Thursday, March 28, 2024

Việt Nam có thể phải rút lại giấy phép cho đổ bùn xuống biển

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Vừa có thêm nhiều diễn biến mới liên quan đến vụ cho phép đổ một triệu khối bùn xuống vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Theo đó, Bình Thuận kiến nghị không nhận chìm bùn thải, vì vậy chính phủ khó tránh khỏi việc phải rút lại giấy phép.

Theo báo Tuổi Trẻ, ông Lê Sỹ Tùng, chánh văn phòng Viện Hàn Lâm Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam, vừa xác nhận rằng chính phủ đã yêu cầu cơ quan này mời các chuyên gia thẩm định tác động đến môi trường của việc đổ một triệu khối bùn xuống biển của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1.

Cần nhắc lại rằng, chuyện đổ một triệu khối bùn xuống vùng biển huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đã từng được đánh giá về tác động đến môi trường và Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã dựa vào báo cáo đó để thay mặt chính phủ cấp giấy phép cho công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 (VTPC1) đem bùn ra đổ ngoài biển.

Hồi trung tuần tháng này, một số chuyên gia tố cáo, báo cáo mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường dựa vào đó để biện minh cho việc cấp giấy phép đổ bùn xuống biển đã mạo danh ít nhất ba người trong số 14 chuyên gia mà báo cáo dẫn tên, cho là có tham gia trong việc thẩm định tác động.

Báo giới cũng đã chứng minh, chuyện Bộ Tài Nguyên-Môi Trường khẳng định, khu vực đáy biển nơi bộ này cho phép đổ bùn “chỉ toàn cát” là dối trá. Các video clip đã được công bố cho thấy, khu vực này có đủ thứ sinh vật biển, thậm chí còn có cả vỉa san hô – nơi cư trú và sinh sản của các sinh vật biển.

Áp lực của dư luận đã khiến chính phủ phải xem xét lại mọi thứ từ đầu. Theo lời chánh văn phòng Viện Hàn Lâm Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam thì chuyện thẩm định tác động đến môi trường của việc đổ một triệu khối bùn xuống vùng biển sẽ được tiến hành “độc lập” – không có sự can dự của Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, cơ quan thay mặt chính phủ quản trị tài nguyên và môi trường.

Ngày 26 Tháng Bảy, tờ Thanh Niên tường thuật, chính quyền tỉnh Bình Thuận chính thức loan báo đã kiến nghị chính phủ chọn hình thức khác để giải quyết một triệu khối bùn của VTPC1 chứ không đem chúng đổ xuống biển.

Ông Nguyễn Đức Hòa, phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận, nói rằng cách nay một tuần, Trung Tâm Nghiên Cứu Pháp Luật và Chính Sách Phát Triển Bền Vững có trụ sở tại Hà Nội đã gửi văn bản cho Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển và nhiều cơ quan hữu trách khác, trong đó có chính quyền tỉnh Bình Thuận, đề nghị rút lại giấy phép cho VTPC1 đổ một triệu tấn bùn xuống biển. Theo trung tâm này, nếu giấy phép không được thu hồi, họ sẽ kiện Bộ Tài Nguyên-Môi Trường ra tòa.

Tại cuộc họp báo, ông Lê Hùng Việt, phó giám đốc Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh, khẳng định chuyện thả lưới, quây khoảng 30 hécta mặt biển để dọn chỗ, chuẩn bị cho việc đổ bùn là do VTPC1 tự ý thực hiện. Bộ Tài Nguyên-Môi Trường chỉ mới cấp giấy phép cho đổ bùn chứ chưa có quyết định giao biển.

Ông Huỳnh Thái Dương, phó Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Bình Thuận, nói thêm chính quyền tỉnh Bình Thuận đã có rất nhiều văn bản gửi trung ương quanh chuyện đổ bùn xuống biển nhưng vì là tài liệu mật nên không thể công bố.

VTPC1 là liên danh giữa Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc góp đến 95% vốn.

Suốt thập niên vừa qua, cả chuyên gia trong nước lẫn chuyên gia quốc tế liên tục khuyến cáo không nên xây dựng thêm các nhà máy phát điện bằng than vì chúng chính là những tác nhân hủy diệt môi trường, làm gia tăng tỉ lệ mắc các bệnh hiểm nghèo nhưng chính phủ vẫn xác định, đến 2030, những nhà máy này sẽ chiếm 56.4% cơ cấu năng lượng của Việt Nam.

Việt Nam hiện có 20 nhà máy phát điện bằng than nhưng thay vì dẹp bớt, chính quyền cương quyết nâng con số này lên 32 vào năm 2020 rồi lên 51 vào năm 2030. Ba năm nữa, mỗi năm Việt Nam sẽ đốt 63 triệu tấn than/năm. Đến 2030, khối lượng than được đốt sẽ là 129 triệu tấn/năm.

Có một điểm đáng chú ý là đa số nhà máy phát điện bằng than sắp được xây dựng đều nằm sát các khu bảo tồn biển (khu vực cấm tất cả các hình thức tác động để duy trì sự đa dạng sinh học, bào tồn các nguồn lợi từ biển).

Cũng vì lý do đó, chính quyền đã phải tổ chức di dời 10,000 cụm và khối san hô ven bờ biển Bình Thuận đi nơi khác để chúng không bị hủy diệt do hoạt động của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1. Kể đến là cho phép đổ bùn xuống biển.

Vụ “đổ bùn xuống biển” phát xuất từ việc phát triển các nhà máy phát điện bằng than: Phải nạo vét khu vực ven bờ để thiết lập hải cảng tiếp nhận than. Chuyện đem bùn cũng như các chất thải khác tích tụ sau khi nạo vét, xây dựng nhà máy nhiệt điện xuống biển đã được chấp thuận cách nay vài năm. Bộ Tài Nguyên-Môi Trường chỉ là nơi thay mặt chính phủ cấp giấy phép cho một “chủ trương lớn.”

Theo báo Tuổi Trẻ, ngày 23 Tháng Sáu, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường đã cấp giấy phép cho phép công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật liệu nạo vét phục vụ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận). Khu vực biển được cấp phép đổ bùn nằm gần khu bảo tồn biển Hòn Cau thuộc huyện Tuy Phong, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước.

Đây là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với gần 234 loại san hô và các rạn ngầm là bãi đẻ của tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh. Đồng thời còn có sự hiện diện của trên 34 loài thủy sinh vật quý hiếm nằm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng và là bãi đẻ của rùa biển, đồi mồi.

Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi việc cho đổ lượng bùn sau nạo vét xuống vùng biển này có đe dọa trực tiếp đến quần thể san hô và tác động hiệu ứng tràn của biển ở khu vực này hay không. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT