Saturday, April 20, 2024

Biệt Kích Quân Lôi Hổ Nguyễn Bác Ái theo cha vào nghề

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

BEAVERTON, Oregon (NV) – Nguyễn Bác Ái quê Đức Lợi, Đà Nẵng. Năm 1963, lúc ông mới 10 tuổi, trong một đêm, mẹ bảo ông đến gần bà để lén nghe đài phát thanh Bắc Việt loan tin Cộng Sản Bắc Việt đã bắt được cha của ông là Nguyễn Đức Nhơn, trưởng toán Bull Sở Bắc của Biệt Kích Mỹ miền Nam. Ông Nhơn bị tòa án Hà Nội xử chung thân khổ sai, với tội danh là làm gián điệp cho Mỹ đã xâm nhập để đánh phá lãnh thổ miền Bắc.

Ông Nguyễn Bác Ái. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Ông Ái tâm tình: “Kể từ đó, trong lòng tôi đã có sự hận thù với Cộng Sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Vì thế, năm 1969, khi tôi mới 16 tuổi, tôi đã tình nguyện gia nhập vào đơn vị Biệt Kích Quân Lôi Hổ tại Căn Cứ FOB 4 Non Nước, Đà Nẵng. Người nhận tôi vào đơn vị này là Đại Úy Lưu Văn Thuần, thuộc đơn vị CCN (Control Center North) còn được gọi là Chiến Đoàn 1 Xung Kích, và đơn vị này cũng trực thuộc Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt Quân Đội Hoa Kỳ.”

Tình nguyện vào Biệt Kích Quân

Khi mới vào đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ, ông Ái đã tình nguyện đi nhảy toán, phục vụ dọc theo biên giới Việt Nam, Lào, Cambodia, và đường mòn Hồ Chí Minh để kiểm soát, chụp hình, thu thập tài liệu của Cộng Quân và truy lùng những đoàn xe Molotova, chiến xa của địch xâm nhập miền Nam. Khi phát hiện địch đang di chuyển xuống miền Nam thì toán của ông Ái sẽ gọi chiến đấu cơ hoặc quân đội của Hoa Kỳ đến tiêu diệt địch.

Ông Nguyễn Bác Ái lúc còn thư sinh. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

“Tổng số trong toán của tôi có 10 Biệt Kích Quân Việt Nam và hai Biệt Kích Mỹ. Nhưng không bao giờ đi đủ 12 người, cũng không đi với số lẻ cả, mà chỉ có từ 4, 6 hoặc 8 người. Vì sự cân bằng trọng lượng của trực thăng, nên quân số đi nhảy toán phải là số chẵn,” ông Ái cho biết thêm.

Cuối năm 1969, toán của ông Ái gồm sáu người được lệnh đến địa điểm tại biên giới Quảng Trị-Hạ Lào. Cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng 200 mét, toán này phát hiện hai lính Bắc Việt đang đi, nhưng không bắn hai người này. Vì theo những người có kinh nghiệm trong toán cho biết là khi địch đang di chuyển với số lượng quá ít, nghĩa là họ muốn “nhử mồi” cho toán Biệt Kích thấy được, rồi nổ súng thì họ sẽ biết là trên đường di chuyển đã bị lộ, nhưng thật ra thì địch đã chuẩn bị đi theo sau rất đông.

Ông Ái kể: “Vì thế, các Biệt Kích Quân vẫn im lặng mỗi khi phát hiện địch đi quá ít lúc đầu. Khoảng 20 phút sau, thì đoàn quân nhiều hơn đã xuất hiện. Sau đó, chúng tôi chụp hình, xong gọi chiến đấu cơ F-105 của quân đội Hoa Kỳ bay vào oanh tạc đoàn quân này. Toán Biệt Kích Quân trên đồi nhìn xuống thấy rất rõ cuộc oanh tạc này đã làm cho địch tổn thất rất nặng nề.”

Tháng Hai, 1970, vào một buổi trưa, toán của ông được lệnh nhảy xuống vùng Hạ Lào, và đã bị địch phát hiện. Nhưng vì hỏa lực của Quân Đội Hoa Kỳ lúc đó rất mạnh, nên địch không đá động với toán Biệt Kích ban ngày, vì chúng biết có sự hiện diện của máy bay thám thính Hoa Kỳ trên không đang kiểm soát hàng giờ.

Biệt Kích Quân Nguyễn Bác Ái tại căn cứ CCN (Chiến Đoàn 1 Xung Kích) tại Đà Nẵng. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Ông Ái kể: “Nhưng, địch lợi dụng lúc đêm tối, không có máy bay quan sát thì chúng mới tìm mọi cách truy lùng toán của chúng tôi để tiêu diệt hoặc bắt sống. Chúng tôi biết địch đang di chuyển rất đông, nhưng trước khi chúng tôi nhảy xuống thì chúng đã rút đi nơi khác không xa lắm. Sau đó, chúng tôi không đóng quân ở điểm đã nhảy xuống, mà di chuyển lên trên đỉnh đồi cao gần đó. Cộng Quân không biết chúng tôi đã di chuyển, nên chúng đã mò ra nơi bãi đổ quân lúc ban ngày để truy lùng chúng tôi.”

“Toán Biệt Kích Quân đang nằm trên đỉnh đồi và nghe địch ngụy tạo những tiếng hô to như ‘Đã tìm được rồi, đã bắt được rồi,’ và chúng cứ bắn vào những lùm cây để gây áp đảo tinh thần của toán Biệt Kích. Nhưng chúng đâu biết toán này đã di chuyển lên trên đồi cao, mà Cộng Quân cứ lục soát dưới chân đồi,” ông kể thêm.

Ông Nguyễn Bác Ái (hàng đầu, giữa) phục vụ tại Sư Đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Sáng hôm sau, toán Biệt Kích báo cáo về bộ chỉ huy chiến đoàn là nơi này đã có địch quân rất đông. Lực lượng Không Quân thám sát của chiến đoàn đã đến tận nơi để chụp không ảnh. Theo tình báo cho biết thì lúc đó địch đã ngụy trang rất nhiều cành cây rừng trên những đoàn xe Molotova hay chiến xa của địch để máy bay thám sát không nhìn thấy được.

Theo những tài liệu từ không ảnh cho biết, trên đường mòn Hồ Chí Minh đã có những bức hình chụp những lùm cây vào buổi sáng đến buổi chiều đã biến dạng về nơi khác, thì họ mới biết đó là những đoàn xe của Cộng Sản đã di chuyển quân vào miền Nam. Sau đó, các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ đã dội bom vào đoàn quân xa, chiến xa của địch.

Ông Ái tâm tình: “Trong công tác này xem như toán chúng tôi thành công, vì đã phát hiện Cộng Quân đang di chuyển. Sau đó, chúng tôi được trực thăng đưa về phi trường Phú Bài, Huế. Rồi bằng đường không vận C-130 về căn cứ Đà Nẵng. Đây cũng là kinh nghiệm của tôi khi mới vào Biệt Kích Quân là khi đi công tác, mình là người bị địch đi săn để bắt sống, chớ không phải mình là người đi săn địch, vì chúng quá đông còn chúng tôi chỉ đi lẻ tẻ khoảng 8 người một toán là nhiều rồi.”

“Từ đó, tôi có quan niệm rằng, tuy toán của chúng tôi không nhiều, nhưng nhiệm vụ của những chuyến công tác đều nhảy vào lòng địch, thì sự sống sót là điều rất may mắn, kể cả việc không thể làm tròn bổn phận của mình cũng là đều thường xảy ra. Dù biết vậy, nhưng đã chấp nhận là một người lính Biệt Kích Lôi Hổ thì phải thi hành nhiệm vụ của mình trước, rồi chuyện sống còn là tùy theo số mệnh của người lính Biệt Kích Lôi Hổ,” ông nói thêm.

“Thật ra, lúc đang được huấn luyện để trở thành một người lính xung kích của đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ, thì anh em chúng tôi cũng học được rất nhiều về những tài liệu học tập. Nhưng khi đối diện với thực tế, thì tôi học được từ những kinh nghiệm của những người đi trước mình nhiều hơn, và cũng nhờ vậy mà tôi đã có nhiều lần thoát chết dưới lằn đạn của địch quân,” ông nói tiếp.

Đơn vị Biệt Kích Quân bị giải thể

Cuối năm 1970, Liên Đoàn 5 Lực Lượng Đặc Biệt của Hoa Kỳ đã từ từ rút quân ra khỏi Việt Nam, đồng thời cũng bàn giao Chiến Đoàn 1 Xung Kích lại cho Quân Lực VNCH. Những chiến binh thuộc các Đại Đội Xung Kích của Biệt Kích Lôi Hổ một số được giải ngũ, và một số được chuyển sang các đơn vị Biệt Động Quân Biên Phòng. Riêng các nhân viên nhảy toán như ông Ái thì được chuyển sang các binh chủng của Quân Lực VNCH, với cấp bậc binh nhì.

Ông Nguyễn Đức Nhơn, thân phụ của ông Nguyễn Bác Ái, tại Hoa Kỳ. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Ông Ái kể: “Tôi đã chọn tiếp tục cuộc đời của một người lính Biệt Kích Lôi Hổ, nên đầu năm 1971, tôi đến Trung Tâm 4 Tuyển Mộ Nhập Ngũ Đà Nẵng ghi danh để được trở thành một người lính của Quân Lực VNCH. Rồi sau đó, tôi được trở về đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ, thuộc Toán Hải Yến của Chiến Đoàn 1 Xung Kích. Lúc đó, Chiến Đoàn được lệnh trở về căn cứ Biệt Kích Lôi Hổ ở Quảng Lợi, thuộc Vùng 3 Chiến Thuật.”

Sau khi chiến đoàn về Quảng Lợi thì căn cứ này được dời về Long Thành, Biên Hòa, cũng là Trại Quyết Thắng, Trung Tâm Huấn Luyện của Biệt Kích Lôi Hổ.

Vài tháng sau, Nha Kỹ Thuật có chương trình tuyển mộ những quân nhân Biệt Kích Lôi Hổ ưu tú được gia nhập đoàn Thăng Long. Nhiệm vụ của đoàn này là nhảy ra Bắc Việt ngắn hạn từ một tuần hoặc ít hơn để phá hoại miền Bắc.

Ông Ái kể: “Lúc đó, vì cha của tôi vẫn còn bị giam giữ ở Bắc Việt, nên tôi đã ghi tên gia nhập đoàn Thăng Long. Anh em chúng tôi được huấn luyện nhảy dù ban đêm, phá hoại chất nổ, bắt tù binh, mưu sinh thoát hiểm… Sau khi học xong khóa này, đến đầu năm 1972, thì đoàn Thăng Long bị giải thể và được sáp nhập vào đoàn 68 của Sở Công Tác, thuộc Nha Kỹ Thuật.”

Cũng theo ông Ái, sau này khi được định cư tại Hoa Kỳ thì ông mới biết đoàn Thăng Long là một chương trình của cơ quan CIA, Hoa Kỳ đã huấn luyện một số quân nhân trong nhiều tổ chức khác nhau mà ít ai được biết, trong đó có đoàn Thăng Long để đưa những quân nhân này ra miền Bắc nhằm đánh phá ngắn hạn, nếu chính phủ Hoa Kỳ không ký được Hiệp Định Paris. Nhưng, Hiệp Định Paris đã được ký kết vào cuối Tháng Giêng, 1973, giữa Hoa Kỳ, VNCH với nhà cầm quyền Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, trong đó có đề mục ngưng bắn. Vì thế, đoàn Thăng Long đã bị giải thể, nên giấc mơ nhảy Bắc của ông Ái cũng không được theo ý nguyện của mình.

Sau đó, những toán Xung Kích Lôi Hổ chỉ đi công tác ngoài biên giới tại miền Nam và những biệt khu của Cộng Sản trong nội địa. Cuối Tháng Ba, 1973, toán của ông Ái được biệt phái về Biệt Khu Thủ Đô Sài Gòn.

Toán Bull trước khi xâm nhập Bắc Việt, 1962. Ông Nguyễn Đức Nhơn (bìa trái, hàng thứ nhất), cha ông Nguyễn Bác Ái. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Ông còn nhớ có lần toán của ông được lệnh nhảy vào biệt khu Lý Văn Mạnh ở Củ Chi. Khi đến nơi, toán này đã phát hiện những dấu vết của Việt Cộng còn để lại như những lằn treo võng còn trên thân cây, và những dấu vết từ những lằn bánh xe pháo binh của địch di chuyển. Toán Biệt Kích liền báo cáo về bộ chỉ huy Lôi Hổ ở Biệt Khu Thủ Đô và trung tâm hành quân Củ Chi cho biết là có sự hiện diện của địch.

Đầu năm 1973, những toán Biệt Kích Lôi Hổ không còn đi công tác ngoài biên giới, vì quân đội Hoa Kỳ không còn hiện diện ở miền Nam nữa, cũng như những hổ trợ của trực thăng để bảo vệ cho Biệt Kích Lôi Hổ càng ngày càng yếu kém.

Gần cuối năm 1973, ông Ái xin rời khỏi đơn vị Biệt Kích Lôi Hổ để được về phục vụ cho những binh chủng khác. Quân đội đã chấp thuận đơn xin thuyên chuyển của ông, và có hai đơn vị tác chiến cho ông được chọn là Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.

Thuyên chuyển về Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến

Theo ông Ái, ngày xưa, Biệt Kích Lôi Hổ là một đơn vị được phép để tóc dài vì lý do công tác. Binh chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến rất nghiêm khắc về vụ lính để tóc dài. Cuối cùng, ông đã quyết định xin thuyên chuyển về Thủy Quân Lục Chiến.

Ông Ái được lệnh về phục vụ Đại Đội 4/Tiểu Đoàn 7 Hùm Xám, Thủy Quân Lục Chiến đóng quân ở Mỹ Chánh, Quảng Trị. Lúc đó, Thiếu Tá Phạm Cang là tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 7.

Ông Ái được về phục vụ tại bộ chỉ huy của đại đội. Lúc bấy giờ thì cuộc chiến cũng đang nóng bỏng tại Quảng Trị. Tiểu Đoàn 7 Thủy Quân Lục Chiến có những cuộc hành quân từ ngã ba Long Hưng dọc theo Đại Lộ Kinh Hoàng (Quốc Lộ 1) cũng như ứng chiến từ nhà thờ La Vang đến sông Mỹ Chánh.

Ông Nguyễn Bác Ái (thứ tư từ phải, ngồi) tại Đại Hội Nha Kỹ Thuật 2019, Nam California. (Hình: Nguyễn Bác Ái cung cấp)

Cuối năm 1973, Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến có quyết định thành lập một Đại Đội Đặc Công, nên mới tuyển chọn những chiến sĩ thiện chiến để được gia nhập vào đại đội này. Ông Ái đã tình nguyện vào Đại Đội Đặc Công Thủy Quân Lục Chiến, có biệt danh là Đại Đội Sóng Thần.

Các chiến sĩ của đại đội này được huấn luyện khoảng ba tháng. Trong lúc huấn luyện thì Thiếu Úy Đào Ngọc Kỳ từ Bộ Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến cho biết là cần một số chiến sĩ xuất sắc trong Đại Đội Đặc Công để đào tạo thành đơn vị Thủy Kích (Người Nhái) cho Bộ Chỉ Huy của Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến. Có khoảng 60 anh em ghi tên đi học khóa này, trong đó có ông Ái. (Lâm Hoài Thạch) [qd]

Kỳ cuối: Biệt Kích Quân Lôi Hổ Nguyễn Bác Ái gia nhập Thủy Kích

MỚI CẬP NHẬT