Đầu năm xông đất nhà quan văn cộng sản

Hồi ức Hồ Hoàng Hạ

Ra khỏi ngục tù cải tạo cộng sản, mỗi người trong hết thảy quý chiến hữu, dĩ nhiên có bản thân người viết, phải chịu tiếp tục lây lất sống cảnh “tù ngoài” một thời gian trước khi ra được hải ngoại. Thời gian này dài, ngắn khác nhau tùy hoàn cảnh và điều kiện cá biệt của từng người. Tùy thời điểm lúc được phóng thích; tùy gia đình có dư dả tiền bạc hay không để chi cho những chuyến vượt biên khi chưa có chương trình HO; tùy vào việc có thân nhân nước ngoài bảo lãnh mình theo diện ODP hay không…Và nếu không tùy… vào gì hết thì chính là tùy vào thời điểm nộp đơn xin đi theo diện HO vậy.

Có vị nhanh nhẹn lanh lợi, lại có thêm thân nhân nước ngoài di tản từ những ngày Tháng Tư 75, hiểu biết nhờ theo dõi kỹ tin tức, thông báo về cho mình nên tin tưởng hoàn toàn vào chương trình HO này, lo xoay xở hồ sơ sớm sủa để đệ nạp. Những chiến hữu này đã được ra đi sớm từ những danh sách HO đầu tiên trong năm 1990. Không kể một số ít danh sách ưu tiên đã được bốc đi ngay trong chuyến bay đầu thuộc HO1 mà một phi cơ công ty hàng không dân dụng Đức là Litthusann, được thuê mướn đảm trách.

Bản thân người viết, phần lo chạy vạy kiếm cơm hằng ngày, phần kém bén nhạy về mọi tin tức; cộng thêm tính thận trọng đến độ “chết nhát,” lo suy nghĩ xa gần rằng, có gì nguy hiểm khi nộp đơn xin tị nạn chính trị hay không trong khi thiên hạ đã ùn ùn mang hồ sơ đi nạp như trẫy hội ngày Tết.

Nên, chuyện đâu còn có đó, vẫn bình chân như vại. Mà có xa xôi gì văn phòng nhận hồ sơ với nơi nương náu, trú thân của người viết. Chỉ độ nửa giờ nếu cuốc bộ; hai mươi phút nếu leo lên xe lam kể cả tính luôn mười phút đứng đón xe. Cũng may, nhờ có được chiếc xe đạp cà khổ nên chỉ cần 10 phút thôi. Vậy mà, đã mấy chuyến bay lên đường mất đất rồi người viết vẫn phe lờ. Đến độ hiền nội hoảng quá vì tính phớt lạnh của người viết nên đứng ra can thiệp, thủ vai chính lo lắng mọi chuyện, từ hoàn tất hồ sơ đơn từ đến chuyện trình nạp. Vì bê tha trễ nải nên gia đình người viết bị lên danh sách 34. Dù sao, có “số” vẫn còn hơn không. Có được lên số có nghĩa là có đi, sẽ được đi. Mà thiệt, có phần không cần gì lo. Tưởng nộp hồ sơ trễ sẽ lên đường trễ. Nhưng không! Quan chức của chương trình duyệt xét chắc là kỹ càng lắm, nên tội nghiệp, thấy rằng cần phải đôn hồ sơ người viết, vốn chậm lụt cam chịu “trâu chậm phải uống nước đục” này, dồn lên 5 danh sách trước. Nghĩa là đi chung với danh sách 27. Sớm được hơn nửa năm!

Tháng Chín năm 94, ngày 26, người viết cùng hiền thê và hai con trai nhỏ, năm với hai tuổi, hớn hở lẫn bùi ngùi chào tạm biệt quê nhà, người thân thuộc để lên máy bay, đi về miền đất hứa. Tính ra là mười hai năm có lẻ kể từ ngày chào vĩnh biệt trại tù cải tạo Z30 A & B ở Gia Rai, Long Khánh, khi người viết bắt đầu một cuộc sống đời thường trong một trại tù khổng lồ gọi là tù ngoài trên chính quê hương mình, cho đến ngày đi. Dường như Soljennytsyn khi viết về quần đảo ngục tù Gulag là viết với ý ám tỉ này? Vì Gulag ở đâu trên lãnh thổ Liên Bang Xô Viết lúc đó gồm mười lăm nước cộng hòa sáp nhâp lại nếu không phải là hết thảy?!…

Hơn một con giáp, với người viết; ngắn hay dài hơn một chút so với nhiều chiến hữu khác, cũng chẳng khác chi là bao. Mọi khoảng ngày tháng, thời gian còn tiếp tục sống trong lòng chế độ CS đều quá đủ để gọi là lê thê, ê chề, ngán ngẫm với đủ mọi trò vùi dập, gây khó khăn, vẻ việc khốn cùng mà chế độ giáng xuống quãng đời còn lại của những tù nhân cải tạo sau khi họ được phóng thích ra khỏi trại tập trung. Hầu hết bị rơi vào những tình cảnh cùng quẩn bi thương với nhiều lý do. Bất tòng tâm. Bất khả kháng. Bất khả chọn lựa… Nghĩa là hết thảy đều ngoài ý muốn.

Ví dụ, người viết đâu có muốn sống bất hợp pháp, không hộ khẩu ngay trên một trong hai căn nhà nhỏ do song thân để lại cho một người anh làm chủ hộ, sau khi bán đi một căn vì sự đe nẹt hằng ngày của bọn cách mạng 30 Tháng Tư, để “được” đưa đi khu kinh tế mới sau 75. Hơn ba năm trời tất tả ôm giấy tờ chạy hết ngỏ này đến ngách nọ, kể cả chầu chực hết ngày nọ tới ngày kia, chờ ông quan lớn giám đốc công an tên Khương xét đơn khiếu nại chuyện hộ khẩu. Cuối cùng cũng chẳng tới đâu. Cửa dưới đẩy lên cửa trên. Cửa trên xỉ xuống cửa dưới. Cửa dưới chuyền sang cửa ngang. Cửa ngang lót vào cửa… hậu! Mỗi cửa đều có trà thuốc phải phép. Nhưng đến cửa sau, người viết đành …thua, bỏ… đơn từ chạy lấy thân! Lấy đâu có đủ thủ tục “đầu tiên”? Cam liều. Chẳng cần giấy chứng nhận được quyền sống trên chính căn nhà mà mình được sinh ra nữa! Tới đâu thì tới!

Chuyện cư trú, chuyện an cư đã không xong, làm sao có chuyện lạc nghiệp cho một tù cải tạo về. Ai có hoàn cảnh và điều kiện nấy. Kể ra nghe cũng chỉ na ná nhau thôi. Tóm lại, có được bao nhiêu phần trăm cựu tù cải tạo có cuộc sống vật chất lẫn tinh thần thoải mái sau ngày ra tù? Phải nói, hầu hết đều sống bấp bênh, túng quẩn. Trừ số rất ít có thân nhân từ hải ngoại giúp đỡ, cứu trợ. Nhưng hết thảy đều chỉ có thể thấy được tương lai của chính mình hay gia đình mình bên kia đường hầm do chế độ xây nên và lùa vào. Mà đường hầm của những “đỉnh cao trí tuệ” xây nên thì nào ai biết được chiều dài thăm thẳm của nó tới đâu?

Bản thân người viết, khi ra khỏi trại tù, thật sự là khố rách áo ôm. Thân nhân chỉ có vài anh chị em, đều vô sản, là lao động chân tay, là làm nghề “dân biểu” (đạp xích lô). Lấy gì giúp đỡ được người về từ địa ngục, thân tàn ma dại. Phải tự lực cánh sinh thôi.

Nhưng làm gì để tự nuôi thân đây? Sức thì yếu, làm sao làm phu phen đạp xe! Nghề nghiệp tay chân, kỹ thuật cũng không; nhưng dù có thì cơ xưỡng nào thuê mướn? Muốn đứng chợ trời tối thiểu phải có chút ít vốn liếng và khả năng ma lanh, “lường thưng tráo đấu” lẫn cá tính “đầu gấu” nữa mới sống còn… Chẳng lẽ bó tay chịu… đói ngay trên đất nhà của mình? Có lúc trong đầu người viết lởn vởn nghĩ đến điều này. Có thật “trời sinh voi sinh cỏ hay không”?… Ông bà mình đã nói, dù câu nói chỉ hàm ý tự động viên an ủi. Nhưng nghĩ ra, có nhiều phần cũng …đúng đấy!

Tôi vào làm công nhân cho một cơ sở tư nhân chuyên sản xuất chất silicat lỏng. Đó là chất phụ gia trong công nghệ chế biến mọi loại xà bông, thủy tinh, sành sứ tráng men, kể cả một số loại mỹ phẩm. Công việc khá nặng nhọc lẫn nguy hiểm. Ngày nào làm việc mà tay, dù có mang găng bảo hộ, không bị trầy trụa hay chảy máu là ngày đó… hên! Lý do, chất silicat lỏng hay còn gọi là thủy tinh tan, được nấu ra thành dung dịch từ nguyên liệu là các khối xút sô-đa (sodium hydroxide). Chúng có hình thù như những tảng đá xanh cở bằng nắm tay, lởm chởm sắc cạnh. Các khối đá này được chứa đầy trong những giỏ nan tre nặng khoảng 5, 6 chục kí lô trở lên, do một xí nghiệp khác chở đến trên những xe hàng lớn.

Công nhân, hằng ngày phải chuyển vào kho nhiều tấn hàng như vậy. Nguyên liệu này sẽ được công nhân trút vào một bồn nấu nhiệt độ cao bằng sắt, hình chữ nhật, có cửa trên nóc bồn, thiết kế cao trên mặt đất khoảng một mét. Sau đó đốt củi hoặc than đá để nấu liên tục cho nguyên liệu chảy ra. Độ lỏng hay đặc ra sao tùy vào nguyên liệu cũng như lượng nước châm vào bồn nấu ít hay nhiều. Mỗi một giờ công nhân phải lấy một ít dung dịch ra từ chiếc vòi ngang hông bồn để đo độ đậm đặc theo mẻ hàng mà khách yêu cầu. Nếu đạt yêu cầu thì ngưng nấu, xả hết thành phẩm xuống một hầm ngầm chờ khách hàng đến lấy… Lửa củi, hơi thủy tinh tan đang sôi sùng sục; nguyên liệu sắc bén nặng nề; trèo lên nhảy xuống hùng hục cả một ca làm việc… Thử tưởng tượng, có công việc nào nhọc nhằn hơn. Nhưng để nuôi thân, làm lại cuộc đời, người tù cải tạo về là người viết, có nề hà gì. Dù sao, nếu so sánh, vẫn là Tiên so với Tù khổ sai của CS.

Cái duyên, thôi thì cứ nghĩ là như vậy, đã đưa người viết đến với công ăn việc làm nêu trên. Cũng từ cái duyên này, nó lại đẩy kẻ viết thêm sang một hướng khác. Từ một công nhân khi làm việc phải phanh trần trùng trục, mồ hôi mồ kê nhễ nhại đến một công việc khác mà khi hành nghề, người viết phải ăn trắng mặc trơn, áo bỏ trong quần, giày vớ tươm tất. Lắm khi còn phải chải chuốt, đỏm dáng nữa. Đó là việc làm nghề…

Như đã nói, cái duyên đã mở đường cho người viết một viêc làm dù cực nhọc, nhưng cũng đỡ phải mặc cảm hơn chuyện ăn bám anh chị em hay chịu… đói! Cái duyên bắt đầu từ lúc:

Từ trại tù về nhà được khoảng tuần lễ, một tối người viết tìm ghé thăm một anh bạn học cũ thời trung học, cũng là bạn trong quân ngũ thời đóng ở Pleiku. Anh bạn này lại rủ đi thăm một anh bạn học chung của cả hai. Nhà anh bạn sau này cũng đồng thời là xưởng sản xuất thủy tinh tan đề cập trên. Anh bạn hỏi đi tù về có công ăn việc làm gì chưa. Nếu chưa và muốn thì đến làm cho anh ta. Làm ca sản xuất đêm, ca ba. Nhưng là trưởng ca đàng hoàng, dưới tay có…năm, sáu công nhân để chỉ huy chớ không…tầm thường đâu! Anh bạn vừa hỏi thiệt vừa nói giỡn. Vậy là người viết còn chờ cơ hội nào nữa. Làm việc cho bạn cũ. Lại còn được tin giao chức sắc. Mong gì hơn. Việc làm ổn định suôn sẻ đâu được chừng ba tháng.

Bổng một hôm anh bạn tới vỗ vai: ”Còn biết hát hò đàn địch gì như hồi đó không? Tối mai tôi tổ chức sinh nhật con gái út tại nhà. Cho bạn nghĩ ca làm tối mai. Lên đồ tới chơi.” Dĩ nhiên người viết không từ chối được lời mời xuất phát từ một tình bạn, của một người bạn chịu nhớ khá kỹ về mình như vậy.

Buổi tiệc sinh nhật con gái bạn trôi qua vui vẻ. Nhưng. Từ sau hôm đó, người bạn đã mướn người viết dạy hai đứa con đầu trai và gái của anh ta học đàn ghi-ta. Tiếng lành đồn xa. Khách hàng cũng như bằng hữu của bạn, nhiều vị đề nghị người viết làm gia sư dạy đàn cho con cái họ. Ban đầu có luỡng lự. Nhưng rồi chỉ ít lâu sau đó cũng đành… vui vẻ xếp lịch đi dạy để có thêm tiền tiêu xài, dành dụm, cố nhiên. Người bạn thấy người viết lắm mối cũng mừng giùm.

Cuối năm 82 đó, do không kham nổi việc đi dạy đàn nếu như tiếp tục làm việc cho bạn, người viết giã từ kiếp công nhân. Không đủ giờ cũng như sức khoẻ. Vả lại, lúc đó, thu nhập của người viết từ chuyện đi dạy đã cao hơn hẵn việc làm tay chân cho bạn. Người viết xin nghỉ việc, đồng thời còn đổ thừa tại bạn “hại” mình! Anh bạn chẳng những không phiền hà gì mà còn hân hoan chúc người viết thăng tiến với nghề tay trái. Một nghề không dưng đưa đẩy tới mà chính bản thân cũng không hề có ý hướng chọn, càng không hề ngờ đến. Lời chúc của anh bạn, nói nào ngay, ít nhiều có hiện thực trong cuộc sống của người viết những tháng ngày sau đó.

Hằng ngày, với con ngựa sắt nên không tốn tiền cho ăn cỏ hoặc uống xăng (!), trong bộ cánh tươm tất bảnh bao, dáng vẻ rất là con nhà mô phạm, người viết rong ruổi hầu như khắp dùng Bà Chiểu, Phú Nhuận, Gò Vấp; kể cả vùng Thị Nghè, Đa Kao, Tân Định rồi Tân Sơn Nhất… với công việc dạy đàn, làm thầy giáo dạy đàn. Cụ thể là dạy căn bản thực hành trên đàn ghi-ta thùng. Mặc dù chưa hề tốt nghiệp hay qua bất cứ một trường đào tạo nào trong việc dạy đàn ghi-ta mô-đẹc (modern); nhưng nhờ biết thực hành loại đàn này từ tuổi thiếu niên cộng thêm kinh nghiệm chơi nhạc trong ban với vài bạn hữu lối xóm nên tự rút ra được kinh nghiệm dạy học trò, sao cho họ mau thành công nhất trong việc đàn, đệm cho người khác hoặc chính mình hát.

Lịch đi dạy của người viết có lúc rất dầy. Mỗi ngày phải chạy năm sáu nơi. Sáng, chiều, tối. Có lúc, cả Chúa Nhật cũng không rảnh. Được cái, công việc khoẻ ru vì đúng sở trường. Chưa kể là luôn được nhiều cảm tình nồng hậu của học trò lẫn phụ huynh; luôn được tiếp đón ân cần kể cả có tiệc tùng gì ở nhà, họ cũng đều không quên mời thầy đến dự. Còn luôn được ngồi ở “chiếu trên” nữa… Có một chi tiết phải nói rằng rất đáng khích lệ và hết sức thú vị trong những năm tháng người viết hành nghề dạy đàn. Đã “sang trang” lâu rồi nhưng mỗi khi hồi tưởng đều lấy làm bồi hồi cảm xúc. Đó là những mối cảm tình “trên mức đặc biệt” mà các cô nhạc sinh trẻ hoặc chị, cô, dì của nhạc sinh dành cho thầy nhạc. Vào năm tháng đó, người viết tuy đã nửa chừng của tam và tứ thập niên xuân xanh nhưng vẫn còn chịu… ở vậy một mình ên! Tất nhiên, cũng khao khát lắm. Nhưng có lẽ, vì chưa tìm được nửa phần còn lại của mình đấy thôi. Thật ra, nếu muốn và cố tìm, có lúc cũng sẽ “gặp”!

Và người viết đã gặp được mẹ của hai trự con trai bây giờ của mình cũng chính bởi từ công việc đi dạy đàn. Nói chính xác hơn, là nhờ sự thăng tiến của việc dạy đàn. Từ công việc xách xe đạp rong rểu đi dạy hằng ngày, và vẫn tiếp tục chứ không phụ nó, người viết thừa thắng xông lên, tiến chiếm các “mục tiêu” hội diễn văn nghệ quần chúng để rồi tiếp theo, con đường sinh hoạt văn nghệ bắt đầu rộng mở thêng thang. Người viết tham gia hầu hết các câu lạc bộ sáng tác âm nhạc, văn thơ của các quận trong thành phố, kể cả CLB Thành đoàn. Mục đích duy nhất: để định hình mình và… kiếm cơm (!); đồng thời dành dụm, để dành tiền cưới vợ! Chính nhờ từ một cuộc hội diễn văn nghệ trong ngành giáo dục mà người viết đã “đưa được nàng dìa dinh”!.

Quý chiến hữu và độc giả hẳn nhớ rằng, trong nước thời kỳ sau 75 cho tới tận những năm 90, nhà nước CS cho phép những cuộc hội diễn văn nghệ quần chúng được tổ chức thả giàn. Mục đích bề nổi không gì khác hơn là nhằm tô hồng đánh bóng chế độ trong chiều hướng chứng tỏ là “nhà nuớc ta” luôn chăm sóc phần sinh hoạt tinh thần nhân dân, qua các hình thức hoạt động “văn thể mỹ” của cán bộ, công nhân viên chức, nói riêng và toàn thể quần chúng, nói chung. Nhưng mặt chìm, thâm ý ẩn tàng không gì khác hơn là, muốn mọi người quanh năm lo mải mê với đàn địch, tập tành ca hát, liên hoan hội diễn liền tù tì mà quên đi tình hình chung của đất nước, quên đi cái bụng thường xuyên lửng lơ con cá… xanh xao của mình lúc ấy! Do đó mà nghề nghề hội diễn, ngành ngành hội diễn, phường phường, quận quận, thành thành… xúm nhau hội diễn như điên, quanh năm suốt tháng.

Được cái, nhờ vậy mà hầu hết các nhạc sĩ sáng tác, trong “luồng” lẫn ngoài luồng, kể cả những ban nhạc nồi niêu soong chảo tàng tàng, cũng đều có thể kiếm cơm được nhờ “ăn theo” những cuộc hội diễn này. Có “trình độ” nhạc nô cao, có thẻ đảng thẻ đoàn lâu năm, thì được ngồi trong thành phần gíám khảo, nhận được phong bì có “chất lượng.” Ít thành tích hoặc “đời chưa ai biết ta” thì thôi, chịu khó “động não” sáng tác, tối tác rồi bỏ công đi tập dượt các tiết mục cho “đối tác”, thời cũng có… chút cháo! Không dám giấu chi. Trong đó có người viết nhạc ở ngoài luồng xa lắc xa lơ là kẻ viết bài này đấy!

Việc kiếm cơm của người viết thêm khấm khá khi tham dự các cuộc thi sáng tác nhạc được các nhà văn hóa quận thường xuyên tổ chức hằng năm, kể cả trên một hai tập san dành cho sinh viên học sinh. Chưa hết, dậm chân một phát lấy đà, người viết cùng hai anh bạn trẻ gốc Thanh Niên Xung Phong lập ban tam ca “3 Con Cóc,” chuyên sáng tác các bài ca hài hước có tính châm biếm và phê phán những thói hư tật xấu của một số thành phần trong xã hội để trình diễn trên vài sân khấu ca nhạc ngoài trời về đêm với cát-sê hậu hỉ.

Nhưng, người viết xin thành thật mà thú nhận rằng, tất cả chỉ vì cuộc sống cơm áo, gạo tiền đòi mình phải cố gắng vươn lên bằng mọi phương cách có thể. Miễn sao mình đừng quên mình là ai. Đồng thời luôn tự nhắc, bằng mọi thủ pháp nào trong nghệ thuật viết nhạc hay viết văn mà mình có thể ứng dụng, hãy bóng bẩy dùng những con chữ kêu gọi đấu tranh, đả phá những điều xấu xa phát sinh từ xã hội trong nước; đưa tính nhân bản, tình người, tinh thần yêu chuộng tự do vào các sáng tác phẩm.

Nhưng! Cũng lại nhưng. Từ thâm tâm, người viết luôn ôm ấp trong lòng một nỗi thiết tha mơ ước về một điều khác, một chuyện khác với việc đàn, ca xập xình. Đó là, đối với bất cứ một người viết nhạc nào, hiếm có ngoại lệ, khi đã thai nghén và sinh ra được những đứa con tinh thần rồi, lại không muốn trình làng những đứa con nghệ thuật của mình. Nói rõ hơn, giới thiệu nó đến quần chúng thưởng thức. Người viết, thời niên thiếu trung học đệ nhất cấp, đã trăn trở về chuyện này đến xao lãng cả việc học hành. Đến khi lên đến bậc đệ nhị cấp trung học, ước mơ mới thể hiện được một bước. Là, trước sau ấn hành được ba bài nhạc để phát hành. Nhưng vì thiếu tài chánh, không thuê được nhiều ca sĩ để lăng-xê nhạc phẩm của mình. Cuối cùng, ba bài hát này đều bị chìm nghĩm giữa rừng bài hát của các nhạc sĩ đàn anh, đàn chú bác, vốn thừa điều kiện quảng bá nhạc phẩm của họ.

Kinh nghiệm buồn bã này vẫn tiếp tục đeo đẵng người viết đến hôm nay, dẫu đã mấy mươi năm trôi qua rồi. Cũng bởi vì, con tầm trong lòng người viết vẫn không dứt miệt mài, muốn còn được tiếp tục nhả tơ cho đời. Vì vậy mới có việc người viết phải che giấu đi background của mình để có thể băng mình trong các sinh hoạt văn nghệ, vốn rất được chế độ trong nước lưu ý quan sát, xem xét, săm soi hết sức kỹ lưỡng. Các giới chức, các quan chức văn nghệ CS, khi cho phép giới thiệu một tác phẩm nào đó đến quần chúng thưởng thức họ đều thẩm định kỹ càng nội dung tác phẩm. Chưa hết, họ luôn muốn biết rõ tác giả là ai, hoặc “ai là ai”. Con đường đến với sáng tác, viết lách của tác giả đã qua những chặng đường, những cơ sở nào rồi… Và, đặc biệt, có nhiều thứ khác mà họ không thể chỉ thị hay yêu cầu bằng văn bản hay bằng lời. Những chuyện bất khả nói ra. Chỉ được hiểu ngầm mà thôi.

