Thursday, March 28, 2024

US Route 66, ‘Con Đường Cái Quan’ của Mỹ

Tư Mỏ Lết

Như vậy là ngày mai, 8 Tháng Mười Một, là ngày người dân Mỹ đi bầu, và cũng là ngày kết thúc một mùa bầu cử kỳ quặc vào bậc nhất của cường quốc số một kinh tế, quân sự của thế giới. Nhiều người Mỹ cảm thấy hoang mang, mất tin tưởng vào nền tự do dân chủ Hoa Kỳ. Mà không chỉ riêng ở Mỹ. Người dân khắp nơi trên thế giới, từ già tới trẻ cũng đều để mắt tới cuộc tranh giành chiếc ghế tổng thống giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump. Có nhiều người không thích nước Mỹ, có vẻ hả hê với “kỳ bầu cử kỳ quặc” này mà người Mỹ phải đương đầu.

Trong một hoàn cảnh như vậy, người Mỹ cần phải làm một điều gì đó để lấy lại niềm tin! Làm sao để người Mỹ tin rằng nước Mỹ vẫn “GREAT,” vẫn vĩ đại? Xin mời quí độc giả lái xe hơi, làm một chuyến đi “Con Đường Cái Quan” made in USA, trên con đường lịch sử huyền thoại mang tên US Route 66.

“Con Đường Cái Quan” là một trường ca của nhạc sĩ Phạm Duy, viết về người lữ hành đi con đường xuyên Việt, tức là Quốc Lộ 1. Nó dài khoảng 2,000 km, kéo dài từ miền Thượng Du Bắc Việt, vào đến ruộng đồng bát ngát, phì nhiêu của đồng bằng sông Cửu Long ở miền Nam. Tương tự là con đường lịch sử Route 66 của Mỹ. Nhưng nó dài gần gấp đôi Quốc Lộ 1, với tổng chiều dài khoảng 3,940 km. Nó là một trong những xa lộ (highway) đầu tiên của Mỹ, nối liền miền Đông với miền Viễn Tây Hoa Kỳ, kéo dài từ Chicago, Illinois, và kết thúc ở Santa Monica, California. Route 66 cũng gắn liền với một bài hát kinh điển của nước Mỹ mang tên “Get Your Kicks on Route 66,” được ca sĩ lừng danh da đen Nat King Cole trình diễn lần đầu năm 1946.

US Route 66 được chính thức xác lập cách đây 90 năm, vào Tháng Mười Một, 1926, khi mà các bảng hiệu mang tên 66 bắt đầu được cắm dọc theo đường đi. Nhưng nó đã được bắt đầu xây dựng một phần từ năm 1857 theo nhu cầu của quân đội, và chỉ được trải bê tông hoàn chỉnh vào năm 1938. Con đường này gắn liền với lịch sử xe hơi của nước Mỹ. Khi những chiếc xe huyền thoại Ford Model T của hãng Ford với giá rẻ được bán đại trà trên khắp nước Mỹ vào đầu thế kỷ 20, hầu hết người Mỹ được tự do đi lại trên đất nước của mình, theo cách riêng tư của mình. Cùng với kỹ thuật xây dựng đường xá cũng phát triển, Route 66 được hình thành, đáp ứng nhu cầu lái xe ngày càng tăng của người Mỹ, và đã hình thành căn bệnh “nghiện xe hơi” của dân Hoa Kỳ tới tận ngày hôm nay. Route 66 là một trong những biểu tượng cho quyền tự do đi lại, di trú của người Mỹ.

Route 66 trải dài qua tám tiểu bang Illinois, Missouri, Kansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona, và California. Người Mỹ gọi nó thân thương với nhiều tên khác nhau: “The Mother Road,” “The Main Street of America,” “The Will Rogers Highway,”… Nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel Văn Chương John Steinbeck, trong cuốn tiểu thuyết lừng danh Chùm Nho Uất Hận ( The Grapes of Wrath), chính là người đã đặt tên cho con đường lịch sử này là “Mother Road,” Một năm sau đó, bộ phim cùng tên ra đời, biến Route 66 trở thành bất tử trong tâm thức của người dân Hoa Kỳ.

Một trong những cuộc di dân nổi tiếng nhất của người Mỹ trên Route 66 chính là cuộc trốn chạy đại nạn “Dust Bowl,” xảy ra trong những năm của thập niên 1930. Do không đủ hiểu biết về sinh quyển, môi trường học, nông dân Mỹ trong thập niên trước đó phá hủy vùng đất canh tác tại Great Plains, từ đó tạo nên những trận bão cát khủng khiếp, làm mất trắng đất canh tác của nhiều nông dân, đặc biệt là ở tại các tiểu bang Oklahoma, Texas, Kansas, và Colorado. Đại nạn này đẩy khoảng 200,000 người dân Mỹ di chuyển theo Route 66 từ các vùng bị nạn để đến California tìm nơi sinh sống mới. Cũng từ đó, Route 66 còn có mệnh danh là “con đường của cơ hội.” Cư dân ở dọc theo hai bên Route 66 trở nên giàu có nhờ kinh doanh, buôn bán cho người đi đường. Tình trạng này giống y như những gì đang diễn ra trên những quốc lộ lớn tại Việt Nam hiện nay, khi mà hàng quán mọc dọc theo đường quốc lộ. Nhưng người Mỹ luôn nhìn xa hơn về tương lai, nên đã nhận ra rằng tình trạng buôn bán sẽ ảnh hưởng đến tốc độ di chuyển của xe cộ trên quốc lộ. Cũng từ đó, mà sau này hệ thống Interstate Highway ra đời, với những xa lộ không có giao lộ, xe chạy không bị gián đoạn như hiện nay. Ý tưởng này được Tổng Thống Dwight Eisenhower thực hiện năm 1956. Ông là vị tướng Mỹ xuất sắc của thời Thế Chiến 2, biết học hỏi, áp dụng kỹ thuật xây dựng xa lộ “autobahn” của Đức vào cho nước Mỹ.

Trở lại với thời Thế Chiến 2, Route 66 đã chứng tỏ giá trị của nó, khi trở thành con đường huyết mạch để vận chuyển quân đội, vũ khí, quân trang từ khắp nơi về California, là nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng nhất của Hoa Kỳ, trong cuộc chiến với quân đội Phát Xít Nhật tại mặt trận Thái Bình Dương. Và khi chiến tranh kết thúc, Route 66 lại đưa hàng chục ngàn binh sĩ Hoa Kỳ chiến thắng trở về, đoàn tụ cùng gia đình. Route 66 lại trở thành biểu tượng của chiến thắng, của đoàn tụ. Nó cũng là biểu tượng của sự phục hưng nền kinh tế Hoa Kỳ sau Thế Chiến 2, đẩy nền kinh tế Mỹ dẫn đầu thế giới vững vàng cho đến tận ngày nay. Đối với rất nhiều người Mỹ, nó không chỉ là một con đường. Nó là một biểu tượng của sự độc lập, tinh thần tự do, kết nối người Mỹ từ rặng núi Rocky Mountains ra đến tận Thái Bình Dương. Nó là biểu tượng về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị… Thật là một con đường vĩ đại!

Và rồi ngày nay, mặc dù được thay thế bằng hệ thống freeway hiện đại, tiện nghi, hàng năm vẫn có hàng triệu triệu người Mỹ, cũng như các du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về, để đi lại trên con đường lịch sử này. Route 66 vẫn là một con đường tuyệt vời để du khách đi qua. Có rất nhiều thứ đáng xem, đáng thưởng ngoạn vẫn còn được bảo tồn dọc theo Route 66. Tại California, du khách có thể đến The Last Stop Shop tại cầu cảng của Santa Monica, được xem như là điểm kết thúc của Route 66 bên bờ Thái Bình Dương. Tại cửa hàng này, du khách có thể mua nhiều món quà lưu niệm về Route 66 như ly, tách, áo thun, bảng hiệu… Hoặc là ghé qua cửa hàng The Donut Man tại địa chỉ 915 E. Route 66, Glendora, CA 91740, một “quán bên đường” với món ăn truyền thống của người Mỹ: bánh donut. Ở đây được cho là có món bánh donut ngon nhất, nhiều hương vị tùy theo mùa nhất, đặc biệt là các loại donut trái cây như dâu, đào, táo…

Tại Arizona, du khách có thể ghé qua thành phố Wilson, đi xem cái hố khổng lồ do một thiên thạch rơi xuống trái đất cách đây đã 50,000 năm. Cái hố thiên thạch này sâu đến khoảng 200 mét, và chu vi tới 2.4 dặm. Cũng tại Wilson, nhớ ghé qua Standin’ on the Corner Park, chụp hình lưu niệm đánh dấu địa danh nơi mà băng nhạc Eagles lừng danh đã nhắc tới trong ca khúc top hit Take It Easy.

Nói đến âm nhạc, Route 66 đoạn qua thành phố Tijeras, New Mexico, sẽ cống hiến cho du khách một kinh nghiệm độc đáo: con đường “biết hát!” Nếu du khách đang lái xe về hướng Đông trên Highway 333/Route 66, để ý các bản chỉ đường ghi “Musical Road.” Những bảng chỉ dẫn sẽ hướng dẫn tài xế giảm tốc độ xuống còn 45 mph, và hướng bánh xe cán lên những rãnh nằm dọc theo mặt đường. Làm đúng như vậy, người ngồi trên xe sẽ nghe thấy giai điệu của bài hát America The Beautiful phát ra! Đây là sự thiết kế có tính toán của những kỹ sư làm đường, bố trí những rãnh trên mặt đường sao cho sóng âm tạo ra do ma sát với bánh xe sẽ biến thành nốt nhạc. Đúng là American Dream, muốn là làm được!

Còn nhiều thứ để xem trên con đường lịch sử Route 66 lắm. Trăm nghe không bằng mắt thấy. Hãy sắp xếp, để làm một chuyến du hành trên Route 66. Để ôn lại lịch sử đáng tự hào của nước Mỹ. Để tin tưởng rằng dù ai làm tổng thống Mỹ sau ngày 8 Tháng Mười Một, với cơ chế tự do, dân chủ, tam quyền phân lập như hiện nay, nước Mỹ sẽ tiếp tục “Great” từ quá khứ, sang đến hiện tại, và vươn tới tương lai…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT