Saturday, April 20, 2024

12 tỷ đô la tiền Welfare của Tổng Thống Trump

Nguyễn Đạt Thịnh

Ngay giữa Quốc Hội, Nghị Sĩ Cộng Hòa Bob Corker, bang Tennessee, tuyên bố với phóng viên truyền thông, “Chính phủ có một chính sách vô cùng quái gở – biến những nông dân giàu có thành trắng tay, rồi phát trợ cấp ‘welfare’ cho họ, trong lúc vẫn phải vay nợ các nước khác. Tôi lấy làm lạ là cho đến giờ này mà Quốc Hội vẫn chưa nổi loạn.”

Ông Corker nói đúng về tình trạng đang rất giàu của nông dân Mỹ. Họ trồng đậu nành với những nông cụ to lớn, đa năng mà không nông dân nước nào có được để sử dụng.

Cuộc nghiên cứu về những tổn thất của nông dân trồng đậu nành, bắp, và lúa mì trong năm nay – năm đầu tiên áp dụng chính sách thuế nhập cảng (tariff) – cho thấy là nông dân lỗ đến $13 tỷ vì nông phẩm Mỹ bị tẩy chay.

Người Trung Quốc chuộng đậu nành Mỹ, to hột và có nhiều chất đạm hơn mọi thứ đậu nành họ thường nhập cảng để làm tương, làm chao, làm đậu hũ…, không đậu nước nào so sánh được. Nông cụ tối tân giúp đường cầy sâu hơn, phân bón đúng loại, nước tưới đúng mức, khiến nông sản đầy đủ phẩm chất, mà nông phẩm lại rẻ hơn, vì ít nhân công.

Nhưng Trung Quốc vẫn tẩy chay đậu nành Mỹ, đánh thuế nặng đến mức giá thành trở thành quá đắt, không nhà nhập cảng Trung Quốc nào đặt mua nữa.

Liên Âu, Trung Quốc, Canada, Mexico, đồng loạt tăng thuế nhập cảng đánh vào sản phẩm Mỹ, trả đũa việc Mỹ đánh thuế nặng sản phẩm nước họ bán vào thị trường Mỹ.

Loan tin chính phủ tài trợ $12 tỷ cho nông dân, Bộ Trưởng Nông Nghiệp Sonny Perdue nói, “Biện pháp tài trợ quan trọng cho thấy chính phủ sẽ tiếp tục cứng rắn, không để những nước khác bắt chẹt nông dân Mỹ.” Ông yêu cầu truyền thông loan báo rộng rãi tin tài trợ nông gia, và quyết tâm theo đuổi chính sách đánh thuế nhập cảng nặng để bảo vệ sản phẩm nội hóa, bảo vệ công ăn, việc làm cho công dân Mỹ.

Quyết định tài trợ nông dân trồng đậu nành còn được tổng thống thân hành đến tận Iowa để loan báo cho nông dân tiểu bang đó biết. Cuộc thăm viếng Iowa lần thứ 3 này diễn ra hôm 25 Tháng Bảy, 2018, và đã vô cùng thành công.

Ngoài số tiền $12 tỷ tài trợ, ông còn thuyết phục được Liên Âu mua một số lượng đậu nành. Cử tri Iowa ủng hộ ông trong cuộc bầu cử 2016.

Hành động giúp nông dân Iowa bị nhiều quan sát viên tố cáo là dấu hiệu nói lên quyết tâm duy trì cuộc chiến tranh thuế quan do chính tổng thống khai chiến.

Nghị Sĩ Patrick J. Toomey (Cộng Hòa-Pennsylvania) phê bình, “Tổng thống gây thương tổn cho nông dân, rồi dán băng keo lên vết thương; tạo ra cảnh xáo trộn thị trường nông phẩm đã là một sai lầm trầm trọng, xuất ngân khố bù đắp những thiệt thòi cho nông dân lại là một sai lầm khác, trầm trọng hơn.”

Nông dân vẫn chịu đựng hậu quả quyết định tăng thuế tariffs của ông Trump, dù ông có đền bù những thất thu đó trong một năm – điều này chỉ có thể là biện pháp chữa cháy, tạm bợ và ngắn hạn. Nhưng ông không có khả năng thay thế dài hạn lợi tức của họ trên những thị trường xuất cảng mà họ đã hưởng từ nhiều năm nay, và hy vọng vẫn tiếp tục hưởng trong nhiều năm sắp tới.

Ông Trump cũng không trả lời được ưu tư của họ là sang năm trồng những nông phẩm nào, và bán đi đâu, mặc dù ông đã trả lời qua điện văn ông “tweet” hôm 24 Tháng Bảy: “Tariffs là giải pháp tuyệt vời; các nước đã từng đối xử bất công với Hoa Kỳ sẽ phải thương lượng với chúng ta để tạo lập một thương trường công bằng hơn; họ sẽ tiếp tục gánh chịu sức nặng của Tariffs, nếu họ ngoan cố muốn duy trì bất công. Mục đích của tariffs đơn giản như vậy thôi. Và nhiều quốc gia đang bắt đầu thương lượng.”

Điều tổng thống viết có thể đúng, vì Liên Âu và Trung Quốc đang nỗ lực tìm giải pháp thoát ra khỏi bế tắc ngoại thương với Mỹ.

Cũng trong ngày 24 Tháng Bảy, tổng thống đến Kansas City, Missouri; tại đây, ông nói với nông dân, “Không quốc gia đối tác nào thích thuế tariffs của Mỹ cả, chúng ta mời họ thương lượng một tương quan mới, và nhiều nước đã đáp ứng lời mời của chúng ta. Kết quả là một thương trường công bằng hơn, và nông dân sẽ là những người đắc lợi nhất.”

Đáp từ ông Zippy Duvall, chủ tịch Hiệp Hội Nông Dân, nói, “Chúng tôi cảm ơn tổng thống đã nhận ra tình trạng nông dân chúng tôi đang khắc khoải chờ tin vui; những điều tổng thống nói có làm chúng tôi tạm yên lòng, tuy nhiên, không ai có thể quá lời trong cố gắng nói lên mức khiếp đảm của nông dân chúng tôi trước tình trạng bối rối hiện nay.”

Nghị Sĩ Charles E. Grassley – đại diện Iowa – cũng phổ biến một bản tuyên ngôn, nguyên văn, “Tổng thống loan báo con số trợ giúp nông dân Iowa lên tới nhiều tỷ Mỹ kim giúp chúng tôi phấn khởi trước tình thế nông phẩm không có chỗ tiêu thụ; tuy nhiên đó chỉ là niềm vui ngắn hạn. Tuy nhiên nông dân Iowa – cũng như nông dân các tiểu bang khác – cần một thị trường dài hạn vững vàng hơn là một số tiền ban phát.”

Toàn thể quý vị viên chức dân cử vừa kể trên đều thuộc đảng Cộng Hòa, và danh sách dưới đây cũng chỉ gồm toàn thành viên Cộng Hòa; sự lựa chọn đó cố ý chứng minh là tariffs không được đông đảo đảng viên Cộng Hòa hưởng ứng.

Nghị Sĩ Ben Sasse, Cộng Hòa, bang Nebraska, tuyên bố, “Trận giặc thuế quan này chặt gẫy chân người nông dân, và ‘kế hoạch’ của Tòa Bạch Ốc dành $12 tỷ để mua những chiếc nạng vàng giúp họ tạm đứng lên được. Hậu quả phối hợp của 2 chính sách thuế quan và cứu trợ không làm ‘America great again’ mà chỉ tạo ra cảnh ‘America 1929 again’ (chú thích 1929 là năm kinh tế khủng hoảng của Mỹ).

Nghị Sĩ Cộng Hòa Ron Johnson, bang Wisconsin, tuyên bố nông dân Wisconsin want trade, not aid – muốn có thương vụ, không xin cứu trợ.

Khó khăn của tổng thống không dễ giải quyết, vì nông phẩm không hề là sản phẩm duy nhất Hoa Kỳ cần xuất cảng, nông dân cũng không hề chiếm địa vị những người Mỹ duy nhất bị ảnh hưởng vì sản phẩm họ làm ra bị tẩy chay.

Giải pháp càng khó tìm hơn, vì những người nghèo mới này không thỏa mãn với $12 tỷ welfare; họ đòi tái lập thị trường ngoại thương. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày

Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT