Friday, March 29, 2024

Nguyễn Xuân Hoàng, chàng tỳ kheo giữa phố đông người

 

Nguyễn Hoàng Duyên

Trong một mẫu giai thoại thiền, hai chú tiểu ở hai thiền viện lân cận ngày nào cũng gặp nhau trên đường đi chợ. Ðối thoại giữa các thiền sinh, nhiều khi được xem như một định mức về trình độ chứng ngộ trong quá trình tu tập. Một sáng gặp nhau, chú thứ nhất hỏi:

“Sư huynh đi đâu?”

Chú tiểu kia đáp: “Tôi đi đến nơi nào hai bàn chân đưa tôi tới.”

Không biết cách trả lời, chú tiểu thứ nhất về hỏi sư phụ mình, sư bảo: “Lần tới con hỏi hắn nếu không có chân thì hắn sẽ đi về đâu?”

Chú tiểu hí hửng chờ sáng hôm sau, vừa gặp nhau đã lên tiếng:

“Sư huynh đi đâu?”

“Tôi đi đến nơi nào gió dẫn tôi đi.”

Chú tiểu lúng túng, quay về hỏi thầy. Sư mắng: “Sao con ngu thế, sao không hỏi nếu không có gió thì hắn sẽ đi đâu?”

Sáng hôm sau, vừa gặp thiền sinh kia, chú tiểu vồn vã:

“Sư huynh đi đâu?”

Thiền sinh đáp hồn nhiên:

“Tôi đi chợ mua rau.”

***

Tôi được biết nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng khi anh là giáo sư dạy môn triết tại trường Petrus Ký. Lúc ấy, anh Hoàng tuổi ngoài 20, còn trẻ lắm. Ðám học trò chúng tôi còn được biết ngoài việc giảng dạy, anh còn viết văn, làm thơ, làm báo.

Chúng tôi rất ngưỡng mộ ông thầy tài hoa và phong độ ấy, ngay cả những đứa không phải là học trò anh, như tôi chẳng hạn.

Khoảng giữa thập niên 1960, sinh hoạt âm nhạc và thi ca trong giới sinh viên đại học Sài Gòn tưng bừng nở rộ. Cũng trong thời gian này, tư tưởng thiền học ảnh hưởng rộng khắp trong văn chương, thi ca và âm nhạc miền Nam. Theo dòng lũ của phong trào, tôi tìm đọc Thiền Luận của Suzuki, đọc Bát Nhã, đọc A Hàm, Lăng Nghiêm… qua diễn giải của Tuệ Sỹ và vài thiền giả khác. Ðọc thì nhiều nhưng khi ấy chẳng hiểu bao nhiêu. Tôi như một chú tiểu quét sân chùa đi lạc vào Tàng Kinh Các, thấy sách nào cũng ham cũng đọc, rồi bị hội chứng đa thư loạn tâm, sách nhiều tâm rối. Tôi bị tẩu hỏa nhập ma mà không biết.

Cuộc hành trình tư tưởng tự nhiên đưa tôi đi tìm lối thoát qua thơ văn thiền học. Tôi đọc Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng…

Và tôi đọc Nguyễn Xuân Hoàng.

Từ xa phố chợ đến giờ
Chân quen bỏ lệ gõ bờ lộ quen
Hoang vu chín đến độ thèm
Lạnh tàn nhẫn rót vào đêm lên đường
Mù sương phố núi mù sương
Nhịp buồn hút gió hồn nương núi rừng
Chuyện linh hồn với bản thân
Bàn tay thượng đế mộ phần chiêm bao…

Giai điệu thơ làm thư giãn những quanh co trong ý thức, nhưng nỗi băn khoăn vẫn đó. Tôi như một sa di còn quanh quẩn với câu hỏi tham sân tranh thắng “sư huynh đi đâu?” Và câu trả lời dường như không, như có. Tôi đi theo bàn chân tôi bước, vào núi mù sương, vào rừng hút gió…

***

Sang Mỹ, tôi lại được đọc văn anh Nguyễn Xuân Hoàng trong bối cảnh khác. Một lần xuống quận Cam, Nam California, anh Ðinh Quang Anh Thái trao tôi mấy quyển sách và tạp chí. Ở những trang cuối của Tháng Ba Gãy Súng, tôi đọc thấy lời bạt anh Hoàng viết cho Cao Xuân Huy. Hỏi thăm, Thái cho biết anh Hoàng đã qua đến Mỹ, có lẽ cùng khoảng thời gian Thái và tôi được định cư tại Mỹ từ đảo Galang, Indonesia. Thái hỏi tôi có quen anh Hoàng? Tôi đáp tôi biết anh, chứ không quen. Thái cho biết anh Hoàng lúc ấy đang làm tổng thư ký cho báo Người Việt và Thái tìm thêm cho tôi những tạp chí có bài anh viết.

Sau bao thăng trầm dâu bể, nơi chốn và thời gian có khác, nhưng giọng văn miên man của anh vẫn thế. Anh viết về mọi người mọi việc, về một người bạn cũ, về một cô bé không quen, về một gã không tử tế làm mất ngon ly cà phê và làm muộn phiền một buổi chiều Thứ Sáu, về một cuộc chia xa… tất cả với cái văn phong tự tung tự tại của anh. Anh gợi tôi nhớ đến một câu hát lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy: “…Ðời sẽ thấy chúng ta sống không cầu, cho tình cứ úa phai mau, cho người cứ mãi phụ nhau…”

Trong một bài viết của anh, anh có trích hai câu thơ của Ðỗ Trung Quân:

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?

Câu hỏi ấy cũng là câu hỏi ngu ngơ tôi muốn hỏi anh: qua mạch suối văn mang mang bất tuyệt, anh chở những loanh quanh khúc mắc của tôi về bến bờ nào?

***

Mãi đến những năm đầu của thập kỷ 2000, tôi mới có cơ duyên gặp anh. Trong khoảng thời gian anh Hoàng là tổng thư ký của tờ Việt Mercury, rồi kế là chủ bút của tờ Việt Tribune, qua những lần trao đổi về những bài tôi viết cho hai tờ báo này, tôi có nhiều dịp để trò chuyện, và qua đó biết về anh.

Anh lớn lên trong thế giới của những người làm báo viết văn, nhưng anh cho tôi cái cảm giác anh là một người rất giản dị, rất đời thường. Bằng hữu và những người quen biết anh hầu như ai cũng chia sẻ điều cảm nghĩ này. Anh đối đãi mọi người, thân cũng như sơ, bằng một trìu mến rất thật, rất trong sáng. Theo cách nói của Ðinh Quang Anh Thái, thì anh Hoàng là một người tử tế.

Vài lần, tôi muốn hỏi anh về những điều anh viết, nhưng câu chuyện cứ theo dòng chảy tự nhiên, nên câu hỏi “sư huynh đi đâu?” chưa lần nào tôi có dịp hỏi. Theo ngày tháng dần dà, biết về anh nhiều hơn, một hôm chợt nhận ra câu hỏi trên không còn cần thiết nữa. Qua cung cách bình thản, thái độ an hòa dung dị của anh, tôi chợt nhìn thấy vóc dáng của một tỳ kheo thõng tay vào chợ. Giá có hỏi, tôi sẽ như chú sa di hụt hẫng với câu trả lời rất hồn nhiên của anh, “Tôi đi chợ mua rau.”

***

Hôm đến thăm anh cùng với các anh trong tờ Người Việt đến từ Quận Cam, anh Ðỗ Quý Toàn có mang theo tặng anh một ấn bản “Ðứng Vững Ngàn Năm” mà anh Toàn mới vừa xuất bản. Hôm ấy anh không được khỏe, nhưng tình bằng hữu đã khiến anh vui, tiếng anh cười nói vang vang. Anh em muốn chụp ảnh lưu niệm, anh không chịu ngồi, và đứng lên, tay nâng quyển sách và nói: “Phải Ðứng Vững Ngàn Năm cho có khí thế chứ!”

Lần này, trong không khí vui và thân tình như thế, tôi có dịp hỏi anh một điều mà tôi vẫn thắc mắc, nhưng không phải là câu hỏi “sư huynh đi đâu?” Tính tình khiêm tốn giản dị, anh Hoàng không thích có hình ảnh của anh đăng trên báo chí.

Thế nhưng thời gian tôi viết cho báo của anh, anh cứ thúc tôi gửi hình để anh đăng. Tôi hỏi tại sao như thế, anh chỉ cười huề.

Chàng tỳ kheo trẻ giữa phố đông người, chừng như đã bắt được nhịp nghĩ suy của chú sa di đang tập tành thõng tay vào chợ.

MỚI CẬP NHẬT