Saturday, April 20, 2024

Xung đột Mỹ-Trung có dẫn đến chiến tranh?

Hiếu Chân/Người Việt

Trong lúc cuộc chiến tranh Nga-Ukraine diễn ra ngày càng khốc liệt ở Châu Âu, đe dọa một cuộc chiến tranh nguyên tử giữa Nga và NATO thì thế giới lại chứng kiến cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc càng lúc càng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ xung đột nóng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoại Trưởng Tần Cương của Trung Quốc tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 7 Tháng Ba. (Hình: Lintao Zhang/Getty Images)

Bắc Kinh: “Xung đột không thể tránh khỏi”

Bên lề kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc khóa 14 đang diễn ra ở Bắc Kinh, Ngoại Trưởng Tần Cương cảnh báo nước ông và Hoa Kỳ đang lao nhanh tới một cuộc xung đột không thể tránh khỏi (inevitable collision).

Tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba, 7 Tháng Ba, ông Tần – mấy tháng trước còn là đại sứ Trung Quốc tại Washington, trở thành ngoại trưởng hồi Tháng Mười Hai năm ngoái – đã dùng cách nói ẩn dụ để thể hiện tính chất trầm trọng của sự căng thẳng trong quan hệ hai nước. Ông mô tả Hoa Kỳ như một chiếc xe hơi đang lao nhanh mà “nếu Washington không đạp thắng mà cứ tiếp tục đi vào con đường sai trái thì không hàng rào bảo vệ nào có thể ngăn chặn được nó lao xuống hố và lật nhào. Chuyện không tránh được là chúng ta sẽ rơi vào xung đột và đối đầu,” ông Tần nói trong buổi họp báo đầu tiên của ông trên cương vị ngoại trưởng Trung Quốc.

Ông cũng ví các biện pháp cấm vận mà Mỹ áp đặt lên các công ty Trung Quốc mà ông cho là bất công giống như một cuộc chạy đua Thế Vận Hội, trong đó “một bên [ám chỉ Hoa Kỳ] không lo chạy nhanh hết sức mà chỉ tìm cách gạt bên khác ra ngoài đường đua, thậm chí muốn gây thương tích cho đối thủ.”

Lời lẽ và giọng điệu của ông Tần trái ngược với những phát biểu của ông ở Washington năm ngoái, khi Trung Quốc tìm cách xoa dịu thái độ cứng rắn của Washington vì những hành động của Bắc Kinh.

Một ngày trước cuộc họp báo của ông Tần, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, cũng có những phát biểu khét lẹt trước 3,000 đại biểu Quốc Hội nước này.

“Các nước phương Tây – do Mỹ cầm đầu – đã áp dụng chính sách ngăn chặn toàn diện, bao vây mọi phía và đàn áp chúng ta, tạo ra những thách thức trầm trọng chưa từng có cho sự phát triển của đất nước chúng ta,” ông Tập được hãng tin nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã tường thuật hôm Thứ Hai. Để đối phó, ông Tập kêu gọi đồng bào ông “hãy có dũng khí chiến đấu khi đất nước đối mặt với những thay đổi phức tạp và sâu sắc cả trong bối cảnh quốc nội và quốc tế.”

Chuyện các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên án các chính sách của Hoa Kỳ không phải là mới. Nhưng giới quan sát ngạc nhiên thấy đây là lần đầu tiên ông Tập gay gắt như vậy vì ông thường cân nhắc lời ăn tiếng nói, không bao giờ phê phán đích danh Hoa Kỳ ở nơi công cộng dù thời gian cầm quyền hơn 10 năm qua của ông đã đẩy quan hệ Mỹ-Trung xuống mức thấp nhất.

Những phát ngôn cứng rắn của ông Tập và ông Tần được đưa ra trong bối cảnh Quốc Hội Trung Quốc vừa quyết định tăng ngân sách quân sự thêm 7.2%, lên $225 tỷ, cho năm 2023, và tăng chi tiêu cho các nỗ lực ngoại giao thêm 12.2% so với năm ngoái. Điều này cho thấy một sự thay đổi quyết tâm của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ. Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, phát ngôn của ông Tập là chỉ dẫn quan trọng cho chính sách đối ngoại của đất nước trong giai đoạn có những biến đổi sâu sắc trong môi trường quốc tế. Trung Quốc sẽ quyết đoán hơn và không ngại đối đầu với Hoa Kỳ.

Washington: “Cuộc đấu tranh sinh tử”

Ở phía bên kia Thái Bình Dương, một thái độ đối đầu khác cũng đã bắt đầu hình thành. Với số phiếu 365 thuận và 65 chống, Hạ Viện Hoa Kỳ do đảng Cộng Hòa kiểm soát vừa cho ra đời một ủy ban lưỡng đảng chuyên về Trung Quốc có cái tên dài dòng là Ủy Ban Đặc Biệt của Hạ Viện về Cạnh Tranh Chiến Lược Giữa Hoa Kỳ với Đảng Cộng sản Trung Quốc, hay tóm tắt là “Ủy Ban Chống Trung Quốc.”

Tại phiên điều trần đầu tiên hôm Thứ Ba, 28 Tháng Hai, Dân Biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin), chủ tịch ủy ban, kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ hành động khẩn cấp và coi cuộc cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là “một cuộc đấu tranh sinh tử (existential).” Bốn nhân chứng ra điều trần là Tướng H.R. McMaster, cựu cố vấn an ninh quốc gia của cựu Tổng Thống Donald Trump; ông Matthew Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump; ông Scott Paul, nhà vận động hành lang cho các nghiệp đoàn Mỹ; và bà Tống Nghị, nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc đều cổ vũ cho những hành động cứng rắn nhất đối với Bắc Kinh.

Cả ông McMaster và ông Pottinger đều cảnh báo về những thách thức mà Hoa Kỳ phải đối mặt từ Trung Quốc, từ việc chống lại ảnh hưởng của mạng TikTok đối với nội dung thông tin trực tuyến của người Mỹ, giảm sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cho đến việc củng cố Đài Loan để khiến quân đội Trung Quốc không thể chiếm được. “Chúng ta phải phản ứng với thực tế là lợi ích quốc gia của chúng ta đã bị xói mòn sâu sắc trong suốt một phần tư thế kỷ qua,” ông Pottinger nói.

Một cuộc thăm dò ý kiến năm ngoái của Pew Research Center ghi nhận có tới 82% người Mỹ có quan điểm không thân thiện với Trung Quốc, và tỉ lệ này còn tăng lên sau vụ khinh khí cầu do thám của Bắc Kinh bay vào nội địa nước Mỹ và bị bắn hạ vào tháng trước.

Rõ ràng những sự kiện đó cho thấy sự trượt dốc của mối quan hệ Mỹ-Trung và gây áp lực nặng nề lên chính quyền của Tổng Thống Joe Biden, vốn chủ trương sẵn sàng cạnh tranh với Bắc Kinh nhưng không muốn đối đầu, không muốn tái diễn một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Để không bị coi là mềm yếu với Trung Quốc, Tổng Thống Biden phải tỏ ra cứng rắn hơn nữa sau khi ông đã có những quyết sách làm cho Bắc Kinh hết sức phẫn nộ, từ cam kết bảo vệ Đài Loan đến hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đối với công nghệ bán dẫn tinh vi của Mỹ và đồng minh.

Có chiến tranh không?

Ông Fareed Zakaria, nhà bình luận chính trị nổi tiếng của The Washington Post và CNN, lo ngại về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, mà ông đánh giá là dựa trên nỗi sợ hãi và hoang tưởng. “Có phải chúng ta đang đi theo một con đường sẽ dẫn tới nhiều thập niên chạy đua vũ trang, khủng hoảng, thậm chí chiến tranh hay không?” ông Zakaria đặt câu hỏi sau khi đánh giá chính sách của Hoa Kỳ là “quá kích động” (hysteria).

Đối chiếu thái độ thù địch lẫn nhau hiện nay của cả Bắc Kinh và Washington thì mối lo của ông Zakaria là hoàn toàn dễ hiểu. Nhưng làm thế nào để thoát ra khỏi tình trạng đối đầu và quay trở lại với quan hệ bình thường giữa hai cường quốc là chuyện nói dễ làm khó khi cả hai bên đều cương quyết theo đuổi chiến lược của mình. Sự đối nghịch đó có ở mọi lĩnh vực và làm cho mọi kỳ vọng nhân nhượng lẫn nhau trở nên bất khả thi.

Một ví dụ, Hoa Kỳ có chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, tập hợp các đồng minh và đối tác khu vực để duy trì một trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước. Nhưng Trung Quốc coi chiến lược này của Mỹ là lập ra “một bản sao của NATO ở Châu Á-Thái Bình Dương” như lời ông Tần Cương. “Mục tiêu của chiến lược Châu Á-Thái Bình Dương là ngăn chặn Trung Quốc. Châu Á sẽ không lặp lại Chiến Tranh Lạnh, và không có cuộc khủng hoảng kiểu Ukraine nào lặp lại ở Châu Á,” ông Tần nói trong cuộc họp báo nêu trên.

Có vô số những sự bất đồng quan điểm như vậy giữa Trung Quốc và Mỹ ở hầu hết các lĩnh vực, từ vấn đề Đài Loan, cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine, hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ và nhiều chuyện khác. Suy cho cùng, Bắc Kinh đòi Washington phải thay đổi chính sách, chấm dứt “can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc,” trong khi một số thành phần lãnh đạo ở Washington muốn thay đổi chế độ độc tài ở Bắc Kinh. Cuộc xung đột mang tầm thế kỷ này phải chăng là không thể tránh khỏi và liệu hai cường quốc vũ khí nguyên tử có tìm được phương cách chung sống hòa bình hay sẽ dẫn thế giới đến chỗ hủy diệt có lẽ là nỗi băn khoăn lớn nhất của bất cứ ai quan tâm tới thời cuộc hiện nay. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT