Friday, April 19, 2024

Trần Khải Thanh Thủy

 

Bùi Bảo Trúc

(Phát biểu trong buổi ra mắt sách “Chết Ngoài Kế Hoạch” của tác giả Trần Khải Thanh Thủy, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ngày Thứ Bảy, 5 Tháng Mười)

Ở một thời điểm khác, dưới một chế độ khác, trong một hoàn cảnh chính trị khác, Trần Khải Thanh Thủy có thể sẽ chỉ là một cô giáo hiền lành, yêu nghề, mến trẻ. Ðời sống sẽ chỉ quanh quẩn trong gia đình, chồng con, những cuốn sách giáo khoa, những tập vở học sinh mang về nhà để chấm điểm của một cô giáo.

Nhưng Trần Khải Thanh Thủy đã trở thành một con người khác hẳn con người nhà giáo mà bà muốn trở thành khi khởi đi vào trường sư phạm và khi bà cầm lấy cây bút và bắt đầu viết văn.

Năm 1989, bà đã có sách xuất bản. Bà làm phóng viên cho báo Cựu Chiến Binh năm 1993 thì chỉ ít lâu sau, bà bị treo bút vì những bài viết làm mếch lòng chế độ. Bà quay sang viết cho các báo khác, cũng bằng cung cách viết từng khiến bà bị trừng phạt và cấm viết.

Thời gian sau, bà về nhà ngồi viết sách. Và vì những điều bà viết xuống, bà bị trù dập liên tiếp, không lúc nào ngừng nghỉ từ đó.

Vladimir Bukovsky, một nhà văn bất đồng chính kiến nổi tiếng trong những năm 60 và 70 ở Liên Xô, từng vào tù ra khám, lao động khổ sai, nhiều lần bị nhốt trong bệnh viện tâm thần đã viết về hoạt động cầm bút của ông như thế này:
“I myself create it
edit it
censor it
publish it
distribute it, and
get imprisoned for it…”
(Tôi viết xuống
sửa sang lại
kiểm duyệt nó
xuất bản nó
phân phát nó và
bị tù vì chính nó…)

Ðó là thứ văn chương ông theo đuổi, thứ văn chương có một cái tên riêng trong tiếng Nga, samizdat, thứ văn chương kỳ quái nhất thế giới, chỉ có ở Nga và các nước trong khối Xô Viết. Văn chương chui. Một hình thức văn chương của những người bất đồng chính kiến tự in lấy và phát hành kín đáo nhưng sâu rộng. Những người viết, đọc, tàng trữ, phân phối đều bị trừng phạt nặng nề. Alexander Solzhenytsin, Joseph Brosky, hai khôi nguyên Nobel Văn Chương và Vladimir Bukovsky và một số khác cuối cùng bị trục xuất khỏi nước Nga để lưu vong ở Anh và Mỹ. Một số được chuộc như Anatoli Sharansky để sang Israel sinh sống.

Joseph Brosky khi ra phi trường Mạc Tư Khoa đi lưu vong, chiếc máy chữ của ông bị tháo tung từng mảnh vì nghi mang theo tài liệu mật. Ðó là món quà tiểu nhân cuối cùng của nhà cầm quyền Xô Viết tặng ông.

Những chuyện tương tự cũng thấy ở một nước đàn em hạng bét của Liên Xô là Việt Nam.

Một người phụ nữ chân yếu tay mềm đã bị hành hung, bỏ tù, ném phân và nước tiểu vào nhà, toàn những trò của bọn côn quang, đứa nách thước, đứa tay đao, đầu trâu mặt ngựa, vo ve ruồi nhặng ào ào kéo đến tận nhà hăm dọa, bạo hành không biết bao nhiêu lần mà kể.
Nhưng cũng như Phùng Quán:
“Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn trên đá.”

Trần Khải Thanh Thủy can đảm và cương quyết viết sự thật xuống giấy. Nhưng ở Việt Nam, chỉ nói lên sự thật cũng đã là bôi bác, nói xấu, phản động, chống đối nhà nước rồi. Bài học của người mẹ mà Phùng Quán viết trong bài thơ Lời Mẹ Dặn năm 1957 thấy còn nguyên như những chỉ nam cho cách sống, thái độ làm người của Trần Khải Thanh Thủy.

Không thể viết công khai và chân thật trong cái đất nước hung hiểm ấy thì bà viết bí mật. Không thể phổ biến nhưng gì bà viết xuống ở trong nước thì bà đưa ra nước ngoài. Và chính qua việc làm đó, người Việt ở ngoài Việt Nam bắt đầu được đọc những bài viết của bà từ năm 2000.

Ngay từ những bài viết đầu tiên gửi ra ngoài, người ta đã thấy ngay được lối viết của bà. Lạnh lùng nhưng lại có lúc hừng hực lửa, cay độc có lúc thô tục.
Kahlil Gibran trong bài thơ dài The Life Of Love có mấy câu này:
“Feed the lamp with oil and let it not dim, and
Place it by you, so I can read with tears what
Your life with me has written upon your face…” (Hãy châm dầu thêm cho đèn khỏi lụi và đặt chiếc đèn xuống bên cạnh em để anh có thể đọc qua những giọt lệ những gì đời sống với anh đã viết trên gương mặt của em…)

Ðời sống đã để lại trong tâm hồn của Trần Khải Thanh Thủy những vết hằn độc ác, và tâm hồn đáng lý ra chỉ biết những điều tốt đẹp nhất thì đã bị nhiễm độc bởi những thứ cứt đái mà bọn côn quang của chế độ đã đổ vào căn nhà của bà.

Bà viết rất thật về cái đống cứt đái đó bằng những ngôn từ sỗ sàng và thô tục vì nhà văn dù cho có muốn cách mấy đi chăng nữa cũng không thể hành văn một cách sạch sẽ, vệ sinh khi phải mô tả cái đống cứt đái đó.

Hai cuốn sách mà Trần Khải Thanh Thủy gửi tới quí vị hôm nay là những tiếng cười nghẹn uất của những người bị bóp cổ, đè hầu thô bạo.

Phải là người sống trong cái đống cứt đái ấy mới viết được như thế. Viết được như thế thì phải trải qua những kinh nghiệm kinh hoàng như Trần Khải Thanh Thủy đã sống qua. Ðó là những kinh nghiệm ghê khiếp, đen tối như những cảnh bi thảm mà Ngô Tất Tố, Nam Cao, và luôn cả Vũ Trọng Phụng đã cực tả hồi những năm 30, 40. Tưởng những thứ ấy đã biến đi hẳn trong xã hội ngày nay. Nhưng không, chúng vẫn rất còn, còn rất nhiều. Ngoài sự độc ác, dã man, những gì Trần Khải Thanh Thủy nhìn thấy và viết lại còn mang đặc tính đểu giả của những việc làm của bọn Cộng Sản, những thứ mà bọn chúng đem phủ chụp lên toàn nước Việt từ mấy chục năm nay.

Những điều đó, Trần Khải Thanh Thủy viết xuống mà không cần một nỗ lực tưởng tượng, hư cấu nào. Không cần khả năng sáng tạo. Những câu chuyện chúng ta đọc ở đây có thể đem lại những tiếng cười thích thú nhưng chính đó lại là những chuyện bầy ra những khổ đau mà các nhân vật phải sống qua trong đời sống thật của họ.

Ðọc trong Internet quí vị sẽ thấy nguyên một loại chuyện cười cộng sản trong đó có những chuyện cười Xô Viết, chuyện cười Hoa lục, chuyện cười về các lãnh tụ Cộng Sản, chuyện cười chính trị Nga, về đời sống hàng ngay ở Nga, về thời đại hậu Cộng Sản, thời Vladimir Putin…

Và hôm nay, Trần Khải Thanh Thủy với hai tác phẩm viết về những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Giọt lệ và nụ cười, hai thứ tưởng như chẳng bao giờ ở gần nhau. Nhưng trong rất nhiều trường hợp, nụ cười lại chính là một giọt lệ được hóa trang.

Hai tập chuyện cười của Trần Khải Thanh Thủy chính là những giọt lệ của đất nước chúng ta được hóa trang sơ sài.
Càng đọc càng đau.

Cám ơn Trần Khải Thanh Thủy.

MỚI CẬP NHẬT