Friday, March 29, 2024

Góc nhìn của người lính cũ: Nước Mỹ còn như thời chiến tranh Việt Nam không?

Chính Biên

Thời chiến tranh Việt Nam, Tướng William Westmoreland, tư lệnh quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương, từng có lần tuyên bố “chúng ta tham chiến trong một cuộc chiến bị trói một tay” (lâu quá không nhớ nguyên văn nhưng đại ý là như vậy).

Còn nhớ, khi Tướng Nguyễn Cao Kỳ làm chủ tịch Ủy Ban Hành Pháp, có đề nghị với Đồng Minh Hoa Kỳ là mở cuộc tấn công ra Bắc, tiêu diệt hậu cần của quân đội Cộng Sản Bắc Việt đang dồn dập xua quân vào Nam nhưng không được chính quyền Mỹ đồng thuận, chỉ miễn cưỡng để Không Quân VNCH oanh tạc vài chuyến tại phía Bắc cầu Hiền Lương, nơi phi quân sự theo Hiệp Định Genèva.

Những chuyến oanh tạc đó chỉ như muối bỏ biển khi quân Cộng Sản Bắc Việt được cả thế giới Cộng Sản có Liên Xô, Trung Cộng, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary đỏ đồ tiếp vận lương thực, súng đạn, phương tiện quân sự cho “đồng chí Việt Nam” làm nhiệm vụ quốc tế nhuộm đỏ Đông Nam Á cho chủ nghĩa Cộng Sản, thực tế là cho Cộng Sản Liên Xô và Trung Cộng.

(Sau cuộc chiến, Cộng Sản Bắc Việt khi đề cập đến sự viện trợ to lớn của các nước anh em đã thú nhận Trung Cộng không chỉ viện trợ súng đạn, phương tiện chiến tranh… mà từ cây kim sợi chỉ, những nhu yếu phẩm cần thiết cho miền Bắc Việt Nam mà còn cả quân đội sang giữ miền Bắc Việt Nam để Cộng Sản Bắc Việt dồn toàn lực vào công cuộc xâm chiếm miền Nam. Nhưng kể thì kể mà Cộng Sản Bắc Việt lại không ơn đền nghĩa trả mà lại theo Liên Xô nên Trung Cộng phải cho CSVN một bài học khiến tình nghĩa “môi răng” vỡ toang. Đến khi Liên Xô sụp đổ thì CSVN đành phải sang triều cống Trung Cộng gán nợ đất nước trong hội nghị Thành Đô với Trung Cộng).

Trước tình hình đó, Mỹ phải đổi chiến thuật là oanh tạc miền Bắc dữ dội bằng B.52 nhưng cũng chỉ dữ dội vào những nơi được Mỹ quy định. Mục đích không phải là để thắng mà là để áp lực cho Cộng Sản Bắc Việt ngồi vào bàn hội nghị ở Paris. Nghe nói những phi vụ B.52 đó khi cất cánh thì Liên Xô đã được Mỹ thông báo (?). Theo nhiều nhà bình luận sau này thì không phải Mỹ sợ Liên Xô hay Trung Cộng, mà vì một thế đòn thâm hiểm hơn là để bắt tay với Trung Cộng, phá vỡ cái thế liên kết Xô-Trung, một hiểm họa có thể dẫn đến chiến tranh thế giới thứ ba để chấm dứt chiến tranh lạnh giữa hai khối Cộng Sản và Tư Bản.

Nay thế tình thế giới lại có nhiều chuyển biến giữa Mỹ-Nga và đặc biệt giữa Trung-Mỹ. Sự trừng phạt Nga chiếm bán đảo Crimea của Ukraine của Mỹ và Đồng Minh đã làm cho Nga thiệt hại về kinh tế, giao thương cùng thế giới và cuộc chiến tranh thương mại với Trung Cộng mà Mỹ phát động đã khiến hai nước này sáp lại gần nhau đe dọa nền an ninh của Hoa Kỳ trên thế giới.

Chính phủ Trump vào đầu năm nay đưa ra kế hoạch mới về quốc phòng, coi Nga-Trung là những đối thủ chính vì cả hai nước này đã liên kết nhau nhiều mặt. Về quân sự thì mới đây Nga-Trung đã có một cuộc tập trận chung tại Tây Bá Lợi Á. Về kinh tế thì hai nước đang bàn thảo giao thương sẽ dùng đồng Rup của Nga và đồng Nhân Dân Tệ của Trung Cộng trong những giao hoán thương mại chống lại mãnh lực của đồng đô la của Hoa Kỳ.

Trước những đe dọa đó, Hoa Kỳ lại như thời kỳ của Tổng Thống John F. Kennedy khi Liên Xô chuyển đến Cu Ba những dàn tên lửa sát nách Hoa Kỳ. Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Kennedy đã cương quyết đòi Liên Xô phải dẹp bỏ nếu không chiến tranh sẽ nổ ra và nổ ra khi cả hai nước đều có thể sử dụng đến vũ khí nguyên tử. Kết quả, Liên Xô lùi, phải tháo dỡ hết những dàn tên lửa trên đất Cu Ba.

Nay, nước Nga dưới thời ông Putin, một cựu nhân viên tình báo Nga thời Liên Xô lại ngấm ngầm vi phạm Hiệp Ước INF, tiến hành sản xuất các loại tên lửa tầm trung mà Hiệp Ước INF quy định không quá 5,000 km. Lập tức Tổng Thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút ra khỏi hiệp ước này vì Nga đã vi phạm.

Sự cương quyết của Mỹ khiến Nga la hoảng cho rằng nước Mỹ đang dẫn nhân loại đến Thế Chiến Thứ Ba.

Sự cương quyết của Mỹ lần này nữa có giống như thời Tổng Thống Kennedy không thì theo nhiều nhà quan sát cho rằng có thể. Lý do cả Nga và Trung Cộng, nhất là Nga, không đủ lực kinh tế để theo đuổi một cuộc chạy đua vũ trang Nga-Mỹ từng làm chế độ Cộng Sản tại Nga phải sụp đổ. Còn Trung Cộng thì tuy đã có nền kinh tế phát triển hơn Nga nhưng chất Xám trong cuộc chạy đua vũ trang thì Trung Cộng thua xa Mỹ bởi vì Trung Cộng chỉ là kẻ ăn cắp những sở hữu trí tuệ để phát triển được nền kinh tế của mình thì sự ăn cắp sở hữu trí tuệ trong lãnh vực công nghệ chiến tranh nếu có thì cũng chỉ là kẻ đi sau. Trong cuộc chiến, kẻ nào bắn chậm thì chết.

Luận bàn lai rai như vậy để suy ngẫm rằng trong cuộc chiến Việt Nam, Mỹ đã vì thế chiến lược phá vỡ khối Cộng Sản Nga-Trung mà hy sinh “tiền đồn chống Cộng ở Đông Nam Á” thì nay trong thế tranh chấp, đối đầu Nga-Mỹ-Trung, Việt Nam trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ có lấy lại được những quần đảo đã mất vào tay Trung Cộng không hay lại bị như VNCH bốn mươi ba năm trước. (Chính Biên)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT