Thursday, March 28, 2024

Lênh đênh kiếp thương hồ

Phan Trường Giang - Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

“Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi,
Kẻo giông khói đèn, bờ bụi tối tăm.”

Hơi hướm của câu hò hiện lên trước mắt ta một vùng sông nước mênh mang trong đêm khuya thanh vắng, sương đẫm “nhánh bần gie con đốm đậu sáng ngời.” Khách thương hồ mượn câu hò để tìm bạn tâm tình cho quên nỗi mệt nhọc, bớt sự cô đơn trong quãng đường xa. Người bạn đường thường chỉ trong một quãng ngắn, hay trong một đêm thôi rồi mỗi người chia tay mỗi ngả trên muôn nẻo mưu sinh. Cũng có khi lại gắn bó đời đời của một đôi trai gái, bởi cái ”duyên tiền định.”

Bạn thương hồ, họ là ai? Có đủ hạng người, đủ hoàn cảnh nhưng gom lại thì giống nhau ở đường sinh kế vì manh áo chén cơm, chấp nhận cuộc sống du thủ du thực với gạo chợ nước sông, ngược xuôi trên những nẻo đường sương gió.

Bạn thương hồ là những người buôn bán đường dài trên sông, nơi nào có sông nước là có bạn thương hồ.

Vậy phương tiện di chuyển của họ gồm những gì? Bảnh một chút thì sắm những loại ghe lớn như ghe lườn, ghe cui, ghe rỗi, ghe cà vom… mui lợp ván chắc chắn, chịu được nắng mưa. Hạng kế thì sắm ghe tam bản be kèm, lợp mui giả khung bằng nan tre đan bện lá dừa nước. Nghèo nữa thì là chiếc xuồng ba lá.

Ghe, xuồng ngoài việc dùng để chở hàng hóa, sản vật còn là chỗ sinh hoạt nấu nướng, ăn ngủ. Ngày nay tiến bộ hơn, hầu hết ghe thương hồ chạy bằng máy có nhiều sức ngựa, còn ngày trước phải dùng sức người chèo chống.

“Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi. Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê.”

Thuong-Ho-02

Ghe lớn họ phải dùng chèo đôi, kẻ chèo mũi người chèo lái. Có vài sáng kiến chạy buồm: Nếu nước xuôi nhưng gặp gió ngược, người ta chặt một gốc bần ở ven sông, để nguyên chà chôm rồi cột dây neo trước mũi. Nước chảy lôi thân cây kéo theo chiếc ghe chạy te te. Người chèo rảnh tay hút thuốc phì phèo, hứng chí “quất” luôn mấy câu vọng cổ.

Cách khác là chạy buồm mền: cột bốn góc mền căng giữa hai cây sào nhờ gió đưa đi. “Nước xuôi chạy gió buồm mền, muốn vô làm bé, biết bền hay không?” Còn một kiểu “buồm” rất ngẫu hừng là dựng một tàu lá dừa nước ở giữa xuồng, cắt một người chịu khó giữ cho vững, người sau lái vừa nằm tréo ngoảy vừa dùng chèo kềm lái mà ngắm mây trời cảnh vật. Ðôi khi sự phát triển của kỹ thuật hiện đại cũng làm biến mất những nét duyên dáng nên thơ rất hồn nhiên mà bây giờ người ta hay nói là “xóa bỏ những cái cũ, lạc hậu”!

Là bạn với sông hồ, rày đây mai đó với cỏ cây, trời trăng mây nước, bạn thương hồ sống rất “ruột gan,” thích giao tiếp, kết bạn “tứ hải giai huynh đệ,” hiểu là sống có điệu nghệ, theo nhà văn Sơn Nam tức đạo nghĩa, nói trại ra. Có thể ví họ như những gã cao bồi đáng yêu của miền sông nước Nam bộ.

***

Trong những hành trình ngược xuôi ngang dọc, trải qua bao vật đổi sau dời, nhưng khách thương hồ vẫn còn để lại khá nhiều dấu nét văn hóa đặc thù ở vùng đất phương Nam mà ta còn gọi là nền văn minh sông nước.

Miền Tây hay Ðồng Bằng Sông Cửu Long có khoảng 18 ngàn km chiều dài sông rạch, đan xen chằng chịt như mạng nhện. Sông nước là cái gốc của miền đất cuối trời tổ quốc này, nhưng nếu một ngày vắng bóng xuồng ghe thì nó sẽ là những con sông chết.

Từ bên bờ Tây sông Hậu xuôi về hướng Nam theo những con sông, ta bắt gặp một vài địa danh gọi Bến Bạ. Bạ có nghĩa ở đậu ở bạ, kiểu ăn ở xổi ở thì, thiếu căn cơ, chắc chắn. Tìm hiểu kỹ hơn trong dòng sách lịch sử khẩn hoang miền Nam, mới hiểu ra căn cớ. Trong dòng người xuôi về phương Nam “tìm miền đất mới,” có đủ thành phần trừ người dân trơn rời bỏ quê xứ đến những kẻ phản nghịch, trốn lệnh tróc nã của triều đình, những kẻ trốn xâu lậu thuế… Kế đến là những bạn thương hồ “thóc đến đâu bồ câu đến đó.”

Thuong-Ho-03Những kẻ tứ chiếng gặp nhau, họp lại thành từng đoàn xuồng, khi gặp một bãi sông thuận tiện họ neo đậu lại ăn uống, nghỉ ngơi đôi ba hôm rồi sau đó nhổ sào đi tiếp. Cứ vậy đến những đoàn người sau. Cái bãi sông không lúc nào vắng bóng xuồng ghe. Lần hồi tại đây mọc lên một cái tiệm hàng xén, rồi vài căn nhà, kiểu “nhà đá, nhà đạp” (đá, đạp một phát là sập) xây dựng tạm bợ. Sau nữa thành một xóm nhà. Dân bản địa cứ thế mà đặt tên Bến Bạ.

Dấu ấn đậm nét nhứt của dân thương hồ là việc “lập” ra các chợ nổi “vang bóng một thời” khắp Nam Kỳ Lục Tỉnh. Việc lập chợ này theo kiểu tự phát, do nhu cầu giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa và những sản vật “cây nhà lá vườn.” Những chợ nổi sầm uất điển hình (ngày nay nhiều chợ không còn nữa) là chợ nổi Lục Sĩ Thành (Trà Vinh), chợ nổi Cái Răng, Phong Ðiền (đều ở Cần Thơ) và chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, cũng là của Cần Thơ.

Nét độc đáo của chợ nổi được ta hình dung như một ngôi làng di động lúc hợp lúc tan, có khi vơi lại có khi đầy và lung linh nhiều màu sắc của trái ngọt, hoa tươi, của nón lá, áo bà ba bó sát vóc người đầy đặn của các cô thôn nữ.

Trước mũi ghe, bạn hàng dựng những cây sào treo lủng lẳng nào bầu, bí, dưa leo, khóm, chuối, bưởi, cam… Bán gì treo đó, kiểu tiếp thị trông rất bắt mắt. Chợ sung túc nhất vào mùa cận Tết, rồi sau đó bạn thương hồ nhổ sào rời đi mỗi người mỗi ngả, tiếp tục rong ruổi trên những nẻo đường dài đến bến bờ khác.

***

Một loại hình văn hóa phi vật thể đã lần hồi mai một, có nguy cơ biến mất trong nay mai. Ðó là những điệu hò trên sông nước. Từ vùng sông nước nó đi ra đồng ruộng trở thành những điệu hát huê tình. Rồi từ đồng ruộng nó trở vào nhà biến thành những câu hát đưa em.

Ở vùng miệt vườn người ta sáng tạo ra vài điệu hò riêng: hò Mỹ Tho, hò Cái Bè, hò Cần Thơ, Ngã Bảy. Ở Cần Thơ còn có điệu hò bánh bò: “Hò ơ…ơ… Bánh bò một vốn ba bốn đồng lời. Em khuyên anh ở nhà cứ việc ăn chơi. Ðể em buôn bán kiếm lời nuôi anh.” Hò miền Nam thường theo điệu thơ lục bát hoặc lục bát biến thể khá trơn bén, theo niêm luật. Hò trên sông hoặc hò cấy lúa thường dài thậm thượt nhưng lời lẽ hồn nhiên, mộc mạc, lời văn có lúc là trích trong sách Minh Tâm Bửu Giám hoặc tuồng tích bên Tàu với lời lẽ cao siêu khiến người đối đáp “yếu bóng vía” đôi khi “ế độ.” Khó nhứt là lời lẽ, ý tứ không sắp đặt trước như hát cải lương, hát bội, nghĩa là không có “bổn tuồng,” đòi hỏi người hò phải lanh trí, biết ứng đối giỏi.

Thuong-Ho-04Hỏi ai đã khai sinh ra những điệu hò này? Thì đố ai dám nói không phải của những người bạn thương hồ. Họ dùng câu hò để tạm thời quên đi những cay đắng, truân chuyên của số kiếp con người. Khi cất lên tiếng hò thấy lòng người bỗng trở nên trong sạch, không chút bợn nhơ, hồn lâng lâng bay bổng như đang vào chốn bồng lai. Nhờ đó mà điệu hò câu hát cứ sống mãi, ít ra là trong một đời người.

***

Vật đổi sao dời. Ðá mòn sông cạn – “Trần ai chớp mắt trăm năm mộng” (Ðông Hồ). Dòng xoáy của phát triển không thương tiếc phá bỏ những cái cũ, nhưng lại quên rằng cái cũ – đôi khi là một vật vô tri lại là cái kho tàng vô giá của lịch sử nhân loại. Máy móc tân tiến làm biến mất những cánh buồm nên thơ, duyên dáng âu là chuyện phải đến. Nhưng còn sự xâm lấn ồ ạt của các loại nhạc xa lạ, rẻ tiền đang lần hồi giết chết dòng nhạc truyền thống trữ tình, đầy tính nhân văn của dân tộc là chuyện nên suy nghĩ và toan tính.

Những chợ nổi lần hồi biến mất, vắng bóng khách thương hồ. Những giọng hò trong trẻo trong đêm khuya thanh vắng, rồi những câu hát đưa em giờ chỉ còn trong ký ức của một thời xa lắc.

“Linh đinh bèo nước biết về đâu?
Ðậu bến An Giang thấy những rầu.
Bảy Núi mây liền, chim nhíp cánh,
Ba dòng nước chảy, cá vênh râu…”

Cụ Cử họ Phan đã cám cảnh người khách thương hồ bằng mấy câu thơ trên nghe sao động lòng trắc ẩn!

Muốn tìm lại quá khứ, quá khứ bỗng xa dần. Hỏi bến cũ còn nhớ con đò xưa? Hỏi khách thương hồ giờ đi đâu, về đâu? Những điệu hò giờ đi đâu, về đâu? Nghe buồn buồn như giọt nước lìa nguồn trôi xa miền cố thổ.

MỚI CẬP NHẬT