Thursday, April 18, 2024

Con đường không vui-Bài cuối: Vườn địa đàng

Heimfried–Christoph Nonnemann 



Ở phía Nam của Sài Gòn, giữa Campuchia và biển Đông, có tròn một phần ba của mười bốn triệu người Nam Việt Nam sinh sống trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.








Đồng bằng sông Cửu Long. Nguồn: vi.wikipedia.org



Cũng như phần lớn đất đai ở phía Bắc Sài Gòn được phủ bởi rừng xanh quanh năm, đất ruộng lúa bằng phẳng trải dài ra trước mắt ở trong vùng đồng bằng, có không biết bao nhiêu là nhánh sông, suối, kênh đào xuyên qua. Là vùng có mật độ dân cư cao nhất của Việt Nam, nó là thành trì của Việt Cộng, sân khấu cho sự thành hình và thất bại của nhiều chương trình ấp chiến lược và kế hoạch bình định nông thôn. Phần lớn bệnh nhân bị thương, tàn tật, bị bỏng của chúng tôi đến từ vùng đồng bằng này.

 

Lúc lái xe đi xuyên qua, vùng này giống như Vườn Địa Đàng, một Thiên Đàng đã trở thành hiện thực. Cây trái, trước hết là chuối, mọc trong sự phong phú vô cùng mà không cần phải làm thêm gì nhiều trong vùng đất nhiều nước này với khí hậu nóng ẩm của nó. Người ta chỉ cần đưa tay ra để hái chúng. Nông dân xưa nay đã thu hoạch ba lần trong một năm; trong khi đó thì các phương pháp trồng trọt của họ bị chuyên gia nông nghiệp cho là lỗi thời và không có lợi. Qua cố vấn trong quy mô lớn cho những người nông dân – những người mà cũng như tất cả các nông dân khác trên thế giới đều bền bỉ bám chặt vào một khả năng cố chấp và các phương pháp cổ truyền – bây giờ người ta đã thành công trong việc nâng cao sản lượng lên thật nhiều, mặc dù cuộc chiến gây khó khăn rất lớn cho công việc của người nông dân. 



“Chính phủ Việt Nam bây giờ xây khắp trong các tỉnh lỵ chi nhánh của một ngân hàng được thành lập chuyên cho nông dân”, một chuyên gia nông nghiệp của USAID kể cho tôi nghe, “và người nông dân đã bắt đầu tiết kiệm những khoảng tiền lớn.”

Nhưng một quan sát khác khiến cho ông rất ngạc nhiên, ông buồn cười không hiểu được và kể lại cho chúng tôi nghe:

“Chúng tôi cố khuyên những người nông dân mua máy cày, những cái sẽ làm cho công việc đồng áng của họ đơn giản hơn và cho phép họ làm việc hợp lý hơn rất nhiều. Chúng tôi cũng tạo điều kiện dễ dàng như chúng tôi có thể để cho họ mua máy cày. Nhưng họ không mua máy cày mà mua trâu, và nếu như họ đã có trâu rồi thì họ lại càng mua thêm nhiều trâu nữa.”



Người nông dân, người cày ruộng với con trâu của mình, là biểu tượng của châu Á. Từ tất cả những nước châu Á mà tôi đã đi thăm, Thái Lan, Campuchia, Singapore, Tân Giới của thuộc địa Hongkong và Đài Loan, Cộng hòa Trung Hoa, không có một đất nước nào để lại trong ký ức tôi hình ảnh của một chiếc máy cày trên đồng ruộng. Nhưng luôn luôn và ở khắp mọi nơi là trâu; trâu nằm dưới nước, chỉ ló mắt và mũi ra khỏi mặt nước; trẻ chăn trâu, bé tí xíu giữa những thân hình đồ sộ màu nâu của các con vật; trâu băng qua đường với sự chậm chạp vô tận, đúng vào lúc người ta vui mừng nhìn thấy được một đoạn đường không có ổ gà và đạp hết chân ga; trâu nằm trong bóng mát nhai lại; trâu thong thả bước đi trong bùn lầy cho tới tận gối của những cánh đồng ruộng, trước cái cày của người nông dân dưới chiếc nón lá hình nón màu vàng nhạt của họ.



Mỗi một thành phố, một vùng đất, một đất nước đều có một hình ảnh đứng đầu tiên trong ký ức, và rồi luôn luôn xuất hiện trong nhận thức khi tôi nghĩ đến đất nước đó. Hình ảnh đó cho châu Á là trâu, cái cày và người nông dân trên những cánh đồng ruộng bao la, hình ảnh tượng trưng cho sự điềm tỉnh, hài hòa và kiên nhẫn; những đặc tính mà chúng ta cảm thấy hết sức đặc biệt như thế ở người Á. Tôi không ngạc nhiên, khi nông dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long mua trâu thay vì máy cày, ngay cả khi nó đi ngược lại với lý lẽ của những lợi nhuận sẽ có được nhiều hơn nữa qua những chiếc máy cày. Những người nông dân đó còn bám rễ sâu ở trong thế giới của họ. Và vì tôi không phải là một chuyên gia nông nghiệp nên tôi vui mừng về việc đó.



Trong đồng bằng, tỉnh lỵ Mỹ Tho là điểm cực Nam mà từ Sài Gòn người ta có thể đến đó một cách tương đối an toàn bằng ô tô vào lúc ban ngày. Trong mùa Thu 1966, ngay sau khi con tàu bệnh viện đến Việt Nam, tôi đã đến thăm bệnh viện tỉnh ở đó. Vào thời đó, làm việc bên cạnh ông giám đốc bác sĩ người Việt là hai bác sĩ phẫu thuật Philippine và hai bác sĩ dân sự người Mỹ. Vài tuần trước đó, một người cha mang đứa con gái mười hai tuổi của ông đến chỗ chúng tôi trên chiếc tàu bệnh viện, đứa bé vì gãy cả hai xương đùi mà đã nằm bốn tháng trời trong bệnh viện này. Người ta không chữa trị gì cho em cả, và các chỗ gãy đã liền lại với nhau trong một kiểu sai lạc kỳ lạ. Sau kinh nghiệm với em gái đó, tôi đã mời ông bác sĩ nội khoa người Mỹ đang làm việc ở Mỹ Tho, người đã đến thăm chúng tôi trên chiếc tàu bệnh viện, cộng tác với chúng tôi, và ông đã mời tôi đến thăm bệnh viện ở Mỹ Tho.



Qua chuyến đi thăm đó mới biết rằng người Việt và người Philippine không hài lòng cho lắm với sáng kiến đó của người Mỹ. Người Mỹ này đến Việt Nam trong vòng hai tháng dưới tư cách là bác sĩ dân sự tình nguyện qua một chương trình của Medical Association và đã đóng cửa phòng khám phát đạt của ông ở Hoa Kỳ trong thời gian này. Điều đó, như một hoạt động cá nhân, đã gây nhiều ấn tượng cho tôi, cả ở những lần gặp gỡ sau này với các bác sĩ đó. Nhưng ngay tại chuyến đi thăm ở Mỹ Tho này là đã có thể thấy rõ, rằng thời gian ngắn ngủi đó không đủ để làm quen với các hoàn cảnh đặc biệt của đất nước này.



Theo kinh nghiệm của chúng tôi, người ta cần một khoảng thời gian nhất định để quen với không những các hoàn cảnh sống khác ở Việt Nam mà cả với tính tình và phản ứng tâm lý rất khác biệt của bệnh nhân người Việt. Và phần lớn những ca chữa trị đều kéo dài hơn hai tháng. Mỗi một người kế đến lại phải làm quen lại từ đầu với bệnh nhân, và bệnh nhân cũng không phải lúc nào cũng có thể chuyển sự tin tưởng cần thiết đó sang cho một người xa lạ khác. Cũng có những vấn đề tương tự như thế nảy sinh trong lúc cộng tác với các bác sĩ địa phương.



Bệnh viện ở Mỹ Tho, cũng như tất cả các bệnh viện Việt Nam khác, thiếu y tá tới mức không thể nào khắc phục được. Thêm vào đó, số nữ y tá ít ỏi có một quan điểm về nghề nghiệp khác với những gì mà chúng ta chờ đợi ở một người nữ y tá châu Âu.



Có lẽ điều đó có liên quan đến việc là khái niệm lòng thương người không tồn tại trong châu Á, cái ở châu Âu là nguồn gốc và nền tảng cho nghề chăm sóc bệnh nhân. Ở châu Á hay châu Phi, khi ai đó không thuộc trong gia đình, dòng  họ thì người đó phải tự mình gắng đi tới. Người ta chỉ giúp đỡ thành viên trong dòng họ mình, và dòng họ lo cho thành viên của mình. Ở châu Á, người ta có thể chết trên đường phố, và hàng ngàn người dửng dưng đi ngang qua. Người châu Âu tình cờ đi ngang qua, tuân theo sự thôi thúc của bản thân và cố giúp người ốm hay người bị thương đó, có thể sẽ gặp phải phản ứng thù địch của người dân. Hành động vì lòng thương người gây nên sự ngờ vực ở những người không biết đến nó.



Ai đau ốm đều không chờ đợi sự giúp đỡ từ người lạ. Trong tháng 3 năm 1967, một chiếc máy bay trực thăng vỡ tan ra thành từng mảnh trong sương mù của vùng đồi núi gần Đà Lạt. Chỉ viên phi công chính và phi công phụ là không bị thương tích; ba người khách, hai người Việt và một người da trắng, bị thương nặng, một người bị kẹt dưới những mảnh vỡ của chiếc máy bay trực thăng. Hai người Việt không bị thương bỏ những người bị thương lại và vượt đường mòn về đến Đà Lạt. Họ cũng mang theo khẩu súng duy nhất có ở đó, mặc dù có cọp sống trong vùng này, và những người bị thương không có vũ khí. Khi sương mù tan sau hai ngày và tìm được điểm rơi máy bay, tất cả ba người đều đã chết.



Có lẽ là có một cái gì đó tương ứng với lòng thương người bây giờ đang thành hình trong đất nước lớn nhất của châu Á, trong Trung Quốc của Mao. Với những công cụ và biện pháp mà chúng ta cảm thấy là vô nhân đạo và dưới câu khẩu hiệu “mối nguy hiểm màu vàng” đã dấy lên nỗi lo sợ truyền thống. Mao tiêm nhiễm cho 750 triệu tín đồ của ông, rằng mỗi người cần phải chăm sóc người bên cạnh mình. Có nhiều người ủng hộ luận điểm, rằng chỉ bằng những biện pháp vô nhân đạo của một chính quyền độc tài là mới có thể tạo nên một cuộc sống nhân đạo cho hàng triệu con người của châu Phi và châu Á. 



Nhưng đối với tôi thì dường như đó là lý lẽ của những người sẽ giận dữ từ chối không sống trong một của những nước đó khi đang có một trong những quá trình như thế diễn ra. Ở cạnh lò sưởi ấm áp thì dễ dàng nói về băng giá hơn. “Tôi muốn phủ nhận quyền được làm những điều bất công và sự khủng bố gắn liền với việc đó của một cuộc cách mạng, ngay cả khi tôi biết rằng phương cách tiến lên dần dần theo kiểu tiến hóa luôn luôn bị ngăn chận lại bởi những thỏa hiệp và những nhà cách mạng sôi nổi khiến cho người ta nhớ đến sự khôi hài bi kịch của một cuộc diễu hành tôn giáo”, Günter Grass viết cho Pavel Kohout. Trong đó, Grass có ý muốn nói đến các hoàn cảnh trong những nước châu Âu. Nhưng tất cả mọi thứ có khác đi nhiều trong những nước đang phát triển không, khi vấn đề là những việc quanh con người? 



Tình cảnh ngày nay ở Nam Việt Nam hẳn sẽ là một lý lẽ không tốt cho luận điểm, rằng tham nhũng và nghèo nàn có thể được xóa bỏ bằng sự độc tài tàn bạo. Chúng ta chỉ cần nhớ lại rằng tất cả những thước đo luân thường đạo lý vào cuối Đệ nhị Thế chiến đã bị dịch chuyển đi như thế nào trong châu Âu; ở Việt Nam, chiến tranh đã thống trị con người lâu hơn thời đó ở châu Âu nhiều.



Ở châu Á và châu Phi, nghề y tá đồng nghĩa với việc thuộc vào trong một tầng lớp trên của xã hội, và trọng tâm của công việc làm là cung cấp sự trợ giúp về mặt y học cho bệnh nhân với tiêm thuốc, thuốc uống, vân vân, chứ không phải là sự chăm sóc cho bệnh nhân. Việc này được thân nhân người bệnh đảm nhận trong các bệnh viện Việt Nam, những người ở trọ như thế nào đó trong khu vực bệnh viện. Các thân nhân chăm sóc, làm giường, đổ bô cho bệnh nhân. Người ta nấu trong một gian bếp chung có trong mỗi một bệnh viện lớn. Vì người thân của bệnh nhân không hề có một ý tưởng nhỏ nhất nào về vệ sinh, nên hình ảnh của các gian phòng chứa bệnh nhân, được thành lập với một ngân sách quá ít, khiến cho người ta rất lấy làm phiền muộn. Nói chung là không có y tá trực đêm, về ban đêm bệnh nhân tự lo lấy cho mình, và ai đã có lần nằm ốm nặng trong bệnh viện thì đều có thể tưởng tượng được điều đó có nghĩa là gì. Việc được mô tả ở đây là quy luật chung, nhưng có những ngoại lệ.



Tôi biết một vài người phụ nữ Việt Nam, trong số đó là một trong những người đứng đầu của đất nước này, đã hy sinh chăm sóc cho bệnh nhân như thế nào.



Ở Mỹ Tho, người Mỹ đã xây một nhà phẫu thuật theo cùng kiểu như ở phần lớn các bệnh viện tỉnh.  Được bố trí ở xung quanh một gian phòng chung là hai phòng mổ, một phòng tiệt trùng, một phòng điều trị không nằm lại và ở giữa đó là những gian phòng quần áo, giặt giũ, vân vân. Tất cả các nhà phẫu thuật mà tôi đã nhìn thấy được thành lập và trang bị không hơn mức tạm thời là bao nhiêu và được bảo trì một cách thiếu thốn. Không chỉ thiếu tiền mà hầu như khắp mọi nơi vẫn thiếu nhân sự có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm.



Mỹ Tho, với một hậu phương do Việt Cộng làm chủ, vào thời gian đó là một thành phố nhỏ không có tầm quan trọng về quân sự, hầu như không có các hoạt động khủng bố. So với Sài Gòn, nó đối với chúng tôi giống như một thành phố trong hòa bình. Bề ngoài của nó mang vẻ chiến tranh ít hơn nhiều khi so với các tỉnh lỵ ở miền Trung Việt Nam. Cuộc sống hàng ngày diễn ra một cách thanh bình, giao thông khiến cho người ta nghĩ đến giao thông của một hòn đảo ở biển Bắc mà người ta đã cấm ô tô ở trên đó.








Một góc thành phố Mỹ Tho. Nguồn: commons.wikipedia.org



Ở cạnh sông, một nhánh to của sông Cửu Long, trước cái nhà hàng duy nhất bán thức ăn kiểu Pháp, có độ một tá tàu tuần tra Mỹ bập bồng trên làn nước màu vàng chảy chậm chạp. Những chiếc tàu này, với đội lái Mỹ và cảnh sát Việt trên tàu, kiểm soát tàu thuyền trên những con đường nước chằng chịt của vùng đồng bằng. Cảnh sát Việt Nam leo qua những chiếc thuyền nhỏ lắc lư và những chiếc tàu lớn có con mắt huyền bí ở mũi tàu được khắc hình để kiểm soát chúng. Người Mỹ chỉ nhìn thấy nhiệm vụ của họ là giúp các viên cảnh sát lại có được sự kính trọng ở người dân của họ.



Một ngày nào đó, người Việt phải đi tuần tra một mình. Phần lớn các hoạt động của người Mỹ đều có định hướng, rằng đến một ngày nào đó chúng cần phải được người Việt tiếp tục thực hiện. Nguyên tắc này, cái được cố gắng đạt đến ở tất cả các dự án giúp pháp triển, rõ ràng là tốt và đúng. Nhưng thường hay có một ý nghĩ sai lầm về việc sau bao nhiêu lâu thì cần phải bàn giao lại. Ví dụ như một bệnh viện, cái mà người ta phải đào tạo dần dần nhân viên cho nó, theo tôi chỉ có thể bàn giao lại sớm nhất là sau mười năm, với điều kiện là các ‘counterparts’ thích hợp, đối tác bản xứ, có thể được đào tạo ngay từ đầu.



Sau khi tham quan bệnh viện ở Mỹ Tho, người Mỹ đó mời tôi về căn nhà tiện nghi mà ông ở trong đó cùng với các chuyên gia Mỹ khác. Một trong những người sống cùng nhà nói tiếng Việt tương đối tốt và phô diễn không thể không nghe được điều đó với bà nấu bếp.



Người bác sĩ, một người đàn ông to lớn, rõ ràng là mắc một bệnh nào đó khiến cho hai tay của ông run mạnh, kể cho tôi nghe về công việc làm của ông. Ông đã bay bằng máy bay trực thăng đến các ngôi làng ở trong vùng để tiêm chủng cho người dân. Ông trải một tấm bản đồ ra trên đầu gối của mình, cái lại bị gió của chiếc quạt ở trên trần nhà gấp lại liên tục, để chỉ cho tôi xem từng nơi mà ông đã làm việc ở tại đó. 



“Đây này, anh xem này, đây là Mỹ Tho”, ông nói, “còn đây, mười kilômét về phía Tây, là nơi tôi đã đến vào ngày hôm qua để tim ngừa dịch hạch cho người dân. Tất nhiên là với trực thăng. Còn ở đây”, ngón tay trỏ run run của ông vẽ một vòng tròn lớn trên tấm bản đồ ở phía Tây của Mỹ Tho, “ở đây là ‘free bombing zone’.” Vào thời gian đó, tôi ở trong đất nước này còn chưa lâu lắm và nhìn ông không hiểu.



‘Free bombing zone’ có nghĩa là tất cả các máy bay trở về đều có thể quẳng những quả bom còn lại của họ xuống đó, vì ở đó chắc chắn là không có quân đội đồng minh.”



Trên đường trở về Sài Gòn, người ta chạy qua tỉnh lỵ Long An. Nó không khác gì mấy khi so với Mỹ Tho. Bệnh viện với cùng những khoa giống như thế và với ngôi nhà mổ giống như thế được điều hành bởi các bác sĩ quân đội Mỹ và một bác sĩ phẫu thuật người Việt được đào tạo ở Bỉ. Vào cuối tuần và ngày lễ không thể liên lạc với các người Mỹ được. Chiếc xe cứu thương VW, cũng như năm mươi chiếc khác trong đất nước này là một quà tặng của nước Cộng hòa Liên bang [Đức], vẫn còn có thể hoạt động được và ở đây cũng còn phục vụ cho mục đích thực sự của nó, tức là chuyên chở người bệnh. Trong các tỉnh lỵ khác, tôi đã nhìn thấy xe cứu thương chuyên chở chủ yếu là rau quả, xi măng hay bất cứ những thứ nào khác và lo cho chuyến đi chơi vào ngày chủ nhật cho giám đốc bệnh viện. Từ vùng xung quanh Long An, nơi có nhiều giao tranh vào đầu 1967, chúng tôi nhận được phần lớn các bệnh nhân bị thương vì chiến tranh. Hầu như tất cả trẻ em bị thương tích từ chiến tranh của chúng tôi đều đến từ vùng này, và thường là trẻ em mồ côi.



Ở ranh giới thành phố của Sài Gòn, người ta đi ngang qua một đồn cảnh sát đã bị một đơn vị Việt Cộng gồm một trăm người đột kích vào giữa ban ngày và đã bị phá hủy. Lần tấn công tương đối quan trọng này của Việt Cộng là chuyện ưa được bàn tán cả một thời gian dài trong Sài Gòn, vì ít ra thì đồn cảnh sát đó đã ở trong cái được gọi là vùng an toàn. Người ta nói đùa rằng viên cảnh sát trưởng hẳn đã không trả tiền thuế của mình cho Việt Cộng.



Phan Ba trích dịch từ „Chúng tôi không hỏi họ đến từ đâu“. Tựa do Người Việt Online đặt.


MỚI CẬP NHẬT