Thursday, March 28, 2024

Chọn thái độ sống

Tô Văn Trường



Trước đây, tôi viết bài “Im lặng là vàng”, một người bạn phản hồi cho rằng đây là vấn đề “chọn thái độ sống” của mỗi người.



Đôi khi, thực tế cuộc sống khá phũ phàng khiến người ta dễ đau lòng, nản chí, nhất là những lúc công việc không thuận lợi, các mối quan hệ cá nhân với mọi người xung quanh có lúc không như ý, môi trường sống thay đổi…khiến ta bị ảnh hưởng tâm lý, thái độ lựa chọn có khi cũng dao động theo. 



Vấn đề xã hội và con người thật rộng lớn và phức tạp. Cải tạo môi trường sống là trách nhiệm của mỗi người, dĩ nhiên vai trò kiến tạo của các nhà lãnh đạo và nhà nước là sống còn.

 




Công việc, các mối quan hệ, môi trường thay đổi ảnh hưởng đến tâm lý, thái độ. Hình minh hoạ. Nguồn: psychologies.co.uk 



Nhìn qua Thái Lan, ngay từ khi còn chiến dịch tranh cử của Thủ tướng nữ đầu tiên của nước Thái, bà Yingluck Shinawatra, tạm gác các chuyện xung quanh để lấy khẩu hiệu thu hút người dân tham gia bỏ phiếu cho bà đại ý là nếu bạn cho rằng hành động vì quê hương đất nước hay dân tộc, tổ quốc là cao xa, khó hiểu thì hãy hành động vì chính cuộc sống của bản thân mình và tương lai của con cháu chúng ta !



Khi tổ quốc lâm nguy, “thất phu” hữu trách, nước mất thì nhà tan! Liệu im lặng cúi đầu có được yên thân không? Ngày xưa tới giờ, mỗi khi đất nước bị xâm lược hay nguy cơ loạn lạc, nội công – ngoại kích, đều xuất hiện các nhân tài ra giúp nước ! 



Thật đáng thương cho số phận của những dân tộc không biết tự quyết định số phận của mình ! Một ông Thủ tướng Rwanda ở Châu Phi từng nói trên báo chí: “Đất nước chúng tôi có 5 triệu người tỵ nạn và chạy loạn ra nước ngoài do xung đột sắc tộc giết chết cả triệu người, còn 2 triệu người thì đang mòn mỏi chết vì các bệnh tật như HIV và nghèo đói triền miên …”



Các quốc gia Châu Phi nghèo khổ luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh, chính sách thuộc địa, xung đột sắc tộc, tôn giáo, và nhiều người phương Tây tốt bụng cũng không biết làm thế nào để cứu vãn sự thế tại các quốc gia này! Chắc chắn một điều là khi ai cũng yên lặng cúi đầu, kẻ ác và tội ác sẽ lên tiếng !!! Chúng ta thử hình dung, một xã hội ai cũng vô cảm, không màng thế sự xung quanh … sẽ ra sao ngày sau ?



Václav Havel là tác giả của kết luận rằng Liên Xô và Đông Âu tan rã không phải bởi vì lý do kinh tế, mà vì sự tha hóa cùng cực của thứ đạo đức lấy dối trá làm “Kinh thánh”! Trong bài viết “Sức mạnh của sống trong sự thật” tác giả phản ánh cái thế giới thiếu nhất hiện nay không phải là dầu mỏ, không phải là nước sạch, cũng không phải là lương thực mà là một ban lãnh đạo có đức hạnh. Bằng cách cam kết với sự thật – sự thật khoa học, sự thật đạo đức và sự thật cá nhân – xã hội có thể vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng về nghèo đói, bệnh tật, thiếu ăn và bất ổn mà chúng ta đang đối mặt. Nhưng quyền lực lại căm ghét sự thật và tấn công nó một cách không thương xót.



Havel là một nhà lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng dẫn tới nền tự do ở Đông Âu và sự cáo chung của Liên Xô. Những vở kịch, những bài tiểu luận và thư từ của Havel đã mô tả cuộc đấu tranh về mặt đạo đức cho một đời sống lương thiện dưới chế độ độc tài ở Đông Âu. Để sống trong sự thật, ông đã phải hi sinh tất cả kể cả tù đầy như ông nói, trung thực với chính mình và trung thực như một người anh hùng trước bạo quyền áp bức xã hội và đè bẹp quyền tự do của hàng trăm triệu người.



Ngẫm suy, dĩ nhiên, điều này không khuyến khích chúng ta hành động mù quáng hay bất chấp hiểm nguy đến bản thân … vì ta còn phải thương ta nữa chứ !!! Do vậy, đường đời thật khó ! Ai cũng có một cuộc đời để yêu thương và chọn thái độ sống cho riêng mình. Triết lý của Nguyễn Công Trứ chắc vẫn còn chỗ đắc dụng : “Ai say, ai tỉnh, ai thua được. Ta mặc ta mà ai mặc ai”. Nhớ lời các cụ ta xưa để mà ngẫm về thời cuộc : “Mãn chiêu tổn, khiêm thụ ích” – cái đầy gọi cái vơi, võng xuống thì được làm cho đầy trở lại.



Cuộc sống đúng là bất phương trình chứ không phải phương trình. Có người bảo cái nước mình nó thế nên các nghịch lý cứ ngang nhiên tồn tại. Theo tôi hiểu, sự sống, trong bất cứ biểu hiện nào của nó, cũng có nghịch lý, những nghịch lý ấy có những bản chất và hình thức khác nhau, có nghịch lý tự nhiên và có nghịch lý nhân tạo, có nghịch lý tất yếu và có nghịch lý ngẫu nhiên, có nghịch lý bùng phát và có nghịch lý tiềm ẩn, có nghịch lý thực sự và có nghịch lý ngụy tạo, có nghịch lý đối kháng và có nghịch lý không đối kháng, có nghịch lý phát triển và có nghịch lý kìm hãm, có nghịch lý sinh thành và có nghịch lý hủy diệt…



Trong các loại nghịch lý, thì có lẽ loại nghịch lý nhân tạo chứa đựng nhiều nghịch lý đối kháng, kìm hãm và hủy diệt nhất. Từng nghịch lý không nẩy sinh và biến hóa đơn độc, mà luôn luôn nằm trong chuỗi nghịch lý, hoặc gọi là hệ thống nghịch lý, tương tác với các nghịch lý khác và chịu sự chi phối của hệ thống nghịch lý. Trong từng trường hợp, cần phát hiện, nhận diện, phân tích và xử lý đúng từng nghịch lý trong chuỗi nghịch lý. Chân lý phổ quát là rất cụ thể, và lịch sử chỉ may đo, chứ không may sẵn.


MỚI CẬP NHẬT