Tuesday, April 23, 2024

Trung Á – nơi tham vọng của Putin tàn lụi

Hiếu Chân/Người Việt

Cho dù ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, có những phát ngôn bất nhất về cuộc xâm lược Ukraine hơn một năm trước thì mục đích của ông không thay đổi, đó là khôi phục đế chế Đại Nga từng hùng mạnh trong lịch sử. Nhưng bằng hành vi xâm lược, ông Putin đang gây ra điều ngược lại mà khu vực Trung Á hiện nay là một minh chứng.

Ngoại Trưởng Antony Blinken (trái) của Mỹ bắt tay Ngoại Trưởng Mukhtar Tleuberdi của Kazakhstan tại cuộc họp báo ở Astana, Kazakhstan, hôm Thứ Ba, 28 Tháng Hai. (Hình: Olivier Douliery/Pool/AFP via Getty Images)

Ông Putin nhiều lần nhận định sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là thảm họa địa chính trị lớn nhất thế kỷ 20. Ông nhiều lần tự ví mình với Nga Hoàng Peter Đại Đế (1682-1721) – người đã canh tân nước Nga, biến nó từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu thành một đế quốc hùng mạnh sánh ngang các cường quốc Châu Âu trong thế kỷ 17-18. Di sản ông Putin muốn để lại trong lịch sử nước Nga là một “siêu cường,” một cực của thế giới đa cực thay cho cái trật tự quốc tế mà Hoa Kỳ thống trị nhiều chục năm qua.

Nhưng cuộc chiến Ukraine làm tan biến ảo vọng đó. Nga chẳng những không lớn lên mà càng lúc càng bị cô lập. Nếu Nga bị đánh bại trong cuộc chiến này – điều hoàn toàn có thể xảy ra – thì ông Putin chẳng những không trở thành một hậu thân của Peter Đại Đế mà còn là một tội đồ của lịch sử.

Từ khi lên làm thủ tướng, rồi tổng thống Nga năm 1999 cho đến nay, ông Putin tập trung mở rộng quyền kiểm soát của Nga đối với các nước thuộc Liên Xô cũ, coi đó là phạm vi ảnh hưởng “độc quyền” của Nga mà các quốc gia bên ngoài không được phép can thiệp.

Sự kiện Ukraine muốn gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên Âu (EU) sau cuộc Cách Mạng Màu (Maidan) năm 2014 làm ông Putin hết sức tức giận. Ông trả đũa bằng cuộc xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea, kích động những lực lượng thân Nga ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk ly khai khỏi Ukraine, yểm trợ nhân lực và vũ khí cho các lực lượng này lập ra cái gọi là hai nước cộng hòa nhân dân Donetsk và Lugansk, tiến hành cuộc nội chiến chống chính phủ Ukraine từ năm 2014 đến nay.

Trong tham vọng của ông Putin, vùng Trung Á từng thuộc Liên Xô cũ có ý nghĩa lớn và Nga đã củng cố quyền kiểm soát ở đây thông qua những tổ chức như liên minh quân sự CSTO (The Collective Security Treaty Organization) và Liên Minh Kinh Tế Á Âu.

Tổ chức CSTO có sáu nước Nga, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Tajikistan, được coi là đối trọng của NATO ở Trung Á. Mới đây, ở Kazakhstan, khi những cuộc biểu tình trên đường phố trở thành bạo loạn hồi Tháng Giêng, 2022, Moscow cử một lực lượng 2,500 binh sĩ đến vãn hồi trật tự theo một điều khoản hỗ tương an ninh của CSTO, dập tắt được mầm mống của một cuộc “Cách Mạng Màu” kiểu Maidan ở Kazakhstan.

Nên để ý, Kazakhstan là nước lớn nhất trong các nước vùng Trung Á thuộc Liên Xô cũ, có diện tích lớn thứ chín trên thế giới. Kazakhstan có trữ lượng dầu lớn thứ 12, đứng thứ 14 về khí đốt và năm 2019 sản xuất gần phân nửa quặng uranium. Thảo nguyên rộng lớn của Kazakhstan cũng là nơi đặt sân bay vũ trụ Baikonur, tập trung mọi công nghệ và chất xám của ngành hàng không vũ trụ Nga. Bằng mọi cách Nga phải giữ Kazakhstan trong quỹ đạo của Moscow.

Liên Minh Kinh Tế Á-Âu (The Eurasian Economic Union – EAEU) là hiệp ước về tự do hải quan và hợp tác kinh tế gồm các nước Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, và Nga. Tuy chỉ là một thị trường chưa phát triển với 181 triệu dân nhưng Nga nỗ lực duy trì liên minh này vì những giá trị địa chính trị hơn là kinh tế.

Với CSTO về an ninh và EAEU về kinh tế, Nga tự tin là đã nắm được vùng Trung Á giàu tài nguyên khoáng sản và có vị trí địa lý quan trọng trên nóc nhà của thế giới.

Khoảng 10 năm trở lại đây, ảnh hưởng của Nga ở Trung Á gặp phải thách thức của Trung Quốc. Đại dự án “Vành Đai và Con Đường” (Belt and Road Initiative – BRI) của ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, đang từng bước lấn dần vào không gian ảnh hưởng của Nga. Ông Putin không hài lòng với điều đó nhưng dù sao, mối quan hệ “không giới hạn” giữa Moscow và Bắc Kinh cùng chống kẻ thù chung là Hoa Kỳ thì quan trọng hơn rất nhiều so với lợi ích mà vùng Trung Á mang lại. Cho đến nay Nga và Trung Quốc đang tạm gác cạnh tranh mà chia nhau ảnh hưởng ở Trung Á.

***

Cuộc chiến tranh ở Ukraine làm đảo lộn tính toán chính trị của các nước trong vùng và tạo ra một khe hở để Hoa Kỳ khai thác nhằm cô lập Nga và xói mòn nỗ lực chiến tranh của ông Putin.

Vào sáng Thứ Ba, 28 Tháng Hai, ông Antony Blinken, ngoại trưởng Mỹ, đặt chân xuống phi trường Astana, thủ đô Kazakhstan, mở đầu chuyến công du ba ngày tới khu vực Trung Á. Tại đây, ông Blinken sẽ hội đàm với lãnh đạo nước chủ nhà, đàm phán song phương với các bộ trưởng ngoại giao của năm quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan) để yêu cầu họ không giúp Moscow tránh né những biện pháp cấm vận của Tây phương. Sau Kazakhstan, ông Blinken sẽ tiếp tục đi tới thủ đô Tashkent của Uzbekistan.

Theo tường thuật của phóng viên nhật báo The New York Times tháp tùng ông Blinken, cả tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Kazakhstan, cùng bốn nước Trung Á khác, đều bày tỏ mong muốn làm việc chặt chẽ với Hoa Kỳ và lo ngại cuộc xâm lược của Moscow.

“Tôi đánh giá cao sự hỗ trợ vững chắc và liên tục của Hoa Kỳ đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước tôi,” ông Kassym-Jomart Tokayev, tổng thống Kazakhstan, mở đầu cuộc họp báo chung với Ngoại Trưởng Blinken. Đáp lại, ông Blinken khẳng định: “Sự ủng hộ của chúng tôi đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ (của các nước Trung Á) là sự thật.”

Kazakhstan, cũng như các nước Trung Á từng thuộc Liên Xô cũ, theo đuổi chính sách ngoại giao “đu dây.” Đó là không ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraine, nhưng cũng không công khai lên án hành động này. Tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, cả năm quốc gia Trung Á đều bỏ phiếu trắng – cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và một số nước khác – cho các nghị quyết đòi Nga rút quân khỏi Ukraine và chấm dứt cuộc chiến.

Nhưng trong chốn riêng tư, các nước này đều lo sợ tham vọng bành trướng lãnh thổ của Nga, nếu Nga thắng cuộc chiến Ukraine thì nạn nhân tiếp theo của ông Putin chắc chắn là các nước Trung Á. Khu vực Trung Á có rất đông người nói tiếng Nga. Sau khi ông Putin ban bố lệnh động viên binh lính cho chiến trường Ukraine, các nước Trung Á lại tiếp nhận thêm hàng trăm ngàn thanh niên Nga chạy sang tránh quân dịch. Bảo vệ kiều dân Nga là cái cớ để Moscow thực hiện cuộc chiến tranh tổng lực chống Ukraine và Nga chắc chắn sẽ làm như vậy với vùng Trung Á một khi các nước tỏ dấu hiệu thoát ly khỏi ảnh hưởng của Moscow. Vì lo sợ như vậy, cho đến nay, các nước Trung Á vẫn không công nhận “độc lập” của hai “nước cộng hòa tự xưng” Donetsk và Lugansk và các vùng đất của Ukraine mà Nga sáp nhập bất hợp pháp.

Khai thác hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan của khu vực, chuyến công du của ông Blinken có thể giúp chuyển dịch cán cân theo hướng xa rời Nga cho dù điều đó không xảy ra ngay ngày mai. Không kỳ vọng các nước này ngay lập tức lên án hành động xâm lược của Nga do các mối quan hệ chằng chịt về kinh tế và an ninh của họ, nhưng Hoa Kỳ có thể ngăn các nước này trở thành đồng minh của Nga trong bàn cờ địa chính trị nóng bỏng hiện nay.

Chuyến đi Trung Á của ông Blinken diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tổng Thống Joe Biden đến Ba Lan và bí mật ghé thăm Ukraine. Trọng tâm của chuyến đi chính là cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ và lãnh đạo của chín quốc gia Đông Âu là thành viên của NATO và từng là các nước theo chủ nghĩa Cộng Sản. Từng sống dưới sự kiểm soát của Moscow 70 năm, các quốc gia này hiểu sâu sắc số phận của họ nếu tham vọng khôi phục đế chế Nga của ông Vladimir Putin trở thành sự thực. Do vậy, các nước Đông Âu cựu Cộng Sản ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine mạnh mẽ hơn nhiều so với các quốc gia Tây Âu giàu có mà chưa từng bị hiểm họa Cộng Sản cai trị như Pháp hoặc Ý.

***

Hoa Kỳ – qua các hoạt động của ông Biden và ông Blinken – không chỉ ngăn chặn chiến thắng của ông Putin tại Ukraine mà còn bóp chết tham vọng mở rộng lãnh thổ của ông ấy, cô lập nước Nga ngay cả với những nước từng cùng đứng về phe Liên Xô, những nước mà ông Putin vẫn coi là nằm trong vùng ảnh hưởng, trong vòng kiểm soát của Moscow.

Ông Putin và bộ sậu của ông chắc chắn sẽ lên tiếng phản đối chuyến đi Trung Á của ông Blinken, sẽ đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Lẽ ra, ông Putin phải nhận ra rằng chẳng phải ông Biden tài giỏi mà do Moscow càng hùng hổ thì càng bị xa lánh, bị cô lập. Cách tốt nhất của ông Putin lúc này có lẽ là ngậm miệng và tìm một hướng đi khác để làm yên lòng các láng giềng của ông. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT