Thursday, April 25, 2024

Góc nhìn của người lính cũ: Việt Nam trước một cơ hội

Chính Biên

Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-Bắc Hàn lần thứ hai nhiều phần sẽ diễn ra tại Việt Nam vào cuối Tháng Hai, 2019. Đó là những tin tức từ hai phía Mỹ-Bắc Hàn tiết lộ được báo chí thế giới trích dẫn.

Hội nghị lần thứ nhất diễn ra tại Singapore vào Tháng Sáu năm ngoái, trong đó phải nói là nỗ lực của tổng thống Nam Hàn góp vào không nhỏ để hai bên cùng chọn Singapore.

Lần thứ hai này thì cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Bắc Hàn chẳng cần đến ai làm “môi giới.” Chính nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un lên tiếng trước trong một bài diễn văn đầu năm. Và ngay sau đó là lời tiếp nhận hoan hỉ của Tổng Thống Donald Trump.

Như vậy vai trò của Việt Nam chả có một tí góp sức vào cuộc gặp gỡ tìm hòa bình này. Thế nhưng Việt Nam lại được chọn. Bốn nơi Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Hawaii là những địa điểm cho cuộc gặp Mỹ-Bắc Hàn lần thứ hai được các phái đoàn hai bên đề cập đến sau khi tiếng nói của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Bắc Hàn lên tiếng.

Thế thì Việt Nam đã không dưng chớp được cơ hội để gây uy tín cho mình.

Vậy những người lính cũ chúng ta thử đoán mò xem những nguyên nhân nào đưa cơ hội này đến cho Việt Nam.

Trước hết là vấn đề khoảng cách vì Kim rất ít xuất ngoại kể từ khi nắm quyền, nên chiếc máy bay chuyên cơ cho Kim được Liên Xô biếu từ thời nào, cũ mèm không thể bay đường dài được. Do đó mà kỳ gặp lần đầu tại Singapore, Trung Quốc đã phải cho mượn một chiếc máy bay đủ tối tân cho Kim đi từ Bình Nhưỡng đến Sigapore.

Lần này, nếu đi Việt Nam thì khoảng cách cũng tương tự. Dù không ai trong phái đoàn tổ chức cuộc gặp gỡ nói ra nhưng ai cũng hiểu đây là một động thái ngoại giao của Hoa Kỳ muốn tạo thuận lợi cho Kim đến với cuộc gặp thượng đỉnh lần hai.

Lý do sau là Kim đã từng tuyên bố có thể theo cách thức của CSVN để phát triển kinh tế của Bắc Hàn sau những năm chỉ chú trọng vào quốc phòng.

Phải chăng Kim đã ngưỡng phục tài kinh bang tế thế của CSVN? Không đâu, Kim dù có độc tài đến mấy nhưng bên cạnh Kim là cả một bộ não của các tay Cộng Sản vốn từng phục vụ cho đế chế Bắc Hàn qua các đời ông đời cha của Kim. Những bộ não ấy đã từng giúp cho Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật những lươn lẹo trong các cuộc họp thượng đỉnh với phương Tây kể cả Nga và Tàu Cộng, nên sự phát triển kinh tế của CSVN, các nhà lãnh đạo Cộng Sản Bình Nhưỡng nào coi ra gì.

Nhưng với Kim, có thể có những cái nhìn mới, cho rằng Việt Nam và Bắc Hàn có nhiều điểm tương đồng. Thứ nhất, là một đất nước bị phân đôi thành hai nước Cộng Sản, quốc gia. Nhưng CSVN đánh lừa được Mỹ để thống nhất đất nước trong khi Bình Nhưỡng còn phải chịu chia đôi mà tình trạng chiến tranh vẫn chưa chấm dứt.

Thứ hai là sau khi thống nhất được đất nước thì CSVN đã làm gì để thoát khỏi tình trạng cả nước đói nghèo trong gần 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc. Đây chính là điều mà Kim muốn tìm hiểu.

Điều Kim muốn tìm hiểu chắc cũng không khó, nhưng thực hiện thì liệu Kim có đủ tài lươn lẹo, gian dối và liều mạng như CSVN không.

Đó là sự vay vốn của chương trình tài chính quốc tế ODA. ODA là nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài bao gồm các khoản viện trợ và cho vay với điều kiện ưu đãi. ODA là nguồn vốn dành cho các nước đang hoặc kém phát triển được các nước giàu, phát triển, của các tổ chức liên chính phủ hay các tổ chức phi chính phủ tài trợ. ODA gồm các dạng thức như viện trợ không hoàn lại, viện trợ có hoàn lại hay còn gọi là tín dụng ưu đãi. Dạng thức thứ ba là phối hợp cả hai dạng thức trên.

Việt Nam, sau ngày Cộng Sản cai trị bằng nề kinh tế chỉ huy, đã thất bại thảm hại đưa toàn dân đến chỗ cả nước đói nghèo nên từ 1985 đành phải chuyển biến theo kinh tế thị trường nhưng còn mang theo cái đuôi là “theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa.”

Khi nhà cầm quyền Việt Nam công bố chính sách gọi là “mở cửa” với chủ thuyết kinh tế trên thì chẳng ai hiểu nó là cái gì, nhưng cũng tạm tin là CSVN muốn đổi mới để phát triển. Thế là ùa nhau cho Việt Nam vay vốn ODA. Nhật là nước cho Việt Nam vay vốn ODA nhiều nhất. Và những “đỉnh cao trí tuệ” Việt Nam túm ngay lấy cơ hội, ai cho vay cũng nhận, rồi rủ nhau đi khắp thế giới cạy cục vay mượn tứ tung.

Nhưng ở đời không dưng có ai mang tiền đến cho không! Nên sau vài năm, có một vài nhà tài chánh học trong nước bỗng giật mình nhận ra rằng cứ cái đà vay này thì ba đời con cháu tiếp theo vẫn chưa trả hết nợ. Rồi chỉ ít năm gần đây các cơ quan tài chánh quốc tế IMF, WB cảnh báo Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không có tiền để trả lãi cho các khoản vay chứ chưa nói đến trả được vốn. Vẫn theo các cơ quan tài chánh quốc tế này thì Việt Nam nay rất khó để vay thêm được vốn.

Có phải các nơi cho Việt Nam vay “búa xua” như vậy là dại không. Không đâu, họ sẽ lấy lại bằng các khoản khác. Chính Biên xin khất để một dịp khác sẽ bàn nhăng về vấn đề này.

Dĩ nhiên các khoản vay cũng có những điều kiện mà nước đi vay phảm cam kết thực hiện. Đó sự phát triển các cơ sở hạ tầng. Do đó mà “Việt kiều” về nước mới thấy Việt Nam phát triển, xây dựng đến “chóng mặt” theo như nhiều người chỉ thấy ở các tỉnh thị, thành phố lớn. Một trong các hình thức vay để phát triển là hệ thống thâu thuế BOT đang là mối bóc lột nhức nhối của nhà cầm quyền áp dụng suốt tứ Nam ra Bắc.

Sự phát triển, xây dựng này đã đưa đến sự hình thàng giai cấp tư bản đỏ là những quan chức cầm quyền và một hệ thống bà con thân hữu. Với gần 3 triệu đảng viên, tức là những kẻ có quyền thế luôn “đói ăn” mà đảng phải nuôi dưỡng. Cứ thử là một con tính nhân về “thức ăn” mà đảng phải nuôi dưỡng 3 triệu đảng viên thì ta biết ngay vốn vay ODA đã phải thâm hụt như thế nào.

Do đó mà hiện nay tình trạng kinh tế Việt Nam đang bị cảnh báo là trên đà sụp đổ, căn cứ trên những món nợ không thể trả nổi trong khi hàng năm số lượng các công ty lớn nhỏ nhà nước cũng như tư doanh (nhưng được nhà nước quản lý) cứ đua nhau phá sản, đóng cửa, theo thống kê của báo Đầu Tư các năm vừa qua.

Đây mới chỉ là một khía cạnh trong việc phát triển của CSVN mà ông Kim muốn bắt chước chăng. (Chính Biên)

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT