Ngưng chiến mậu dịch

Ngô Nhân Dụng

Đầu Tháng Tư, khi hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc phát lệnh một cuộc chiến tranh mậu dịch, bên này dọa đánh thuế nhập cảng trên hàng của bên kia, mục này đã nhận xét cả hai cùng “Nâng cao, đánh khẽ” và đoán rằng sớm muộn “cuộc chiến có thể xuống thang.”

Cuối tuần qua, quả nhiên họ đã “xuống thang.” Sau hai ngày trò chuyện giữa ông Steven Mnuchin, bộ trưởng Tài Chánh Mỹ, và ông Lưu Hạc, phó thủ tướng nước Tàu, hai bên tuyên bố đình chiến. Bản thông cáo chung nói rằng hai bên đồng ý sẽ giảm bớt số khiếm hụt mậu dịch của Mỹ, nhưng không nói sẽ bớt chỗ nào và bớt bao nhiêu, dù trước đây Mỹ đòi bớt mỗi năm $200 tỷ, hơn một nửa số thâm thủng $375 tỷ năm ngoái.

Cuộc ngưng bắn bắt đầu, Tân Hoa Xã, cái loa của Cộng Sản Trung Quốc, loan tin “ông Lưu Hạc đạt thắng lợi.” Vì chính phủ Mỹ ngưng, không đánh thuế trên $150 tỷ hàng Trung Quốc như mới đe dọa gần hai tháng trước. Tổng Thống Trump cũng “tuýt” rằng phe ta thắng lớn! Vì Trung Cộng đã hứa sẽ mua thêm nông sản và dầu cùng khí đốt của nước Mỹ.

Nhà kinh tế Greg Ip viết trên nhật báo The Wall Street Journal, một tờ báo bảo thủ chuyên về kinh tế, tài chánh thường ủng hộ đảng Cộng Hòa, có vẻ đồng ý với ông Lưu Hạc. Ông cũng thấy rằng Trung Cộng có vẻ thắng (China, incredibly, appears to be winning). Vì họ thoát không bị đánh thuế (1,300 món hàng, như Mỹ đã đe dọa) trong khi không nhượng bộ một cái gì đáng kể. Thế cờ của Trung Cộng yếu hơn, Greg Ip nhận xét, vì nếu chiến tranh mậu dịch xảy ra thì kinh tế Trung Cộng thiệt hại nhiều hơn Mỹ. Nhưng họ lại thắng, vì cao tay.

Ông thấy hai lý do khiến Mỹ nhượng bộ. Một là Mỹ đang cần Trung Cộng trên ván cờ bom nguyên tử của Bắc Hàn, ngay trong tháng này. Hai là các tiểu bang nông nghiệp ở Mỹ đã bỏ phiếu cho Tổng Thống Trump lo sẽ bị Bắc Kinh trả đũa, đánh thuế trên những thứ như bắp, đậu nành và cao lương. Năm 2016, ông Trump thắng ở tiểu bang Iowa, họ bán cho Trung Quốc gần $2 tỷ nông sản, phần lớn là đậu nành. Trung Cộng đánh đúng huyệt. Ông Trump không muốn mất phiếu trong mùa bầu cử Quốc Hội năm nay.

Sau khi vụ Trump-Kim hội ngộ (nếu có) và sau khi dân Mỹ bỏ phiếu xong, thế cờ sẽ khác. Bởi vì lời hứa mua nông sản và dầu, khí của Trung Cộng không ảnh hưởng tới kinh tế Mỹ nước như chúng ta tưởng. Cả hai loại “hàng hóa” đó đều mua bán trên thị trường thế giới. Giá cả do cung cầu quyết định, không ai có thể sắp đặt bắt người ta phải trả giá cao trong khi thị trường giá thấp.

Ông Steven Mnuchin nói Trung Cộng sẽ mua thêm nông sản, 35% đến 40%. Mỗi năm Trung Quốc mua hàng trăm tỷ đô la nông sản, nước Mỹ cung cấp 20%, khoảng $21 tỷ. Khoảng hai phần ba là đậu nành.

Dù ông Lưu Hạc có hứa hay không thì nước Tàu vẫn cần mua đậu nành. Bữa ăn của người Tàu đang thêm món thịt, ngày càng nhiều. Nuôi gia súc cần đậu nành. Trung Quốc mua 60% tổng số đậu nành bán trên thế giới. Một nửa số đó nhập cảng mua từ Brazil, một phần ba mua của Mỹ. Nếu Trung Quốc mua thêm đậu nành của Mỹ, thì sẽ bớt mua của Brazil. Brazil sẽ hạ giá đậu nành, các nước khác sẽ mua của Brazil, sẽ bớt mua của Mỹ. Nhà nông Brazil sẽ đi trồng thứ ngũ cốc khác, trong khi nhà nông Mỹ sẽ trồng thêm đậu nành.

Thị trường nông sản thế giới vẫn chạy theo luật cung cầu như vậy. Các nhà nông Mỹ quen sống với quy luật thị trường. Họ cạnh tranh với nông gia nước khác nhờ tăng năng suất, chứ không nhờ nhà nước bảo trợ! Đậu nành, hay bắp, hay cao lương đều như vậy cả.

Dầu và khí đốt tương tự như vậy. Ông Lưu Hạc hứa sẽ tăng số nhập cảng gấp đôi trong vòng năm năm. Các nhà máy, lò điện bên Tàu cần mua khí đốt. Hiện nay nhu cầu mua khí đốt lỏng (LNG) của Trung Quốc đang lên, đứng hàng đầu thế giới. Hiện nay Mỹ đang tăng gia xuất cảng dầu và khí đốt, nhờ kỹ thuật khai thác mới, hiệu năng cao; trở thành một trong ba nước xuất cảng nhiều nhất. Nếu Trung Quốc không mua thì họ bán cho nước khác. Giá cả do thị trường toàn cầu quyết định chứ không chính phủ nào áp đặt nổi.

Năm ngoái Trung Quốc mua $2.7 tỷ dầu, khí của Mỹ, bằng 2.9% tổng số dầu khí nhập cảng. Nhu cầu của người Tàu còn lên cao, thế giới chưa cung cấp đủ, nếu mua thêm của Mỹ thì cũng không giảm số mua từ nước khác. Mùa Đông vừa rồi, nhiều khu vực ở miền Bắc nước Tàu sưởi nóng không đủ, nhiều nhà bị cắt sưởi luôn, mặc dù đã cấp thời tăng số hơi đốt mua từ Australia và mấy nước Trung Á.

Trước khi ông Lưu Hạc qua “đàm phán,” từ năm ngoái công ty CCNP của Trung Cộng đã xin ký hợp đồng dài hạn mua LNG từ vùng Vịnh Mexico của công ty Mỹ Cheniere Energy Inc. Mỗi năm sẽ bán 1.2 triệu tấn hơi lỏng, cho tới năm 2043. Nước Tàu sẽ nhập cảng thêm nhiều dầu, nhiều khí đốt, không cách nào khác!

Tóm lại, ông Lưu Hạc đã long trọng hứa sẽ mua nông sản và dầu, khí, những thứ mà đằng nào nước Tàu cũng phải mua thêm!

Tất nhiên, Trung Cộng có thể mua thêm các bộ phận bán dẫn (semiconductors) của Mỹ, năm ngoái đã mua hơn $6 tỷ; và họ rất muốn mua thêm. Nhưng chính phủ Mỹ có muốn bán hay không? Năm ngoái Mỹ xuất cảng $47 tỷ các thứ chíp, phần lớn sang các nước Á Châu khác, để ráp vào đồ điện tử do các công ty Mỹ sản xuất. Nếu bán sang Tàu tức là các công ty Mỹ phải chuyển các nhà máy ráp sang nước Tàu, mà ở dó lương công nhân cao hơn!

Tháng trước, Bộ Thương Mại Mỹ đã cấm không bán chíp cho ZTE Corp., một công ty lớn sản xuất điện thoại của Trung Quốc. Vì ZTE đã vi phạm lệnh cấm vận trên Iran, một nước đối đầu với Mỹ. Nhưng ông Lưu Hạc đã nói khéo làm sao mà chính phủ Trump đổi ý kiến, ZTE thoát không bị sạt nghiệp! Chính phủ Mỹ đã hy sinh một vấn đề an ninh quốc gia để chìu lòng Bắc Kinh, nhường nhịn tối đa.

Bắc Kinh có thể làm đúng lời hứa của Lưu Hạc. Nếu họ tăng số nông sản của Mỹ thêm 40%, thì sẽ từ hơn $20 tỷ lên thành gần $30 tỷ. Tăng gấp đôi số mua năng lượng, sẽ lên thành gần $6 tỷ. Những con số đó quá nhỏ so với mục tiêu mà chính phủ Trump yêu cầu, là phải cắt bớt $200 tỷ khiếm hụt mậu dịch!

Nhưng nếu Bắc Kinh chịu thua, đồng ý mua thêm hàng hóa để giảm bớt $200 tỷ khiếm hụt mậu dịch, thì trong thực tế kinh tế Mỹ không thể đáp ứng để đạt chỉ tiêu đó!

Kinh tế Mỹ đang lên đến đỉnh cao nhất trong chu kỳ phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp xuống dưới 4%, và sẽ còn xuống nữa. Mỹ đang bước vào giai đoạn “toàn dụng,” rất khó kiếm được công nhân và nhân viên làm thêm việc. Các nhà máy cũng gần như toàn dụng, muốn sản xuất thêm phải mất nhiều năm.

Chẳng hạn, nếu Trung Cộng chịu mua thêm máy bay Boeing, mỗi chiếc từ $250 đến $300 triệu thì sao? Năm ngoái, Boeing xuất cảng sang Tàu được $16.3 tỷ, trong số hơn $93 tỷ bán khắp thế giới. Hiện nay công ty có 5,800 đơn đặt hàng mua, số “backlog” này phải bẩy năm mới cung cấp được. Boeing có thể bán thêm 10 máy bay một năm cho Trung Quốc nếu yêu cầu các khách hàng khác hoãn thời hạn nhận hàng. Nhưng bán cho Trung Quốc thì khỏi bán cho nước khác! Trì hoãn sẽ mất khách, họ sẽ đi mua của Airbus bên Âu Châu!

Tóm lại, cuộc “chiến tranh mậu dịch” khó xảy ra vì không đơn giản. Cán cân thương mại không phải là vấn đề lớn nhất trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Vấn đề lớn hơn là tham vọng của ông Tập Cận Bình trong kế hoạch “Made in China 2025” nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật của các công ty Trung Quốc. Họ muốn đuổi kịp Mỹ, sẵn sàng vi phạm bản quyền, quyền sở hữu trí tuệ của công nghiêp tiên tiến Mỹ; trong khi đó chiếm lấy các thị trường Mỹ đang nắm trong tay. Bắc Kinh hạn chế hoạt động của các xí nghiệp ngoại quốc ở nước họ, buộc các công ty Mỹ phải cộng tác với người Tàu, phải chuyển giao kỹ thuật, nếu cần thì ăn cắp.

Sau cùng, nguyên nhân chính gây ra khiếm hụt mậu dịch là người Mỹ không thích tiết kiệm mà thích mua sắm. Không chính phủ nào có thể bắt dân Mỹ tiết kiệm nhiều hơn. Nếu nước Mỹ bớt được số khiếm hụt với Trung Quốc thì sẽ tăng khiếm hụt với nước khác. Thay đổi số mua bán một món hàng nào đó, với một nước nào đó, cũng không giảm bớt được số khiếm hụt bao nhiêu.

Trong khi đó thì Trung Quốc cũng đang thay đổi. Họ không thể kéo dài chính sách kinh tế dựa trên xuất cảng. Số thặng dư mậu dịch lên tới gần 10% Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) vào năm 2007, đã tụt xuống chỉ còn là 1.3% GDP trong năm 2017, năm nay sẽ xuống chỉ còn 1%, và sang năm sẽ tiếp tục giảm. Ba tháng đầu năm 2018, cán cân mậu dịch của nước Tàu đã khiếm hụt, lần đầu tiên trong 17 năm.

Màn “giáo đầu” cho cuộc chiến tranh mậu dịch đã tạm ngưng, chưa biết các màn sau sẽ diễn ra sao. Trong hai tháng qua, Tập Cận Bình có vẻ bình thản, im lặng, và lên mặt kêu gọi thế giới phải bảo vệ tự do mậu dịch, theo đúng chủ nghĩa tư bản! Trong khi đó thì phía chính phủ Mỹ nói lớn, nói nhiều, và đe dọa rất mạnh!

Lý do vì Tập Cận Bình đang ngồi vững trên cái ghế “chủ tịch suốt đời.” Còn ông tổng thống Mỹ thì lúc nào cũng nghĩ tới những cuộc bầu cử sắp tới! Cho nên không thể trách tại sao tổng thống Mỹ nói nhiều thế, mà khi vào việc cũng vậy vậy thôi! (Ngô Nhân Dụng)