Một mùa Hè nóng đỏ

Lê Mạnh Hùng

Mùa Hè năm nay Luân Đôn nóng lạ thường. Không những vậy, cái nóng lại càng kéo dài hết ngày này qua ngày khác.

Anh Quốc là một nơi nổi tiếng là có một mùa Hè ngắn ngủi. Người Anh thường than phiền rằng mùa Hè chỉ kéo có một hai ngày rồi sau đó lạnh lại. Nhưng lần này thì khác, cái nóng kéo dài đến nỗi, tờ Daily Mail có bức tranh hí họa, hai anh chàng mặc áo thun quần xà lỏn vào một cửa hàng công ty du lịch nói muốn mua vé đi bất cứ nơi nào cốt là nó có nhiệt độ dưới không độ.

Nhưng Anh không phải là nơi duy nhất có mùa Hè nóng bỏng. Mùa Hè năm nay mang lại sức nóng bất thường với những nhiệt độ kỷ lục trên khắp vùng Bắc Bán Cầu.

Cùng thời điểm, Nhât Bản ghi nhận một nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử. Tại Kimagaya, một thành phố chỉ cách Tokyo có 40 dặm Anh, nhiệt độ lên đến 104 độ F (41.1 độ C) trong một trận nóng kéo dài nhiều tuần đã làm chết ít nhất là 41 người. Nhiệt độ cao cũng tấn công vào các nước khác tại Đông Á. Cả Nam và Bắc Hàn đều thấy các nhiệt độ kỷ lục lên đến 104 độ F.

Hầu hết Châu Âu cũng bị đè dưới một khối không khí áp suất cao cho phép nhiệt lượng từ vùng nhiệt đới xâm nhập lên đến tận vùng Bắc Cực và chặn không cho mưa xuống để có thể giải tỏa sức nhiệt.

Nhiệt độ trên 32 độ C đã lên đến tận vùng cực Bắc của bán đảo Scandinavia lập những kỷ lục mới về nóng tại những vùng phía trên Bắc cực đới (Arctic Circle). Hậu quả là một loạt các vụ cháy rừng ở Thụy Điển đến nỗi nước này lần đầu tiên phải cầu cứu các nước khác như Ý trợ giúp.

Tại Anh, trời không những nóng mà còn khô nữa. Theo cơ quan khí tượng Anh, đây là một mùa Hè khô nhất trong lịch sử với cơ quan y tế đưa ra đến ba đợt cảnh cáo đề phòng say nắng và khuyên các cụ nên ở trong nhà không nên ra ngoài.

Tại Bắc Phi, sa mạc Sahara, vốn không lạ lùng gì với sức nóng nhưng cũng không chịu được nhiệt độ lần này. Nhiệt độ 51.3 độ C (124 độ F) đo được hôm 5 Tháng Bảy tại Ouargia, Algeria, là nhiệt độ cao nhất đo được một cách chính xác tại lục địa Châu Phi theo tổ chức Khí Tượng Thế Giới (World Meteorological Organisation).

Châu Mỹ cũng không tránh khỏi đợt nóng này. Tháng trước một đợt nóng đập vào Canada dẫn đến nhiệt độ lên đến 36.6 độ C (98 độ F) tại Montreal vào hôm 2 Tháng Bảy. Có ít nhất là 70 người chết vì những lý do liên quan đến đợt nóng này tại tỉnh Quebec.

Tại Mỹ đợt nóng Tháng Bảy đã đập vào hầu như toàn thể nuớc Mỹ, từ vùng New England Đông Bắc xuống đến vùng sa mạc Tây Nam Arizona và Texas. Đặc biệt một đợt nóng kéo dài tại Dallas-Fort Worth đã mang đến bốn ngày liên tiếp nhiệt độ kỷ lục 109 độ F (43 độ C). Tháng Bảy năm nay mang lại 41 kỷ lục mới về nhiệt độ cao, nhưng không một kỷ lục mới nào về nhiệt độ thấp tại Mỹ.

Những đợt nóng này là những gì mà các nhà khoa học vẫn cảnh cáo là hậu quả của tình trạng hâm nóng toàn cầu. Michael Mann, một khoa học gia về khí hậu và giám đốc Trung Tâm Earth System Science Center của Penn State University cho biết: “Hệ quả của thay đổi khí hậu không còn khó thấy nữa. Chúng ta có thể thấy rõ trước mắt dưới dạng các đợt nóng chưa từng thấy, lụt, hạn và cháy rừng. Và chúng ta đã thấy chúng trong mùa Hè năm nay.”

Theo bà Katharine Hayhoe, một nhà khí hậu học tại truờng đại học Texas Tech, thì các hiện tượng cực đoan đã trở thành bình thường với hâm nóng toàn cầu đã là cán cân nghiêng về phía cực đoan: “Lạnh và nóng, hạn và lụt, những tình trạng tự nhiên này của thời tiết, chúng ta gặp chúng thường ngày. Nhưng hiện nay, thay đổi khí hậu đã làm cho một số điều kiện cực đoan tỷ như những đợt nóng lạnh, lụt hạn trở thành nhiều hơn và có cường độ cao hơn là khi truớc.”

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ đợt lạnh tàn bạo với những trận bão tuyết lớn đập vào vùng New England vào cuối mùa Đông năm ngoái và đầu mùa Xuân năm nay. Đợt lạnh này đã làm cho nhiều người tỏ ra nghi ngờ hâm nóng toàn cầu là một chuyện tuởng tượng như chính Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã “tweet” vào Tháng Giêng năm nay: “Chúng ta đang trải qua mùa Đông lạnh nhất từ hơn hai thập niên. Hầu hết mọi người đều chưa bao giờ nhớ là đã gặp một tình trạng như vậy. Hâm nóng toàn cầu?”

Câu hỏi của ông Trump nay đã được trả lời. Tuy rằng mùa Đông cũng vẫn sẽ lạnh và còn có thể lạnh hơn bình thường nhưng cái nóng sẽ trở lại và mùa Hè sẽ còn nóng hơn.

Theo tổ chức Khí Tượng Thế Giới năm 2018 là năm nóng nhất của hiện tượng La Nina (hiện tuợng trái ngược với El Nino trong đó nước mặt tại Thái Bình Dương lạnh đi làm trái đất giảm nóng) và với La Nina yếu đi và El Nino (làm nước mặt Thái Bình Dương ấm lên) mạnh lên, tình hình có triển vọng sẽ càng ngày càng trở nên cực đoan hơn. (Lê Mạnh Hùng)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.