Thử hỏi có cách nào đi với ma mà không cần mặc áo giấy? Làm thế nào để tiếp cận, sinh hoạt được với văn nghệ sĩ đỏ trong nước khi mình tự giới thiệu “Tôi là sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, là tù nhân cải tạo về, là Người Việt Quốc Gia…”

Có một điều, người viết thấy rằng rất khả quan, đáng khích lệ. Đó là, hầu hết những văn nghệ sĩ mà người viết có dịp tiếp xúc nhận thấy, hoặc bóng bẩy hoặc thẳng thừng, không ai là không biểu lộ tâm tư hay thái độ còn thoải mái với thể chế mà họ đã và đang sống, đang phục vụ; đã từng xả thân vì nó như một lý tưởng tốt đẹp không gì hơn. Tất cả họ đều đáng tội nghiệp! Bởi vì một đời đeo đuổi theo một lý tưởng mà nay nhận ra rằng nó đã vỡ nát tan tành, đã biến mất trong trái tim mình. Dù muốn đạp đổ họ cũng chẳng làm sao cựa quậy được trong một guồng máy tinh vi, kìm kẹp sắt máu của chế độ trong khoảng thời gian gần cuối đời? Nói rõ hơn, họ chẳng dám. Tất cả đều vì sợ, vì danh vị quyền lợi, vì nhiều thứ khác đang có… họ đành nhũn như con chi chi, ngậm miệng ăn tiền… chờ cho “lâu rồi đời mình cũng qua!…” như lời một bài ca của phe ta. Có phải họ đều rất “đáng thương”, hay đáng khinh, không?!…

Mười hai năm tiếp tục sống trong lòng chế độ sau khi ra tù bằng những việc tay trái (cũng chẳng lấy đâu có được nghề tay mặt!) nêu trên, người viết không đến nỗi…đói! Nghĩa là, cũng không thể giàu. Có giàu là giàu qua việc góp nhặt được một số trải nghiệm, hiểu biết về bụng dạ, mặt thật của một ít quan chức văn hóa văn nghệ CS, khi họ đang chếnh choáng hơi men hay đang “hồ hởi” bốc đồng lên vì một phút ngẫu hứng nào đó, xổ toẹt ra mà không giữ lời.

Ví dụ như những kinh nghiệm mà người viết nghe và “học” được từ những tên tuổi Nguyễn văn Tý, Xuân Hồng (nguyên là TTK Hội Âm Nhạc Thành Phố), nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu; rồi những Ca Lê Thuần (từng là giám đốc sở TTVH thành Hồ), nhữngTôn Thất Lập cho đến Trịnh Công Sơn, v.v… Mỗi vị trên đều đã từng bộc bạch nhiều mẩu chuyện trước các đàn em nhạc sĩ thế hệ sau, thế hệ không dính dáng gì tới CS, nghe đều sâu sắc, cay đắng đến “thấy thương“ (!). Ở đây, để hiểu người hiểu mình, người viết xin thuật lại một “kỷ niệm” nhỏ, đã trải qua với một nhân vật khác các tên tuổi nêu trên. Một quan văn nghệ có quyền hạn và thế lực trong ngành chuyên môn của mình lúc đó. Chuyện từ một ngày đầu Xuân… Đâu như là chiều mồng một Tết năm 1989 thì phải.

“Ngày đầu một năm” của Tết năm ấy, tôi cỡi con ngựa sắt cố hữu, không tốn một giọt xăng, lên nhà một người bạn nhạc sĩ trẻ hơn mình gần một con giáp để chúc tết gia đình bạn. Anh ta vốn xuất thân từ Thanh Niên Xung Phong rồi vào quân ngũ vài năm. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về, anh lập gia đình. Nhờ vị trí thuận lợi của ngôi nhà ngó sang chợ Phú Nhuận, anh mở tiệm buôn bán quần áo trẻ em may sẵn, đồng thời mang đi bỏ mối sỉ cho các sạp hàng trong các chợ gần, xa. Để có nhiều hàng bỏ mối, vợ chồng anh bạn này tự ra công dùng khung rập cắt ra hằng loạt những phần rời của quần hay áo, sau đó nhờ các thợ may quen biết gia công lắp ráp thành thành phẩm. Nhờ quen được bạn này lúc sinh hoạt trong Câu lạc bộ sáng tác nhạc tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên, nên tôi đã nhận hàng của bạn mang về cho hiền thê gia công kiếm thêm thu nhập, bù vào khoảng tiền lương hằng tháng luôn thiếu trước hụt sau của cái nghề làm “thầy giáo tháo giày” như lời dân gian châm biếm.

Sau tuần trà thơm nhâm nhi mứt bánh, anh bạn đề nghị đi xông đất chúc Tết nhà anh “Sáu Côn.” Tôi hỏi là ai vậy. Anh bạn trả lời với ánh mắt ý nhị, là Triều Dâng chớ ai. Chỉ một giây, trong tôi hiển hiện một loạt thông tin về người nhạc sĩ này mà tôi chỉ mới biết tên, lúc đó. Đây là một nhạc sĩ có uy tín và vai vế trong hội âm nhạc thành phố. Người có thẩm quyền cao trong việc biên tập các ca khúc để giới thiệu đến khán thính giả bốn phương qua hệ thống đài truyền hình. Bản thân bạn tôi cũng đã có nhạc được nhạc sĩ này cho thu hình phát trên đài nhiều năm trước đó, bài “Con đường mở về phía biển” do Bảo Yến hát.

Thật ra, đây chỉ là bài hát có tính quảng cáo minh họa mà thôi, người bạn có lúc đã nói như vậy. Riêng ông cán bộ nhạc sĩ mà bạn rủ đi xông nhà, tôi đã từng được nghe một bài ca của ông được phát ra rả qua loa phóng thanh đặt ở cổng trại tù Z30 A Gia Rai Long Khánh hồi năm 81 khi mình còn “tạm trú” ở đó vì chưa “học tập tốt”! Đó là bài “Nói chuyện với người trong tranh” cũng do nhà chị Bảo Yến hót. Tôi không quảng cáo làm gì. Đây cũng chỉ là một ca khúc có tính quảng cáo và minh họa đậm nét. Nhưng khéo léo lồng trong một nội dung tình tứ diễm lệ. Là một tác phẩm xuất sắc từ giai điệu dàn trải đến nhạc thuật lẫn phần phụ soạn hòa âm. Chứng tỏ tác giả, tay nghề có đẳng cấp.

Tôi đồng ý đi nhưng ngay lúc đó, tôi chưa hiểu được hậu ý của bạn. Lúc ra cửa tôi thấy người bạn đặt vào chiếc giỏ kim loại lắp phía trước mũi chiếc Honda dame đời cũ của mình một khối hộp bọc giấy hoa rõ to. Tôi đoán ngay đó là gói quà. Bạn nói tôi bỏ xe đạp lại để bạn chở. Tôi hỏi có xa không. Không xa lắm, ở Cao Thắng, bạn trả lời. Tôi nói, vậy thôi để tôi đạp xe theo bạn cho tiện để tối, tôi còn ghé nhà một bạn khác gần đó.

Chiều mồng một Tết, đường phố thưa thớt, vắng vẻ lại mát mẻ. Điều này, cư dân Sài Gòn đều biết khá rõ. Mồng một kể cả vài ngày kế tiếp, thường lưu lượng xe cộ trên đường phố không nhiều. Hầu hết bà con dân chúng ở nhà vui Tết cùng thân nhân. Chỉ số ít rời nhà đi thăm viếng họ hàng bà con, bạn bè. Còn lại, đa số tập trung ở những tụ điểm giải trí vui chơi như sở thú, các công viên, rạp hat,… Do vậy, đường sá khá trống trải.

Người bạn cho xe lăn bánh chậm rãi để tôi bám theo. Khoảng ngoài hai mươi phút, cả hai dừng lại trước một tòa chung cư 3 tầng nơi góc Cao Thắng-Phan Thanh Giản (tôi kỵ viết tên đường mới dù biết). Cả hai gởi xe lại trong một gian nhà trống ở tầng trệt, có trả lệ phí, để lên tầng ba. Trước 75, tôi chưa từng đặt chân vào bất cứ một chung cư nào ở Sài Gòn nên tôi không hình dung ra để có được một sự so sánh nào cho thấy sự khác biệt trước sau, nếu có. Tôi chỉ thấy và cảm nhận trực tiếp một cảm giác ẩm thấp, tối tăm đến ngột ngạt trong suốt các bậc cầu thang dẫn lên tầng trên cùng. Không thấy có một ánh điện nào trong suốt các dãy hành lang và cầu thang dù tết nhứt. Giá như đánh rơi một vật gì đó, nhẫn hay bông tai, cây viết hoặc cây lược lúc lên cầu thang, dù biết ngay cũng khó lòng nhìn thấy để nhặt lên nếu không có đèn pin trong tay.

Căn phòng chủ nhân nằm sát cạnh đầu cầu thang trên cùng, bên trái. Bạn gõ, cửa mở. Một gian phòng hình chữ nhật hiện ra trước mắt, ngang độ bốn mét và sâu khoảng non mười, với ánh sáng đèn nê-ông vừa phải. Ngay sau cửa vào, bên trái là bếp nấu, thấy có cả lò gas lẫn lò dầu. Cuối phòng là khoảng cửa sổ mở rộng ra khoảng trời xanh, phía dưới tất nhiên là đường phố, xe cộ, khách thừa lương. Đích thân chủ nhân nhạc sĩ tay bắt mặt mừng đón hai chúng tôi ngay cửa. Người bạn tay trao hộp quà lớn vào tay chủ nhà miệng giới thiệu khách lạ là tôi. Ngay lúc đó chủ nhà đưa tay đẩy một cánh cửa khép hờ bên trái. Thì ra đó cũng là một gian phòng, kích thước tương đương, song song phòng khách và nhà bếp, dùng làm phòng ngủ với phòng tắm. Bên trong ánh sáng lờ mờ, chủ nhà mời chúng tôi bước vào.

Tôi nhìn thấy ngồi trên giường là một thiếu nữ đâu ngoài hai mươi, trên tay đang bồng một hài nhi và đang cho trẻ bú. Thấy chúng tôi vào, cô ta nhanh nhẹn khép vội mép áo trên làm trẻ bật khóc oe oe. Chủ nhân tay đặt hộp quà lên chiếc bàn nhỏ cạnh giường miệng giới thiệu tôi và anh bạn với cô vợ trẻ với giọng nói phấn chấn, vui mừng. Tôi còn nhớ như in câu nói của chủ nhà trước khi kéo chúng tôi ra ngoài: “Nhà mình năm nay sẽ vượng phát đó em! Biết sao không? Mùng một Tết được bốn anh em bạn trẻ nhạc sĩ đến xông đất mà hai người họ Quang, hai người họ Hoàng: Quang Minh, Quang Lộc này, Hoàng Phả, Hoàng Hạnh (tôi của thời điểm đó) này, em nghĩ nhà mình năm nay có phải tràn ngập màu sắc vui tươi, ánh sáng rực rỡ, hạnh phúc tràn trề hay không?” Nói xong chủ nhà đắc chí cười ha hả…

Khi ra ngoài tôi thấy đã có hai anh bạn nhạc sĩ chủ nhà vừa nhắc tên. Họ đã đến trước chúng tôi. Một người đang ngồi dạo trước chiếc dương cầm đặt xéo xéo bên cửa sổ. Một người đang bày biện một số thức ăn uống ra chiếc bàn có trải khăn hoa hoè kê ở giữa phòng, có cả một bình hoa thơm ngát đặt ở giữa bàn. Phụ tay là một thanh niên trẻ chừng 17, 18 tuổi mà sau đó, lúc ngồi bàn, chủ nhà giới thiệu là trưởng nam của mình, không nói gì thêm. Thời gian về sau tôi được biết thêm, qua bạn nhạc sĩ Trần Thiết Hùng (em trai Vân Sơn trong ban tam ca AVT cũ) nói rằng, cô vợ nhí của TD, tên Thanh Thủy, nguyên là ca sĩ trúng tuyển của Nhà Văn Hóa Bình Thạnh trong một cuộc thi mà chánh giám khảo không ai khác hơn, chính là chủ nhà này.

Riêng hai nhạc sĩ QM và HP, cả hai đều có nhạc được chủ nhà biên tập dàn dựng và đưa lên TV. Bài “Kỷ Niệm Mùa Thu” và bài “Chiếc Bình Vỡ.” Bạn bè trong giới sau này kháu với nhau rằng, vì mở đầu sự nghiệp bằng chiếc bình vỡ nên sự nghiệp phải… tan vỡ, chấm dứt sớm! Kỷ sư điện kiêm nhạc sĩ Hoàng Phả qua đời vì bệnh chai gan chỉ sau ngày tôi quen biết anh bạn đúng một năm.

Lúc chủ, khách yên vị quanh bàn tiệc đâu ra đó xong, trước khi đích thân khui chai sâm banh khai vị, chủ nhà bằng giọng vừa trịnh trong, vừa cảm động ngỏ lời cảm ơn sự có mặt của tất cả. Chủ nhà đặc biệt nhấn mạnh đến thạnh tình của các bạn khi viếng nhà xông đất còn có lòng mang theo quà tặng. Ông vừa nói vừa đưa tay chỉ các quà tặng. Đó là hai chậu quất sum suê trái vàng lườm được đặt hai bên chiếc dương cầm mà giờ tôi mới lướt mắt qua sau lời đề cập của ông. Một cành mai vàng nở rộ óng ả được cắm trong một bình sứ hoa văn kiểu cọ Trung quốc, đặt trên nóc chiếc tủ lạnh cạnh bếp. Và đặc biệt, thêm nữa, một cặp Martell XO Pháp mà tôi biết không rẻ chút nào trên tủ buffet. Có điều, tôi không biết, gói quà tặng cho em bé của bạn tôi bên trong có kèm phong bì hay không. Tôi cảm thấy mình không đủ điệu nghệ so với ba bạn nhạc sĩ trẻ hơn mình. Nhưng cũng tự an ủi. Dù sao, mình chỉ mới là khách mới. Tình cờ đeo vè theo nên không có chuẩn bị, chưa kịp sẵn sàng. Ắt hẳn, cả thảy đều “thông cảm” cho mình về lý do này.

Sau phần nghi thức mào đầu của chủ nhà, rượu được khui và chiêu ra ly. Mọi người nâng cốc, cụng ly rôm rả. Thức ăn, đa phần là món nhậu, không rõ do gia chủ thực hiện hay đặt mua từ nhà hàng mang về. Tôi nhìn khuôn bếp thấy không có vẻ gì thức ăn thức nhậu được biến chế từ đó. Nhưng thấy mọi nguời đều đụng đủa hào hứng tôi cũng làm theo cho hòa đồng. Loáng cái chai sâm banh cạn. HP đứng dậy xin được mở chai Martell. Anh ta tiến hành việc này nhậm lẹ và điệu nghệ. Chứng tỏ mình là tay sành sỏi. Thú thật, cái khoảng này tôi chịu thua hoàn toàn. Tôi có khá nhiều kỷ niệm từ buổi thiếu thời đến khi vào lính về chuyện rất dễ cho “chó ăn chè” nếu nốc một vài ly rượu mạnh, độ cồn cao. Bia thì không đến nỗi. Nhưng bửa tiệc rượu đầu năm hôm đó không có bia nên dù sợ rượu, do muốn gia chủ và ba bạn còn lại được vui, tôi cũng nâng ly nhưng chỉ nhấp uống cầm chừng, sau khi đã thú thật không quen uống rượu mạnh.

Bên ngoài khung cửa sổ trời sâm sẩm tối. Buổi tiệc rượu càng vào sâu, mọi nguời càng hứng chí nói năng như pháo vì hơi men bốc. Chai rượu thứ nhất vừa cạn, mà chắc tôi chỉ “chở” không hơn một phần tám dung lượng nó, chủ nhà đột ngột đứng dậy trong tay cầm gọn chai thứ hai, vẻ mặt rất hưng phấn, hào hứng phát biểu: “Các bạn biết không. Hồi mới tập kết ra Bắc, do quen cách ăn nói thiệt thà của người miền Nam mình, tôi bị các anh ở trên mích lòng, phê bình liên miên và đì sói trán. Buồn. Một bữa có dịp ra bãi biển ngồi sầu. Đến lúc biển dâng nước ướt đít mới giật mình lếch lui tránh. Tôi hú lên một tiếng lớn vì tìm được chân lý! Có lẽ cái nghệ danh Thủy Triều của tôi lúc đó nó chuế quá, nó ‘ghệ’ quá nên mấy ảnh hay hiếp đáp tôi. Tôi đổi ngay thành Triều Dâng sau đó. Ừ, triều có dâng mấy chả mới ngán phải không các bạn!…” Nói xong nhà nhạc sĩ đỏ cười khà khà, tiện tay khui luôn chai rượu trong tay rồi rót đầy một vòng cho hết thảy.

Ngồi xuống nốc cạn ly rượu mình vừa châm, nhà nhạc sĩ hào hứng đề nghị: “Thế này nghe các bạn, vui xuân chiều nay, chúng ta mỗi người phải hát một bài của mình. Cũ mới gì cũng được để tôi nghe xem xem. Tôi cầm càng, nhưng hát sau cùng. Một bài đặc biệt. Ấp ủ lâu rồi, nay mới viết được.”

Nhà nhạc sĩ nói liền một hơi, vớí giọng điệu chỉ thị, nhát gừng. Đoạn ông ta chỉ ngay Hoàng Phả: “Đây hát trước, gây khí thế rồi tới Quang Minh, Quang Lộc. Hoàng Hạnh em mới, chắc nhát đèn, du di cho màn chót!”. Dứt lời nhà nhạc sĩ đứng dậy quơ ngay chiếc ghi-ta treo trên vách ngay sau lưng, ấn vào tay HP.

Lần lượt cả ba “trả bài” cho “thầy” nghe một cách suôn sẻ. Hoàng Phả vẫn “Chiếc Bình Vỡ.” Quang Minh một tình ca mới. Quang Lộc, “Chiếc Xe Già.” Còn tôi, “Đàn Chim Én Về,” một ca khúc xuân.

Đến lượt Triều Dâng, ông đứng dậy đón chiếc đàn từ tay tôi. Không nói gì, nhạc sĩ loạng choạng bước về phía tường cuối phòng, nơi có chiếc đàn dương cầm trước cửa sổ. Vẻ mặt và dáng đi có một chút gì đó căng thẳng, xúc động. Tôi không nghĩ rằng ông thấm rượu dù thấy ông uống nhiều hơn tất cả. Ánh mắt ông vẫn sáng, tươi tỉnh. Ông dừng bước trước mảng tường còn lại. Nơi có treo một lịch tháng loại 12 tờ khổ to và rộng khác thường, dễ gì cũng gần bằng một trang nhật trình.

Trước sự ngạc nhiên theo dõi và chờ đợi của chúng tôi, ông đưa tay lấy tờ lịch ra khỏi tường, lật ngược rồi treo lại. Cả nhóm chong mắt nhìn. Trang lưng của tấm lịch là một bản nhạc được chép tay với những dòng kẻ cách nhau thật rộng, đầy đủ cả nốt nhạc và lời ca được viết nắn nót, chữ thật to. Tuy khá xa nhưng cả nhóm đều đọc thấy. Tựa bài nhạc là “Khóc Mẹ.” Bằng giọng xúc động, rung rung, nhạc sĩ lên tiếng: “Đây là bản nhạc tôi vừa viết xong cách đây mấy ngày sau khi về quê dự đám giỗ bà già. Mà các bạn biết không? Tôi đi xe cơ quan từ sáng sớm. Vậy mà tới Bắc Vàm Cống tôi phải chịu nằm chết bẹp ở đó từ trưa đến gần chiều tối. Tại cái bọn chó má trung ương với mấy sở bộ gì gì đó ở ngoải vào rồi xuống tham quan làm việc với mấy tỉnh. Chúng ốp hết tất cả xe lại, giữ khoảng cách an ninh cả mấy trăm thước trước bến đò để cho đoàn xe bọn chúng qua cả mấy lượt phà. Cả hai ba tiếng đồng hồ. Xe đồng bào thì chờ dài cả cây số. Tôi nóng ruột chìa thẻ cán bộ đài, xin chen xe vào đi, tụi an ninh bảo vệ hộ tống chúng nạt đùa không cho! ĐM. Tham quan với làm việc! Đi du hí với kiếm chác thì có. Báo hại trời tối hù tôi mới về tới nhà. Giỗ cúng đã xong. Bà con về hết chẳng còn thấy ai!…”

Cả bọn chỉ biết há hốc, căng lỗ tai nghe quan văn nghệ thành phố mình chửi bới rủa xả bè đảng quan hành chánh trung ương. Phải hơn một phút trôi qua để lấy lại hơi thở, quan nhạc sĩ mới nâng đàn lên dạo rồi hát. Tiếng hát của quan có lúc thống thiết ở điệp khúc với cao trào khi được tin mẹ mất; có lúc trầm lắng bi thương ở phiên khúc khi hoài niệm về mẹ trong những ngày mình còn thơ… Nói chung, là một bài hát về mẹ rất thật, chân tình, nghe dễ đồng cảm cùng tác giả. Lúc dứt bài, người nhạc sĩ đã không cầm được mấy giọt nước mắt… Cả nhóm khách cùng đứng dậy vỗ tay tán thưởng cho phần trình bày vừa xong trong ý nghĩ, tạo tiếng ồn để ngăn bớt dòng xúc động của chủ nhà, cho không khí bớt căng thẳng; cho không khí vui tươi có thể lấy lại.

Tôi nhớ, chai rượu thứ hai cũng được trút cạn không lâu sau đó. Nhưng không khí vui vẻ, hào hứng ban đầu không còn nữa. Tôi bấm tay bạn. Lộc hiểu ý, chờ đúng lúc, đứng dậy xin phép gia chủ được ra về trước cùng tôi sau khi nói vài lời chúc Tết cuối cùng cho đủ lễ nghi, phép tắc.

Khi tiễn hai chúng tôi ra cửa, nhạc sĩ chủ nhà, với giọng thân tình, có nói tôi nghe câu: “Em viết tốt lắm. Cứ thế mà tiếp tục…”

Tôi sẽ tiếp tục điều gì đây?

Lúc lấy xe ra khỏi chỗ giữ, tôi có hơi loạng choạng. Người bạn thấy, đề nghị: “Đạp chậm chậm. Tôi sẽ kè bạn về nhà tôi, uống cà phê chơi chút. Đợi tỉnh hẳn, hãy về. Còn bạn định ghé nhà bạn nào đó, để mai đi.” Tôi thấy bạn nói hợp lý. An toàn trong những ngày vui chơi Tết phải được đặt lên hàng đầu. Nhất là đối với tôi, hiền nội chỉ vài tháng nữa lâm bồn.

Dọc đường, trong cơn chếnh choáng của men rượu còn tiếp tục dâng lên hai mắt, tôi nghe dường như bạn tôi có nói: “Hoàng Hạnh cần gì, cứ nói với mình sau. Anh Triều Dâng rất tốt với các đàn em nhạc sĩ trẻ tụi mình lắm đó!”

Nhưng lòng tốt nào cũng phải có cái giá của sự bù đắp, chỉ cao hay thấp mà thôi. Chẳng cần bén nhạy thông minh tôi cũng đã thấy rõ những gì hiển hiện trước mắt trong buổi tiệc nhậu xông nhà quan văn nghệ đầu năm vừa diễn ra. Nên tôi chẳng tiếp tục gì cả sau ngày hôm đó. Còn viết tốt, đã hẵn là tôi viết tốt rồi. Tôi tự tin nên thấy rằng cũng chẳng cần nghe thêm lời động viên, khen tặng nào. Dù thật tình.Tôi thật sự chỉ khâm phục ai đó chê mình, mà chê đúng. Vì đó là thầy mình. Còn khen tặng, dù khen đúng, cũng chỉ mới là bạn thôi. Đặc biệt tôi rất sợ những ai khen mình. Khen giả vờ, khen chỉ để lấy lòng. Vì họ đã hại mình; có thể sẽ là kẻ thù của mình không biết chừng!

Hết sức tri ân cổ nhân, bằng lời vàng ngọc, đã chỉ dạy mình học được đôi điều trên. Và tôi cũng không quên rằng, tôi cần dành dụm mọi thứ để lo cho đứa con đầu lòng sắp ra đời. Nên tôi đã phụ lòng tốt của người bạn nhạc sĩ đã “vẽ đường”cho mình năm ấy.

(Phoenix, Arizona)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Đối thoại trong gia đình để hiểu những uẩn khúc của con em”(Phần 2)