Friday, April 26, 2024

Một góc nhìn khác về thanh niên tình nguyện

Cao Huy Huân
(Nguồn: VOA)

Vừa qua mới thấy thông tin trên báo chí, rằng trong chuyến hoạt động tình nguyện Mùa Hè Xanh tại Quảng Ninh, ba sinh viên trường Ðại Học Ngoại Thương bị lũ cuốn trôi. Theo thông tin ban đầu, do không nắm bắt được địa hình của huyện, đoàn sinh viên tình nguyện đã lội qua khúc suối chảy xiết trong khi có lũ tràn về nên cả bốn bạn nữ của đoàn bị cuốn trôi. Hiện nay đã tìm được một bạn, ba bạn còn lại vẫn còn bị mất tích.

Nghe mà xót xa, đau đớn. Cứ vào mùa Hè hằng năm người ta lại tranh cãi về chuyện có nên làm tình nguyện mùa Hè hay không? Làm tình nguyện theo phong trào hay theo tấm lòng? Vân vân và vân vân. Tôi xin không bàn, vì đó là việc chọn lựa. Tôi không kỳ vọng các bạn trẻ làm tình nguyện có thể đóng góp to lớn cho người dân vùng sâu vùng xa hay vùng nghèo khó; càng không kỳ vọng rằng việc làm tình nguyện đó sẽ thay đổi được tư duy hay ý thức của đa số người dân bởi quá nó chếch choáng, quá nhanh, và quá giản đơn.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tôi phản đối. Thiết nghĩ một tháng Hè là để các bạn chọn lựa và trải nghiệm. Có thể là đi xây cầu, xây nhà; có thể là đi dạy học, dạy ngoại ngữ; có thể là đi đào ao lấp đường; có thể và có thể hàng trăm thứ khác mà các bạn mong được cống hiến, được thử sức hay thậm chí là chia sẻ để rồi nhiều ít các bạn cũng trưởng thành. Thế nhưng, việc làm tình nguyện phải cân nhắc. Người ta hay bảo “no nhà mới ra người ngoài,” bản thân phải ổn định, phải biết đúng sai, thiệt hơn, tốt xấu, an toàn hay nguy hiểm rồi mới dấn thân đi làm tình nguyện.

Tôi cũng có đứa em đi Mùa Hè Xanh hay đi làm hỗ trợ cho sinh viên nghèo thi đại học. Tôi hỏi nó có được đào tạo tập huấn không. Nó bảo có. Nào là cách giao tiếp với người dân, nào là kỷ luật, nào là hình ảnh sinh viên Việt Nam. Nhưng tuyệt nhiên không nghe nó kể về những thứ mà tôi cho là rất quan trọng mà ở Mỹ hay nhiều nước phát triển khác người tình nguyện được tập huấn rất kỹ. Ví dụ, cơ bản nhất là kỹ năng sơ cấp cứu khi có những tai nạn thường gặp với những chấn thương từ đơn giản đến phức tạp. Hay như kỹ năng bơi lội đôi khi là bắt buộc đối với những bạn chọn làm tình nguyện ở những vùng có sông nước. Hay như kỹ năng sinh tồn khi bị lạc đường trong rừng; kỹ năng phát tín hiệu; tạo lửa;… Nhiều kỹ năng khác giúp các bạn vừa có thể nhận biết nguy hiểm, vừa có thể vượt qua chúng trong những tình huống đơn thân độc mã. Ðó là những điều tối thiểu, phải biết, phải hiểu, phải làm được.

Tôi thấy các bạn trẻ ở Việt Nam đôi khi nhiệt tình quá hóa liều mạng vì thiếu hiểu biết. Các bạn đăng Facebook những tấm ảnh các bạn dọn kênh, rạch, mương đen ngòm. Có bạn còn “khoe” rằng đạp trúng kim tiêm phải đi vào bệnh viện. Trường hợp đạp phải đinh thép, mảnh chai vỡ,… hay như việc bị nhiễm các ký sinh trùng mà mắt thường không thấy được là hoàn toàn có thể xảy ra. Các bạn đăng hình ảnh tắm sông, tắm suối, tắm ao hồ – những trải nghiệm thú vị nhưng luôn có thần chết rình rập sau lưng. Các bạn xây nhà, xây cầu nhưng không thấy thiết bị bảo hộ lao động với mức bảo đảm an toàn nghiêm ngặt. Thậm chí tôi hỏi và biết được các bạn còn không mua bảo hiểm khi đi làm thiện nguyện hàng tháng trời ở vùng sâu vùng xa, vùng sông nước hay rừng núi, vùng nguy hiểm cận kề. Và còn hàng tá thứ khác tôi nghĩ lẽ ra các bạn phải biết, phải được dạy để sinh tồn khi đi làm thiện nguyện.

Nếu các bạn thiếu một trong những kỹ năng cơ bản nhất khiến dẫn đến tai nạn đáng tiếc thì đơn vị tổ chức phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở chỗ tổ chức nhưng thiếu khả năng quản lý để xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Nhưng dù có chịu trách nhiệm thế nào thì cũng đã trễ, vì người đi chẳng còn.

Các vụ thiện nguyện ở Việt Nam nhất thiết cần được xét lại và lưu ý. Lưu ý ở chỗ không phải muốn làm thiện nguyện gì hay ở đâu thì làm, nhất là với các chương trình tình nguyện tổ chức đông đúc cho các bạn trẻ. An toàn phải là số một. Có những hoạt động không được xét duyệt cho các em, ví dụ như dọn kênh mương rạch, hay những công việc rủi ro thương tích cao mà ngày nay vốn đã có máy móc làm nhanh, gọn, hiệu quả và đảm bảo chất lượng. Tôi không tin với những bạn trẻ có ăn học, có tri thức thì không nghĩ ra hoặc thiếu thốn những hình thức làm tình nguyện vừa trải nghiệm cao, vừa bổ ích lại an toàn. Ở Mỹ các bạn chọn việc dạy ngoại ngữ cho những học viên nước ngoài; chọn về ở nhà vườn với các gia đình nông dân để học cách trồng trọt chăn nuôi; chọn về các trường vùng sâu vùng xa để dạy nghề…

Ðất nước ngày càng phát triển thì tư duy thiện nguyện cũng cần được nâng cấp. Tôi khẳng định, những con sông các bạn lao xuống dọn rác vớt bèo thì chỉ một vài tuần sau đó rồi cũng bẩn như khi các bạn chưa làm. Con đường các bạn san lấp rồi cũng ngập úng như thể chưa ai làm gì nếu nhà nước không can thiệp bằng thi công, sắt thép, bê tông. Những khu vực ngập rác dọn rồi cũng lại ngập rác nếu chính quyền địa phương không có những biện pháp xử lý ra đầu ra đũa. Cái quan trọng khi làm tình nguyện là vừa thỏa mãn nhu cầu thiện nguyện (chia sẻ, cống hiến) thì còn phải nghĩ đến yếu tố an toàn (rủi ro càng thấp càng tốt). Còn đối với người dân, tôi nghĩ họ cho nhiều hơn là nhận đối với các bạn làm tình nguyện. Không có các bạn, họ vẫn sống tốt, và cũng không nghèo khó hơn. Ðừng nghĩ rằng giúp họ giàu lên, hãy nghĩ làm thiện nguyện là để trở thành một người tốt hơn. Muốn vậy phải an toàn là trên hết.

MỚI CẬP NHẬT