Thursday, March 28, 2024

Biệt Kích Quân Lôi Hổ Nguyễn Bác Ái gia nhập Thủy Kích

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

BEAVERTON, Oregon (NV) – Cùng với khoảng 60 anh em ghi tên đi học khóa đào tạo thành đơn vị Thủy Kích (Người Nhái) cho Bộ Chỉ Huy của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, sau sáu tháng, ông Nguyễn Bác Ái là một trong 14 chiến sĩ được tốt nghiệp.

Vợ chồng ông Nguyễn Bác Ái ở Beaverton, Oregon. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Những quân nhân này được giữ lại để yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Thủy Quân Lục Chiến, đóng tại Hương Điền, Phá Tam Giang, Huế, chớ không trở về Đại Đội Đặc Công Sóng Thần nữa.
Nhiệm vụ của toán Thủy Kích là hằng đêm đi hành quân phục kích Cộng Sản từ Quốc Lộ 1 ra đến bãi biển, và từ sông Thạch Hãn đến cửa Thuận An. Ngoài ra, toán Thủy Kích còn có nhiệm vụ bảo vệ yếu nhân gồm các sĩ quan cao cấp và tư lệnh của Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Lúc đó, Thiếu Tướng Bùi Thế Lân là tự lệnh của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến.

Toán Thủy Kích được chia ra làm hai thuyền, mỗi thuyền gồm bảy người. Những chuyến công tác hằng đêm thường đi chỉ một thuyền, bắt đầu từ 9 hay 10 giờ tối. Tàu Hải Quân vào Phá Tam Giang để kéo thuyền cao su của toán Thủy Kích vào vùng của địch đang đóng quân, rồi nằm tại điểm hành quân suốt đêm. Đến khoảng 4 giờ sáng thì Hải Quân sẽ vào kéo thuyền của họ ra khỏi vùng hành quân.

Những công tác của toán Thủy Kích Thủy Quân Lục Chiến

Ông Ái kể: “Con sông Vân Trình từ biển nối dài vào Phá Tam Giang, cập theo sông này có ấp Vân Trình, các nhân viên trong ấp gồm ông trưởng ấp và 15 nhân viên Nhân Dân Tự Vệ được trang bị vũ khí để giữ ấp này. Có một đêm, toán Thủy Kích chúng tôi gồm bảy người trên một chiếc thuyền cao su bơi ra ấp này để gặp ông trưởng ấp và những anh em Nhân Dân Tự Vệ. Sau đó, chúng tôi xuống thuyền chèo về hướng Nam, cách ấp đó khoảng 200 mét, rồi nằm lại suốt đêm trên biển.”

Người Nhái Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Bác Ái tại Phá Tam Giang, Huế. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

“Trong đêm đó, chúng tôi nghe từ xa có tiếng chó sủa cả đêm, mà không biết lý do tại sao. Sáng hôm sau được tin từ Bộ Chỉ Huy của sư đoàn cho biết là trong đêm đó, Việt Cộng đã kéo về ấp Vân Trình, và họ đã bắt ông trưởng ấp cùng 15 Nhân Dân Tự Vệ giải đi hết rồi. Cũng may là chúng tôi đã di chuyển ra khỏi ấp, nếu đêm đó chúng tôi ngủ lại ấp này thì bảy anh em chúng tôi sẽ đụng độ lớn với đám đông Việt Cộng, và không biết số mạng của chúng tôi sẽ ra sao nữa,” ông kể thêm.

Đầu Tháng Ba, 1974, toán Thủy Kích được lệnh đi công tác ban ngày với phương tiện tàu Hải Quân. Hai chiếc PBR (Power Boat River) có nhiệm vụ đưa toán Thủy Kich đi công tác. Mỗi chiếc tàu này, phía trước có cây Đại Liên 50; hai bên hông tàu có hai cây Đại Liên 60; và sau đuôi tàu có một súng cối 30 ly.

Hai chiếc tàu này chạy từ Phá Tam Giang vào sông Vân Trình, tiến hướng sông Mỹ Chánh, rồi đến ấp Phú Nông, hai chiếc PBR ủi mũi vào ngôi làng này. Toán Thủy Kích chỉ đứng trên tàu quan sát, thì thấy trên bờ khoảng 30 thanh niên đang mặc quần xà lỏn áo thun đứng trên bờ nhìn xuống họ, mà không có phản ứng gì hết. Nhưng vì có tánh khả nghi, toán Thủy Kích chỉ đứng trên tàu chớ không đổ bộ lên bờ.

Ông Ái kể: “khoảng 10 phút sau, chúng tôi quyết định cho lui tàu trở về hướng Phá Tam Giang. Lúc lui tàu thì trung tâm hành quân Thủy Quân Lục Chiến cho chúng tôi biết là tin từ trung tâm hành quân Hương Điền, Quảng Trị đã báo cho trung tâm hành quân Thủy Quân Lục Chiến biết là tại ấp Phú Nông đã hoàn toàn bị Cộng Sản chiếm trong hai ngày qua.”

“Vì thế, những người thanh niên đứng nhìn chúng tôi đó là những tên Cộng Sản, vì chúng thấy hai chiếc tàu PBR có trang bị hỏa lực mạnh nên chúng không dám tấn công, mà chúng đợi toán Người Nhái đổ bộ lên bờ thì chúng sẽ tấn công để giết hoặc bắt sống,” ông kể thêm.

Đầu Tháng Ba, 1975, Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến được lệnh rút về Thuận An, không bao lâu thì di chuyển về phi trường Non Nước, Đà Nẵng để thế cho Sư Đoàn Nhảy Dù di chuyển về Sài Gòn.

Toán Thủy Kích bảo vệ yếu nhân

Trưa 28 Tháng Ba, 1975, Đại Úy Nguyễn Quang Đan, chánh văn phòng của Tướng Bùi Thế Lân lệnh cho Trung Úy Nguyễn Văn Đào, Trung Sĩ Nguyễn Văn Vân và ông Ái làm cận vệ cho Thiếu Tướng Bùi Thế Lân.

Ông Ái kể: “Chúng tôi được lệnh lên trực thăng để hộ tống Tướng Lân đến Vùng 1 Duyên Hải. Khi đến nơi, chúng tôi đưa Tướng Lân xuống hầm trú của bộ chỉ huy để họp với Tướng Ngô Quang Trưởng, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tướng Lâm Quang Thi, Tướng Nguyễn Duy Hinh, và nhiều sĩ quan khác.”

Chiến sĩ Nguyễn Bác Ái, Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

“Lúc đó, ở bên ngoài Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, rất đông đồng bào muốn vào bộ tư lệnh này xuống tàu Hải Quân để đi về Vũng Tàu và Sài Gòn. Trong lúc các vị tướng lãnh đang trong phòng họp thì chúng tôi đi vòng quanh bộ tư lệnh để tìm cách ứng phó nhằm bảo vệ cho các tướng lãnh. Đến khoảng 7 giờ tối thì Cộng Sản đã bắt đầu pháo dữ dội bằng đạn pháo 130 ly từ trên Đèo Hải Vân trực xạ xuống Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải, và những chiếc trực thăng của các tướng lãnh đều bị hủy diệt,” ông nói tiếp.

Tại phòng quân xa, ông Ái kể: “Tôi phát hiện một tên pháo binh của Cộng Sản ngụy trang lính VNCH đang gọi máy truyền tin để điều chỉnh tọa độ cho pháo binh của địch bắn vào Bộ Chỉ Huy Vùng 1 Duyên Hải. Tên này đã bị tôi bắn chết ngay tại chỗ. Rồi toán của tôi tiếp tục đi lục soát. Khi đến gần cầu tàu thì có thêm hai tên Việt Cộng nữa cũng đang gọi máy truyền tin để điều chỉnh pháo binh của địch. Hai tên này đã bị mấy anh Hải Quân bắt.”

Khoảng 10 phút sau thì địch ngưng pháo, có lẽ vì những ăng-ten của họ đã bị lộ. Các tướng lãnh cũng vừa họp xong. Mọi người đến cầu tàu thì tất cả những chiếc tàu đều rời bến lúc nào không biết. Lúc đó, dân ở bên ngoài tràn vào bộ tư lệnh để được xuống tàu.

Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến di tản về Vũng Tàu

Ông Ái kể: “Tướng Lân và Phó Đề Đốc Kỳ Thoại cùng anh em chúng tôi quyết định phải đi bộ dọc theo núi Sơn Trà, rồi leo sang phía bên kia núi để gọi tàu Hải Quân vào rước. Vì nếu đi bộ ra trước cổng bộ tư lệnh thì sẽ không an toàn. Đang bàn tính thì có một chiếc trực thăng bay tới, rồi đáp xuống rước Tướng Trưởng đi, còn Tướng Thi và Tướng Hinh thì không biết họ đã rút đi bằng ngõ nào. Chỉ có chúng tôi cùng Tướng Lân, Phó Đề Đốc Kỳ Thoại và kè thêm Đại Tá Nguyễn Thế Lương của Thủy Quân Lục Chiến đang bị thương chân còn ở lại.”

Sau đó, họ phải đi dọc theo chân núi Sơn Trà suốt một đêm để vượt qua rất nhiều tảng đá rất to, và phải cố gắng leo lên cao thì mới qua được những hòn đã khổng lồ. Khi qua đến bên kia chân núi thì lại bị Cộng Sản cho nã đạn pháo tiếp vào Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Duyên Hải.

Ông Ái kể: “Khi đến gần bờ biển, chúng tôi gọi tàu Hải Quân lần nữa. Nhưng gọi hoài mà cũng không có ai trả lời. Kể cả Phó Đề Đốc Kỳ Thoại lên máy mà cũng không liên lạc được. Ông ta mới đưa máy lại cho Thượng Sĩ Nguyễn Thế Thụy là âm thoại viên truyền tin của Tướng Lân. Ông Thụy rất rành về những tần số truyền tin của các tướng lãnh cũng như của các quân đoàn. Vì thế, ông Thụy mới liên lạc được Hải Quân đang ở ngoài biển khơi, xong đưa máy cho Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại nói chuyện.”

“Nhưng tàu Hải Quân vẫn không vào lúc trời còn tối. Chúng tôi vẫn đứng trên bờ chờ đợi. Đến hừng sáng thì có một chiếc thuyền cao su nhỏ ở ngoài khơi bơi vô bờ. Tôi nhìn xuống thuyền thì thấy hai Người Nhái, trong đó có anh Hiền là bạn của tôi. Tôi mới gọi anh ta: ‘Anh Hiền, tụi tôi trong này gọi cả đêm mà sao các anh không đưa tàu vô rước chúng tôi?’ Anh Hiền trả lời: ‘Không biết vụ gì mà trên bờ đều là mấy ông tướng gọi máy cả. Vì chúng tôi sợ Việt Cộng dụ tàu vô để tấn công, nên chúng tôi đợi gần sáng thì mới vào,’” ông Ái cho biết thêm.

Hai Người Nhái Hải Quân mới đưa Phó Đề Đốc Kỳ Thoại, Tướng Lân và một số sĩ quan ra tàu Hải Quân trước. Rồi sau đó, họ mới đưa những người còn lại ra chiếc tàu HQ 802. Khi tất cả lên được tàu Hải Quân, thì mới biết Tướng Trưởng từ đó bay về Bộ Tư Lệnh Vùng 1 Chiến Thuật thấy không ổn, nên ông mới bay về căn cứ Non Nước của Thủy Quân Lục Chiến với Đại Tá Nguyễn Thành Trí, tư lệnh phó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Đến sáng ngày 29 Tháng Ba, 1975, Tướng Trưởng và Đại Tá Trí bơi bộ cùng một số anh em Thủy Quân Lục Chiến từ trong bờ ra tàu Hải Quân.

Chiến sĩ Nguyễn Bác Ái, Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Sau đó, chiếc HQ 802 mới đưa tất cả mọi người đến Cam Ranh vào ngày 30 Tháng Ba, 1975. Lúc đó, toán bảo vệ yếu nhân đi theo Tướng Lân và một số sĩ quan để gặp Tướng Phú và Tướng Phạm Quốc Thuần. Tất cả quân nhân trong Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến được lệnh lên tàu HQ 802 cùng với các tướng lãnh đi về Vũng Tàu.

Đến Vũng Tàu ngày 2, Tháng Tư, 1975, Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến về đóng quân ở Vũng Tàu. Sau đó, Đại Tá Nguyễn Thành Trí được lệnh đưa một số đơn vị về Biên Hòa để bảo vệ tỉnh Biên Hòa. Riêng Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến vẫn ở lại Vũng Tàu.

Vượt biên sang Philippines

Ông Ái kể: “Ngày 22 Tháng Tư, 1975, tôi được lệnh đưa một tiểu đội Viễn Thám Thủy Quân Lục Chiến xuống bãi trước Vũng Tàu. Lúc bấy giờ, có hai chiếc tàu dân sự đang đậu ở đây, đó là chiếc Việt Tiến và Kim Dung. Tôi được biết hai chiếc tàu này đang tổ chức để đi vượt biên, chúng tôi được lệnh giữ hai chiếc tàu này không được rời bến Vũng Tàu, và chúng tôi ở trên tàu đó cho đến sáng 30 Tháng Tư, 1975, thì Cộng Quân bắt đầu pháo vô Vũng Tàu dữ dội.”

“Lúc đó, Tướng Lân bay trực thăng từ trong bờ ra gặp chúng tôi ở chiếc Kim Dung. Chúng tôi mới tháo súng đạn trên chiếc trực thăng đó, rồi đẩy chiếc trực này xuống biển luôn. Vì chiếc tàu Kim Dung đậu không xa bờ nên sợ Việt Công thấy chiếc trực thăng của Tướng Lân, rồi họ sẽ pháo ra chiếc tàu này.”

Khoảng 10 giờ sáng 30 Tháng Tư, 1975, trên tàu có một người cầm một radio đến thông báo với ông Ái rằng, Tổng Thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng và kêu gọi tất cả những quân nhân Quân Lực VNCH phải buông súng. Ông Ái mới đem cái radio này lên phòng lái để cho Tướng Lân nghe. Sau đó, Tướng Lân lệnh cho người mang máy truyền tin của ông thông báo cho các cấp chỉ huy của Thủy Quân Lục Chiến là từ lúc này, các quân nhân Thủy Quân Lục Chiến ai muốn ở lại đơn vị thì ở, còn những ai muốn về với gia đình thì tùy ý. Vì ông Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng.

Tướng Lân ra lệnh với mọi người: “Bây giờ, mình có thể nhổ neo đi được rồi.”
Tàu bắt đầu chạy ra khơi. Khoảng một tiếng sau, gặp một chiếc tàu lớn gấp đôi chiếc Kim Dung, đó là chiếc Đại Dương của dân sự. Trên tàu này có khoảng 800 người, trong số đó có khoảng hơn 300 lính Thủy Quân Lục Chiến. Tướng Lân và anh em Thủy Quân Lục Chiến chuyển sang chiếc Đại Dương chạy về hướng Singapore.

Cựu Thiếu Tướng Bùi Thế Lân (trái) và Thủy Kích Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Bác Ái tại Đại Hội Thủy Quân Lục Chiến Dallas, Texas. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Ngày 4 Tháng Năm, 1975, chiếc Đại Dương cập bến Singapore. Tàu được cảnh sát và quân đội Singapore tiếp tế lương thực, nhưng không cho vào bờ. Sau đó, tàu đi về hướng Philippines.

Ông Ái kể: “Khi đến Philippines, chúng tôi gặp một trung tướng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã từng làm việc tại Việt Nam và ông cũng biết Tướng Bùi Thế Lân. Vị tướng Mỹ này nói tiếng Việt Nam rất rành. Lúc đó, ông ta mới đến bên tôi nói: ‘Bây giờ anh đã biết tôi là ai rồi.’ Vì lúc còn ở Bộ Tự Lệnh Hành Quân tại Quảng Trị thì ông tướng Mỹ này mặc đồ dân sự, với chức vụ là nhân viên của Liên Hiệp bốn bên để kiểm soát việc ngưng bắn. Nhưng khi gặp ông mặc đồ của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và đeo lon ba sao thì mình mới biết ông ta là trung tướng của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ.”

Trở thành sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ

Ông kể tiếp: “Ông tướng Mỹ đến đón Tướng Bùi Thế Lân và một số sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến. Sau đó, Tướng Lân và chúng tôi được đưa sang tàu Hải Quân Hoa Kỳ đi qua phi trường Clark, Philippines. Rồi từ đó, Tướng Lân và một số sĩ quan được đi máy bay đến đảo Guam. Riêng tôi, anh Vân và Trung Úy Đào muốn ở lại Philippines. Cũng nhờ ông trung tướng Hoa Kỳ giới thiệu chúng tôi là Người Nhái Thủy Quân Lục Chiến, nên họ cấp cho tôi tấm giấy phép được ăn uống tự do thoải mái như những quân nhân Hoa Kỳ. Gần một tháng sau, chúng tôi được đi sang đảo Wake.”

Ngày 5 Tháng Chín, 1975, ông Nguyễn Bắc Ái được sang căn cứ Fort Chaffee, Arkansas, rồi được bảo trợ về tiểu bang Oregon. Cuối năm 1977, ông Ái tình nguyện vào Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ được huấn luyện tại MCRD (Marine Corps Recruit Depot), San Diego.

Hai Thủy Kích Thủy Quân Lục Chiến Bác Ái (trái) và B. Ngọc tại Little Saigon, California. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Sau khi học xong, ông được về đơn vị Viễn Thám của Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đóng quân tại trại Camp Pendleton. Sau đó, vẫn tiếp tục đi học nghề binh nghiệp. Sau khi đi học xong được lên cấp bậc thiếu úy.

Năm 1982, cha của ông Ái được chính phủ Cộng Sản Việt Nam trả tự do, và được định cư tại Hoa Kỳ.

Năm 1984, ông Ái xin giải ngũ với cấp bậc đại úy và về sống cùng gia đình tại tiểu bang Oregon. Ông Nguyễn Bác Ái đã từng làm quản lý cho một hãng của Đức đến 23 năm. Sau đó sang làm việc tại hãng Boeing cho đến bây giờ. Hiện đang sống cùng gia đình tại Beaverton, Oregon. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Xem lại kỳ trước: Biệt Kích Quân Lôi Hổ Nguyễn Bác Ái theo cha vào nghề

MỚI CẬP NHẬT