Thursday, April 25, 2024

Vài cảm nghĩ về sách ‘Let’s Speak Vietnamese’


Nguyễn Mộng Lan

Tôi là Nguyễn Mộng Lan, giáo viên dạy tiếng Việt ở trường trung học Westminster, và tôi viết bài này với tư cách cá nhân. Như bao thầy cô khác, tôi chỉ muốn được âm thầm làm nhiệm vụ của một nhà giáo. Tôi thấy cần phải lên tiếng để làm sáng tỏ một số vấn đề có liên quan đến việc sử dụng cuốn sách “Let’s Speak Vietnamese” của tác giả Lê Phạm Thúy Kim và Nguyễn Bích Thuận và việc giảng dạy tiếng Việt trong một số trường trung học công lập tại địa phương.

1. Trước hết cuốn sách “Let’s Speak Vietnamese” đã được dùng cho học sinh học tiếng Việt như một ngoại ngữ tại hai học khu ở địa phương từ tám năm nay. Cuốn sách này không phải là cuốn sách duy nhất được dùng mà còn một số cuốn sách khác cũng được dùng song song như:

– “Tiếng Việt Mến Yêu” của Học Khu East Side Union, San Jose.

– “Tiếng Việt – Introduction to Vietnamese Language and Culture” của Ðỗ Thị Minh Hồng.

Ngoài ra, trang web của một số lớp Việt ngữ ở những trường đại học như Cornell, Arizona và Northern Illinois cũng được dùng trong việc giảng dạy.

Một vài lý do khiến cuốn sách này đã được chọn là:

a) Một trong những tiêu chuẩn để chọn một cuốn sách dạy ngoại ngữ là cuốn sách đó phải giúp cho người học phát triển khả năng nghe, nói, đọc, viết và hiểu ngôn ngữ đó. Cuốn sách này có các phần: đàm thoại, nghe, đọc, viết, từ vựng và ngữ pháp… Trong khi hầu hết những cuốn sách dạy tiếng Việt khác không có phần âm thanh rất cần cho người học, cuốn sách này còn có phần nghe (listening) có sẵn trên trang web đi kèm với cuốn sách. Vì vậy so với những cuốn sách dạy tiếng Việt khác thì cuốn sách này đầy đủ hơn. Ngoài ra, cuốn sách này cũng cho người học nhận thức được thực trạng ở Việt Nam. Người học, không phân biệt quốc tịch, nếu có dịp đi du lịch đến Việt Nam, sẽ thấy những gì họ học trong sách không xa rời với thực tế tại Việt Nam. Tôi nghĩ là dựa trên những tiêu chuẩn này mà một số trường đại học nổi tiếng như Yale, Columbia và một số học khu đã chọn sử dụng cuốn sách này.

b) Tại Học Khu Huntington Beach Union, cuốn sách này cũng như những cuốn sách giáo khoa khác được dùng cho học sinh phải qua một số thủ tục chọn lựa để được chấp thuận. Nguyên tắc và thủ tục chọn lựa sách giáo khoa được trình bày trên trang web của học khu (có thể tìm AR 6161). Trong quá trình chọn sách giáo khoa, những cuốn sách được đề nghị đều được trưng bày tại học khu trong thời gian 30 ngày để phụ huynh, học sinh và tất cả những người quan tâm có cơ hội đóng góp những ý kiến khác nhau. Nếu không có sự phản đối hay tranh luận nào thì cuốn sách đó mới được mua cho học sinh dùng.

c) Người học, nếu biết tiếng Anh, thì có thể dùng cuốn sách song ngữ “Let’s Speak Vietnamese” này để học tiếng Việt một cách dễ dàng hơn. Ngoài những bài học và bài làm trong sách, người học còn có thể nghe những cuộc đàm thoại hay làm những bài tập trên Internet. Hiện nay, trong sáu lớp tiếng Việt do tôi phụ trách, ngoài những em có cha mẹ là người Việt còn có những em Mỹ trắng, người Mỹ gốc Mexico, Triều Tiên, Trung Hoa, Cambodia, và Thái Lan. Ðối với các em này tiếng Việt thật sự là một ngoại ngữ. Vì thành phần học sinh đa dạng như thế nên việc dùng một cuốn sách tiếng Việt mà tất cả các em có thể hiểu được là điều rất quan trọng.

d) Các thầy cô trong khi dạy thường không dùng duy nhất một cuốn sách nào từ đầu tới cuối vì có thể nói là hiện nay không có một cuốn sách dạy tiếng Việt nào hoàn hảo và hoàn toàn thích hợp cho những lớp học mà học sinh gồm nhiều chủng tộc khác nhau. Vì vậy các thầy cô thường phải lựa chọn hay thay đổi (modify) những bài học tùy theo nhu cầu và trình độ của các em đồng thời theo đúng chương trình và những đòi hỏi của Bộ Giáo Dục.

e) Theo tôi nghĩ, nếu chỉ căn cứ vào vài trang sách mà phê phán cả một công trình nghiên cứu và biên soạn của các tác giả thì thật là không công bằng. Ðể có thể có những nhận định chính xác về cuốn sách này thì chúng ta, trước hết, nên tìm đọc toàn bộ cuốn sách “Let’s Speak Vietnamese” cùng với cuốn Workbook và những tài liệu trên Internet đi kèm với cuốn sách này.

2. Không phải đợi đến khi một vị dân cử “phát giác” mẫu “Ðơn đăng ký hộ khẩu” ở trang 13 và “Giấy khai đăng ký kết hôn” ở trang 14 của cuốn Workbook, việc dùng cuốn sách này mới trở thành một vấn đề gây tranh luận. Trong tám năm dạy tiếng Việt tại trường trung học Westminster, một số phụ huynh người Việt đã đặt ra cho chúng tôi nhiều câu hỏi về cuốn sách dạy tiếng Việt này. Các phụ huynh đã bày tỏ sự quan tâm của họ qua email hay đích thân đến gặp và nói chuyện với chúng tôi. Sau khi nghe chúng tôi trình bày, các vị phụ huynh không còn thắc mắc về vấn đề này nữa và vì vậy vấn đề chưa bao giờ được đăng tải trên báo chí như hiện nay.

3. Một số báo chí đã cho đăng hình mẫu “Ðơn đăng ký hộ khẩu” và “Giấy khai đăng ký kết hôn” có trong cuốn Workbook của cuốn “Let’s Speak Vietnamese” như một bằng chứng của việc dùng những tài liệu của Cộng Sản để dạy tiếng Việt. Trong tám năm dùng cuốn sách này chưa bao giờ tôi cho các em làm bài tập này. Lý do là như tôi nói ở trên, các thầy cô giáo thường phải chọn lựa những bài học và bài làm thích hợp với học sinh của mình. Với các học sinh 14, 15 tuổi thì việc điền “Ðơn khai đăng ký kết hôn” là điều hoàn toàn không phù hợp. Tuy nhiên, là một cô giáo dạy tiếng Việt, tôi có thể dùng hai mẫu đơn này để dạy các em học sinh của tôi hai bài học sau đây:

Bài học thứ nhất là cho các em có dịp so sánh cuộc sống trong một thể chế tự do mà các em đang sống, và cuộc sống trong một chế độ mà người dân muốn đi đâu, hay cư ngụ ở đâu phải làm đơn xin và phải được công an chấp thuận. Qua những mẫu đơn này các em được thấy bằng chứng của sự thiếu tự do và nhân quyền tại Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản.

Bài học thứ hai là tôi muốn các em nhận ra là các em được may mắn sống trong tự do, có được một nền giáo dục mà bao trẻ em ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới ao ước. Ðó là nhờ sự hy sinh lớn lao của cha mẹ và ông bà của các em. Các vị ấy đã trải qua biết bao sự mất mát và đau khổ để các em có được ngày hôm nay. Như vậy các em phải biết ơn cha mẹ và ông bà. Các em cũng nên lợi dụng những điều kiện thuận lợi trong một xã hội tự do và đặt ưu tiên cho giáo dục để phát huy tất cả những tiềm năng của các em.

4. Ðể có thể dạy tiếng Việt ở các trường công lập, các thầy cô đều phải có bằng sư phạm (credential) để dạy môn học này. Nhưng muốn có bằng dạy tiếng Việt thì các thầy cô ở California phải có ít nhất một bằng dạy một cấp lớp (thí dụ như cấp tiểu học) hay bằng dạy một môn học khác ở trung học (thí dụ như Toán, Anh Văn hay Khoa Học). Bằng dạy tiếng Việt chỉ được thêm vào sau khi các thầy cô đã có một bằng chính. Như vậy, việc dạy tiếng Việt là do các thầy cô lựa chọn. Hơn nữa đối với một số thầy cô thì việc dạy tiếng Việt sẽ khiến họ phải làm việc nhiều hơn. Thí dụ, một cô giáo ở trường trung học Bolsa Grande có bằng để dạy Toán, Anh ngữ và Việt ngữ. Nếu chỉ dạy Anh ngữ cô chỉ phải soạn bài cho ba trình độ Anh ngữ khác nhau, nhưng nếu nhận dạy thêm Việt ngữ, cô sẽ phải soạn bài thêm cho một hay hai trình độ Việt ngữ nữa và như vậy là cô tự chọn thêm việc cho mình. Nếu không có người hội đủ điều kiện để dạy tiếng Việt hay không muốn dạy tiếng Việt thì nhà trường có lý do để không mở những lớp học tiếng Việt. Tôi trình bày dài dòng như vậy là để cho thấy các thầy cô dạy tiếng Việt không phải vì miếng cơm manh áo. Các thầy cô luôn có thể kiếm sống bằng cách dạy những môn học khác.

5. Tôi đã có dịp tham dự một khóa hội thảo và tu nghiệp của các thầy cô giáo dạy các ngôn ngữ Châu Á như Nhật, Triều Tiên, Trung Hoa, và Việt tại đại học Cal State Fullerton từ ngày 14 đến ngày 16 Tháng Tư vừa qua. Qua khóa tu nghiệp này điều làm tôi cảm thấy được khích lệ là nhóm các thầy cô giáo dạy Việt ngữ là nhóm đông đảo nhất và cũng là nhóm hăng hái đóng góp và chia sẻ kinh nghiệm nhiều nhất so với các nhóm khác trong khóa họp. Sự nhiệt tình hăng hái và tinh thần học hỏi của các thầy cô giáo dạy Việt ngữ không phát xuất từ sự miễn cưỡng phải dạy tiếng Việt vì miếng cơm manh áo nhưng từ lòng yêu mến ngôn ngữ và văn hóa Việt. Họ là những người đang âm thầm tích cực góp phần vào việc bảo vệ, duy trì và truyền đạt những truyền thống tốt đẹp của cha ông cho những thế hệ tương lai.

6. Ở trường trung học Westminster, học sinh các lớp Việt ngữ luôn được khuyến khích tham gia vào những sinh hoạt trong cộng đồng điển hình là việc đông đảo các em tham gia vào ngày làm vệ sinh trong khu Little Saigon, hội chợ Tết hay cuộc diễn hành vào dịp Tết vừa qua. Các em thường được điểm thêm (extra credit) cho những sinh hoạt này. Ngoài những bài đọc về địa lý, lịch sử, văn hóa trong cả năm học, các lớp Việt Ngữ đều có những bài đọc, bài học và những sinh hoạt đặc biệt vào dịp Tết Nguyên Ðán và Tháng Tư để các em học biết về truyền thống, lịch sử, và về người Việt tị nạn Cộng Sản. Vào dịp Tết Ất Mùi vừa qua, các em đã thực hiện một tờ bích báo được dán bên ngoài các lớp Việt ngữ trong một tháng.

7. Ðiều đáng nói là các cô đã cùng với các em học sinh dán lên phía trên những bài viết của các em một lá cờ vàng ba sọc đỏ rất lớn. Trong lớp các em đã có nhiều dịp nghe kể về những kinh nghiệm cá nhân mà tôi có trong gần 20 năm sống dưới chế độ Cộng Sản. Nhiều em vẫn còn nhớ chuyện cô của chúng hồi năm 1975 ở Việt Nam phải xin phép để được đi nhổ răng “không đau.” Khi thấy một vài em vứt vào thùng rác những hộp sữa mới uống một ít, tôi đã kể cho các em nghe về tình trạng đói khổ của dân chúng miền Nam sau năm 1975. Các em đã có thể hình dung ra được hình ảnh một cô gái ốm yếu, tay cầm cuốn sổ lương thực, xếp hàng đợi mua bo bo hay khoai lang thối được xúc bằng xẻng. Các em cũng đã được nghe tôi kể về những gian nan mà tôi đã trải qua khi đi thăm ba tôi trong những trại tù cải tạo ở Biên Hòa, Hàm Tân, Xuyên Mộc,… Hơn ai hết các em biết rõ chúng tôi không phải là cánh tay nối dài của Cộng Sản.

8. Trong tất cả những môn học mà các học sinh trung học đang học, các thầy cô giáo đều chú trọng vào việc dạy cho các em khả năng suy nghĩ và đánh giá một cách khách quan (critical thinking). Các em biết rằng mọi sự đánh giá chỉ có giá trị khi dựa trên những sự kiện cụ thể (fact), những sự nghiên cứu có tính cách khoa học (research). Các em được khuyến khích tìm hiểu những khía cạnh khác nhau của một vấn đề cũng như tìm biết những ý kiến trái ngược nhau về một vấn đề. Các em cũng học cách đối thoại, lắng nghe, và tôn trọng ý kiến của người khác. Trình bày như vậy là để cho thấy các em tuy nhỏ tuổi cũng được học và biết cách đánh giá những gì các em đọc và học.

9. Chúng ta, những người Việt hải ngoại, có chung một mục tiêu là dạy cho con em của chúng ta ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống Việt. Một việc mà chúng ta có thể làm là giúp duy trì và phát triển những chương trình dạy tiếng Việt tại các trường trung học công lập ở địa phương bằng những việc làm cụ thể và có tính cách xây dựng. Ðừng để những trường không mở lớp tiếng Việt vui mừng vì họ không phải đối phó với những rắc rối nhức đầu mà những trường có dạy tiếng Việt đang gặp phải. Hãy nêu gương cho con cháu chúng ta bằng cách đừng bao giờ đưa ra những suy diễn một chiều, những lập luận không có bằng chứng cụ thể và nhất là không bao giờ chụp mũ, vu khống và lăng mạ những người khác, nhất là những người mà chúng ta không biết rõ họ là ai. Hãy cho con cháu của chúng ta có cơ hội học được từ cha ông tinh thần hiểu biết và cộng tác tích cực để giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng.

MỚI CẬP NHẬT