Thursday, March 28, 2024

Hameln: huyền thoại của một người bắt chuột

Phan Ba



Một trong những câu chuyện cổ tích nổi tiếng nhất của anh em Grimm là câu chuyện về người bắt chuột ở Hamel, đã được dịch ra 39 thứ tiếng.



Chuyện kể rằng năm 1284 có một người bắt chuột đi tới thành phố Hameln ở miền Bắc của nước Đức và nói rằng nếu trả tiền cho ông thì ông sẽ xua đuổi tất cả chuột ra khỏi thành phố. Người dân thành phố hứa sẽ trả tiền cho ông, và thế là người bắt chuột rút ra một cây tiêu và thổi một điệu nhạc. Rồi chuột lớn chuột nhỏ từ khắp nơi đều bò ra và đi theo người thổi tiêu đó ra ngoài thành phố xuống đến sông Weser, lao xuống nước và chết chìm tất cả. Nhưng người dân thành phố không trả tiền công cho ông như đã hứa. Người bắt chuột giận dữ bỏ đi. 






Bản in thạch bản năm 1902 “Gởi lời chào từ Hameln” 



Vào ngày 26 tháng 6, người này quay trở lại trong hình dạng của một người thợ săn, thổi tiêu thêm một lần nữa. Lần này thì không phải chuột mà là trẻ con chạy ra tụ tập xung quanh ông ấy. Người bắt chuột vừa thổi tiêu vừa dẫn đám trẻ con đi mất dạng sau một hòn núi.  



Đó là câu chuyện của anh em Grimm. Và nhờ vậy mà ngày nay thành phố Hameln đầy chuột: có bánh mỳ chuột, trà chuột, cà vạt chuột, tách chuột và áo thun chuột. Rồi còn có cả vở kịch người bắt chuột được trình diễn lộ thiên vào ngày chủ nhật và cả một nhạc kịch “Chuột” nữa. Hai triệu du khách tới đây hàng năm, đổ vào trong thành phố có chưa tới 60.000 dân này: chuột thật chắc đã bỏ chạy mất không còn chú nào!



Nhưng nếu tìm hiểu cho tận tường thì những dòng chữ trên “căn nhà của người bắt chuột” chỉ thuật lại rằng năm 1284 có một người thổi mặc đồ sặc sỡ đã dẫn 130 trẻ em của thành phố bỏ đi mất. Có lẽ ông là một người lạ đến đây để khuyến dụ người dân Hameln bỏ xứ đi lập nghiệp ở một nơi xa lạ nào đó. Không có một từ nào về chuột cả. Thành công của công sức quảng bá là ở đó!






Đường Phục Sinh thành phố Hameln vào khoảng năm 1900.



Nhưng câu chuyện cổ tích và câu chuyện về thành công của quảng bá trong thời hiện đại cũng có mặt tốt của nó. Nếu như không có huyền thoại của người bắt chuột này thì có mấy ai đến đây để thăm thành phố và ngắm những kiến trúc phi tôn giáo tuyệt vời trong thành phố. Phong cách kiến trúc này riêng biệt tới mức các sữ gia nghệ thuật đã cho nó một cái tên riêng: Kiến trúc Phục Hưng Weser. Nổi bật nhất cả ngôi nhà ngày nay dùng làm Bảo tàng Thành phố, thuật lại – biết rồi – huyền thoại của người bắt chuột ở Hameln. 



Ngược sông Weser, cách Hameln 16 kilômét, là Bodenwerder. Thị trấn này đang noi gương láng giềng Hameln của họ. Đây là nơi sinh và cũng là nơi qua đời của nam tước Hieronymus Carl Friedrich von Münchhausen (1720-1797). Ông nam tước này đi chu du rất nhiều nơi và rất biết cách kể chuyện thu hút. Nhiều câu chuyện nói dối tới một cách vô lý được cho là xuất phát từ ông, vì vậy mà ông Münchhausen đã bị gán cho biệt danh “nam tước nói dối”. Và hiện nay thì Bodenwerder đang ra sức quảng bá cho người con nổi tiếng của mình. (Không phải chỉ ở Hameln người ta mới thêu dệt để lôi cuốn du khách.)






Ông “nam tước nói dối” Münchhausen đang chu du trên một viên đạn đại pháo.



Và nếu ngắm Kiến trúc Phục Hưng chưa thỏa mãn thì có thể tới Thành Hämelschen (Hämelschenburg) cách Hameln tám kilômét. Người ta nói rằng đây là một thí dụ điển hình cho Kiến trúc Phục Hưng Weser. 

MỚI CẬP NHẬT