Wednesday, April 24, 2024

Nhà bảo sanh Trung Quốc

Nguyễn Đạt Thịnh

Cô Juliana Brandy Logbo, người Liberian, 28 tuổi, vừa vào nhà Bảo Sanh Nhân Dân quận Hứa Du (Huadu District), thuộc tỉnh Quảng Châu (Guangzhou), Trung Quốc, trong Tháng Năm, 2018, và phải giải phẫu để đem hai đứa con song sinh ra chào đời.

Cô mừng vì sanh khó, mà vẫn được mẹ tròn, con vuông, nhưng khó khăn không chấm dứt sau khi giải phẫu, mà còn kéo dài với vấn đề bệnh viện phí.

Logbo phát hiện vấn đề khi cô nói với cô y tá là cô muốn ẵm hai đứa bé sơ sinh, và được trả lời là cô phải thanh toán bệnh viện phí trước đã; chưa trả hết bệnh viện phí, cô không được thấy mặt hai đứa bé.

Cô Logbo nói bệnh viện cho cô biết muốn thấy mặt con, cô phải thanh toán bệnh viện phí $630; ba ngày sau, số tiền đó lên đến $800.

Không có tiền trả, cô đành ngồi trước cửa phòng nuôi dưỡng trẻ sơ sinh mà tấm tức khóc.

Cô van xin giới thẩm quyền trong bệnh viện cho cô được cho con bú, nhưng cũng bị từ chối; cô hỏi họ, “Tôi đang sống trên đất nước nào, mà tôi bị cấm đoán không được thấy hai đứa con tôi sinh ra?”

Trong đa số những quốc gia tiến bộ, bệnh viện có bổn phận cứ thực hiện việc cấp cứu trước, không cần biết bệnh nhân có khả năng thanh toán bệnh viện phí hay không. Tại Trung Quốc điều đó không nhất thiết được tôn trọng.

Trong lúc đó cô Logbo lại còn phạm lỗi “cư dân bất hợp pháp,” vì cô đã ở quá hạn chiếu khán; một điều khổ tâm nữa là cô không nói được tiếng Hoa. Tuy nhiên cô cũng không bị xử tệ hơn cách đối xử của chính quyền với dân bản xứ; trong những trường hợp không khẩn cấp, người Hoa thường phải trả y phí trước khi được trị bệnh.

Tuy nhiên, Trung Quốc đang trên đường tiến bộ trong địa hạt trị bệnh cho 1.4 tỷ người Hoa; họ đầu tư đến $130 tỷ vào chương trình medicare, nhằm mục đích cung cấp dịch vụ miễn phí cho toàn dân. Tuy nhiên, trong lúc chờ đợi thuốc tiên trên thiên đường Cộng Sản, người Hoa vẫn đang bị từ chối y vụ, nếu họ không có tiền trả trước. Chậm nhất là chương trình y tế nông thôn; nông dân vẫn phải móc túi lấy tiền trả trước, rồi sau đó mới được nhập viện. Gặp trường hợp bệnh trầm kha, y phí quá nặng, họ đành đem thân nhân trở về nhà nằm chờ chết.

Người Mỹ dịch lối trị bệnh “tiền trao, cháo múc” của Tàu là “pay as you go” – không có tiền là không có cháo, dù bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch, cần cấp cứu. Nhiều bệnh nhân chỉ bị đòi đóng trước một số tiền gọi là tiền deposit; tuy nhiên con số đó cũng không nhẹ.

Giới quan sát cho là, vì vấn đề quá lớn, nên cuộc cải cách y tế của Trung Quốc cũng khó canh cải được toàn bộ hệ thống y tế toàn quốc. Chỉ cần chi cho mỗi người $438 y phí mỗi năm, Bộ Y Tế đã cần có $175 tỷ – bằng với ngân sách quốc phòng Trung Quốc; trong lúc đó, tiền bảo hiểm y tế của mỗi người Mỹ, mỗi tháng, cũng đã nhiều hơn con số $438.

Ba năm trước – năm 2015 – bộ y tế Trung Quốc đã chỉ thị cho các bệnh viện phải điều trị trước, đòi tiền sau, đối với những bệnh nhân nguy kịch; lệnh đó làm nhiều bệnh viện khánh tận vì không đòi nợ được.

Năm 2012, một sản phụ sinh đôi phải nhờ cô mụ vườn giúp đỡ đẻ, vì không có $19,000 để trả trước y phí. Năm 2011, báo chí Trung Hoa đăng hình một phụ nữ 57 tuổi quỳ lạy bác sĩ cho con trai bà được thấy mặt đứa con sơ sinh; ông bố đó không được ẵm con vì không thanh toán nổi $2,800 bệnh viện phí. Bệnh viện Dongguan dọa một cặp vợ chồng là con họ sẽ bị đem cho viện mồ côi, để những người này phải trả cho họ $1,600 tiền bệnh viện phí.

Nông dân ít lệ thuộc vào bệnh viện và nhà bảo sanh, nhờ họ quen dùng thuốc Bắc, và vẫn còn tin tưởng vào khả năng của hệ thống “cô mụ vườn.”

Nhận xét về trường hợp của cô Logbo, bà Rebecca Taylor, người Úc, chuyên gia khuyến cáo sản phụ nuôi con bằng sữa mẹ tại Bắc Kinh, chỉ trích phương thức đòi tiền của các bệnh viện Trung Quốc là những vi phạm nhân quyền to lớn.

Bà Taylor nói, “Tôi rất buồn, rất thất vọng, và thật sự khiếp đảm, nhưng không ngạc nhiên. Cô Logbo không biết là tại Trung Quốc, trước khi đi bảo sanh viện, phải ghé máy A.T.M. Không có gì miễn phí, và cũng không có gì trả góp được.”

Bà Taylor nói mà không kịp nghĩ là cô Logbo không có đến cả cái trương mục ATM như bà có.

Chính Logbo cũng than thở là cô gặp quá nhiều khó khăn, vì bạn trai của cô, cha của hai đứa trẻ song sanh – cũng người Liberian – đang bị giam giữ từ Tháng Chín năm ngoái, vì cho bạn sử dụng account ngân hàng để chuyển tiền.

Logbo có chút tiền, nhưng cô đã phải trả $130 tiền xe cứu thương, và đặt cọc $790 trước khi mổ. Mổ xong, y tá đẩy hai đứa con cô đi, không cho cô bồng ẵm. Ngày hôm sau, cô lại xin được thấy mặt con, nhân viên bệnh viện đòi $630 tiền xuất viện.

Hôm sau nữa, cô Salome Sweetgaye – bạn của cô Logbo – chạy được tiền để đem cô ra, nhưng bệnh viện lại tính thêm một ngày bệnh viện phí, thành tổng số $800; cô không có số đó; bill được giảm xuống cho bằng số hiện kim cô có trong tay, $707.

Chiều hôm đó, cô Logbo được bồng con ra khỏi bệnh viện.

Trả lời cuộc phỏng vấn của phóng viên truyền thông, một nữ nhân viên bệnh viện – tự xưng là cô Tang – nói bệnh viện chỉ yêu cầu cô Logbo thanh toán bệnh viện phí, chứ không có việc cách ly mẹ con để làm áp lực.

Cô Sweetgaye, 28 tuổi, cho là cô Tang ngụy biện, vì cô thấy bạn cô – cô Logbo – khóc thảm thiết vì không được thấy con.

Tình trạng kinh tế của Trung Quốc đã được cải tiến rất nhiều, tuy nhiên giấc mơ “y tế miễn phí” cho cả nước vẫn không thể nào thực hiện được. Nạn nhân mãn không buông tha họ, dù trong nhiều năm dài họ đã nỗ lực giảm dân số bằng phương trình 2 còn 1 – 2 vợ chồng 1 đứa con. (Nguyễn Đạt Thịnh)

MỚI CẬP NHẬT