Monday, March 18, 2024

Tân đại sứ Mỹ tại Nam Hàn

Nguyễn Đạt Thịnh

Được Tổng Thống Donald Trump chỉ định làm đại sứ Mỹ tại Nam Hàn, nhưng Đô Đốc Harry Harris lại có nhận định trái ngược với quan điểm của lãnh đạo Tòa Bạch Ốc. Ông đã đánh điện mừng tổng thống thành công trong nỗ lực giải giới nguyên tử Bắc Hàn, nhưng ông lại nói đừng quá lạc quan.

Được chỉ định mới là giai đoạn thứ nhất trong tiến trình trở thành đại sứ, giai đoạn thứ nhì là cuộc điều trần trước Thượng Viện; có qua được cửa ải đó, Đô Đốc Harry Harris mới được tấn phong – rồi mới thực sự trở thành đại sứ.

So sánh tầm quan trọng giữa chức vụ cũ – tư lệnh quân khu Thái Bình Dương với chức vụ mới (đại sứ Mỹ tại Nam Hàn), có thể nói ông Harris không thăng quan tiến chức tí nào; tuy nhiên trong giai đoạn sắp tới – giai đoạn thực hiện cuộc giải giới nguyên tử Bắc Hàn, thì chức vụ mới của ông quan trọng hơn.

Điều trần trước Thượng Viện hôm 14 Tháng Sáu, 2018, ông Harris chịu đựng cuộc chất vấn của nhiều nghị sĩ; Nghị Sĩ Dân Chủ Bob Menendez đặt ông vào tình thế khó xử với câu hỏi: “Bắc Hàn có còn là một đe dọa nguyên tử đối với Hoa Kỳ không?”

Câu hỏi tương đối thông thường đó trở thành khó trả lời cho ông Harris, vì mới một hôm trước Tổng Thống Trump còn viết tweet tuyên bố là sau cuộc hội nghị giữa ông và thủ lãnh Bắc Hàn Kim Jong Un, Mỹ không còn bị đe dọa bởi nguy cơ nguyên tử đến từ Bắc Hàn nữa.

Đã từng giữ chức vụ tư lệnh quân khu Thái Bình Dương, ông Harris hiểu biết tường tận về Bắc Hàn, nhất là về khả năng quân sự của xứ Cộng Sản này.

Tháng trước, lúc chưa hồi hưu, và với trách nhiệm quân sự trên toàn vùng Thái Bình Dương, ông Harris đã trình bày trước Quốc Hội Hoa Kỳ là, “Mỹ có trách nhiệm bảo vệ Nam Hàn theo thỏa ước đã ký kết; trong trách nhiệm đó chúng ta sẽ phải đối phó với lực lượng quân sự Bắc Hàn – một lực lượng rất mạnh và có khả năng tác chiến – không kém gì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.”

Harris chủ trương và bênh vực những cuộc thao dượt liên quân Mỹ-Nam Hàn; ông nói: “Giả thuyết phải cùng với quân đội Nam Hàn chiến đấu, liên quân Hàn-Mỹ cần hiểu rõ nhau.”

Năm ngoái, trong thời điểm Bắc Hàn liên tục bắn hỏa tiễn, kể cả hỏa tiễn liên lục địa, Harris tuyên bố: “Chiến tranh không chỉ có thể xảy ra, mà có nguy cơ sắp xảy ra.”

Đô Đốc Harry Harris hồi hưu ngày 1 Tháng Sáu, 2018; trước thành quả của hội nghị Singapore, ông nhận định: “Tình hình hoàn toàn đổi khác. Tuy nhiên thao diễn quân sự với Nam Hàn vẫn cần thiết.”

Việc chỉ định ông Harris vào chức vụ đại sứ Mỹ tại Nam Hàn đã diễn ra trước ngày ông hồi hưu. Chức vụ đại sứ này đã bỏ trống suốt 16 tháng vừa rồi, và tổng thống chỉ quyết định chọn ông Harris ngày 23 Tháng Năm, 2018; quyết định đó trở thành chính thức sau khi ông hồi hưu.

Trong thời gian giữ trọng trách tư lệnh Thái Bình Dương, Harris nổi tiếng là “diều hâu” với thái độ cương quyết đối phó với Trung Cộng và Bắc Hàn. Tháng Ba vừa rồi, ông còn nói trước Quốc Hội: “Bắc Hàn là nguy cơ bất an lớn nhất trong tình hình Thái Bình Dương.”

Trước hội nghị Singapore, ông khuyến cáo: “Chúng ta không nên lạc quan thái quá,” mặc dù vào thời điểm đó ông đã biết việc tổng thống chọn ông làm đại sứ Mỹ tại Nam Hàn.

Trong số hàng chục ghế đại sứ vẫn còn bỏ trống, vai trò đại sứ Mỹ tại Nam Hàn là trọng trách nặng nề nhất, đòi hỏi người có nhiều khả năng nhất.

Ngoài những hoạt động trên nhiều địa hạt kinh tế, quân sự và ngoại giao, Hoa Kỳ còn duy trì một lực lượng gần 30,000 quân đồn trú trên nhiều căn cứ quân sự đặt tại Nam Hàn, và Hoa Kỳ chưa bao giờ có liên hệ ngoại giao với Bắc Hàn.

Mới nửa năm trước, nhiều người còn lo sợ Mỹ sẽ thực hiện một cuộc tấn công “phủ đầu” để ngăn chặn cuộc đột kích nguyên tử của Bắc Hàn; cuộc tấn công đó được mệnh danh là “bloody nose” (đánh sặc máu mũi).

Với kinh nghiệm quân sự dài bằng suốt 40 năm binh nghiệp của ông, tân đại sứ Mỹ tại Nam Hàn sẽ có những quyết định chín chắn hơn là một cuộc tấn công phòng ngừa, “đánh sặc máu mũi” địch, vào lúc chưa cần đến một hoạt động quân sự. Ngoài ra với kinh nghiệm sử dụng tình báo điện tử, tình báo không gian, ông Harris sẽ đối phó hữu hiệu với mưu đồ của Bắc Hàn chuyển kho tàng nguyên tử của họ sang Trung Cộng.

Nguyên văn ông trả lời Nghị Sĩ Bob Menendez như sau: “Trong vai trò cũ của tôi, tôi đòi hỏi quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nam Hàn phải thường xuyên thao dượt để thuần thục và sẵn sàng trong giả thuyết phải cộng tác với nhau phòng thủ Nam Hàn, như họ đã cộng tác 68 năm trước trong cuộc chiến tranh Nam-Bắc Hàn. Nhưng hôm nay, tình hình đã hoàn toàn đổi khác, và, như tôi vẫn thường nói – chúng ta muốn Kim Jong Un nhìn thấy lẽ phải, chứ không cần bắt Kim quỳ gối, tùng phục.”

Ông nói thêm với quý vị nghị sĩ thành viên của tiểu ban đặc trách về Liên Hệ Ngoại Giao: “Tôi chiến đấu tạo dựng hòa bình, tôi nghĩ tôi có thể lạc quan, trong tư thế luôn cảnh tỉnh, và thực tế để kiện toàn nhiệm vụ của tôi, là thực hiện một cuộc giải giới nguyên tử trọn vẹn, kiểm soát được, và không bỏ sót một nguy cơ tái phát nào cả của nguy cơ chiến tranh nguyên tử.”

Có thể ca ngợi là tổng thống đã đặt đúng người đại diện cho nước Mỹ vào vị trí đại sứ tại Nam Hàn; mặc dù cởi quân phục, gỡ bỏ 4 ngôi sao trên cổ áo, nhưng ông Harris vẫn là người lính tiền phong trong cuộc tấn công hòa bình vào thành trì Cộng Sản tại Đông Á.

Tôi ca ngợi ông Trump, nhưng tôi cũng chỉ có thể ca ngợi ông đến mức đó, rồi ngả nón khiếp đảm trước câu ông ca ngợi Kim Jong Un trên đài truyền hình Fox News, “Ông ta rất cương quyết, không cho phép ai nói ngược lại ý ổng. Mỗi lần ông ta nói, cả nước kính cẩn lắng nghe. Tôi muốn dân của tôi cũng đối xử với tôi như vậy. (I want my people to do the same).

Quả là hết thuốc chữa.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT