Wednesday, April 17, 2024

Cho phép ‘đổ bùn xuống biển’ ở Bình Thuận giống hệt vụ Formosa

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Bộ Công Thương vừa đình chỉ chức vụ giám đốc Trung Tâm Tư Vấn Đầu Tư và Chuyển Giao Công Nghệ của ông Hà Quốc Quân vì đang là viên chức mà lại điều hành doanh nghiệp tư nhân.

Công ty Tư Vấn Xây Dựng Cảng Biển Việt Nam do ông Quân làm chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc bị tố cáo đã mạo danh ít nhất ba nhà khoa học khi soạn thảo báo cáo biện minh cho việc công ty Điện Lực Vĩnh Tân 1 (VTPC1) đem một triệu khối bùn đổ xuống vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.

Báo cáo vừa kể liệt kê tên của 14 nhà khoa học tham gia vào việc biện minh. Đến giờ này, ngoài ông Nguyễn Tác An, phó chủ tịch Hội Khoa Học-Kỹ Thuật Biển Việt Nam, cựu viện trưởng Viện Hải Dương Học Nha Trang, còn có bà Nguyễn Ngọc Bảo Trâm làm việc tại Trung Tâm Quy Hoạch-Quản Lý Tổng Hợp Vùng Duyên Hải Khu Vực Phía Nam, và bà Lê Thị Vân Linh, làm việc tại Viện Kỹ Thuật Biển, khẳng định rằng họ không tham gia khảo sát, góp ý như báo cáo nêu.

Ông An cho biết, sau khi ông lên tiếng, công ty Tư Vấn Xây Dựng Cảng Biển Việt Nam đã liên lạc với ông để xin lỗi. Công ty này giải thích, việc đưa tên ông vào báo cáo là do nhầm lẫn của thư ký. Công ty chưa nói gì thêm về trường hợp bà Trâm, bà Linh.

Theo tờ Tuổi Trẻ thì Bộ Công Thương mới xác định, chuyện ông Hà Quốc Quân vừa là viên chức, vừa thành lập, điều hành một doanh nghiệp tư nhân là vi phạm Luật Phòng-Chống Tham Nhũng và Luật Viên Chức. Bộ này đã yêu cầu Viện Nghiên Cứu Chiến Lược-Chính Sách Công Nghiệp, nơi quản lý trung tâm mà ông Quân đang làm giám đốc, làm rõ các vi phạm và xem xét, kỷ luật ông này.

Còn Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, nơi cấp giấy phép cho VTPC1 đổ khoảng một triệu tấn bùn xuống biển, thì im lặng. Trước đây, báo cáo biện minh cho việc VTPC1 đem một triệu khối bùn đổ xuống vùng biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, được bộ này sử dụng để khẳng định việc cấp giấy phép cho VTPC1 đổ bùn xuống biển là có… “căn cứ khoa học.”

Đến nay, các tình tiết liên quan đến chuyện cho phép VTPC1 đổ bùn xuống biển cho thấy, trường hợp này giống hệt trường hợp cho tập đoàn Formosa xây dựng cụm nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh.

Trước kia, dự án đầu tư của Formosa vào khu công nghiệp Vũng Áng được xác định là “chủ trương lớn” vì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm. Gần đây, dự án đầu tư của VTPC1 cũng là “chủ trương lớn” vì cần tăng sản lượng điện thông qua việc phát triển hệ thống nhà máy dùng than phát điện trên toàn quốc để phát triển kinh tế.

Trên danh nghĩa, dự án xây dựng cụm nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh, do tập đoàn Formosa đầu tư nhưng nhiều tài liệu cho thấy, vốn và công nghệ của dự án này dính líu đến Trung Quốc. Tương tự, VTPC1 là liên danh giữa Tập Đoàn Than-Khoáng Sản Việt Nam (TKV) với Trung Quốc, trong đó phía Trung Quốc góp đến 95% vốn.

Các chuyên gia đều liên tục khuyến cáo về nguy cơ ô nhiễm, lẫn những tác hại khó lường đến kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị của cả hai dự án nhưng những khuyến cáo đó đều bị giới hữu trách vứt vào thùng rác, một phần bởi đó là “chủ trương lớn,” phần khác là do cả hai dự án đều đã được “thẩm định, đánh giá một cách kỹ lưỡng về mọi mặt, đặc biệt là khoa học.”

Trong trường hợp Formosa, chính quyền Việt Nam chỉ thừa nhận việc “thẩm định, đánh giá” có sơ suất do không lường hết được các “diễn biến phức tạp” tác động đến môi trường, hệ sinh thái biển sau khi Formosa thử vận hành nhà máy thép hồi Tháng Tư, 2016, gây ô nhiễm toàn bộ vùng biển phía Bắc miền Trung. Vụ “đổ bùn xuống biến” cũng từng được khẳng định là đã “thẩm định, đánh giá một cách kỹ lưỡng về mọi mặt, đặc biệt là khoa học.”

Hồi đầu tháng này, ông Nguyễn Linh Ngọc, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường – người ký quyết định cho VTPC1 đổ bùn và chất thải xuống biển – nói với tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, đáy của vùng biển mà ông thay mặt bộ cho phép VTPC1 mang một triệu khối vừa bùn, vừa chất thải tới đổ “chỉ toàn cát.” Nếu có sự hiện diện của các sinh vật biển (cỏ biển, san hô&) tại đó thì “không bao giờ Bộ Tài Nguyên-Môi Trường cho phép.”

Truyền hình VTC News 14 đã cử phóng viên đến vùng biển mà bộ này cho phép VTPC1 đổ bùn và chất thải xuống đó để khảo sát. Clip do ngư dân hỗ trợ phóng viên VTC News thực hiện cho thấy, 30 hécta đáy biển – nơi mà VTPC1 được phép đổ bùn và chất thải có đủ thứ sinh vật biển, thậm chí còn có vỉa san hô. Ông Ngọc nói dối. Ông im lặng, không lên tiếng trước những cáo buộc rằng ông ta đã dối trá.

Sau một năm “sửa chữa, khắc phục” những sai sót, Formosa đã được phép vận hành nhà máy thép ở khu công nghiệp Vũng Áng. Tuy tuyên bố sẽ không “đem môi trường sống đổi phát triển kinh tế” nhưng chính quyền Việt Nam không thể đóng cửa nhà máy thép của Formosa vì đã cấp cho Formosa đủ loại giấp phép, kể cả giấy phép xả nước thải không cần xử lý một cách kỹ lưỡng ra biển. Nếu đáp ứng mong muốn của hàng triệu người Việt – đóng cửa Formosa, chắc chắn tập đoàn này sẽ kiện chính phủ Việt Nam ra tòa.

Vụ “đổ bùn xuống biển” cũng thế, đề nghị nạo vét khu vực ven bờ để thiết lập hải cảng tiếp nhận than và đem bùn cũng như các chất thải khác tích tụ sau khi nạo vét, xây dựng nhà máy nhiệt điện xuống biển đã được chấp thuận cách nay vài năm. Bộ Tài Nguyên-Môi Trường không thể từ chối cấp phép. Nếu không, chính phủ Việt Nam cũng sẽ bị kiện.

Điểm khác biệt duy nhất giữa vụ Formosa với vụ đổ bùn xuống biển là cả dân chúng lẫn báo giới Việt Nam cùng thấy rằng, nếu không lên tiếng một cách tích cực, chính họ chứ chẳng riêng ngư dân, nông dân cũng lãnh đủ. Hàng triệu khối bùn có tiếp tục được cho đổ xuống biển hay không là chuyện phải chờ để xem nhưng chắc chắn hàng triệu khối bùn, chất thải này và vài triệu khối bùn, chất thải khác của các nhà máy phát điện bằng than sẽ được đổ ở đâu đó bởi tất cả các dự án đầu tư đều đã được duyệt, các nhà đầu tư đều đã cầm trong tay giấy phép đầu tư.

Theo tờ Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, hiện nay, các nhà máy nhiệt điện than đã ảnh hưởng xấu đến môi trường và sức khỏe của người dân. Ông Trần Đình Sính, phó giám đốc Trung Tâm Phát Triển Sáng Tạo Xanh (GreenID), dẫn báo cáo công trình nghiên cứu của nhóm mô hình hóa học khí quyển thuộc trường Đại Học Harvard, cho thấy số người chết sớm liên quan đến nhiệt điện than vào năm 2010 trên toàn thế giới là 3.2 triệu người, trong đó ở Việt Nam là 31,000 người và riêng đồng bằng sông Cửu Long là 8,000 người.

Báo này cho hay: “Nếu con số định lượng này được xác thực, thì số người chết vì nhiệt điện than hàng năm cao gấp hơn ba lần số người chết vì tai nạn giao thông, chưa kể kèm theo đó là chi phí y tế khổng lồ do suy giảm về sức khỏe nơi các nạn nhân.”

“Nhiệt điện than đang là một vấn đề toàn cầu, và giải pháp ở các nước phát triển là từng bước loại bỏ chúng vì những thiệt hại quá lớn so với lợi ích. Ngay tại Mỹ, nước có trình độ khoa học kỹ thuật hàng đầu và các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với tình trạng gây ô nhiễm, nhiệt điện than vẫn đang gây ra khá nhiều hệ lụy,” bài báo viết.

“Một báo cáo của Nhóm Công Tác Về Khí Quyển Hoa Kỳ (Clean Air Task Force) ước tính rằng riêng tại nước này, ô nhiễm không khí do nhiệt điện than trong năm 2010 gây ra 13,000 cái chết sớm, 20,000 người mắc bệnh tim, mất 1.6 triệu ngày công do ốm đau, và tổng thiệt hại tính bằng tiền là hơn $100 tỷ hằng năm,” báo cho hay.

Tuy các nhà máy phát điện bằng than bị xem là tác nhân hủy diệt môi trường nhưng chính phủ Việt Nam đã xác định, đến 2030, những nhà máy này sẽ chiếm 56.4% cơ cấu năng lượng của Việt Nam. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT