Thời sự kinh tế: Mỏ vàng doanh nhân trẻ

Ngô Nhân Dụng

Những đảng viên Cộng Sản không được học khái niệm về “ecosystem.” Chủ nghĩa Mác xít nhìn thế giới như một bộ máy, như cái đồng hồ, vì thời Karl Marx còn sống ông chỉ có thể thấy “mô hình” đó. Lối nhìn máy móc này khiến các lãnh tụ cộng sản nghĩ kinh tế thị trường theo một cách máy móc, hư đâu sửa đó. Vì vậy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tụt hậu so với lân bang. Vì có một mỏ vàng không được khai thác, là giới kinh doanh trẻ tuổi.

Tạm dịch “ecosystem” là một “hệ sinh thái” (người Trung Hoa gọi là sinh thái hệ thống, 生態系統) (chữ eco ở đây viết tắt ecology, sinh môi, không phải economics, kinh tế). Một hệ sinh thái bao gồm các sinh vật, sống với nhau và những thứ vô tri giác. Tất cả tác động lẫn nhau, tạo nên một hệ thống sinh thái. Thung lũng điện tử ở vùng Vịnh California là một hệ sinh thái kinh tế. Những người sống trong đó thành công nhờ hợp tác và cạnh tranh với những người khác, có những quy luật kinh doanh, những nguồn vốn, gần gũi các nhà cung cấp và thị trường tiêu thụ, và cả một hệ thống pháp luật  của nước Mỹ bảo vệ các quyền tự do và quyền tư hữu.

Sonny Vũ thành công ở Thung lũng Điện tử, như đã kể trong bài trước, vì đã từng làm việc với các người lãnh đạo công ty Apple, như John Sculley, người sau này cùng Vũ và Sridhar Iyengar lập ra công ty Misfit. Misfit thành công vì hoạt động ở nước Mỹ chứ không ở bên Tàu hay Việt Nam. Khi về làm việc trong nước, Sonny Vũ gặp những hạn chế, không thể phát triển lớn hơn mấy trăm nhân viên.

Những nhà kinh doanh trẻ Việt Nam còn ở vị thế bất lợi hơn một người Mỹ gốc Việt như Vũ. Họ không những thiếu cơ hội phát triển tài năng mà còn bị gò bó trong một chế độ chưa hiểu biết gì về  sinh thái của kinh tế hiện đại.

Lâu lâu, các nhà kinh doanh trẻ này được mở mang tầm mắt nhờ gặp gỡ và cộng tác với những người Việt ở nước ngoài trở về hay khách nước ngoài. Một người trẻ dự cuộc gặp gỡ giữa Tổng Thống Barack Obama ở Sài Gòn năm trước cho biết anh và các nhà kinh doanh trẻ cảm thấy đầy phấn khởi khi nghe ông tổng thống Mỹ nói chuyện; cũng như khi họ được gặp hai người lãnh đạo công ty Google, Mike Cassidy và Sundar Pichai. Họ thâu nhận kiến thức mới; nhưng quan trọng hơn nữa là họ tập nhiễm thói quen mới, có ý thức về quyền tự do suy nghĩ, tự do mơ ước, tự do hy vọng của chính mình!

Nhưng dù được khích lệ bao nhiêu, khi đụng chạm tới thực tế, các nhà kinh doanh trẻ sẽ thấy Sài Gòn hay Hà Nội chưa có một hệ sinh thái để phát triển tài năng. Sonny Vũ kể rằng nhân viên của Misfit tại Sài Gòn có thể làm rất nhiều công việc, nhưng thứ họ thiếu nhất là khả năng sáng tạo các sản phẩm mới (product development). Một sản phẩm thành công của công ty Misfit là Link App, cho phép người dùng điện thoại nghe nhạc và tự chụp hình dễ dàng hơn bằng cách bấm một cái nút. Mọi việc sáng chế ra Link App đều làm ở Sài Gòn. Nhưng công tác họa kiểu (product design) vẫn phải nhờ các đồng nghiệp sống ở Mỹ, trong đó chắc có nhiều người Việt trẻ tuổi khác.

Người Việt mình không thiếu sáng kiến, Chính Sonny Vũ nói, trong một bài phỏng vấn với CNET, rằng tất cả các “ý tưởng lớn” đều có thể vay mượn (Anh nói mạnh hơn – ăn trộm: All the great ideas are stolen). Vậy tại sao các kỹ sư trẻ tuổi ở nước ta chưa có được những khả năng như các đồng nghiệp sống ở Mỹ (và ngay cả ở bên Tàu)? Bởi vì Việt Nam thiếu một “hệ sinh thái” thích hợp cho giới kinh doanh.

Trong bài của Liu Tong, đăng trong mạng The News Lens (Quan Kiện Bình Luận), nhà phân tích này cho biết trong bốn tháng đầu năm 2017, có 38,590 dự án kinh doanh mới ra đời (startups), nhưng cũng có 27,400 doanh nghiệp ngưng hoạt động và hơn 4,000 đóng cửa luôn. Nghĩa là chỉ có thêm khoảng 7,000 doanh nghiệp mới. Tại sao có nhiều dự án kinh doanh phải ngưng hoặc chấm dứt hoạt động như vậy? Trong bài viết nêu trên, Liu Tong đã nêu ra những khó khăn trong môi trường kinh doanh ở nước ta.

Chính nhà nước Cộng Sản cũng công nhận đến 90% các dự án kinh doanh đã thất bại. Tỷ lệ dó có thể coi là bình thường, vì tất cả các dự án, các xí nghiệp mới đều rất nhiều rủi ro. Những công ty thành công như Microsoft, Google, Facebook vượt lên sống được trong những “nghĩa địa” với hàng chục, hàng trăm ngàn “xác chết” của những doanh nghiệp cùng theo đuổi một kỳ vọng và mục tiêu!

Nhưng nếu các doanh nghiệp mới bị thất bại là chuyện bình thường, thì có một thứ bất bình thường là cái chết của mấy chục ngàn doanh nghiệp trong nước Việt Nam không phải do thiếu tài năng, thiếu sáng kiến! Lý do chính là họ bị cơ chế chính trị, kinh tế, xã hội bóp đến nghẹt thở. Hơn thế nữa, còn bao nhiêu những dự án kinh doanh không bao giờ được mở mắt chào đời, vì không có một hệ sinh thái thích hợp làm mụ đỡ.

Nhìn các nước chung quanh, phải cảm thấy xấu hổ! Trong lãnh vực mua bán trên mạng (e-commerce), hiện nay Việt Nam là thị trường nhỏ nhất trong vùng Đông Nam Á mặc dù dân số cao nhất! Mặc dầu thị trường này có khả năng sẽ tăng trưởng rất nhanh, hơn 10% một năm. Công ty giao hàng UPS cũng nghiên cứu thị trường Việt Nam và thấy đó là một mỏ vàng chưa được khai thác.

Các công ty nho nhỏ của người Việt đã thành công những bước đầu, nhưng nếu muốn bành trướng sẽ gặp rất nhiều chướng ngại. Từ năm 2012, Sài Gòn có mạng Giaohangnhanh, được nhiều người sử dụng để “giao hàng nhanh” như họ tự giới thiệu. Mạng Chopp chuyên giao hàng cho các siêu thị, người mua có thể dùng những “app” đặt mua, với hứa hẹn trong vòng một giờ sẽ tới.

Tất cả các công ty loại này đều bị cản trở vì chưa có một hệ sinh thái thích đáng; từ chi phí chuyên chở đắt tiền và hay tắc nghẽn cho tới tinh thần của người tiêu thụ. Trong kinh tế Việt Nam, phí tổn về tiếp vận (logistics costs) cao bằng 20% Tổng Sản lượng Nội địa, quá cao so với tỷ số trung bình của Ấn Độ (13%), Trung Quốc 15% hay 8% ở Mỹ.

Chướng ngại khó vược qua hơn nữa là mặt tinh thần: Lòng tin của những người tiêu thụ quá thấp. Người Việt Nam chưa có thói quen đặt tin tưởng vào những lời hứa của “người dưng nước lã!” Cũng vì cả xã hội đã mất niềm tin giữa con người với con người, hậu quả của một chế độ chuyên ăn gian nói dối! Vì vậy, hoạt động mua bán trên mạng, e-commerce, mới xâm nhập được dưới 1% thị trường bán lẻ ở Việt Nam, trong khi đã tiến tới 8% ở Trung Quốc khi được các đại công ty như Alibaba dẫn đầu.

Chưa hết, tất cả các doanh nghiệp dùng tin học đều bị đè nặng dưới điều 292 trong Bộ Luật Hình Sự. Ở các nước tự do dân chủ người ta có thể bắt đầu việc kinh doanh trước khi làm giấy tờ hợp thức hóa ở cơ quan hành chánh. Nhờ thế, nhiều doanh nghiệp ra đời, bán thử trong thị trường, kêu gọi vốn một cách dễ dàng.

Điều 292 cấm người Việt Nam không được cung cấp các dịch vụ trên mạng (online) nếu chưa có giấy phép! Ai làm sẽ bị coi là phạm tội hình! Sau khi bao nhiêu người phản đối, năm 2016 điều này mới được sửa đổi! Nhưng còn biết bao nhiêu thứ cấm đoán, ràng buộc, luật lệ kìm hãm sức phát triển kinh doanh của người dân, hệ sinh thái kinh doanh bị bóp nghẹt.

Nhưng các nhà kinh doanh trẻ trong nước còn gặp những chướng ngại cao như núi khác do chế độ dựng nên.

Trong bài của Liu Tong viết trên mạng The News Lens nêu ở trên, ông đưa ra mấy chướng ngại chính. Đầu tiên là không có nguồn vốn cho các doanh nghiệp tư nhân mới. Vốn đầu tư mạo hiểm (VC, venture capital) còn chưa thành hình. Hệ thống tài chánh của chế độ ưu đãi các doanh nghiệp nhà nước và bạc đãi tư nhân. Hiện nay hầu hết các công ty mới ra đời với tầm cỡ lớn đều do người nước ngoài tài trợ. Thí dụ, Mono, làm dịch vụ trả tiền trên mạng, đã được các ngân hàng  Standard Chartered và Goldman Sachs góp vốn 28 triệu Mỹ kim.

Nạn tham nhũng là chướng ngại lớn không khác gì bị kỳ thị trong hệ thống ngân hàng.Tư doanh bị gò ép gạt ra ngoài hệ thống cung cấp hàng hóa hay dịch vụ cho các cơ quan nhà nước. Chi phí “bôi trơn” của các xí nghiệp khiến cho tất cả đều kém hiệu năng (efficiency). Nếu họ có cạnh tranh được với các công ty trong nước, họ có thể chịu thua khi phải đối đầu với những công ty nước ngoài, nơi các quan tham nhũng không “tàn bạo” như các cán bộ đảng, vì chính những cán bộ này cũng phải dâng tiền lên cấp trên.

Chướng ngại lớn thứ ba mà Liu Tong nêu ra là hệ thống giáo dục yếu kém. Những người sáng lập các kinh doanh mới đều có học và tự học hỏi, và họ có thể phát đạt nhanh lúc khởi đầu vì thu hút được những người cùng trình độ và hoàn cảnh. Nhưng số người đó có giới hạn; khi  tới một trình độ cao hơn, muốn mở rộng thị trường, thì họ sẽ thiếu nhân viên đủ khả năng vì các đại học kém cỏi!

So với ba chướng ngại kể trên thì Liu Tong thấy nỗi khó khăn lớn nhất cho giới trẻ Việt Nam là thiếu một hệ sinh thái thích hợp cho công việc kinh doanh. Ông nhận xét rằng những nhà kinh nước ta đang thành công đều sống trong một ốc đảo, giữa cái hệ sinh thái chung quanh. Họ thành công nhờ đứng ngoài lề, không khác gì các bloggers thành công nhờ đi trên lề đường bên trái, khác các báo đài của đảng cộng sản!

Vì vậy, tất cả các người đã thành công kinh doanh trong ngành tin học và mạng lưới thường đứng bên lề, chân trước chân sau, và im hơi lặng tiếng! Họ có thể được đào tạo ở đại học Mỹ hay Úc, hoặc đã từng làm cho các công ty ngoại quốc, rồi tự ý rời bỏ công việc ở Facebook ra làm ăn riêng! Hoặc một số chuyên gia hẹn gặp nhau ở Singapore bàn chuyện mở một dự án chung. Hoặc một công ty ngoại quốc đến Việt Nam tìm cơ hội sử dụng các kỹ sư có tài và nhận lương thấp hơn ở Thái Lan hay ỏ Mỹ.

Tình trạng trên cho thấy chế độ Cộng Sản đang kìm hãm sức phát triển của giới kinh doanh trẻ trong nước. Mà đó chính là một kho vàng!

Một giáo sư người Mỹ đi thăm nước Israel sau khi các nước Á Rập đang bắt chẹt Tây phương bằng cách tăng giá dầu lửa. Ông hỏi một bạn đồng nghiệp người Israel rằng nước ông ta không có dầu lửa, làm sao chống cự lâu dài với lân bang? Vị giáo sư Israel đưa người hỏi tới một thư viện đại học, chỉ vào các sinh viên đang chúi đầu vào sách hoặc vào máy vi tính, nói: “Đây là mỏ dầu lửa của chúng tôi!”

Việt Nam đang tranh đấu với Trung Cộng dành quyền làm chủ những mỏ dầu nằm dưới đấy Biễn Đông. Nhưng trong lúc đó, những mỏ vàng quý báu trong nước ta đang  bị bỏ quên uổng phí! Muốn phát triển kinh tế, tạo ra một ecosystem mới, phải xóa bỏ chế độ độc tài toàn trị.

Người Việt TV phỏng vấn nhà báo Bùi Tín Kỳ 1 (Phần 2)