Thursday, March 28, 2024

Dỗi

Nguyễn Đạt Thịnh

Bị Mỹ hóa, thế hệ người gốc Việt dưới 50 tuổi đang sống tại Hoa Kỳ không mấy người hiểu nghĩa chữ “dỗi,” mặc dù người Mỹ cũng biết dỗi; và người đàn ông Mỹ cũng biết dỗ, mỗi khi vợ dỗi.

Tổng thống biết vợ ông dỗi, nên mới mặc cái áo choàng nhà binh trong lúc ra sân bay tại căn cứ không quân Andrews giữa mùa Hè, trời nóng 80 độ.

Bà muốn nhóm phóng viên quay phim, chụp hình đưa lên mặt báo, lên màn hình câu “I Really Don’t Care. Do You?” bà viết sau lưng áo. Câu này có nghĩa là “Tôi Bất Cần. Còn Bạn Thì Sao?”

Mặc áo lạnh giữa mùa Hè, bà Melania giải quyết được nhu cầu một tấm bích chương để phô bày quan điểm của mình. Câu nói lửng lơ của bà làm dân làm báo Mỹ chạy bấn lên tìm tự điển xem nó nghĩa là gì. Bà số 1 bất cần điều gì?

Vốn người thông minh, tổng thống biết nhu cầu của bọn fake news, và ông phát ra một cái tweet “‘I REALLY DON’T CARE, DO U?’ written on the back of Melania’s jacket, refers to the Fake News Media. Melania has learned how dishonest they are, and she truly no longer cares!”

Dịch “Câu ‘I REALLY DON’T CARE, DO U?’ viết sau lưng áo của Melania là để nhắn bọn Fake News Media là nàng đã biết chúng gian dối đến mức nào, và nàng không quan tâm đến chúng nữa.”

Dân làm báo Mỹ mừng rơn, nhưng vẫn không hiểu tại sao bà “mẫu hậu” đẹp như tiên lại dùng thể văn hờn dỗi để trách họ; người thường hờn dỗi họ là bà xã hoặc người tình của họ. Hơn nữa Melania là người hiểu biết, bà không hờn dỗi người dưng bao giờ. Có lần bà đã đưa một anh ký giả ra tòa vì lối viết mập mờ, ám chỉ là trước khi lấy chồng, người mẫu Melania còn làm nghề khác, ngoài nghề người mẫu.

Dĩ nhiên tòa lên án trừng phạt anh ký giả phạm tội mạ lỵ phải bồi thường danh dự cho Melania, nhưng đệ nhất phu nhân bắt tay anh xí xóa, không nhận bồi thường.

Tại trại giam, bà Melania khẳng định mục đích chuyến thăm viếng là đến tận nơi, để nhìn tận mắt, sự thật. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

Những người viết báo khác ca ngợi thái độ hiểu biết của bà. Họ có thiện cảm với bà, và thích hiểu lầm là bà hờn dỗi họ như ông chồng bà giải thích.

Họ điện thoại hỏi, và được bà Stephanie Grisham – giám đốc truyền thông trong văn phòng đệ nhất phu nhân – trả lời bằng một tuyên cáo nho nhỏ, “Cái áo chỉ là cái áo, câu viết sau lưng áo không chuyên chở một thông điệp ẩn ý nào hết. Sau cuộc thăm viếng quan trọng tại Texas, tôi mong là truyền thông đặt nặng những vấn đề khác, hơn là vấn đề cái áo.”

Dân làm báo Mỹ giật mình vì bài học làm báo mà bà Melania dạy họ. Bà xin họ đừng quan tâm đến câu nói hờn dỗi bà không nói với họ; bà xin họ quan tâm đến chuyến viếng thăm những ấu phạm mà bà xuống tận trại giam để thăm chúng.

Tại trại giam, bà khẳng định mục đích chuyến thăm viếng là đến tận nơi, để nhìn tận mắt, sự thật; bà muốn như vậy, nhưng chính quyền – đức ông chồng của bà – vẫn có cách chỉ cho bà nhìn thấy một góc của sự thật – cái góc đẹp nhất trong toàn bộ cuộc sống mất gia đình, mất tình mẹ của những đứa bé vô tội 100%.

Viên chức phụ trách những trại ấu phạm đưa bà và đoàn phóng viên truyền thông tháp tùng bà đến thăm trại Upbring New Hope Children’s Shelter – trại dành riêng cho những đứa trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Họ trình diễn cảnh sinh hoạt tuy mất tự do, nhưng trại sinh vẫn được đãi ngộ tử tế. Trại Upbring do Bộ Xã Hội và Lutheran Social Services phụ trách, được coi như trại kiểu mẫu để trình diễn với dư luận.

Những trại khác đặt trong quy chế không thăm viếng, không tiếp phóng viên truyền thông và chính khách Dân Chủ.

Bà Melania được Bác Sĩ Kurt Senske, giám đốc trại, tiếp đón và được nghe ông trình bày là trại có 55 trại sinh, gồm 27 nam và 28 nữ; 90% trại viên đi một mình vượt biên giới, 10% cùng đi với gia đình nhưng bị chia cách.

Bà Melania hỏi nhân viên phụ trách những câu đại loại, bao lâu trại sinh được liên lạc điện thoại với gia đình một lần, trại có những biện pháp nào để đối phó với tình trạng khủng hoảng tinh thần của trại sinh, trại dự trù giữ trại sinh trong bao lâu, và sau đó giải quyết như thế nào.

Đến thăm trại sinh trong lớp học, bà hỏi từng đứa trẻ, về gốc gác của nó, tuổi tác, và bè bạn của nó; bà quan tâm đến bốn góc cạnh trong cuộc sống của trại sinh – tắm rửa, quần áo, thực phẩm và y tế.

Nói chuyện với nhân viên phụ trách trại, bà Melania nói, “Tôi đến đây để tìm hiểu về trại Upbring và số phận của những đứa trẻ bị ly cách với gia đình, và bị giam giữ; tôi cố gắng giúp chúng được đoàn tụ với gia đình chúng.”

Trại Upbring đã được lập ra từ năm 2014, và những trại sinh bà Melania đến thăm không phải là những đứa bé khóc thét lên vì khiếp sợ khi lính biên phòng giựt nó ra khỏi tay mẹ nó. Ông lừa bà nên trong chuyến bay từ Texas trở về Washington bà vẫn mặc cái áo lạnh mang những chữ “I Really Don’t Care. Do You?” và tổng thống đã trả lời “I Do.”

Câu trả lời đó giúp tôi chợt nhận ra là ông với tôi thuộc cùng một đảng – đảng râu quặp; mặc dù cả hai chúng tôi cùng không để râu.

Ông lật đật ký sắc lệnh cho phép các ấu phạm được trở về bú mẹ, khiến người xin tị nạn mừng rơn. Bà “số dzách phu nhân” mắng những anh ký giả là “nghèo mà ham,” chuyện trẻ con khát sữa không lo, đi lo câu nói dỗi viết trên lưng áo. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT