Friday, April 19, 2024

Trung Quốc gia tăng vũ khí nguyên tử để làm gì?

Hiếu Chân/Người Việt

Các tướng lĩnh quân đội Mỹ gần đây đã liên tục cảnh báo về sự gia tăng nhanh chóng kho vũ khí nguyên tử và các phương tiện chiến tranh công nghệ cao của Trung Quốc mà đối thủ nhắm tới là Hoa Kỳ.

Quân đội Trung Quốc trong lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 1 Tháng Bảy, 2021, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. (Hình minh họa: Lintao Zhang/Getty Images)

Ngay sau khi Bắc Kinh thử nghiệm phóng hỏa tiễn siêu thanh từ quỹ đạo trái đất hồi Tháng Bảy, Đại Tướng Mark Milley, tổng tham mưu trưởng Liên Quân Mỹ, coi đó là một “khoảnh khắc Sputnik” và nhận định Hoa Kỳ không thể tự bảo vệ trước sự tấn công hạt nhân của Trung Quốc.

Tướng John Hyten, người phó sắp mãn nhiệm của ông Milley, thậm chí nói rằng Trung Quốc đã thực hiện hàng trăm cuộc thử nghiệm như vậy và đó là lý do tại sao Bộ Quốc Phòng đã nhiều lần gọi quốc gia đối địch này là “một thách thức ngày càng tăng.”

Đặc biệt đáng chú ý là “Báo cáo thường niên về quân đội Trung Quốc 2021” mà Bộ Quốc Phòng trình ra Quốc Hội Mỹ ngày 3 Tháng Mười Một vừa qua. Báo cáo năm nay nhận định Trung Quốc đang mở rộng nhanh chóng kho vũ khí nguyên tử, có khả năng đạt tới 1,000 đầu đạn hạt nhân vào cuối thập niên này, cao gấp đôi mức dự báo của bộ này trong báo cáo năm ngoái. Con số này tuy còn khá khiêm tốn so với kho 3,750 đầu đạn hạt nhân của Hoa Kỳ, nhưng với vũ khí nguyên tử, nhiều hay ít không quá quan trọng bởi vì chỉ cần một phần nhỏ trong các kho vũ khí đó là đủ để xóa sổ nền văn minh nhân loại.

Ngoài việc gia tăng nhanh chóng số đầu đạn nguyên tử, báo cáo cho biết, Trung Quốc đang phát triển những công nghệ phóng hỏa tiễn hạt nhân mới, như phóng tàu lượn siêu thanh (hypersonic glide vehicle) mang đầu đạn hạt nhân từ các hỏa tiễn bay trên quỹ đạo nhằm tránh bị các hệ thống phòng thủ của Mỹ phát hiện và ngăn chặn, bổ sung cho các công nghệ phóng hỏa tiễn từ mặt đất, mặt biển, hoặc từ phi cơ ném bom. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết Trung Quốc đang phát triển các giàn phóng hỏa tiễn đạn đạo (intercontinental ballistic missiles – ICBM) di động có khả năng mang theo nhiều đầu đạn; phát triển oanh tạc cơ tàng hình, có khả năng tiếp liệu trên không và xây dựng những kho chứa (silo) hiện đại có thể chứa hàng trăm hỏa tiễn ICBM.

Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh có ý đồ gì đằng sau việc gấp rút xây dựng một kho vũ khí nguyên tử ngày càng lớn, càng tinh vi và đa dạng như vậy.

Tất nhiên Trung Quốc muốn có một lực lượng hạt nhân lớn để cân bằng sức mạnh với Nga và Hoa Kỳ, thực hiện mục tiêu xây dựng “quân đội đẳng cấp thế giới” vào cuối thập niên này như mong muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình. Với khả năng tấn công bằng vũ khí nguyên tử cả từ trên mặt đất, trên biển, trên không và mới đây là từ quỹ đạo, Trung Quốc muốn bảo đảm không bị Hoa Kỳ xóa sổ toàn bộ lực lượng của họ chỉ sau một vụ tấn công phủ đầu.

Cũng như các nước sở hữu vụ khí hạt nhân khác, Trung Quốc thừa biết loại vũ khí này chủ yếu chỉ nhằm mục đích răn đe; sẽ không nước nào dại dột ra tay trước. Ngay từ lúc thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên vào Tháng Bảy, 1964, Trung Quốc đã  nhiều lần nhấn mạnh mục tiêu của kho vũ khí hạt nhân của họ là để tránh bị các đối thủ có loại vũ khí này bắt nạt trong cái mà Mao Trạch Đông gọi là “ngoại giao tống tiền.” Sách trắng quốc phòng của chính phủ Trung Quốc năm 2005 nói rằng Trung Quốc “sẽ không là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân ở mọi lúc và trong mọi hoàn cảnh,” rằng chính sách “không sử dụng trước” (no first use – NFU) sẽ không thay đổi trong tương lai.

Tuy vậy gần đây, một vài tướng lĩnh hiếu chiến của quân đội Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ nước này từ bỏ chính sách “không sử dụng trước” và giới lãnh đạo Bắc Kinh không dám liều lĩnh như vậy. Họ biết, trong tương lai gần, Trung Quốc chưa phải là đối thủ ngang tầm của Hoa Kỳ về chiến tranh nguyên tử. Cho dù hỏa tiễn Trung Quốc có hủy diệt được bao nhiêu phi trường, bao nhiêu kho ICBM của Mỹ thì hạm đội 14 chiếc tàu ngầm nguyên tử lớp Ohio của hải quân Mỹ, mỗi chiếc trang bị 20 ICBM mang đầu đạn hạt nhân, đang bí mật nằm đâu đó dưới đáy các đại dương, vẫn đủ sức biến toàn bộ Trung Quốc thành bình địa.

Mặc dù Bắc Kinh không bao giờ minh bạch về chương trình vũ khí hạt nhân của họ, quy mô và ý định sử dụng, nhưng có thể nói, việc phát triển nhanh chóng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc không nhất thiết chứng tỏ Bắc Kinh thay đổi lập trường về chiến tranh hạt nhân, hay nhằm mục đích tấn công Hoa Kỳ mà chủ yếu là để bảo đảm sự sinh tồn của chính Trung Quốc. Khi Hoa Kỳ không thể tự bảo vệ đất nước trước đòn tấn công hạt nhân của Bắc Kinh, như nhận định của tướng Milley dẫn trên, thì chắc chắn Washington sẽ không bao giờ khởi động một cuộc chiến hạt nhân như vậy. Và điều nghịch lý là một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân lại có thể đóng vai trò quan trọng giúp duy trì sự ổn định, tránh một cuộc đụng độ nóng giữa hai cường quốc.

***

Tuy nhiên, một hệ thống vũ khí hạt nhân tân tiến và rộng lớn là nền tảng bảo đảm để Trung Quốc liều lĩnh đẩy mạnh các hành động chiến tranh quy ước, bằng vũ khí thông thường và đó là điều làm cho Hoa Kỳ và các đồng minh lo ngại, đặc biệt là các nước Châu Á đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Ấn Độ, Nhật, Việt Nam, Philippines và Đài Loan.

Đúng ra trong mấy thập niên qua, song song với việc mở rộng chương trình vũ khí hạt nhân, Trung Quốc đã đầu tư lớn vào việc hiện đại hóa quân đội, đặc biệt là hiện đại hóa Hải Quân và Không Quân, đóng hàng không mẫu hạm, chế tạo nhiều tàu chiến và phi cơ chiến đấu. So với thời chiến tranh biên giới với Việt Nam năm 1979, quân đội Trung Quốc đã gần như hoàn toàn lột xác: Thay cho bộ binh với “chiến thuật biển người,” áp đảo đối phương bằng số đông bất chấp thương vong, quân đội Trung Quốc ngày nay chủ yếu dựa vào các công nghệ và vũ khí tân tiến. Trong Hải Quân chẳng hạn, số lượng chiến hạm của Trung Quốc đã nhiều hơn Hoa Kỳ, mà chỉ tập trung ở vùng biển gần trong khi Mỹ phải căng sức trên toàn cầu.

Có thể nói, tương quan lực lượng ở khu vực Châu Á đang nghiêng dần về phía Trung Quốc và đến nay Bắc Kinh đã có thể thực hiện các cuộc chiến tranh thần tốc, mạnh mẽ trong thời gian ngắn và bằng vũ khí thông thường để chiếm Đài Loan hoặc các đảo ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, đặt người Mỹ trước một “sự đã rồi” (a fait accompli) như nhận định trong báo cáo của Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, sở dĩ Trung Quốc chưa dám ra tay vì còn e ngại sự can thiệp của các lực lượng Mỹ tại Nhật, Nam Hàn và Hải Quân hùng hậu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Nếu các lực lượng “quy ước” này bị cản trở, không hiệu quả hoặc chịu nhiều thương vong thì không loại trừ Washington sử dụng vũ khí hạt nhân để dứt điểm. Và đó là lúc chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc phát huy nhiệm vụ răn đe, ngăn cản của nó. Chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ, nếu xảy ra, thì chủ yếu vẫn là chiến tranh quy ước, sử dụng các loại vũ khí thông thường mà thôi.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn tập trung vào chiến lược “vùng xám,” sử dụng các lực lượng bán quân sự như Hải Cảnh, dân quân biển để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Bắc Kinh như đe dọa, trấn áp và xua đuổi tàu đánh cá, tàu thăm dò và khai thác dầu khí, tàu thực thi pháp luật của các nước láng giềng trong phạm vi “đường lưỡi bò chín đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông.

Chiến lược này giúp Trung Quốc lấn chiếm được lãnh thổ, xác lập tuyên bố chủ quyền nhưng không đủ để gây ra chiến tranh nóng giữa quân đội Trung Quốc và Hải Quân các nước láng giềng, không kích thích sự can dự của Hoa Kỳ. Bắc Kinh tự tin chiến lược vùng xám của họ đang phát huy hiệu quả tốt, nhất là ở vùng Biển Đông, ít nhất là cho đến khi Hải Quân Trung Quốc đủ sức ngăn chặn chiến hạm Hoa Kỳ đi vào khu vực này để tiếp cứu cho Đài Loan, Philippines trong trường hợp xung đột.

***

Nhưng chương trình mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cũng như hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, gây ra nhiều hoài nghi. Là một cường quốc khu vực, Trung Quốc hầu như không hề bị đe dọa xâm lược, bây giờ cũng như trong tương lai. Dù Bắc Kinh luôn miệng nói tới “trỗi dậy hòa bình” nhưng hành vi của họ bị coi là có mục đích đe dọa, cưỡng ép và xâm lấn các nước láng giềng nhỏ hơn. Điều đó đang kích thích một cuộc chạy đua vũ trang. Nhiều nước đang sống dưới sự che chở về an ninh của Hoa Kỳ gần đây đã gia tăng ngân sách quốc phòng, củng cố quân đội và mua sắm vũ khí, hoặc để tự bảo vệ trong lúc hữu sự hoặc để chứng tỏ cho Washington rằng mình là một đối tác tin cậy, có thể đóng góp vào công cuộc an ninh chung.

Ngân sách quốc phòng của Úc năm 2021 tăng thêm hơn 6%, lên $33 tỷ, nhằm “gia tăng năng lực tự chủ và hiệu quả răn đe.” Chính phủ Nhật mới đây đề nghị Quốc Hội duyệt chi hơn $50 tỷ ngân sách quốc phòng, phản ánh mối lo ngại sâu sắc của Tokyo về khả năng Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Senkaku do Nhật quản lý trên Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là đảo Điếu Ngư và tuyên bố chủ quyền. Thái độ của Nhật là một bước thay đổi có ý nghĩa đối với một nước có hiến pháp hòa bình và dựa vào cam kết bảo vệ an ninh của Mỹ. Đài Loan, một đảo quốc nhỏ chỉ có 24 triệu dân, nhưng dưới áp lực nặng nề và ngày càng tăng của Trung Quốc, đã tăng ngân sách quốc phòng năm 2022 lên $26 tỷ, hơn 2.5 lần so với mức $10.7 tỷ năm 2018, đẩy nhanh việc chế tạo và mua sắm vũ khí mới, tân tiến hơn…

Đáng lo là hành động của Trung Quốc đang khơi mào một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân ở Đông Á. Úc, Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đều đang bàn bạc trong vòng bí mật khả năng mua sắm, trang bị vũ khí hạt nhân để tự phòng thân khi có dấu hiệu chiếc dù an ninh của Mỹ ngày càng tỏ ra xa xôi và kém hiệu quả trước mối đe dọa gần kề của Trung Quốc, cả về chiến tranh hạt nhân và chiến tranh quy ước. Hiệp ước an ninh mới giữa Anh, Úc và Mỹ (AUKUS) giúp cho Úc đóng tàu ngầm hạt nhân chạy bằng năng lượng nguyên tử theo công nghệ của Mỹ, nhưng ai biết được trong tương lai các tàu ngầm này có trang bị hỏa tiễn mang đầu đạn hạt nhân hay không nếu Trung Quốc cứ tiếp tục chèn ép Úc như hiện nay.

Trước mối lo ngại của các tướng lãnh và công chúng Hoa Kỳ về chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Bắc Kinh vội vã lên tiếng trấn an. Báo Global Times, phụ bản của Nhân Dân Nhật Báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc hôm 18 Tháng Mười Một đăng bài xã luận cho rằng các quan chức Mỹ thổi phồng nguy cơ Trung Quốc tấn công hạt nhân vào nước Mỹ, tạo ra một “bầu không khí hoảng sợ chưa từng có” để làm hại Bắc Kinh, “gây áp lực dư luận” buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán về giải trừ vũ khí hạt nhân với Nga và Mỹ.

Trung Quốc hầu như không bao giờ nói thật về ý định của họ và chương trình mở rộng vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh một lần nữa khiến cho cả khu vực dù không hoảng sợ nhưng vẫn phải hết sức đề phòng. [qd]

MỚI CẬP NHẬT