Thursday, April 25, 2024

Ðối với dân Pháp, khủng bố nay là chuyện bình thường

Lê Mạnh Hùng

Bình thường, sau ngày 14 Tháng Bảy, ngày phá ngục Bastille, người Pháp bắt đầu đi nghỉ hè. Người ta về quê, ra biển hoặc lên núi nghỉ mát trong lúc các du khách ngoại quốc bắt đầu đổ đến các thành thị như Paris mà hầu như không còn dân bản xứ nữa.

Nhưng sau khi một tên khủng bố Hồi GIáo trên một xe vận tải hạng nặng giết chết 84 người tại Nice đúng vào ngày lễ phá ngục Bastille này, người Pháp bắt đầu phải tìm hiểu làm quen với một tình trạng bình thường mới: sống với khủng bố, như Thủ Tướng Manuel Valls công nhận: “Pháp nay phải sống với khủng bố.” Chỉ trong vòng 18 tháng nước Pháp đã thay đổi hầu như từ căn bản.

Cuộc sống của người Pháp có thể nói có ba tầng lớp. Tầng lớp thứ nhất là một sự hưởng thụ toàn vẹn trong cuộc sống thường ngày mà ta có thể thấy ngay từ một ly rượu vang thường trong một bistro bình thường tại một tỉnh lẻ. Người Ðức gọi đó là “tại Pháp, sống như là Thượng Ðế.” Tầng lớp thứ hai là trì trệ tắc nghẽn về kinh tế, một cảm giác vốn xuất hiện từ đầu thế kỷ 21 này cho rằng mô hình kinh tế mà nước Pháp theo đuổi từ trước đến nay đã tắc nghẽn. Vào Tháng Chạp năm 2014, một cuộc khảo sát ý kiến do tổ chức BVA-WIN thực hiện cho thấy chỉ có 17% dân Pháp nghĩ rằng năm 2015 sẽ tốt hơn là 2014. Ðiều đó đã dẫn Pháp đứng hàng thứ 60 trong số 65 nước về tinh thần lạc quan. Hơn thế nữa, Pháp đứng đầu trong các nước giầu có về sự bất mãn, một điều mà các nhà khoa học xã hội gọi là “nghịch lý Pháp.”

Nhưng những ngươi Pháp bi quan năm 2014 là có lý. Năm 2015 mở đầu với vụ tấn công khủng bố vào tạp chí Charlie Hebdo và một siêu thị của người Do Thái tại Paris. Kể từ đó tầng lớp đầu tiên của cuộc sống người Pháp đã bị chi phối bởi nỗi e sợ khủng bố.

Nỗi e sợ này được thể hiện qua những cuộc thảo luận của phụ huynh về liệu khủng bố có thể xâm nhập vào trường của con mình hay không; trong những hội nghị khoa học mà bạn chỉ có thể tham dự nếu ghi danh trước với tất cả chi tiết trong thông hành; qua những sự hiện diện của những nhân viên an ninh canh gác khám xét túi bị bạn mang theo trước khi bạn có thể bước vào một phòng triển lãm hoặc một viện bảo tàng. (Ðiều mỉa mai là sự bột phát của tình trạng này đã tạo ra hàng ngàn công việc cho những người đàn ông Pháp ít học mà phần lớn là Hồi Giáo).

Người Pháp nay sống với một nỗi e ngại thường xuyên rằng một tại họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, giống như chàng Obelix trong truyện tranh hoạt họa Asterix, sợ bầu trời có thể rớt xuống đầu họ. Trong suốt cuộc đấu tranh giải Euro 2016, một mối lo thường xuyên là một cuộc khủng bố sẽ xảy ra. Và khi giải này diễn ra một cách an toàn mọi người đều thở ra một hơi dài thoải mái. Nhưng khi sang Paris thăm bà chị tôi, trên xe diện ngầm Paris nhìn thấy một bích chương quảng cáo cuốn phim Bastille Day của James Watkins nói về một âm mưu khủng bố khổng lồ, tôi bỗng có một cảm nghĩ không hiểu chuyện này có thể xảy ra hay không.

Pháp đã trải qua nhiều giai đoạn khủng bố suốt kể từ sau Thế Chiến Thứ Hai, nhưng chưa bao giờ nó lại tồi tệ như hiện nay. Chỉ trong vòng bảy tháng quá người ta đã thấy hai cuộc tấn công khủng bố tàn bạo nhất trong lịch sử nước Pháp hiện đại: cuộc tấn công tại Paris khiến 130 người chết, và nay Nice.

Trước Nice, mọi quan ngại đều tập trung vào Paris. Hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống Pháp đều bị tập trung vào Paris và thủ đô này vì vậy đã phải chịu tai họa khủng bố mạnh nhất. Nhưng nay, khủng bố đã xảy ra tại một thành phố biển nơi mà hàng triệu dân Pháp còn có những ký ức hạnh phúc của những ngày nghỉ hè thì không còn một nơi nào mà người Pháp có thể cảm thấy an toàn nữa.

Giống như những hành động khủng bố gần đây, tên khủng bố tại Nice có vẻ như là hành động một cách đơn độc. Trong lúc al-Qaeda thường ưa thích tổ chức những cuộc khủng bố lớn phức tạp, ISIS có vẻ như đã “crowd sourced” sự khủng bố này cho những cảm tình viên của tổ chức tại tất cả mọi nơi. Và Pháp là nước đã có sẵn hàng chục ngàn những tên bất mãn khủng bố tiềm tàng.

Khủng bố mà chỉ đòi hỏi một việc đơn giản như đi thuê một chiếc xe vận tải thì hầu như không thể nào ngăn chặn được. Và chính phủ Pháp không thể nào biến toàn thể nước Pháp thành một thứ quốc gia công an trị mà mọi người nhòm ngó và báo cáo lẫn nhau. Có lẽ việc Pháp thua Bồ Ðào Nha trong trận chung kết giải Euro 2016 là một điều may. Nếu “Les Bleus” thắng thì những đám đông tụ họp phất lá cờ tam tài tại mọi quảng trường các thành phố của Pháp đều có thể trở thành những mục tiêu. Chỉ có một quốc gia khác trên thế giới là có thể so sánh với Pháp về mức độ nguy cơ khủng bố này: Hoa Kỳ với việc tự do cho mọi người kể cả những tên khủng bố mua và tích trữ súng đạn.

Cho đến nay, người Pháp vẫn còn giữ được nguyên vẹn tinh thần khai phóng mặc dầu khủng bố Hồi Giáo. Cuộc khảo sát thường niên của Ủy Hội Quốc Gia Nhân Quyền Pháp cho thấy sự kỳ thị chủng tộc đã giảm sút tropng năm 2015. Trong cuộc bầu cử địa phương vào tháng chạp năm ngoái, ngay sau cuộc tấn công khủng bố tại Paris, cử tri Pháp vẫn bỏ phiếu cho các ứng cử viên đảng Xã Hội và đảng Cộng Hòa – hai đảng dòng chính – để ngăn chặn tổ chức cực đoan chống di dân Front National không cho đảng này thắng tại bất kỳ một vùng nào. Hy vọng rằng cử tri Pháp sẽ làm như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới.

Mặc dầu vậy, nếu dân Pháp đã bi quan và bất mãn trước khi có những cuộc khủng bố này, ta có thể tưởng tượng tinh thần dân Pháp hiện nay ra sao?

MỚI CẬP NHẬT