Friday, April 19, 2024

Chống ngập đô thị

Tô Văn Trường



Mảnh đất hình chữ S năm nào cũng bị bão. Biện pháp nào để chống ngập lụt trong những mùa bão lũ?



Một số chuyên gia Việt Nam có kinh nghiệm chống lũ ở miền Trung góp ý biện pháp tạo đê chắn bằng bao cát, gia cường vải bạt (loại mỏng rẻ tiền, hoặc lylon cuộn), dễ áp dụng. Trong trường hợp đã chặn bao cát thì vẫn có thể gia cường bạt bằng cách luồn bạt trong nước và chặn lại. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng hiệu quả, có thể chịu được mức nước cao từ 1,5m đến 2 m.






Người dân miền Trung oằn mình trong “biển lũ” sau cơn bão Nari hồi tuần qua. Trong hình: Nhiều nhà bị nước ngập ngang mái. Người dân phải đứng chôn chân chênh vênh trên mái nhà, chờ đoàn cứu hộ đến. Nguồn: xzone.vn



Dưới thời Pháp thuộc ở Việt Nam mới bắt đầu có hệ thống thoát nước đô thị. Hệ thống cống được xây dựng bằng gạch ở khu vực trung tâm đô thị và là hệ thống cống chung để thoát cả nước mưa và nước thải. Nước thu gom được xả vào các hồ, kênh mương có sẵn hoặc trực tiếp xả ra sông. Trong thời kỳ từ 1945-1975 hệ thống thoát nước các đô thị được mở rộng, nhưng xây dựng tuỳ tiện, không theo quy hoạch, vật liệu làm cống chủ yếu là bê tông đúc sẵn và mương gạch có nắp đậy bằng các tấm đan bê tông, lại không được bảo dưỡng sửa chữa nên hư hỏng nhiều, và một phần bị bom đạn phá huỷ. 



Từ giai đoạn 1975-1990 vai trò của đô thị bị giảm sút nên ngành thoát nước không được quan tâm phát triển. Từ 1990 bước sang thời kỳ đổi mới, ngành thoát nước đô thị bắt đầu được chính quyền đô thị quan tâm đến nhưng cũng phải xếp sau ngành cấp nước. Bước sang thế kỷ 21, chính quyền các đô thị bắt đầu có nhận thức rõ ràng hơn vai trò của hệ thống thoát nước trong hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nên đã có nhiều dự án ODA về thoát nước đang được triển khai.



Hệ thống thoát nước hiện có ở các đô thị từ loại IV trở lên là hệ thống cống chung gồm ống bê tông đúc sẵn, mương gạch đậy nắp đan bê tông, mương đất hở, các kênh mương và hệ thống ao, hồ điều hoà. Hệ thống cống được xây dựng tuỳ tiện không theo quy hoạch phát triển của đô thị, nhiều đoạn cống có tiết diện nhỏ hơn yêu cầu lại không được bảo dưỡng nên khả năng làm việc kém, cần được thay thế hoặc sửa chữa nâng cấp, phần lớn các đoạn cống và mương không có độ dốc phù hợp để tự làm sạch và không có thiết bị để tránh bốc mùi khi thời tiết khô.



Các thành phố ở Việt Nam hiện nay có những đặc điểm khác nhau về phòng chống lũ. Trên hệ thống sông Hồng có hàng loạt hồ chứa có nhiệm vụ phòng lũ, chống lũ có thể chứa nhiều tỷ khối nước, lại có hệ thống đê bảo vệ và những khu phân chậm lũ, nếu lũ lớn uy hiếp Hà Nội, có thể phân lũ vào các khu đó. Bởi vậy, vấn đề phòng lũ của Hà Nội là vận hành tốt hệ thống phòng chống lũ và giữ gìn bảo vệ đê. Tuy nhiên, vấn đề ngập lụt đối với Hà Nội lại là “nội tại” phải giải bài toán thoát nước mưa tại chỗ (tương tự trận mưa lớn năm 2008) với hệ thống trạm bơm và các đường tiêu thoát nước theo các thông số kỹ thuật mới cập nhật. Các điểm ngập trong nội thành chưa được cải thiện, vì hệ thống cống từ các ngõ ngách tiểu khu đến các mương, sông còn chưa được đầu tư cải tạo và xây dựng, nên nước mưa không thể tập trung nhanh về kênh dẫn đã cải tạo. Cần tập trung vào việc xây dựng các mạng cống cấp III, cấp II và các đầu nối từ nhà ra mạng cấp III, để công trình được đồng bộ, hoạt động có hiệu quả. Khu phố cổ Hà Nội bao lần mưa lớn không bị ngập nhờ hệ thống thoát nước hợp lý. Nhiều nơi khác của thành phố bị ngập do các hồ điều hòa bị lấp, cống rãnh bị tắc nghẽn, hệ thống bơm chưa phát huy tác dụng. Lỗi này do dân chịu 1 phần, và người lãnh đạo, quy hoạch, quản lý chịu 9 phần. 






Ngập lụt ở Hà Nội. Nguồn: nld.com.vn



Sài Gòn, khu vực trũng thấp, rộng khoảng 255.000 ha, trong đó 80.000 ha của tỉnh Long An, nằm ở vùng cửa của nhiều con sông lớn thuộc hệ thống sông Đồng Nai, nên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những biến động dòng chảy trên sông, dòng triều trên biển. Địa hình thấp trũng, hướng ra biển với trên 60% đất đai thành phố có cao trình thấp dưới 2m, những vùng  trũng thấp có cao trình từ 0m đến 0,5m là những vùng ngập triều thường xuyên (đất hoang hóa và rừng). Trong khu vực cũng có những hồ chứa lớn ở thượng nguồn nhưng dung tích phòng lũ không lớn. Vấn đề ngập ở đây chủ yếu là do mưa và thủy triều.



Tuy nhiên, cần nghĩ đến kịch bản khi nước biển dâng, việc thoát lũ càng khó khăn và gặp lúc thượng lưu mưa lớn vượt tần suất thiết kế, các hồ bắt buộc phải xả nước để đảm bảo an toàn cho đập thì thành phố sẽ ra sao? 



Vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã gây ra xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt, vấn đề úng ngập, thoát lũ của vùng Đồng Tháp Mười và Sài Gòn với xu hướng ngày càng gia tăng. Mưa cực đoan trên lưu vực sông Đồng Nai – Sài Gòn, kết hợp triều cường – nước biển dâng sẽ càng gây sức ép đến hệ thống tiêu thoát nước làm gia tăng tình trạng ngập lụt cho Sài Gòn trong thời gian tới. Việc nghiên cứu các đề tài là cơ sở khoa học cho dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công liên quan đến việc thoát lũ cho cả vùng Đồng Tháp Mười và khu vực Sài Gòn cần được đẩy mạnh, làm rõ để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí với các dự án thoát lũ của địa phương. 






Ở Sài Gòn, cơn mưa nhỏ cũng làm ngập đường do triều cường. Nguồn: chaobuoiang.net   



Các thành phố ở miền Trung nằm bên các dòng sông có nghiêm trọng hơn nhưng đều là những sông nhỏ nên lũ lên nhanh và rút cũng nhanh không như sông lớn Mekong. Cần phải rà soát lại quy hoạch phòng lũ các sông, những hồ chứa nhà máy thủy điện cần giành dung tích phòng lũ, những nơi có điều kiện có thể lên đê như thành phố Tuy Hòa. 



Công việc quy hoạch thoát nước ở các đô thị hiện nay mới chỉ được lồng ghép trong các đồ án quy hoạch chung phát triển đô thị, cần được quản lý tổng hợp theo lưu vực sông. Qui hoạch đô thị nên có tầm nhìn dài hạn, tính đến tất cả mọi rủi ro, xem bài học các nước, nhất là thoát nước và sơ tán dân. Tuyệt đối không để mật độ xây dựng quá cao. Các công trình phải được thiết kế và xây dựng đồng bộ, thông số kỹ thuật hợp lý, không cấp phép xây dựng tại những nơi nguy cơ ngập cao. Giữ nghiêm số lượng và qui mô các hồ, duy tu, nạo vét kênh, cống thường xuyên. Kiểm tra và xử phạt nặng việc đổ rác thải, xây dựng, làm tắc nghẽn hệ thống cống rãnh thoát nước. Tổ chức đấu thầu giao cho các cơ quan có tiềm lực, năng lực, kinh nghiệm thực thi các dự án thoát nước của đô thị.

MỚI CẬP NHẬT