Thursday, March 28, 2024

Ðời sương gió

TQC Van Truong

Sau hơn chín tháng quân trường đầy gian khổ, với những buồn vui lẫn lộn, Phong đã nhận được cặp lon chuẩn úy nho nhỏ, khiêm nhường để băng mình vào nơi khói súng sa trường. Trả lại tất cả những gì đã từng thân quen cho quân trường, cho những khóa đàn em sau này. Trả lại cô em gái dễ thương, trắng trẻo, phốp pháp có một “nick name” là “Chi, Thiết Giáp” cho lớp đến sau. Vì mặc dù Chi là một cô gái rất “bắt mắt,” nhưng nàng con gái, mà một thời gian Phong đã muốn gắn bó, lại ăn ở ngay trong chốn “ba quân,” thì làm sao nàng có thể tránh khỏi những mời mọc, những cám dỗ của hàng trăm ngàn các anh tài của cả miền Nam, thay nhau tụ hội về đó. Thời gian học tập trong quân trường, sức khỏe của Phong không tốt, lại phải lo chăm sóc một lúc cho tới 2, 3 người đẹp, nên khi ra trường, cũng chỉ được xếp vào khoảng giữa, nên đành phải chọn vùng hai, lấy phù hiệu “Hắc Tam Sơn, Bạch Nhị Hà” của Sư Ðoàn 22BB làm chuẩn… Bộ Tư Lệnh sư đoàn mà chàng sẽ phục vụ nằm trên ngọn đồi Bagi, cách thành phố Quy Nhơn ít dặm đường. Vùng đất đỏ này khi xưa thuộc dân tộc Chàm, nên những di tích của họ còn sót lại khá nhiều. Cũng vì khóe mắt khuynh thành của giai nhân Huyền Trân nước Việt, mà Chế Mân mới thân bại danh liệt, và vương quốc Chiêm Thành mới bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, âu đó cũng là lẽ thường tình của cuộc đời: anh hùng cho mấy cũng không qua ải mỹ nhân!

Trước khi đến vùng này, Phong cũng đã từng nghe nói đến cụm từ “Nam, Ngãi, Bình, Phú,” nơi đây chính là căn cứ địa của các chàng dép râu, nón cối, vùng này, đúng là vùng “xôi đậu,” nửa ta nửa địch; thân nhân của những người “tập kết” nhiều hơn sao trên trời. Vớ được cục xương này, Phong khó mà nuốt cho trôi.

Vị tư lệnh khả kính của SÐ 22BB lúc đó chính là Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Hiếu, ngay lần gặp mặt đầu tiên, Phong đã thấy có cảm tình với ông. Phải công nhận ông là vị tướng khá điển trai, phong cách đĩnh đạc, thân thiện; chính vì lần gặp gỡ đó, mà sau này, nghe tin đồn ông tự tử vào giờ phút chót của miền Nam, Phong vẫn không tin. Chắc là phải có một âm mưu mờ ám nào đó, khiến vị tư lệnh đầu tiên của Phong mới bị tử nạn như vậy. Than ôi, cây ngay vẫn bị chết đứng như thường!

Chức vụ đầu tiên của Phong là trung đội trưởng trung đội 1/ÐÐ1/TÐ4/TrÐ41BB. Vùng hành quân của đơn vị chàng trong những ngày đầu, nằm trong phạm vi của những xã thuộc quận Phù Mỹ, tỉnh Bình định. Chỉ sau vài ba hôm làm quen với bộ chỉ huy tiểu đoàn và đại đội, Phong đã phải đơn thân dẫn trung đội vỏn vẹn 20 người đi phục kích ban đêm. Ðêm đầu tiên ra quân còn ngu ngơ, lại không nắm vững địa hình, địa vật, cầm tấm bản đồ loay hoay mãi, mà cũng chưa xác định được điểm cần phải tới. Còn đang băn khoăn, thì anh chàng trung sĩ nhất đã lại gần, nói: “Vùng này tôi quen lắm, mình cứ cho anh em bố trí ở con mương phía trước là được.” “Nhưng trong bản đồ, chỗ này có một chòm nhà dân, sao bây giờ không thấy.” Phong thắc mắc. “Chỗ này đã thành hoang vu từ lâu rồi, ông thầy ơi!” Hắn vừa cười vừa bỏ đi. Phong nói với người hạ sĩ quan trung đội phó cho anh em cứ bố trí như mọi khi, nếu có gì cần thay đổi chàng sẽ cho biết sau. Mọi việc xong xuôi, trải tấm poncho trên nền cỏ, Phong mỏi mệt ngả lưng, ngửa mặt nhìn lên trời. Từng cụm mây đang từ từ kéo tới, gió nổi lên, xa xa một vài tia chớp đang đan xen phía chân trời.

Phong ngán ngẩm cho cuộc đời chàng, và của hàng triệu thanh niên Việt Nam cả hai miền cũng đang phải nếm cảnh màn trời chiếu đất như chàng, vì sao? Vì ai? Chăn êm, nệm ấm, nhà cao cửa rộng không ở mà lại phải mò ra nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng, nước độc rồi rình rập và tàn sát lẫn nhau, ác độc hơn cả loài dã thú. Nhưng dân miền Nam có muốn vậy đâu, và người miền Bắc cũng chẳng ngu gì lại lặn lội cả ngàn cây số đường rừng vào Nam để làm mồi cho B52, cho phi pháo, rồi bỏ thây nơi rừng thiêng núi cả!

Ai đang gây ra cảnh nồi da, xáo thịt cho dân Việt: Có phải chính vì tham vọng của bè lũ Cộng Sản quốc tế, cộng với sự ngu ngốc, hèn hạ của Cộng Sản VN; cả hai bọn này đã bắc cầu cho những tên lái súng của cả hai bên tuồn số vũ khí thặng dư trước đây vào nước ta để tiêu thụ, ai chết mặc ai, miễn là “ngư ông” đầy túi tham, và “đắc lợi” về mọi mặt! Còn đang miên man với những suy tư đó, thì cơn mưa đã ào tới chụp lên đầu. Phong vội vàng lấy tấm poncho phủ kín từ đầu tới chân, ngồi co ro như con tôm luộc. Chiếc đồng hồ dạ quang trên tay đã chỉ hơn 12 giờ đêm. Vừa lạnh, vừa buồn ngủ, đang định dựa lưng vào một gốc cây để chợp mắt một lúc, thì đám kiến mắc dịch bị mưa, bò lên tránh lụt, bu vào chân cẳng cắn lung tung; thiệt là không còn cảnh nào tệ hơn cho Phong trong đêm đầu tiên nếm mùi sa trường!

Cuối cùng thì chàng cũng lủi vào một gốc cây khác, mệt mỏi thiêm thiếp, nửa tỉnh nửa mê. Chưa được bao lâu thì súng nổ; tiếng súng AK của đối phương nghe chát chúa, nạt nộ; trung đội của Phong thời đó chỉ mới có Carbin M2 là tương đối, còn ngoài ra, chỉ có Garant và Carbin M1 thôi. Phong còn đang chưa biết rõ sự việc, tiếng súng đã ngưng, thì ra mấy tên du kích đang mò mẫm đi kiếm ăn, đụng ngay chú lính gác của chàng, quân ta nổ súng trước, nhưng có lẽ lúc đó đã vào khoảng 2 giờ sáng, buồn ngủ, nên chàng tân binh của Phong đã bóp cò súng lên trời. Gã du kích cũng hoảng hốt bắn trả mấy phát rồi chuồn mất. Sau khi báo cáo sự việc về đại đội, Phong cho trung đội rời vị trí đi nơi khác, đêm đầu tiên đi phục kích, mất ngủ, huề vốn. Nhưng nếu hôm đó hạ được vài tên, vác được 1 cây CKC về, thì chàng cũng chẳng vui thú gì, vì những người nằm xuống của cả hai bên có khi lại là anh em trong 1 dòng họ. Nhưng rồi đã cầm súng, thì phải bắn nhau, ai bắn chậm người đó chết. Sự tuyên truyền, dù là xảo trá như Cộng sản đã từng làm cũng vẫn rất ăn khách, thế cho nên rất nhiều người, kể cả, những kẻ bằng cấp đầy mình vẫn bị lừa phỉnh để trở thành công cụ, tay sai cho chúng. Những cán binhCS, những du kích quân, một phần vì thiếu hiểu biết, một phần vì bị ép buộc nên cứ lao vào như những con thiêu thân, làm tay sai cho những tên đầu sỏ, mà cứ tưởng là mình thương nước thương nòi.

Trong khi biết bao những trang thanh niên phải dầm mưa dãi nắng, đánh mất tuổi xuân nơi rừng thiêng, nước độc để giữ an ninh cho mọi người, thì tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Nha Trang, Huế, bọn người “ăn cơm quốc gia, thờ ma Các-Mác” lại u mê để cho CS lợi dụng làm công cụ phá rối an ninh, trật tự. Những vụ tự thiêu, những vụ đưa bàn thờ xuống đường, những vụ sinh viên nổi loạn, bãi khóa, một phần nào đã làm tan chảy ý chí chiến đấu của lính chiến chốn sa trường…

Tháng 12 năm 1967 ngoài miền Trung trời lạnh căm căm, mới 4 giờ sáng được lệnh hành quân, vào lúc đó, ông đại đội trưởng đi học khóa sình lầy ở Mã Lai, đại đội của Phong được chỉ huy bởi ông đại úy người thượng, nói không rành tiếng Việt, nên mọi truyện cũng chẳng được suôn sẻ. ÐÐ Phong được tiểu đoàn phát cho mỗi người 1 cái mặt nạ, khi đeo vào, ai trông cũng giống chàng Bát giới, đang sửa soạn đồ nghề để đi thỉnh kinh với Tam Tạng. Trong lúc đi Phong nghĩ rằng có thể địch quân định sử dụng vũ khí hóa học hay sao mà tiểu đoàn lại phát cái của nợ này cho ÐÐ mình. Ðeo vào chưa được nửa phút, ai nấy cũng muốn bỏ ra, vì ngột ngạt, khó chịu… ÐÐ Phong được lệnh dàn hàng ngang băng qua một thửa ruộng nước, để tấn công vào mục tiêu là con suối nằm ngang trước mặt. Phong thoáng nghĩ chiến thuật thí quân này của ông tiểu đoàn trưởng, người giáo phái, và ÐÐ trưởng người thượng thật là vô nhân, nhưng là một sĩ quan non choẹt, mới ra trường, Phong có thể làm gì hơn, ngoài sự tuân lệnh. Mà đúng như Phong dự đoán, chỉ trong nửa phút sau khi tiến lên, trung đội bạn bên cánh trái, rụng 5 mạng, vị chuẩn úy khóa sau Phong làm trung đội trưởng, chết tại chỗ. Bản thân Phong bị 1 viên ngay bả vai, trong khi y tá băng bó vết thương cho chàng, thì 1 viên đạn thứ hai rớt vào bụng Phong, cả 2 viên đạn đều nằm ngoài da, Phong chỉ mất 1 chút máu, nhưng hai binh sĩ của chàng, đã ra người thiên cổ, có lẽ đã bị đạn, trước khi 2 viên đạn với tới cơ thể chàng. Có lẽ Trời cao đã ghé mắt đến Phong, nên chàng mới thoát trong đường tơ, kẽ tóc như vậy.

Sau khi thanh toán mục tiêu, đơn vị Phong bắt được 2 cán binh bị thương chưa kịp chạy, và khi chiến trường đã được “clear” với 12 xác của những kẻ “sinh Bắc,” mà đòi “tử Nam,” thì ông đại úy tiểu đoàn trưởng đến, sau khi nói nhỏ với ông trung sĩ an ninh một câu gì đó, ngay sau đó chàng trung sĩ của ông tiểu đoàn trưởng lấy súng carbin M2 ria một loạt, và lập tức 1 chàng cán binh trẻ tuổi gục xuống, không nhúc nhích, trước sự ngỡ ngàng của Phong, và mọi người. Da thịt của chàng trai xấu số đó, tuổi chừng 17 18, đã bay dính vào áo Phong. Người tù binh còn lại được trói tay, giải đi. Bạn bè Phong, và binh sĩ dưới quyền, nhiều người cũng đã gục ngã, nhưng sát hại tù binh kiểu đó Phong không chấp nhận, và suốt đời quân ngũ, chàng cũng chưa hề đụng đến cơ thể của bất cứ tù binh nào.

Mời độc giả xem thêm video: Phụ huynh đồng loạt không cho cả nghìn học sinh đi khai giảng

Chiến cuộc cứ tiếp diễn, hàng ngày số hòm dành cho tử sĩ tại Quân Khu Hai của một tiệm hòm trúng thầu có khi lên tới cả trăm. Thanh niên, lớp này thay lớp khác phơi xương trắng máu hồng ngoài sa trường, nhưng bọn xôi thịt, bọn chính khách xa lông, bọn ngụy hòa ngu ngơ tin vào miệng lưỡi của loài lang sói, vẫn không cần biết đến những hy sinh đó, và vẫn ngày đêm tiếp tay cho loài chồn đỏ, loài phú lang xa lông lá, bức tử miền Nam thân yêu của chúng ta. Phong chưa thấy có một nghề nào mà nhân công lại cực khổ và nguy hiểm bằng người lính. Với một cấp số đạn, một cây súng trường không hề nhẹ, 7 ngày gạo, chiếc nón sắt, và những thứ lỉnh kỉnh khác, mà phải lội bộ, leo núi triền miên; ban đêm còn phải phục kích, canh gác, tất cả chất lên vai một con người trên dưới 45kg, từ ngày này qua ngày khác, thì thử hỏi, nếu không mất xác thì cũng có lúc “da ngựa bọc thây” nằm trên chiếc trực thăng trắng về với lòng đất mẹ, tại nghĩa trang Biên Hòa.

Lần thứ hai, ÐÐ Phong cũng được điều động đến phối hợp với TÐ bạn, để thanh toán mục tiêu gần một chân núi trong vùng trách nhiệm hành quân. Vì nôn nóng lập chiến công, ông ÐÐ trưởng ra lệnh cho trung đội của Phong tiến lên tiếp cận với mục tiêu, mà không cần biết phía trước đã có những đơn vị nào. Khi Phong cho đơn vị tiến lên, thì đã có nhiều đơn vị bạn đang án ngữ phía trước, và vì thế Phong không thể nhanh chóng lên thêm nữa. Nhưng vì còn ở mãi phía sau, không nắm vững tình hình, ông ÐÐ trưởng cứ một mực hối chàng phải lên, ông còn nạt nộ trong máy truyền tin: “Nếu thẩm quyền mày không chịu lên, tao sẽ đưa cha con mày ra tòa cả lũ bây giờ!”… Phong ngán ngẩm cho thói đời: vì ham danh vọng, mà con người nhiều khi cứ nhắm mắt xua binh lính dưới quyền lao vào cửa tử, để mình chóng được thăng cấp. Giận quá, Phong hét to lên: “Mày nói ổng cứ việc tự nhiên!,” nhưng dĩ nhiên chú truyền tin đâu dám hó hé…

Một lần đi phục kích trong khu dân cư trú. Sau khi bố trí xong xuôi, Phong vào nhà nói chuyện với người trong nhà cho khuây khỏa. Một cô gái khoảng 17 tuổi đem rổ khoai lang luộc đến mời mọi người cùng ăn. Vừa ăn, vừa nói truyện vui vẻ, nhưng lúc nào Phong cũng phải cảnh giác những bất trắc có thể sẽ xẩy ra. Ðêm càng lúc càng khuya, mọi người mỏi mệt đều buồn ngủ. Cô gái cũng nằm ngay cạnh Phong ru giấc mộng. Phong có một cảm giác nôn nao, khó tả. Ðang ở vào độ tuổi sung mãn của một đời người, mà lại xa nhà, xa người yêu, phải dấn thân vào một vùng đất xa lạ, để rình rập bắn giết người cùng chung giống nòi. Càng nghĩ, chàng lại càng băn khoăn, chán nản. Ðúng lúc đó, thì người con gái bên cạnh mơ màng quay qua phía Phong để tay lên mặt chàng. Hình như mọi người đã ngủ cả. Mùi con gái, mùi dầu dừa cứ phảng phất trước mũi Phong. Chàng cầm lấy tay người con gái tính bỏ ra, nhưng nàng ta đã cầm lấy tay Phong, và xích gần lại. Ðèn đã tắt từ lâu, Nàng trăng cũng e ấp giấu mặt vào đám mây đen. Hơi thở của nàng con gái mới lớn mỗi lúc một nhanh hơn. Phong ôm lấy nàng, và hai con người khao khát yêu đương cuốn lấy nhau không rời. Tiếng động bên ngoài, khiến Phong chột dạ, buông người con gái ra. Còn đang tiếc nuối phút giây rạo rực, thì nàng trăng cũng ỏn ẻn ló ra khỏi vầng mây đen, mỉm cười dòm hai người. Phong đứng dậy, xóc lại quần áo, rồi ra ngoài kiểm tra lính gác, chỉ cần một sơ sót, chút xíu lơ là, thì mọi truyện có thể trở nên bi thảm cho cả đơn vị.

Tình yêu và dục vọng là hai chị em song sinh, khó có thể tách rời nhau được. Khi con người đến tuổi dậy thì, “nguồn cơn,” hay bản năng gốc bắt đầu trỗi dậy, và khuấy động cảm giác của con người. Nam, nữ khi hợp nhãn nhau đều như hai thỏi nam châm, cuốn hút vào nhau. Chính vì như vậy, mà dân số thế giới, mặc dù đã về lòng đất rất nhiều, hiện nay có lẽ đã tòm tèm 7 tỷ. Cái mà con người đặt cho nó một từ ngữ là “tình yêu,” có lẽ đã được “chui ra” từ “tổ kén” tình dục, và đã được con người “ mỹ từ hóa” như thế.

Phong buồn cho thân phận, giờ này đã 25 xuân xanh, lứa tuổi đẹp nhất để lập gia đình, yêu đương, hưởng thụ cuộc sống, thỏa mãn nhu cầu sinh lý để sinh con, nối dõi tông đường, như bao thanh niên khác trên toàn thế giới. Nhưng hoàn cảnh chiến trường đã đẩy bọn chàng xa hẳn cuộc sống bình thường, vào những tình huống yêu đương chắp vá nửa mùa như thế này. Người con gái nông thôn duyên dáng mà chàng vừa vội vàng âu yếm vài phút ngắn ngủi, cũng có nhu cầu của bản năng như mọi thiếu nữ khác trên hành tinh của chúng ta. Nàng nằm đó, trên manh chiếu rách, co ro trong manh áo cũ sờn bâu, có lẽ cũng đang tủi phận, vì “tình làm bằng dấu đôi tay,” chứ không được Phong rót vào tai vài câu âu yếm của những kẻ đang yêu nhau. Chiến tranh cướp đi tất cả: mạng sống của bao sinh linh, tình yêu của bao nhiêu nam nữ đến tuổi trưởng thành, cướp đi những tổ ấm chưa kịp bén mùi hương lửa. Ruộng vườn, rừng cây cũng đều trở thành mồi lửa cho bom đạn. Quê hương của chàng sao lại thê thảm như thế này?! Hàng mấy triệu thanh niên của cả hai miền, không làm gì ra của cải, lương thực, mà phải lãnh súng đạn của ngoại bang được bọc trong mỹ từ “viện trợ,” để rồi lùng sục bắn giết nhau, không thương tiếc. Mảnh đất chữ S nhỏ xíu, xương xẩu có được bao nhiêu mầu mỡ, mà sao “bọn nó” nỡ âm mưu với nhau, “xui nguyên, dục bị” để phá cho tan hoang như xơ mướp thế này. Nước Ðức cũng chia đôi, Ðại Hàn cũng hai mảnh, Trung Hoa cũng hai bên Quốc-Cộng, người ta đâu có phân tranh, không nồi da xáo thịt. Sao Cộng Sản Việt Nam lại hung hăng nhất quyết đòi “giải phóng“cho bằng được mới thôi?! Họ đã “giải phóng” cả miền Bắc rồi đó, nhưng có ai muốn sống với họ đâu? Hơn một triệu người trốn chạy họ rồi, mà sao họ vẫn ngoan cố ép buộc toàn dân phải tùng phục họ dưới mái nhà “xã hội chủ nghĩa.” Ðúng là một lũ mù của cái “Thiên Ðường mù”!…

Thời gian sau, khi đã làm ÐÐ phó, ÐÐ của Phong có nhiệm vụ, trấn giữ một eo núi giữa hai xã Mỹ Chánh và Mỹ Thọ, thuộc quận Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh, nơi đây là hang ổ của đám du kích vùng này. Bộ chỉ huy ÐÐ đóng quân phía dưới lưng chừng đồi, một trung đội được phái lên đỉnh đồi làm tiền đồn. Chưa được nửa tiếng sau khi các đơn vị xuất phát, thì một tiếng nổ long trời ở trên cao vọng xuống. Phong và hai cận vệ tức tốc chạy lên;một cảnh tượng thê lương, đau xót diễn ra trước mắt chàng. Trái mìn tự chế của đám du kích được gài từ trước đã phanh thây chín binh sĩ của đơn vị Phong. Máu me, xương thịt văng vãi tứ tung. Một mùi tanh tưởi tỏa ra khắp nơi. Những người mẹ già, những cô vợ trẻ, những đứa con thơ, sẽ ra sao, khi người thân của họ theo trực thăng trắng bay về để nằm trong chiếc “hòm gỗ cài hoa.” Sau khi gọi trực thăng di chuyển những xác thân binh sĩ xấu số về bệnh viện, Phong ngồi một mình, ủ rũ trên cục đá, tang thương như bức tượng “Tiếc Thương” trong khu nghĩa trang Biên Hòa. Nước mắt ứa ra từng giọt, như những “giọt mưa trên lá.”

MỚI CẬP NHẬT