Wednesday, April 24, 2024

Góc nhìn của người lính cũ: Nghĩ về cuộc thương chiến Mỹ-Trung

Chính Biên

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung có dễ cũng đã hơn một năm, xem ra thì bên Trung có vẻ núng thế rồi và bên Mỹ như còn sung sức. Thế thì sao lại có chuyện “ngưng chiến” nhỉ?

Nếu theo lời Tổng Thống Donald Trump thì phải đánh cho đến thắng cuộc, nay lại tạm ngưng trong 90 ngày. Phải chăng đây là đòn chơi của người quân tử khi thấy bên kia có lời hòa dịu.

Trước khi có cuộc gặp gỡ tay đôi bên lề hội nghị G20 tại Argentina, bên Trung đã tỏ sự nhượng bộ khi tuyên bố rằng Trung Quốc sẽ gia tăng mua thêm hàng của Mỹ để lấp dần hố cách biệt thương mại và sẽ cải cách các điều kiện đầu tư cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào Trung Quốc, có nghĩa là sẽ cải tổ những điều kiện bó buộc trước đây về quyền sở hữu trí tuệ mà giới doanh thương tư bản Hoa Kỳ đem vào Trung Quốc (hiểu ngầm là bớt ăn cắp chứ không bãi bỏ theo yêu cầu của TT Trump).

Đến nay, tin mới nhất là phía bên Trung lại vừa công bố kế hoạch “Made in China 2025” được ấn định lại là “Made in China 2035,” nghĩa là phải tới năm 2035 kế hoạch bá chủ thương trường thế giới của Trung Quốc mới hoàn thành.

Gác lại 10 năm cái tham vọng bá chủ thương trường thế giới của ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản Trung Hoa, có phải là một bước nhượng bộ nữa không?

Xem ra thì không. Năm 2025 hay 2035 thì cái tham vọng ấy vẫn còn nguyên. Đến thời gian ấy ông Trump đã không còn làm tổng thống Hoa Kỳ dù có được tái cử nhiệm kỳ II tổng thống. Trong khi đó thì ông Tập Cận Bình vẫn còn nguyên địa vị “muôn năm trường trị.” Vậy thì vội vã chi để cho ông Trump kỳ đà cản mũi làm thiệt hại đến sự phát triển kinh tế hiện tại.

Nhưng không biết có phải ông Tập Cận Bình không hiểu cái quyết tâm của ông Donald Trump là đánh sập hẳn cái tham vọng bá chủ thương trường thế giới của ông Tập, chứ không phải là đánh nền kinh tế của Trung Quốc đang mon men tiến vào lãnh vực công nghệ cao cấp chứ không còn là sản xuất cung ứng thị trường tiêu thụ bình thường như mấy chục năm qua. Ông Tập dư biết nhưng ông làm như không biết, “Giả mù sa mưa” mà.

Thực ra nó cũng có những lý do để Trung Quốc phải lùi lại 10 năm. Mười năm, biết bao nhiêu tình, biết bao nhiêu biến đổi trong một thế giới bất ổn như hiện nay.

Cái lý do thứ nhất là nền kinh tế của Trung Cộng hiện nay mới chỉ tiến vào công nghệ cao cấp và phải dựa vào sự cung cấp dữ liệu điện tử của các hãng Mỹ như Intel, Qualcomm, Bradcom, Marvell, Micron… mà Trung Cộng chưa làm được, hay nói đúng hơn là không cần làm, cứ việc lấy cái sáng tạo của người làm của mình mà xài ‘tự nhiên như người Hà Nội” vào những ngày đầu cuộc đổi đời 1975 ở miền Nam Việt Nam.

Nhưng nay, cuộc thương chiến xảy ra, chính phủ Hoa Kỳ sẽ lệnh cho các hãng sản xuất này không bán cho Trung Cộng nữa vì lý do an ninh quốc gia, thì nền công nghệ cao cấp của Trung Cộng sẽ phải ngưng hoạt động như đã xảy ra cho tập đoàn viễn thông lớn ZTE sau ông Tập phải xuống nước can thiệp với chính phủ Hoa Kỳ mới hoạt động lại được sau khi đóng phạt $1 tỷ cho Hoa Kỳ.

Ông Tập có chịu bó tay như vậy không. Không đâu. Ông ấy đang hối thúc bộ máy cầm quyền của ông phải mau chóng hoàn tất được một lực lượng trí tuệ để tự túc trong lãnh vực sáng tạo. Ông dự trù 10 năm, sẽ đổ của vào các công trình nghiên cứu, sáng tạo để có được một lớp khoa học gia, các nhà sáng chế và các phát minh mới cho nền công nghiệp cao cấp. Điều đó đúng. Nhưng để được như Mỹ hay các nước tiên tiến Tây phương thì 10 năm để đào tạo lớp người tinh hoa này cũng sẽ chỉ là những người máy (một phần hành công nghệ cao của Trung Cộng đang tiến hành). Các nước Tây phương như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, kể cả Nga nữa đã phải qua nhiều thế hệ mới có được đội ngũ khoa học gia, các nhà sáng chế, các phát minh, cải tiến liên tục thông qua việc đầu tư vào các đại học, lập các viện nghiên cứu… đâu chỉ với một thời gian ngắn mà thôi.

Một điều khác nữa, nếu như có thành công được một đội ngũ khoa học gia người máy thì công nghệ cao cấp được điều hành từ những người máy này cũng chỉ mới đuổi kịp được nền công nghệ hiện tại của Hoa Kỳ và các nước tiên tiến bởi vì không có lớp người sáng tạo thì làm sao vượt hơn được.

Lại nhớ một câu chuyện cũ. Đó là chuyện nước Tàu tình cờ phát hiện ra diêm sinh mà chỉ ứng dụng được có mỗi một trò là làm pháo nổ chơi. Trong khi đó các nước phương Tây thấy được cái phát minh ra diêm sinh của người Tàu, đã đem về ứng dụng thành thuốc nổ dùng làm súng đạn đi chinh phục khắp thế giới.

Đến bây giờ cũng vậy, công nghệ cao cấp về quân sự của Trung Cộng mới chỉ có một hàng không mẫu hạm rưỡi, máy bay tiềm kích thì cũng có được loại tối tân tàng hình như Mỹ, ngoại giả thì chả thấy có gì khác lạ. Đó là hậu quả của ăn cắp rồi bắt chước, nhái lại thì làm sao vượt hơn người được.

Nhưng sự ăn cắp nhái lại của nền kinh tế công nghiệp Trung Cộng đã làm cho Trung Cộng trở thành một nước có nền kinh tế phát triển và giàu có (nhà nước giàu có còn dân thì vẫn nghèo) nhờ vào sự ăn cắp, nhái lại nên hàng hóa sản xuất ra có giá thành rẻ mạt (chưa kể còn được nhà nước đổ thêm vốn vào) đưa ra thị trường thế giới cạnh tranh khiến nhiều nước phải khốn đốn. Riêng Hoa Kỳ đã mất đi một số ngoại tệ lớn và đưa mức thất nghiệp vào các năm trước lên đến gần 10 chấm (nay đã xuống còn 3.7 chấm).

Bởi thế Hoa Kỳ đã phải lập hàng rào quan thuế với hàng Trung Cộng để chặn đứng sự cạnh tranh phá hoại này của các “chú Ba.”

Nên chúng ta thuộc giới tiêu thụ Mỹ có phải chịu ít ảnh hưởng thì cũng nên vui vẻ đừng ca thán bởi vì nước Mỹ, cụ thể là Tổng Thống Donald Trump đã chặn được cái “Họa Da Vàng” mà thủ tướng nước Anh Wilson Churchill đã cảnh báo từ sau Chiến Tranh Thế Giới lần II kết thúc. (Chính Biên)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT