Friday, April 19, 2024

Uống cà phê ngừa ung thư?

Nguyễn Quang Bình



Theo kết quả công trình nghiên cứu của Trường Y thuộc Viện Đại Học Harvard về tác dụng của cà phê, người đàn ông nào uống từ 5-6 ly cà phê mỗi ngày, có thể sẽ ngừa được bệnh ung thư tuyến tiền liệt, cà phê cũng có thể làm giảm 60% khả năng di căn của chứng ung thư này.



Tuyến tiền liệt là bộ phận tiết ra chất nhờn màu trắng đục (tinh dịch) khi quý ông chăn gối. Xui cho quý ông, tuổi càng cao thì bộ phận này càng phình to. Một khi phì đại, nó làm nghẽn đường tiểu…cho đến khi có điều kiện phát sinh, tuyến tiền liệt có thể chuyển sang ung thư. 






Uống 5-6 ly cà phê/ngày, ngừa được ung thư? Hình minh hoạ. Nguồn: Internet.



Nghiên cứu này đã được thực hiện trên 48.000 quý ông sinh sống và làm việc ở các cơ sở y tế tại Hoa Kỳ trong thời gian kéo dài 20 năm, từ 1986 đến 2006. Theo đó, cứ 4 năm một lần, quý ông xung phong tham gia nghiên cứu phải “báo cáo” lượng cà phê mình uống hàng ngày. Với số lượng bấy nhiêu người và khoảng thời gian ngần ấy, có 5.035 người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt, trong đó có 642 trường hợp tử vong. Được biết, tại Anh quốc, hàng năm có chừng 37.000 người mắc bệnh này với chừng 10.000 người phải chết. 



Điểm đáng lưu ý: không phải chất cafein có trong cà phê là tác nhân chính làm giảm khả năng gây ung thư vì trong số người tham gia có người uống cà phê thường nhưng cũng có người dùng cà phê đã được chiết xuất không còn cafein trong thức uống này (decaf). Tuy thế, công trình nghiên cứu cũng chưa khẳng định được chất gì trong cà phê làm giảm khả năng gây ung thư và di căn tại tuyến tiền liệt.  



Trước đó chừng một tuần, Viện Nghiên Cứu Karolinska của Thụy Điển cũng đưa ra công trình nghiên cứu của mình về ảnh hưởng của tiêu thụ cà phê trên phụ nữ. Công trình này thử nghiệm trên 6,000 quý bà. Các nhà nghiên cứu nói rằng họ thấy ai uống nhiều cà phê từ 5 ly mỗi ngày thì khả năng ung thư vú sẽ ít hơn so với người không uống. Một điều trùng hợp kỳ thú giữa hai công trình là không nhất thiết quý bà uống loại cà phê nào, espresso, capuccino hay loại không có cafein (decaf). Các nhà nghiên cứu cho rằng trong cà phê có một chất gì đó làm giảm khả năng gây ung thư vú tại quý bà và họ chưa dám khẳng định đó là chất gì. 



Cả hai công trình đều minh định rằng nghiên cứu của họ không nhằm tiếp thị cho kinh doanh, tiêu thụ cà phê và không muốn dùng công trình để khuyến khích thiên hạ uống cà phê.



Một điều cần lưu ý ở đây là loại sản phẩm cà phê cuối cùng được tiêu thụ tại nước Hoa Kỳ, Thụy Điển, Vương quốc Anh…như đã nói trên là các loại cà phê được chế biến nghiêm túc, và được đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm chứ không như nhiều loại cà phê đang được tiêu thụ tại nhiều quán, nhiều địa phương ở Việt Nam. 



Mới đây, báo chí Việt Nam đăng loạt bài về công nghệ pha chế cà phê tại một vùng gần Sài Gòn. Người đọc phải kinh hoàng khi phát hiện chính các nhà chế biến nội địa đã đánh lừa khứu giác và vị giác của mình vì lòng tham trong ly cà phê do họ phục vụ công chúng. 






Chế biến “cà phê bẩn”. Nguồn: caphesach.vn



Trong Đại hội Hiệp Hội Cà phê-Ca cao Việt nam (VICOFA) tổ chức tại Sài Gòn cách đây 2 năm,  có người đăng đàn và mạnh dạn yêu cầu VICOFA tích cực can thiệp vì vệ sinh an toàn thực phẩm cho ly cà phê tiêu thụ trong nước. Ông ta phát biểu trước hội nghị: “Nhiều nhà rang xay đã lạm dụng hương liệu, chủ yếu xuất xứ từ Trung quốc do giá rẻ và kém phẩm chất, để trộn vào tách cà phê. Nhiều người bạn của tôi nói rằng họ uống cà phê, có khi của hãng có tên tuổi, thấy nhức đầu dữ dội so với khi chưa uống cà phê. Và…từ đó họ không dám uống cà phê bỏ nhiều thứ quái lạ nữa. Tôi xin đề nghị VICOFA lên tiếng đề nghị bộ phận vệ sinh an tòan thực phẩm kiểm tra thực sâu sát tình hình này để chấn chỉnh lại chất lượng ly cà phê của Việt nam. Trên sản phẩm, cần ghi rõ ràng rằng nếu không phải 100% cà phê nhân thì pha cái gì vào, xuất xứ từ đâu…Chứ để một công dân của một nước xuất khẩu cà phê lớn, mà chỉ uống “cái được gọi là cà phê” thì ức quá, thậm chí không khéo các dư chất hương liệu đểu và độc có thể làm hại lục phủ ngũ tạng nữa thì toi mất”.



Phải nói rằng cà phê chưa phải là thức uống phổ thông tại Việt Nam. Chính vì thế, nhiều nhà rang xay nội địa tha hồ ra tay “tung hoành” trong chế biến. Chỉ cần với một ly nước màu đen, một chút hương liệu nhúng vào mũi tăm (xỉa răng), là bạn có một ly cà phê thơm như thật. Nhưng bạn không thể uống được nếu như không trộn đường thật nhiều vào cốc cà phê và chất ngọt của đường sẽ phá tan phần nào vị lạ và khó chịu ấy.



Hiện nay, nước ta là nước “đàn anh đàn chị” trong xuất khẩu cà phê hột. Hàng năm sản lượng có thể trên cả triệu tấn.








Việt Nam “qua mặt” nhiều nước trong xuẩt khẩu cà phê. Hình minh hoạ. Nguồn: Internet.



Nhưng cà phê thành phẩm rang xay và hòa tan tiêu thụ hầu như không đáng kể. Giá cả thị trường xuất khẩu cà phê hột hiện nay đang may mắn được giá cao. Thị trường nội địa rõ ràng sẽ đóng vai trò rất quan trọng một khi giá xuất khẩu hạ. Nếu ly cà phê tại nhiều quán, nhiều địa phương không tôn trọng các tiêu chuẩn cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong những lúc cần thị trường nội địa vì giá xuất khẩu thấp, ngành cà phê ắt sẽ khó lòng thuyết phục khách hàng nội địa uống cà phê để giải vây chứ chưa dám nói uống để giải khát nhằm ngăn ngừa bệnh ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt.

MỚI CẬP NHẬT