Thursday, April 25, 2024

‘Bắt nạt’ trên mạng xã hội và tự ti mặc cảm

Hoàng Giang (Nguồn: VOA)

Trong tiếng Anh, nạn “bắt nạt” trên mạng xã hội được gọi với cụm từ “cyber bullying.” Ðây là một vấn đề gây tranh cãi tại Mỹ khi Internet phát triển rộng rãi và các thiết bị công nghệ ngày càng tân tiến hơn. Những thông tin, lời nói trên mạng xã hội là ảo nhưng tác động trực tiếp của chúng đến con người là thật. Nếu hành vi “bắt nạt” được thực hiện bằng tay chân trong đời thật chỉ xảy ra trong 1 khoảng thời gian nhất định thì “bắt nạt” trên mạng xã hội kéo dài suốt ngày đêm. Ðịnh nghĩa của “cyber bullying” là: “Những hành động cử chỉ cố tình tấn công của một cá nhân hay một nhóm qua các thiết bị điện tử, lặp đi lặp lại nhiều lần đối với nạn nhân – người không có khả năng chống đỡ.” Có thể chúng ta không nhận ra nhưng trong những ngày gần đây, liên tiếp các sự kiện nóng đều bắt nguồn từ hành động “bắt nạt” trên mạng xã hội.

Cách đây chưa đầy 1 tuần, một đoạn clip ngắn được cắt ra từ chương trình “Ai Là Triệu Phú” của đài truyền hình VTV được chia sẻ hàng loạt nói về một cô gái không trả lời được 2 câu hỏi đầu tiên của chương trình – thường được coi là những câu hỏi dễ dàng về kiến thức cơ bản thường ngày. Cụ thể là người chơi không biết được ý nghĩa của “El Nino” và “người ta thường nấu canh cua với rau gì?” Sự “thiếu hiểu biết” này càng trở nên không thể chấp nhận được khi người chơi là… con gái. Chưa kể, cô được cho là khá giỏi giang khi thành thạo tiếng Nhật và đang làm việc trong một công ty lớn của đất nước “Mặt Trời Mọc.” Trong một buổi giao lưu mang tên “Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin” diễn ra ngày 29 tháng 11, một bạn sinh viên đặt ra câu hỏi: “Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm là $2,000/tháng?” Câu hỏi này đã được các báo đài đưa lên làm “tít” và gây ấn tượng mạnh với người đọc vì sự viển vông của người hỏi.

Việc “ném đá cộng đồng” đang ngày trở thành một thói quen của giới trẻ trên mạng xã hội và nguyên nhân sâu xa xuất phát từ mặc cảm tự ti. Việc chê bai người khác được sử dụng như một phương cách để khoe mình giỏi giang hơn người khác. Người xem không quan tâm đến việc cô gái trong “Ai Là Triệu Phú” học tiếng Nhật giỏi như thế nào, làm ở công ty lớn ra sao mà tập trung xoi mói sự ẩu đoảng, vụng về vì “con gái mà không biết nấu ăn.” Tâm lý tự ti đó được hình thành ngay từ trên ghế nhà trường khi hầu hết học sinh Việt không dám nói những gì mình nghĩ và đặt câu hỏi vì sợ mình bị lạc lõng, khác biệt và bị chê cười. Trớ trêu thay, càng sợ hãi lại càng giấu giếm sự thiếu hiểu biết của mình, càng trở nên tự ti và cố gồng mình chứng tỏ bằng cách dìm người khác xuống. Cảm giác đó lan nhanh và rộng như một bệnh dịch. Một xã hội mà phần đông không khi nào tự thừa nhận sự yếu kém của bản thân vì nhìn đâu cũng thấy người giống mình thì không thể nào phát triển được. Trong thập niên 1960, thu nhập trung bình của một người Hàn khoảng $1,000/1 năm, tính đến năm 2015, con số đó tăng lên $25,000, trong khi thu nhập trung bình tính theo đầu người tại Việt Nam hiện nay là $1,900. Vì không một người Việt nào dám hỏi làm thế nào để kiếm được $2,000/tháng nên Việt Nam đến giờ vẫn chưa thoát khỏi hình ảnh một đất nước chậm phát triển bậc nhất thế giới.

Trong bài báo “giật tít” vừa kể, khi cô sinh viên đặt câu hỏi về mức lương $2,000, một khách mời trong buổi giao lưu đã trả lời rằng mức lương bạn nhận được phụ thuộc vào năng lực và khả năng cống hiến cho doanh nghiệp. Nếu bạn có thể đem lại mức lợi nhuận từ $10,000 đến $15,000/tháng, thì mức lương $2,000 là trong tầm tay. Tôi cho rằng đây là câu trả lời rất thiết thực và hợp lý. Mức lương tỉ lệ thuận với năng lực, bởi vậy đối với những ai có kết quả học tập trung bình, kiến thức chuyên môn không đủ, không thể giao tiếp ngoại ngữ, cộng thêm thái độ không cầu tiến, thì $2,000 chắc chắn mãi là một con số viển vông, ảo tưởng.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 15 tháng 12 năm 2016

MỚI CẬP NHẬT