, tổ tiên mỗi dịp lễ Tết.

Từ đó con gà trống trở thành biểu tượng văn hóa pha trộn với tín ngưỡng dân gian tôn sùng mặt trời của nghề nông, dần dà thành phong tục của mọi gia đình Việt Nam khi Tết đến, Xuân về.

Người Việt cúng gà trống ngày Tết với hy vọng tiếng gà gáy đánh thức mặt trời, chiếu ánh nắng, mang lại mưa thuận gió hòa cho nông nghiệp.

Công phu làm gà

Gà làm sạch lông, sau đó tạo dáng gà theo tư thế chầu. Má tôi dạy, phải nhét hai đầu cánh gà vào trong cuống họng (chỗ cắt tiết), phần đầu cánh thò ra ở mỏ, hai chân gà bẻ quặt về phía sau, nằm trên lưng, giữ cho cố định trong tư thế quỳ vững chắc.

Phần tạo dáng gà do má tôi tự tay làm lấy một cách trân trọng và nâng niu như gởi gắm cả tấm lòng.

Trước khi nấu, phải bảo đảm gà đã rửa sạch huyết để nước không bị đục. Cho gà vào nồi, đổ nước lạnh ngập thân gà, đun lửa tới sôi lăn tăn (không sôi sùng sục) thì hớt bỏ bọt và cứ để thế một lúc độ tàn điếu thuốc. Nướng một củ gừng, một củ hành, đập dập, bỏ vào nồi nước luộc gà rồi luộc tiếp cho tới chín.

Tắt bếp, đậy vung, ngâm gà trong nước thêm một chập. Muốn da gà giòn khi vớt ra thả ngay vào nước lạnh.

Sau đó bày con gà ra dĩa, cài bông vạn thọ nở vàng rực vào trong miệng gà. Phần huyết, lòng gà nhét lại vào bụng gà.

Da gà vàng bóng, căng đầy quyện với màu vàng thắm của bông vạn thọ biểu hiện năm mới thăng tiến, thịnh vượng.

Cúng gà mùng Ba

Trước khi mang gà cúng, má tôi không quên để muối trên lưng gà, cùng con dao nhỏ bên cạnh. Ngoài ra má tôi còn để thêm ba ly rượu trắng, dĩa gạo muối và ba khoanh bánh tét.

Gà cúng mùng Ba phải quay đầu ra phía ngoài đường, với tư thế tréo cánh, tạo dáng há miệng, chân quỳ tự nhiên. Tư thế này được coi là con gà đang chầu thần linh…

Ba tôi mất sớm, trong nhà chỉ có tôi là con trai nên mọi việc cúng tế tự tôi đích thân lo nhang đèn. Vì tôi còn nhỏ, má tôi lúc nào cũng là người phụ lễ bên cạnh, nhưng chính má là người luôn xướng đọc những lời khấn vái và cầu xin cho gia đình. Má có thói quen khấn vái rất lớn tiếng và rõ lời.

Tàn nhang, lui đèn, rượu, gạo muối đem rải trước sân. Giấy tiền vàng bạc, bùa nêu, ông hổ được dán trước cửa cái gọi là “Tết nhà.”

Con gà cúng xong được xé phay trộn rau thơm, cho ra dĩa, bày lên bàn thờ ông bà để “cúng kiếu” ông bà. Ngoài món gà xé phay còn có những món như mâm cỗ ngày 30 Tết.

Gia đình ngồi vào bộ ván cùng ăn bữa cơm đầu năm.

***

Hình ảnh con gà cúng mùng Ba Tết ở quê tôi ngày xưa, nay vẫn còn trong ký ức đẹp. Và mỗi khi Tết về nó như sống lại…

Nên mỗi năm Xuân về, tôi cứ lẩn thẩn nhớ Tết xưa ở quê nhà. Đây là dấu hiệu của tuổi già hay vì tôi nhớ quê hương?

MỚI CẬP NHẬT