Thursday, March 28, 2024

Thân phận văn nghệ Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản

Văn Lang

Lịch sử đang qua đi, bốn quốc gia cuối cùng theo thể chế Cộng Sản cũng đang bước vào buổi “hoàng hôn” của triều đại. Nhưng nhìn lại quá khứ cũng vẫn là bổn phận của người cầm bút, để khi lịch sử sang trang, nhờ cái nhìn dự phóng mà mọi người có thể cùng mạnh bước hướng tới tương lai.

*Những thân phận trái chiều

Nguyễn Khải là một nhà văn quân đội, thuộc Tổng Cục Chính Trị của Hà Nội.

Sau 1975, Nguyễn Khải sống và viết tại Sài Gòn. Ðược một bộ phận độc giả của Sài Gòn đọc và coi như một “tay VC Bắc Việt,” duy nhất có cái để mà đọc.

Xuất thân của Nguyễn Khải cũng khá “ly kỳ.” Là con của người vợ lẽ (vợ bé) của một ông quan huyện. Sau này người cha di cư vô Nam, Nguyễn Khải lấy họ mẹ.

Theo Việt Minh kháng Pháp, Nguyễn Khải vừa làm y tá, vừa tập tành viết báo.

Theo lời kể, thời ở chiến khu, được tin quân Pháp sắp nhảy dù để truy bắt các cơ quan kháng chiến của Việt Minh. Ðơn vị của Nguyễn Khải được lệnh di chuyển, rút sâu hơn nữa vô rừng. Lúc đó Nguyễn Khải đang lên cơn sốt rét nặng, nằm mê man trong lán. Ðơn vị rút đi, bỏ lại cho Nguyễn Khải một ít gạo và muối.

Tỉnh dậy giữa lán trại trống hoác trong rừng, không rõ thời gian đã qua bao lâu. Chỉ thấy bụi mọt của lán rơi quanh chỗ nằm thành một hình nhân. Nguyễn Khải bò ra suối uống nước, khi phần nào hồi tỉnh Nguyễn Khải nấu cơm, ăn rồi nhắm hướng băng rừng tìm theo đơn vị cũ…

Sau vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, Trần Dần bị Tổng Cục Chính Trị gọi về kiểm điểm.

Theo lời kể, tại nhà khách của tổng cục, Trần Dần cứ nằm trên giường, mắt nhìn lên trần nhà và liên tục đốt thuốc. Tất cả những tàn thuốc mà Trần Dần quăng xuống nền nhà đều được Nguyễn Khải thu dọn sạch sẽ.

Sau 1975, Nguyễn Khải được đeo lon đại tá và được bầu vào Quốc Hội.

Nguyễn Khải nói với mọi người: “Mình được vào Quốc Hội vì người ta biết tỏng là mình.. hèn.”

Sau Ðại Hội VI, đổi mới của Cộng Sản, Nguyễn Khải được bầu là phó tổng thư ký thường trực Hội Nhà Văn Việt Nam. Hết nhiệm kỳ, Nguyễn Khải được gọi ra Hà Nội để bỏ phiếu “hợp thức hóa” bộ sậu mới của Hội Nhà Văn đã được chỉ định từ trước. Nguyễn Khải từ chối không ra Hà Nội, để phản đối cái “dân chủ giả cầy” của triều đình. Và có lẽ đó là hành động “phản kháng” duy nhất của một nhà văn mang lon đại tá, lâu nay vẫn được Tổng Cục Chính Trị và chế độ tin dùng.

Nhưng hãy đọc Nguyễn Khải, người đã đem đời mình dâng cho Cộng Sản, viết trong di cảo. Ðại ý: “Sống như một con gián, làm người còn chưa xong, sao có thể làm nhà văn?”

*Ra đi và trở về

Thời tiền chiến, đã nảy sinh một tình bạn qua mối “lương duyên” âm nhạc của hai cây đại thụ nền tân nhạc là Phạm Duy và Văn Cao.

Văn Cao với những: “Buồn Tàn Thu,” “Suối Mơ,” “Thiên Thai”… là người dáng phần nho nhã, nhưng Văn Cao cũng yêu nghề “kiếm cung.” Từng là trưởng ban ám sát của Việt Minh ở Hải Phòng.

Văn Cao cũng là tác giả của bài Tiến Quân Ca, sau bài này trở thành quốc ca của nước Việt Nam (cộng sản).

Sau vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, Văn Cao không được chính thức xuất hiện ở bất kỳ đâu, chỉ viết nhạc không lời. Cho tới năm 1976, mới viết bài “Mùa Xuân Ðầu Tiên” như một niềm hy vọng len lén, nhưng cũng không được cho hát ở trong nước (mãi cho tới sau này).

Văn Cao sống trong lặng lẽ cho tới khi ông qua đời. Niềm day dứt của ông, có lẽ được gởi gắm trong chùm thơ “Năm buổi sáng không có trong sự thật,” đăng trên tạp chí Sông Hương, có lẽ là số Xuân 1986 (hoặc sau đó 1-2 số).

Phạm Duy có nhiều sáng tác nổi tiếng trong kháng chiến. Nhưng sau đó ông bỏ về thành, rồi vô Nam. Sau 1975, ông định cư tại Hoa Kỳ.

Âm nhạc của Phạm Duy có đầy đủ, từ đạo ca, tình ca, tục ca, tới… ”thương mại ca.” Vì ông cũng cần phải sống và nuôi gia đình.

Cuộc đời cũng như sự nghiệp âm nhạc của Phạm Duy đầy đủ những cung bậc hỉ-nộ-ái-ố của thế cuộc thăng trầm.

Khi Phạm Duy “dinh tê” Cộng Sản coi Phạm Duy là kẻ phản bội. Ðến nỗi, khi viết lịch sử tân nhạc họ không muốn nhắc tới Phạm Duy.

Còn khi Phạm Duy về nước. Người Việt hải ngoại coi Phạm Duy như một kẻ phản bội lý tưởng quốc gia.

Sự thật, khi đã bỏ Cộng Sản ra đi, Phạm Duy chỉ trở về với dân, với nước, với người yêu âm nhạc của ông. Vì nếu còn cộng sản, như cái thời chuyên chính, thì Phạm Duy không thể trở về.

Người đi theo Cộng Sản tới mút mùa kháng chiến phải kể tới nhà văn Vũ Hạnh. Trước 1975, Vũ Hạnh từng nổi tiếng với tập “Bút Máu,” “Người Việt Cao Quý”…

Sau 1975, trong lòng độc giả, nhà văn Vũ Hạnh đã chết, chỉ còn con người cán bộ hiện hữu như một xác sống thích di hành.

Cuối cùng, khi tác giả nằm xuống, những eo xèo yêu ghét quanh họ cũng dần lặng thinh. Là lúc tác phẩm lên tiếng, nếu là tiếng nói chân thực thì tác phẩm đó sẽ bền bỉ với thời gian. Chống lại mọi sự lãng quên, sự phỉ báng, sự hư vô hóa và thách thức mọi thể chế chính trị đã từng mưu toan cầm tù nó.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Hai, ngày 20 tháng 3 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT