Diễn Đàn Người Lính Cũ: Vần Quốc Ngữ

Vân Hải Nguyễn Xuân Hùng

Chữ nước ta
Con cái nhà
Đều phải học
Miệng thì đọc
Tai thì nghe
Đừng ngủ nhè
Chớ láu táu

Đó là bài vè cách đây trên dưới sáu mươi năm mà tôi đã nghe được, học được lúc mình còn là một cậu bé tí cỡ sáu bẩy tuổi ở Bắc Ninh, Bắc Việt. Hồi ấy tôi và một số bạn bè cùng trang lứa thuộc lớp vỡ lòng cứ nói theo như những con vẹt. Theo tinh thần của bài vè này thì rõ ràng đây là một sự cổ vũ cho lũ trẻ chúng tôi thời ấy học “Chữ” Quốc Ngữ. Thực ra chỉ cần nói Quốc Ngữ là đầy đủ rồi vì NGỮ đã có nghĩa là CHỮ thì tại sao lại viết thêm chữ CHỮ đằng trước QUỐC NGỮ, nhưng chữ CHỮ ở đây rõ ràng biến thành một một “hư tự” (mot expletif) nghĩa là một tiếng thừa. Tuy nhiên đôi khi người ta quen miệng và quen viết chữ CHỮ ở trước cụm từ QUỐC NGỮ vốn để chỉ một loại chữ ở nước ta khác với chữ Hán và được các nhà truyền giáo Âu Châu dùng mẫu tự La tinh viết theo âm đọc mà thành chữ Việt ta ngày nay.

Được phát triển rực rỡ nhất ở miền Bắc nước ta nơi có thủ đô văn hóa là Hà Nội nhưng việc đưa Quốc Ngữ và áp dụng Quốc Ngữ vào sinh hoạt văn hoá đầu tiên lại khởi đầu từ Miền Nam nước Việt chúng ta. Xin hãy nghe nhà phê bình văn học Vũ Ngọc Phan viết về vấn đề này trong “Nhà Văn Hiện Ðại”, quyển nhất, các trang 35, 36, 37 như sau:

“Chữ quốc ngữ của ta ngày nay là thứ chữ viết theo lối La tinh do các cố đạo Gia Tô đặt ra để tiện việc truyền giáo. Vào khoảng cuối thế kỷ XVI có các giáo sĩ người Bồ Đào Nha là các ông cố Gaspard Amiral, Antoine Barbore cùng các giáo sĩ người Pháp và người Nhật đến Bắc Kỳ. Rồi kế đến ông Alexandre de Rhodes tới Nam Kỳ từ Tháng Chạp tây năm 1624. Ông là một nhà bác học rất giỏi về khoa ngôn ngữ; mới ở Nam Kỳ có bốn tháng ông đã thông hiểu tiếng nước ta, rồi qua sáu tháng ông đã giảng đạo được bằng tiếng Việt Nam.

Lúc đó ở ngoài Bắc có cố Julien Baldinotti chưa nói được tiếng ta cho nên mới mời cố Alexandre de Rhodes ra để giúp cho công việc truyền đạo. Cố Alexandre de Rhodes ra Bắc Kỳ ngày 19 Tháng Hai 1625; rồi đến năm 1651 ông xuất bản hai quyển bằng quốc ngữ nhan đề là DICTIONARIUM ANNAMITICUM và CATECHISMUS. Cố Alexandre de Rhodes có nói hai quyển này soạn theo bản của hai giáo sĩ Gaspard Amiral và Antoine Barbore. Như vậy thứ chữ quốc ngữ chúng ta hiện dùng ngày nay không phải do một người đặt ra, mà do ở nhiều người góp sức. Điều chắc chắn là cố Alexandre de Rhodes là người thông thạo tiếng Việt Nam nhất, đã có công đầu trong công việc nghiên cứu.
…….

Chữ quốc ngữ tuy căn cứ vào giọng miền Bắc nước Việt Nam nhưng bắt đầu được thông dụng, được học tập, được in ra sách lại là công của đồng bào ta trong Nam Kỳ.”

(Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, Phê Bình Văn Học, Quyển Nhất, Nhà Xuất Bản Sống Mới Hoa Kỳ in lại, trang 35, 36, 37.)

Việc dùng 24 chữ cái để viết ra tiếng Việt và viết sao đọc vậy thực ra lúc đầu còn có nhiều khiếm khuyết, tuy nhiên nó mau chóng được chấp nhận, trưởng thành và phát triển thật rực rỡ ở cả ba miền và trở nên một thứ ngôn ngữ đơn giản quý giá và Việt Nam chúng ta là một quốc gia duy nhất ở Á Châu dùng mẫu tự La Tinh để viết ngôn ngữ của mình. Ngay cả vua quan nước ta triều đại nhà Nguyễn giai đoạn cận kim tuy giỏi chữ Hán nhưng cũng biết cả quốc ngữ nữa.

Năm 2002, nhân một buổi nghỉ trưa tại sở làm là một cơ sở y tế do người Việt quản lý ở quận Cam tức là Trung Tâm Y Tế Nhân Hòa, nhân nói đến vấn đề các phụ huynh người Việt ở hải ngoại làm thế nào để có thể duy trì tiếng Việt cho con cái, Bác Sĩ Hoàng Ngọc Chương, cựu Y Sĩ Trưởng của Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt có đưa cho tôi xem một bài thơ viết trên miếng giấy của loại vở 100 trang nay đã ngả mầu vàng. Ông hỏi tôi xem có biết đây là chữ viết của ai không. Tôi chịu thua vì không tài nào đoán được là nét chữ của ai. Ông cười rồi chậm rãi nói rằng đây là bút tích của vua Thành Thái. Và vì thân mẫu của ông là cháu của vị vua này cho nên do một sự tình cờ nào đó ở trong gia đình nên ông có được trong tay bài thơ viết bằng chữ quốc ngữ này. Cho đến bây giờ tức là sáu năm sau tôi vẫn còn nhớ như in tờ giấy rời ấy mà Bác Sĩ Chương đã cất kỹ trong tập hồ sơ nhỏ của mình.

Năm 1945-46, Quốc Ngữ đã được phát triển rầm rộ ở ngoài miền Bắc qua phong trào chống nạn mù chữ do Việt Minh phát động. Việc làm này không ngờ đã trở thành một lợi thế cho Việt Minh Cộng Sản vì dân quê đã có thể đọc được những cáo thị và truyền đơn do họ viết tố cáo chế độ thực dân Pháp đã áp đặt trên đất nước Việt Nam đồng thời hô hào toàn dân nổi dậy kháng chiến chống Pháp dành độc lập. Khẩu hiệu đầu tiên mà tôi thấy người Việt Minh Cộng Sản viết ở hầu hết trên các bức tường của các đình chùa là “Hoan hô cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ”

Tại miền Bắc việc tổ chức cho dân quê học chữ Quốc Ngữ rất tích cực mà phần lớn lại là nhờ ở cái tinh thần sốt sắng và tích cực của chính người dân quê.

Làng làng, xã xã, nơi nơi người ta nô nức đi học và học sinh gồm đủ mọi thành phần: già, trẻ, trai, gái. Và giáo viên đứng ra dạy một phần là do các hương sư đảm nhiệm, phần khác do các ngưòi trẻ đi theo phong trào Việt Minh dậy. Giờ giấc được ấn định là vào các buổi tối, thời gian được xem là rảnh rỗi nhất của những người nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn. Khoá học kéo dài không lâu vì lúc ấy chiến tranh Việt Pháp bắt đầu lan rộng, người dân không còn lòng nào để đi học và cán bộ Việt Minh cũng cao chạy xa bay hết. Tuy nhiên quốc ngữ là chữ dễ học vì thế cho nên chẳng mấy chốc số lượng người biết chữ tăng rất nhanh vì người biết ít dạy cho người chưa biết, cứ thế mà nhân lên.

Kể từ ngày chữ quốc ngữ được phổ biến thì ảnh hưởng của chữ Hán ở nông thôn cũng mờ nhạt dần và rồi Hán tự chỉ còn được dùng một cách hiếm hoi trong các buổi tế tự của làng nước do một vài người thuộc phái thủ cựu còn biết viết và đọc văn tế mà thôi. Ở vùng quê Bắc Việt các thầy đồ chữ nho cũng bỏ việc chuyên dạy chữ Nho, quay sang học chữ Quốc Ngữ rồi lại dạy chữ Quốc Ngữ cho học sinh và rồi chỉ dậy chữ Nho cho học sinh nào muốn học loại chữ này mà thôi.

Thực ra thì trước khi có phong trào chống nạn mù chữ thì các trường trung và tiểu học của chính phủ bảo hộ người ta cũng đã dạy chữ Quốc Ngữ cho học sinh Việt Nam rồi nhưng ở mức độ hạn chế. Tôi nhớ ngay năm 1943-44 thì học sinh học lớp nhì như chị tôi một tuần có một giờ chính tả Việt Ngữ (dictée Annamite) mà thôi, nghĩa là tiếng Việt được coi như một thứ sinh ngữ phụ!

Và học sinh lớp vỡ lòng cũng được dậy học 24 chữ cái khởi đi từ ba chữ A, B, C mà có người đã khôi hài một cách “âu yếm” như sau:

A, B, C, là xề bánh đúc
Là cục mắm tôm
Là nồi cơm trên bếp…

Tuy nhiên chính phủ Việt Minh lại làm một chuyện cải cách xét ra không cần thiết là thay vì dậy vần cho học sinh như ngày trước nghĩa là khởi đầu từ ba chữ cái A, B, C thì họ lại dậy vần khởi đầu bằng hai chữ I và chữ T mà người dân quê miền Bắc thường gọi là học I – TỜ và lớp bình dân học vụ được gọi tắt là “lớp I – TỜ.”

Tuy nhiên cái lối dạy vần bắt đầu bằng hai chữ I-T đã mang lại hậu quả tai hại cho lớp học sinh từ vùng Việt Minh trở về vùng Quốc Gia vì khi lên bậc trung học, học tiếng Pháp hay tiếng Anh họ đã rất lúng túng trong khi tra cứu tự điển vốn được xếp theo vần A, B, C.

Một bài ca cổ động người dân quê theo học lớp bình dân học vụ ngày xưa mà tôi nhớ được là bài cô Tú Thanh Vân.

Bài hát như sau:

Ai về chợ huyện Thanh Vân
Hỏi thăm cô Tú đánh vần được chưa
Một vần năm ngoái năm xưa
Năm nay quên hết nên chưa biết gì
Trên trời tiếng sáo vu vi
Vẳng nghe ai học chữ I chữ TỜ
Chữ I, TỜ nếu không cho học
Liệu cô mình đã đọc được chưa
Mai đây bác mẹ cùng già
Lấy cô hay chữ để mà cậy trông
Mùa hè cho chí mùa đông
Ruông vườn lúa thóc tính thông cô chẳng nhầm
Nụ tầm xuân nở ra phong nhuỵ
Xin cô mình đừng phí ngày xanh
Bình dân học vụ lập thành
Cô nên tới đó học hành cho thông.

Để kiểm tra mức tiến bộ của phong trào bình dân học vụ ở thôn quê miền Bắc Việt Minh đã đặt ra các trạm kiểm soát ở các con đường dẫn vào chợ, và nếu ai không đọc được những chữ cái thì cấm không cho vào chợ và dĩ nhiên “người mù chữ” đành chịu thua quay trở về nhà tức khí tìm người biết vần chỉ cho học.

Đa số những người theo học lớp Bình Dân Học Vụ năm xưa đã đi theo phong trào Việt Minh Cộng Sản có nhiều người leo lên chức lớn trong chính phủ Cộng Sản Việt Minh và ngay cả sau này. Và lớp người này dĩ nhiên là kém về kiến thức cho nên những người bên phe Quốc Gia thường gọi họ là “bọn i-tờ rít” (iterist) vì mới học hết lớp I-TỜ.

Mời độc giả xem phóng sự cộng đồng “Người Việt hải ngoại chuẩn bị đón mừng chúa Giáng Sinh”