Thursday, March 28, 2024

Tháng Tư nhớ chuyện tình báo xưa (kỳ 1)

Lê Hoàng Nguyên

LTS: Trang Cựu Chiến Binh vừa nhận được bài viết của tác giả Lê Hoàng Nguyên. Vì bài viết khá dài, nên chúng tôi sẽ chia ra làm ba kỳ. Mời quý độc giả đón đọc. Nhân đây, xin kính mời quý độc giả có những bài viết và hình ảnh về người lính VNCH, những sinh hoạt của cựu chiến binh VNCH… gửi email đến [email protected]. Nhật báo Người Việt sẽ là cầu nối các cựu chiến binh VNCH khắp nơi trên trang báo này. 

Tiểu khu Quảng Ngãi vừa nhận được tin tình báo quan trọng. Công Trường F.301 cắt cử một trung đoàn phối hợp với quân chủ lực tỉnh và du kích địa phương mở một chiến dịch lấy tên (chặt chân rết), quét sạch tất cả các đồn bóp dọc theo đường tiếp vận xuống phiá nam, dự trù khởi đầu cho một chiến dịch lớn sau này.

Đội kiểm thính cho biết sự liên lạc của địch trong vùng gia tăng đáng kể, dù chưa biết được nội dung công điện, chứng tỏ Việt Cộng có một kế hoạch gì đó. Phòng 2 tiểu khu cử Trung Úy Đức xuống tận chi khu Trà Bồng là trọng điểm của chiến dịch mà Việt Cộng phải tiêu diệt trước tiên. Nhiệm vụ của anh là điều nghiên, lượng giá tin tức gửi về tiểu khu (P2). Sau buổi họp hằng ngày của chi khu, ông quận trưởng giới thiệu Trung Úy Đức với các ban ngành trong BCH/Quận để tạo cho anh dễ làm việc với họ, khi cần phối hợp.

Sơ lược về Trung Úy Đức, sau khi ra trường Bộ Binh Thủ Đức anh theo học trường tình báo Cây Mai và tu nghiệp ba tháng về tình báo tại Okinawa bên Nhật, do quân đội Mỹ huấn luyện. Trước khi nhập ngũ anh đã từng tốt nghiệp bốn năm học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc thành phố Sài Gòn.

Xuống tới chi khu anh bắt tay làm việc với ban Phượng Hoàng, hoặc trinh sát, tiểu đoàn Địa Phương Quân xem có tin tức gì mới về chiến dịch trên của Việt Cộng. Một tuần sau, anh lân la làm quen với ông chủ vựa Hai Út. Buôn bán trên bến dưới thuyền, thu mua nông sản, súc vật, cá tôm, hoa quả, mọi thứ mà người nông dân ở các nơi hẻo lánh mang tới bán, từ đây, ông phân phối cho các cửa hàng ngoài chợ.

Với con mắt nghề nghiệp của Đức, những người từ khu mất an ninh do du kích địa phương kiểm soát cung cấp tin tức giá trị chỗ này. Làm thế nào cấy người vào đây là cả vấn đề. Nghĩ đi nghĩ lại, anh nhìn thấy cơ hội tốt, bộ chiến dịch Phượng Hoàng bỏ sót sao? Có khi những người khuân vác vựa ông Hai Út là người của Phượng Hoàng? 

Đức làm quen Duyên 

Gia đình ông Hai Út có hai người con, một trai hiện là sĩ quan QĐVNCH đóng quân tại Ban Mê Thuột, cô con gái trưởng, học Đại Học Sư Phạm tại Huế ngành ngoại ngữ. Nghỉ một thời gian để chuẩn bị làm lễ ra trường. Gặp Duyên lần đầu tiên, Đức đã có nhiều cảm tình với cô, không phải nhan sắc, mà cách nói chuyện có duyên, lời nói ngọt ngào, dịu dàng, khiêm tốn, dễ lôi cuốn người đối thoại. Thấy cây đàn guitar treo trên tường, Đức cầm cây guitar ngắm nghía rồi hỏi Duyên:

-Ai chơi guitar mà mua cây đàn hiệu (Yamaha) đắt tiền vậy?

-Duyên mua đấy, còn đang tập.

-Mới tập chơi mà dám bỏ tiền mua thứ đàn đắt tiền?

-Tiếng đàn rất ấm và trung thực, chính vì hai yếu tố trên mới lôi cuốn người mới tập. Tiền nào của ấy mà anh.

-Nói đến tính chất của âm thanh cây đàn, chứng tỏ về thẩm âm của Duyên rất sành sỏi.

-Tại anh khen chứ Duyên không dám tự hào với ai về việc này.

Đức chỉnh lại dây đàn cho chính xác, anh dạo một đoạn của bản “Mộng Ban Đầu.” Âm thanh thoát ra rất ngọt ngào, lả lướt, bàn tay chạy game thoăn thoắt trên phím đàn, chứng tỏ anh chơi guitar có hạng.

Hai người cười vui vẻ. Cũng nói thêm Đức rất cẩn trọng khi nói chuyện với Duyên hay ba Duyên, không bao giờ đề cập tới những việc làm trong đơn vị. Thường sáng nào Đức cũng tới nhà ông Hai Út mời Duyên đi ăn sáng. Đức mặc thường phục, tránh cho những người ở nơi hẻo lánh tới buôn bán với ba Duyên phải nghi kỵ, giữ kẽ, mất tự nhiên khi nhìn thấy một người quân nhân ngồi trong nhà.

Việc đến nhà ông Hai Út không phải bỏ bê việc làm trong sở, mà có mục đích rõ ràng, đôi khi nghe được tin tức quan trọng thốt ra từ những người ở nơi hẻo lánh tới bán hàng cho ông Hai Út.

Một buổi sáng, có một người đàn ông không mang hàng đến bán như mọi khi mà lên chợ quận mua một số mặt hàng cần thiết. Ba Duyên gọi ông ta là Ba Bố. Gặp ba Duyên ông nói tía lia, lớn tiếng, mắt rất sắc sảo. Theo suy nghĩ của Đức nhờ buôn bán để dễ dàng đi tới các nơi trong quận dò thám nhưng, không phải chuyên nghiệp, nghĩa là nhìn những gì mắt thấy, tai nghe về hoạt động của lính quận thì báo lại cho du kích.

Bữa nay gặp ba Duyên, anh than phiền kinh tài của họ (Việt Cộng) thu mua nên không có hàng mang ra quận bán. Tất nhiên bán cho họ đâu có lời lãi gì, huề vốn là may. Chả biết mấy ổng làm gì mà bắt mỗi nhà phải làm 10 đòn bánh tét nộp, trễ lắm là 10 ngày sau khi được thông báo. Đức đang bàn luận, góp ý về phần văn nghệ mà Duyên nằm trong ban tổ chức ngày mãn trường, nghe ông Ba Bố nói về hoạt động của Việt Cộng. Đức đứng dậy xin lỗi Duyên, anh phải về ngay có chuyện cần mà quên chưa làm, hẹn tối nay tiếp tục câu chuyện đang dở dang.

Trên đường về quận, Đức nhớ: Lúc nãy đưa Duyên đi ăn sáng thấy chợ quận đông hơn mọi ngày. Vào quận đường, Đức lại trưởng toán Phượng Hoàng hỏi xem có tin tức gì lạ. Trưởng toán cho biết sáng  nay, toán tuần giang Cảnh Sát khám một ghe khả nghi, họ tìm thấy một lô hàng lớn thuốc trụ sinh, sát trùng, cảm cúm, bông băng. Chủ ghe bị giữ điều tra, ông ta khai:

-Vì làm ăn buôn bán ở khu của họ (Việt Cộng), bắt phải làm thì sao chúng tôi dám cưỡng lại, chỉ bị nghi ngờ là tính mạng coi như xong.

Và tiếp: Họ chỉ thị chúng tôi nơi đậu ghe ở địa điểm ấn định là chỗ cây Đa cạnh bờ sông, xa quận, mũi ghe thắp hai ngọn đèn làm ám hiệu. Trời còn tối, một chiếc ghe tam bản cặp sát ghe tôi, ba người thanh niên vác những thùng đồ qua ghe, họ không nói thùng đồ đựng gì, chỉ nói giao cho ông Sáu Bành. Các ông khám mới lòi ra các thùng đó là thuốc tây.

Trưởng toán Phượng Hoàng: Xét ra lời khai đó trung thực. Chúng tôi đang nghĩ cách khai thác thêm một khi có thêm tin tức.

Đức hỏi anh trưởng toán Phượng Hoàng:

-Có thể tiệm thuốc tây ở quận cung cấp số hàng này?

-Với số lượng thuốc nhiều như vậy, tôi nghĩ tiệm thuốc tây ở quận không có nhiều như thế? Tuy nhiên chúng tôi đang ngấm ngầm theo dõi. Có điều cũng hơi kẹt.

-Cái gì mà kẹt?

-Tiệm thuốc này là người bà con ông quận!

-Các anh có hệ thống báo cáo dọc, sợ gì.

-Mình nằm dưới quyền cai quản của người ta mà.

-Thật sự tiệm thuốc tây quận mà buôn bán, kinh tài với Việt Cộng thì bố bảo ông quận dám bao che? Có chăng chạy chọt giảm tội nghe hợp lý.

Đức thảo công điện về hai sự kiện trên, trình quận trưởng ký. Đích thân anh mang công điện cho nhân viên truyền tin mã hóa xong, chuyển về tiểu khu/P2.

Tối đến Đức với Duyên bàn tiếp câu chuyện ban sáng còn dở dang. Đức đề nghị nên hát những bài dính dáng đến học sinh như “Học Sinh Hành Khúc,” “Ngày Thi,” muốn vui thì hát bài “Ô Mê Ly”… Cứ chơi game căn bản. Cái này Duyên thừa biết.

Sáng nay anh dạo đàn bài “Thủa Ban Đầu,” nghe cái tựa đề thấy tình quá, Duyên đề nghị:

-Anh có thể vừa đàn vừa hát bài này được không?

Hai người đang ngồi ở cầu tàu nhà Duyên, ngắm trăng nhô lên cao khỏi xóm nhà lá bên kia bờ sông, ánh trăng lung linh, phản chiếu mặt nước sông làm trăng càng huyền ảo, gió hiu hiu thổi làm cảnh vật hữu tình. Duyên đề nghị bản nhạc trên thật hợp tình, hợp cảnh. Đức cầm cây đàn guitar lên và thử lại toàn dây (thói quen của người chơi đàn) rồi dạo đoạn mở đầu và cất tiếng hát: “Sao không thấy em lại/ Để cùng anh thẩn thơ/ Trước sân trăng vòi vọi/ Để rồi cùng ước mơ…/ Ôi! đẹp sao là thủa ban đầu/ Chìm sâu đáy mắt một mầu xanh khơi…/ Và lũ hoa thầm khép hương chờ mong.”

-Nghe anh hát, Duyên có cảm tưởng như lùi sâu vào quá khứ, trong cảnh thanh bình, thơ mộng. Duyên chỉ sợ chiến tranh sẽ hủy diệt, mọi cái kể cả con người ly tán trong cảnh tang thương!

-Tất nhiên chiến tranh là vậy, trừ lời thề sắt son. Hãy hưởng trọn những gì mình hiện có, lo xa chi cho tóc mau bạc.

Đức chuyển sang đề tài khác nên hỏi Duyên:

-Nghe nói, trước khi học Đại Học Sư Phạm tại Huế, Duyên có học một năm trường Sư Phạm Quy Nhơn. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng xuất thân tại trường sư phạm này?

-Đúng vậy, anh Sơn học trước Duyên mấy năm lận. Rồi hỏi Đức:

-Anh có điều gì cảm nhận về nhạc Trịnh Công Sơn?

-Nhạc thường thôi, nhưng ca từ rất độc đáo, có những câu khó hiểu phải ngẫm nghĩ mới rõ tác giả muốn nói gì, đôi khi mang tính triết lý về nhân bản, thân phận con người trong nước nhược tiểu, trong chiến tranh, hủy diệt giống nòi. Có bài nặng về phản chiến… Gạt bỏ về chính trị, chỉ nói riêng về văn nghệ thì Trịnh Công Sơn cũng là một nhạc sĩ tên tuổi trong nền tân nhạc Việt Nam.

Đức hỏi:

-Duyên thích nhạc thuộc thể loại nào như: Boléro, Rumba, Cha cha, Tango, Boston, Slow…

-Nói cho chính xác, nhạc còn tùy thuộc vào tuổi tác. Trẻ thích nghe nhạc vui tươi, giật như bản “60 Năm Cuộc Đời,” “Ô Mê Ly,” “Bánh Xe Lãng Tử”… Em còn trẻ nhưng đầu óc già nên thích nghe nhạc trữ tình, êm dịu.

-Sở dĩ anh hỏi Duyên như vậy là để đoán thêm một phần nào tính tình của Duyên qua sở thích về âm nhạc, chứ hằng ngày trò chuyện với Duyên, biết tính Duyên rất nhã nhặn với mọi người, dù là con gái diệu của gia đình giàu có, nhưng không kiêu căng, đua đòi như các cô con gái nhà giàu khác, cái đó nói lên sự giáo dục của gia đình, chứng tỏ là nhà mô phạm. Có một điều tương đối quan trọng nói để Duyên hiểu là công việc trong quân đội rất bất thường, có khi phải thức khuya dậy sớm để hoàn tất. Tối nào bận không đến thăm Duyên đừng giận nhé.

Duyên cười: Anh không đến em lại hát nhẩm câu kết của bài “Thủa Ban Đầu” (và lũ hoa thầm khép hương chờ mong).

Hơi muộn, anh phải về, chúc Duyên ngủ ngon, nhiều mộng đẹp. (Lê Hoàng Nguyên)

(Còn tiếp kỳ 2)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT