Friday, March 29, 2024

Trận đánh Ðức Huệ


Chân dung người chiến sĩ Thiết Giáp Kỵ Binh và Biệt Ðộng Quân


trong hai năm cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam (1974-1975)


 


 


Bài 1


 


Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi


Tư lệnh Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh


 


Tác giả:


Trần Quang Khôi xuất thân từ khóa 6 TVBQG Ðà Lạt 1952.


Tốt nghiệp:


– Trường Kỵ Binh SAUMUR, Pháp 1955.


– Trường Thiết Giáp Lục Quân Hoa Kỳ Fort Knox, Kentucky 1959.


– Trường Ðại Học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Hoa Kỳ Fort Leavenworth, Kansas 1973.


– Cấp bậc và chức vụ sau cùng: Chuẩn Tướng, tư lệnh Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh thuộc Quân Ðoàn III/QLVNCH.


– Sau chiến tranh Việt Nam, Tướng Khôi bị bắt đi tù “cải tạo” 17 năm.


– Ðịnh cư tại tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ năm 1993.


– Tốt nghiệp trường đại học George Mason University, Hoa Kỳ với cấp bằng MA Văn Chương Pháp 1998.


 


“Il n’y a pas de gloire acheve’e sans la gloire des armes.”


Vauvenargues


 


1. Tình hình chung ở Vùng 3 Chiến Thuật:


 


Sau khi ký kết Hiệp Ðịnh Paris, đầu năm 1973, quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam (MNVN) bắt đầu rút quân về nước. Các đơn vị chủ lực của CSVN ở Vùng 3 Chiến Thuật gồm có 3 sư đoàn Bộ Binh: 5, 7, 9 và các đơn vị đặc công ém quân bên kia biên giới Việt-Miên thường xuyên xâm nhập vào lãnh thổ nước ta quấy nhiễu hoặc bao vây, tấn công các đồn biên phòng của chúng ta dọc theo biên giới ở các tỉnh Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Bình Long và Phước Long.


Chủ lực của Quân Ðoàn III gồm có 3 sư đoàn Bộ Binh 5, 18, 25 và Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh, được sự yểm trợ trực tiếp của Tiểu Ðoàn 46 Pháo Binh 155 ly, Tiểu Ðoàn 61 PB 105 ly và Liên Ðoàn 30 Công Binh dưới quyền chỉ huy của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, một mặt phải lo dàn mỏng quân ra thay thế Lực Lượng II Dã Chiến Hoa Kỳ để bảo vệ lãnh thổ chống lại chủ trương “giành dân lấn đất” của cộng sản sau khi Hiệp Ðịnh Paris ra đời; mặt khác, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Quân Ðoàn III phạm sai lầm rất lớn về tổ chức và sử dụng lực lượng là giải tán Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III và phân tán nát Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh ra từng mảnh nhỏ sau khi tôi rời lữ đoàn đi du học ở Hoa Kỳ năm 1972. Hai sự kiện đó làm cho Quân Ðoàn III bị suy yếu trầm trọng và hoàn toàn bị mất đi tính di động. Vì thế mà Lộc Ninh bị địch chiếm và các đồn biên phòng ở Tây Ninh lần lượt bị lọt vào tay địch.


Tháng 7 năm 1973 tôi từ Mỹ trở về nước. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần cũng vừa thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Minh đảm nhiệm chức vụ tư lệnh Quân Ðoàn III. Ông nghe tiếng tôi đã từng chỉ huy Chiến Ðoàn 318 và Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh đánh thắng nhiều trận lớn trên chiến trường Campuchia từ thời Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí trong 2 năm 1970-1971, nên vận động xin tôi về trở lại Quân Ðoàn III với ông. Ngày 7 tháng 11 năm 1973, tôi nhận quyền chỉ huy Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh ở Biên Hòa.


Việc đầu tiên là tôi gom các đơn vị Thiết Giáp bị phân tán về lại Lữ Ðoàn và trình Trung Tướng Thuần gấp rút tổ chức lại Lực Lượng Xung Kích Quân Ðoàn III (LLXK/QÐIII) theo mô hình tổ chức của Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Ông cho tôi toàn quyền hành động.


Tình hình quân sự ngày càng nặng sau khi quân Mỹ rút đi. Trong “Mùa Hè Ðỏ Lửa” 1972, nhiều chiến xa T-54 địch xuất hiện lần đầu tiên ở miền Nam trên chiến trường ở An Lộc, nên tôi tiên đoán chiến trường tương lai chiến xa địch có thể xuất hiện ở Biên Hòa; tôi xin quân đoàn trang bị cho tất cả các đơn vị Ðịa Phương Quân ở Biên Hòa súng phóng hỏa tiễn M72 chống chiến xa, được phép huấn luyện họ sử dụng loại vũ khí này và huấn luyện họ phối hợp tác chiến với Thiết Giáp, đồng thời tích cực tổ chức địa thế chống chiến xa địch chung quanh thành phố Biên Hòa. Các đường xâm nhập vào thành phố đều được thiết kế đặt mìn chống chiến xa và hầm hào chống chiến xa địch. Chính nhờ nỗ lực này của Lữ Ðoàn 3 Kỵ Binh mà sau này trong “Chiến dịch Hồ Chí Minh” năm 1975 của Cộng Sản Bắc Việt, Quân Ðoàn 4 CS đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm tỉnh Biên Hòa và Sư Ðoàn 341 CS bị quân ta đánh bại ở Biên Hòa trong ngày 30 tháng 4,1975.


Tôi ra sức cải tổ lại Lữ Ðoàn 3 KB cho phù hợp với địa thế Việt Nam. Mỗi chi đội chiến xa có 3 chiến xa M48 thay vì 5 chiếc. Tôi cơ động hóa Pháo Binh bằng cách dùng xe xích M548 biến cải chở pháo 105 ly cùng tổ chức LLXK/ QÐIII thành một đại đơn vị liên binh Thiết Giáp-Biệt Ðộng Quân-Pháo Binh-Công Binh hoàn toàn cơ động gồm 3 chiến đoàn: 315, 318 và 322. Tôi gấp rút huấn luyện tác chiến liên binh thuần thục và thường xuyên làm công tác tư tưởng để mọi quân nhân hiểu rõ địch, hiểu rõ nhiệm vụ và mục tiêu chiến đấu của chúng ta, nhất là để mọi chiến sĩ dưới quyền có niềm tin ở sự chỉ huy của tôi. Ðến hạ tuần Tháng Ba, 1974, LLXK/QÐIII đã trở thành một đại đơn vị cơ động tinh nhuệ sẵn sàng lên đường chiến đấu.


 


2. Tình hình đặc biệt: Cuộc chiến đấu anh hùng của Tiểu Ðoàn 83 Biệt Ðộng Quân


 


Căn cứ Ðức Huệ nằm khoảng 56 km hướng Tây Bắc Sài-Gòn gần biên giới Việt-Miên thuộc quận Ðức Hòa, tỉnh Hậu Nghĩa do Tiểu Ðoàn 83 BÐQ Biên Phòng trấn giữ với quân số trên dưới 420 người cùng với gia đình vợ con binh sĩ vào khoảng 80 người sống trong căn cứ nguyên là một trại Lực Lượng Ðặc Biệt của Mỹ để lại (xem hình 1). Tiểu đoàn trưởng là Thiếu Tá Hoa Văn Hạnh. Khi xảy ra trận chiến thì Thiếu Tá Hạnh đi nghỉ phép vắng mặt. Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo, tiểu đoàn phó, thay thế chỉ huy.


Tiểu Ðoàn 83 BÐQ có 4 đại đội tác chiến và 1 đại đội chỉ huy và công vụ:


– Trung Úy Thạch Thông chỉ huy Ðại Ðội 1,


– Trung Úy Hiền, chỉ huy Ðại Ðội 2,


– Trung Úy Thất, chỉ huy Ðại Ðội 3,


– Trung Úy Tụi chỉ huy Ðại Ðội 4 và


– Thiếu Úy Vạng chỉ huy đại đội chỉ huy và công vụ.


Ðược tin tình báo VC sẽ đến đánh căn cứ, Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo cho 3 đại đội tác chiến ra ngoài căn cứ: 1 đại đội bố trí các tiền đồn an ninh xa và 2 đại đội hành quân tìm và diệt địch ngoài xa căn cứ. Còn lại một đại đội tác chiến trừ bị bố phòng trong căn cứ.


(1) Ðêm 27 tháng 3, 1974, một đại đội Ðặc Công CS xâm nhập được vào bên trong căn cứ Ðức Huệ; vào lúc 2 giờ sáng ngày 28 tháng 3, 1974, chúng chiếm được một góc trong căn cứ. Ngay từ những phát súng nổ đầu tiên, Thiếu Tá Bảo bị thương ở chân, gọi được 3 đại đội tác chiến bên ngoài gấp rút trở về. Tiểu đoàn tập trung lại phản công quyết liệt. Bên ngoài căn cứ, Sư đoàn 5 CS (công trường 5) bao vây chặt; pháo binh địch tập trung hỏa lực pháo kích vào căn cứ rất dữ dội. Bên trong căn cứ Biệt Ðộng Quân và Ðặc Công CS cận chiến giành nhau từng vị trí một, đánh nhau bằng lưỡi lê và lựu đạn. Ðến sáng thì đại đội Ðặc Công CS bị quân ta tiêu diệt hết.


Tiểu Ðoàn 83 BÐQ làm chủ tình hình bên trong căn cứ, tổ chức lại phòng thủ chặt chẽ và sử dụng pháo binh của Tiểu Khu Hậu Nghĩa bắn yểm trợ hỏa lực chung quanh căn cứ. Trong khi đó, các đại đội tác chiến BÐQ bố phòng bên trong chặn đứng các đợt xung phong bên ngoài của các đơn vị Bộ Binh Sư Ðoàn 5 CS. Hai bên giao chiến ác liệt ngày đêm không ngừng nghỉ.


Tiểu Ðoàn 36 BÐQ do Thiếu Tá Lê Quang Giai chỉ huy, tăng phái cho Tiểu Khu Hậu Nghĩa, vượt sông Vàm Cỏ Ðông ở Ðức Hòa tiến về hướng căn cứ Ðức Huệ bị phục binh của các đơn vị thuộc Sư Ðoàn 5 CS ở Giồng Thổ Ðịa thuộc xã Ðức Huệ tấn công buộc tiểu đoàn phải thối lui lại gần bờ sông Vàm Cỏ.


(2) Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn III liền điều động Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 33 BÐQ do Trung Tá Lê Tất Biên phụ trách sang Ðức Hòa cùng với Tiểu Ðoàn 64 BÐQ do Thiếu Tá Nguyễn Chiêu Minh chỉ huy.


Ngày 31 tháng 3, 1974, Ðại Ðội 3 thuộc Tiểu Ðoàn 64 BÐQ (khoảng 50 người) do Trung Úy Anh chỉ huy được trực thăng vận xuống căn cứ Ðức Huệ tăng cường cho Tiểu Ðoàn 83 BÐQ, đồng thời Tiểu Ðoàn 64 BÐQ (-) vượt sông Vàm Cỏ Ðông ở gần nhà máy đường Hiệp Hòa, nhập với Tiểu Ðoàn 36 BÐQ làm 2 cánh quân tiến song song về hướng căn cứ Ðức Huệ ở cách đó chừng 10 cây số đường chim bay về hướng Tây.


Tiến được chừng 2 cây số, khoảng hơn 1 trung đoàn Bộ Binh thuộc Sư Ðoàn 5 CS từ những vị trí hầm hào đào sẵn, xông lên tấn công mạnh, đồng thời pháo binh địch tập trung hỏa lực bắn xối xả vào đội hình của hai cánh quân này gây tổn thất nặng. Cuối cùng, Tiểu Ðoàn 64 BÐQ (-) và Tiểu Ðoàn 36 BÐQ buộc phải gom quân rút lui về lại bên này bờ sông Vàm Cỏ (xem hình 1).


(3) Sư Ðoàn 25 BB hành quân giải tỏa: Tiếp theo, Bộ Tư Lệnh QÐIII giao nhiệm vụ cho Sư Ðoàn 25 BB do Ðại Tá Nguyễn Hữu Toán chỉ huy, tổ chức hành quân giải tỏa căn cứ Ðức Huệ. Ðại Tá Toán liền điều động các đơn vị thuộc sư đoàn đang hành quân trong vùng lân cận biên giới từ phía Bắc đến giải tỏa (xem hình 1). Một căn cứ hỏa lực được thành lập tại làng Phước Chỉ thuộc tỉnh Tây Ninh. Căn cứ này nằm cách biên giới khoảng 2 Km về phía Nam đồn biên giới An Hòa và cách căn cứ Ðức Huệ khoảng 13 Km về phía Bắc.


Ngoài tiểu đoàn Pháo Binh 105 ly cơ-hữu sư-đoàn phối trí trong căn cứ Phước Chỉ, còn có Trung Ðoàn 46/SÐ25 BB được tăng cường Chi đoàn 3/10 Thiết Kỵ. Chi đoàn trưởng chi đoàn này là Ðại Úy Trần Văn Hiền. Tất cả lực lượng liên binh này được đặt dưới quyền điều động của Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 46 BB, và được giám sát chỉ huy bởi Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 25 BB ở Củ Chi.


Ðể đối phó với đoàn quân giải tỏa của Sư Ðoàn 25 BB, quân địch đã chủ động tổ chức địa thế, bố trí quân kín đáo chờ đánh quân tiếp viện. Chúng đặt các chốt chặn trên trục tiến quân của ta không vượt qua được, đồng thời pháo binh tầm xa của chúng nằm sâu bên kia biên giới mở những trận địa pháo chính xác, liên tục và ác liệt gây nhiều thương vong cho Trung Ðoàn 46 BB, làm tê liệt các cánh quân không điều động được, nên kế hoạch giải tỏa của Sư Ðoàn 25 BB thất bại. Một phi cơ quan sát L19 bị phòng không địch bắn rơi gần đó, trung đoàn cũng không tiếp cứu nổi.


Sau đó quân địch pháo kích tập trung hỏa lực thẳng vào căn cứ Phước Chỉ bằng hỏa tiễn 107 ly và 122 ly khiến Trung Tá Cao Xuân Nhuận, trung đoàn trưởng Trung Ðoàn 46/SÐ25 BB bị tử thương. Trong suốt thời gian gần một tháng trời, quân bạn không đem lại một kết quả khả quan nào, hàng ngày vẫn bị pháo kích dồn dập, trực thăng tản thương và tiếp tế bị bắn rớt ngay trong căn cứ, 1 khu trục cơ Skyraider yểm trợ hành quân và 1 phi cơ DC.3 thả dù tiếp tế bị hỏa tiễn SA-7 bắn rớt; những cánh dù mang lương thực và đạn dược cho căn cứ Ðức Huệ thường bay ra ngoài vòng rào và lọt vào tay quân địch. Như vậy là cả hai nỗ lực từ phía sông Vàm Cỏ Ðông của BÐQ qua và từ phía Bắc của Sư Ðoàn 25 BB xuống đều bị thất bại trong việc tiếp cứu Tiểu Ðoàn 83 BÐQ (xem hình 1).


(4) Những “Anh hùng Alamo Việt Nam”: Bên trong căn cứ, trong lúc đó, các chiến sĩ Tiểu Ðoàn 83 BÐQ và Ðại Ðội 3 của Trung Úy Anh thuộc Tiểu Ðoàn 64 BÐQ dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Nguyễn Văn Bảo chiến đấu vô cùng dũng mãnh, càng đánh càng hăng từ lúc đầu cận chiến với Ðặc công địch bằng lưỡi lê và lựu đạn bên trong căn cứ cho đến về sau này phải chiến đấu đẩy lui các đợt xung phong của địch ngày đêm không ngừng nghỉ. Cuối cùng lương thực và đạn dược bắt đầu cạn, căn cứ bị cô lập không được tiếp tế, không tản thương được, nhưng không vì thế mà tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ BÐQ bị suy giảm. Họ thề quyết tử chiến với quân thù. Gia đình vợ con của các chiến sĩ BÐQ trong căn cứ cũng hăng hái tham gia chiến đấu bên cạnh chồng cha họ. Họ cổ võ, họ giúp tản thương, cứu thương, tiếp tế đạn dược và lo cơm nước. Có người còn cầm súng chiến đấu vô cùng dũng cảm. Mặc dù tỷ lệ quân số giữa ta và địch quá chênh lệch, quân địch không sao dứt điểm được. Xác địch chồng chất ngổn ngang bên trong và bên ngoài căn cứ Ðức Huệ.


So sánh sự tử thủ nổi tiếng của quân đội Mỹ ở đồn binh “Alamo” năm 1836 do Trung Tá William Barret Travis chỉ huy với quân số 189 người chống lại sự bao vây và tấn công của hơn 2,000 quân Mễ với tỷ lệ quân số hai bên là 1/11. Sau 13 ngày đêm tử chiến, đồn binh bị quân địch tràn ngập ngày 6 tháng 3, 1836. Tất cả 189 chiến sĩ trong đồn binh đều tử trận, chỉ còn sống sót 14 người là đàn bà và trẻ con. Khoảng 1,600 quân Mễ bị giết.


Hoặc so sánh sự tử thủ nổi tiếng của quân Lê Dương Pháp ở làng “Camerone” ngày 30 tháng 4, 1863 với 65 chiến sĩ do Ðại Úy Danjou chỉ huy chống lại sự bao vây và tấn công của 2,000 quân Mễ với tỷ lệ quân số hai bên là 1/34. Sau 11 giờ tử chiến, quân Lê Dương Pháp giết hơn 300 quân Mễ, vị trí phòng thủ bị tràn ngập, 62 quân Lê Dương Pháp bị giết, chỉ còn sống sót 3 người bị trọng thương.


Tiểu Ðoàn 83 BÐQ phòng thủ trong căn cứ Ðức Huệ với quân số khoảng 420 người được tăng cường 50 người của Ðại Ðội 3 thuộc Tiểu Ðoàn 64 BÐQ. Tổng cộng quân số là 470 người chống lại sự bao vây và tấn công của hơn 6,500 quân của Sư Ðoàn 5 CS với tỷ lệ quân số đôi bên là 1/13. Sau hơn 1 tháng chiến đấu quyết liệt từ ngày 27 tháng 3, 1974 đến ngày 28 tháng 4, 1974, giữ vững vị trí phòng thủ, giết hơn 200 quân địch và gây thương tích cho khoảng 500 tên khác. Tổn thất bên BÐQ là 24 chết và hơn 100 người bị thương.


Mặc dù thời đại có khác nhau, mẫu số chung của những anh hùng ở Alamo, Camerone và Ðức Huệ là sự quyết tâm tử thủ bằng mọi giá. Với tỷ lệ quân số đôi bên chênh lệch như thế, họ vẫn hiên ngang chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến hơi thở cuối cùng. Có thể nói không quá đáng là những chiến sĩ Biệt Ðộng Quân chiến đấu ở căn cứ Ðức Huệ đích thật là những “anh hùng Alamo Việt Nam.”


Sự chiến đấu kiên cường và dũng cảm của BÐQ ở căn cứ Ðức Huệ còn chứng minh hùng hồn cho thế giới thấy rằng tinh thần và khả năng chiến đấu của quân lực chúng ta không thua bất cứ quân đội tân tiến nào trên thế giới. Một số người thiển cận và một số dư luận báo chí kỳ thị của Mỹ cho rằng khi quân đội Mỹ rút đi khỏi miền Nam Việt Nam thì quân lực VNCH thiếu tinh thần chiến đấu đưa đến việc mất miền Nam Việt Nam. Nhận định này là vô lý và hoàn toàn sai sự thật. Mất miền Nam Việt Nam rõ ràng là vì quân ta thiếu phương tiện chiến đấu chứ không phải thiếu tinh thần chiến đấu.

MỚI CẬP NHẬT