Thursday, March 28, 2024

Lở lưỡi, lợi và môi


Bác Sĩ Ðặng Trần Hào


 


LTS: Bác Sĩ Ðặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Ðông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về châm cứu và Ðông dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Ðông dược và muốn góp ý cho kho tàng Ðông dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ tại điện thoại (714) 531-8229 hoặc email [email protected].


 


Bệnh lở lưỡi, lợi và môi chúng ta thường mắc phải. Tuy đây không phải là một bệnh đáng lo ngại, nhưng lại là một bệnh gây cho chúng ta nhiều phiền phức, nhất là về ăn uống, làm chúng ta khó chịu vô cùng.


 Mà ăn là một trong tứ khoái của truyền thống Việt Nam ta, nhất là trong những ngày Xuân sắp tới, bị bệnh này thì vui với bạn bè không trọn vẹn. Chắc quí độc giả cũng đồng ý với tôi trong bất cứ một sự đau đớn nào dù nhiều, dù ít, cũng làm giảm sự vui tươi và hoạt động của chúng ta, nếu không muốn nói làm chúng dễ giận, không thuận lợi cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ðể đi tìm những nguyên nhân chính gây ra bệnh này, chúng ta nên biết qua sự liên hệ về môi, miệng và lưỡi đối với những tạng phủ như thế nào?


Theo đường kinh về châm cứu, ruột già, huyệt LI-19 (Hòa Liêu), và LI-29 (Nghinh Hương) là hai huyệt nằm trên đường kinh ruột già đi lên vùng lợi trên và môi trên. Ðường kinh về dạ dầy có St-1 (Thừa Khấp), St-2 (Tứ Bạch), St-3 (Cự Liêu), St-4 (Ðịa Thương), St-5 (Ðại Nghinh), St-6 (Giáp xa) và St-7 (Hạ Quan) đi qua vùng má, vùng ngoài miệng và vùng hàm. Ruột non có SI-18 (Quyền Liêu), SI-20 (Thính Cung) đi vào vùng mặt và tai.


Một khi những phủ này mất quân bình, gây ra thực hỏa hay hư hỏa làm cho lở môi, lợi và miệng.


Ngoài ra, dựa lưỡi để định bệnh cũng cho chúng ta biết nguyên nhân gây lở, sưng như:


-Ðầu lưỡi thuộc về tim.


-Hai bên cạnh lưỡi thuộc về gan và mật.


-Phần giữ lưỡi thuộc vị (dạ dầy) và tì.


-Trên và trong vùng gần gốc của lưỡi là thuộc thận.


Ðây là những căn bản để thày thuốc Ðông Y định bệnh mà chúng cũng nên biết qua để áp dụng vào đời sống hàng ngày, định bệnh cho chính bản thân, người thân, bạn bè cũng là một điều hữu ích và lý thú.


 


Sưng hay lở miệng thường là nguyên nhân gì?


 


Phần lớn sưng thường do nhiệt gây ra. Dĩ nhiên khi sưng, làm mủ, là bị vi trùng lợi dụng hoành hành, và tìm hiểu xem cơ tạng nào gây ra sưng theo từng vùng trên lợi, miệng, lưỡi và từ đó tìm phương cách chữa trị.


Có lẽ chúng ta cũng nên nhắc qua thế nào là hư hỏa và thế nào là thực hỏa.


Như chúng ta đã biết y lý của YKÐP là âm dương và ngũ hành. Một khi âm dương quân bình, có nghĩa là không có sự khác biệt giữa âm dương trong mỗi tạng phủ, và không có khoảng trống âm dương trong mỗi tạng phủ đó, thì chúng ta vô bệnh, ăn ngon ngủ yên, tâm hồn phơi phới.


-Âm dương quân bình = vô bệnh.


-Dương cao hơn âm -> gây thực hỏa.


-Âm thấp hơn dương -> gây ra hư hỏa.


Chúng ta đã biết qua về nguyên tắc định bệnh và sưng, lở miệng thường là do nhiệt gây ra. Bây giờ, quí độc giả cùng tôi áp dụng những nguyên tắc định bệnh sưng và lở miệng.


 


Lở miệng ở môi là do tạng phủ nào sinh ra?


 


Lở môi trên hay dưới là do dạ dầy hỏa gây ra. Nếu là thực hỏa thì lở một cách dữ dội, đau đớn và khó chịu. Miệng khô và đắng. Lưỡi đỏ và khô. Mạch sác.


Chủ trị: Dùng thuốc mát để tả hỏa, như thiên hoa phấn, hoàng cầm, liên kiều, kim ngân hoa, trúc nhự… đồng thời làm tiêu viêm, sẽ giúp cho bệnh thuyên giảm và ngăn ngừa cho bệnh bị tái phát.


 


Lở miệng vì hư hỏa gây ra?


 


Khi thận âm suy gây ra hư hỏa, ảnh hưởng qua dạ dầy mà gây ra lở môi, miệng và lợi. Lưỡi khô và đỏ. Mạch vi và sác. Vì là hư hỏa nên không bị lở nhiều, có khi bị, khi không, tùy thuộc vào cách ăn những thức ăn quá nhiều nóng, nhất là những trái cây như mít, đào, sầu riêng, xoài làm gia tăng hỏa thì mới bị lở, nhưng lở không dữ dội. Có thể một vài ngày tự nhiên hết, hoặc uống những loại nước mát; cúc hoa, cổ hoa, hòe hoa, hạ khô thảo, bột sắn dây sẽ trở lại bình thường. Nhưng thường hay bi đi, bị lại nhiều lần, vì chúng ta không để ý đến đồ ăn mà chúng ta ăn vào hàng ngày.


Chủ trị: Bổ thận âm, thanh hư hỏa.


Dùng bài thuốc Lục Vị Ðịa Hoàng Thang.


 


Lở hai bên cạnh lưỡi?


 


Trường hợp lở và đau ở hai bên lưỡi là liên quan tới gan hỏa vượng, tổn thương âm phận gây ra, lưỡi và cổ họng khô, miệng đắng, dễ giận, chóng mặt đôi khi ăn không thấy ngon, lợm giọng nhưng không mửa, tức hai bên giang sườn, mệt mỏi.


Lưỡi: Khô và đỏ. Mạch huyền và sác.


Chủ trị: Tả hỏa, trừ viêm.


Thuốc dùng bài Liên Kiêu Bại Ðộc thang.


 


Trường hợp đầu lưỡi đỏ và rát khó chịu?


 


Do tâm hỏa vượng, tâm thuộc hành hỏa, khi hỏa vượng, nhịp đập của tim sẽ nhanh hơn, bệnh nhân thấy chóng mặt, miệng khô và đắng, ăn không biết ngon, tâm thần mệt mỏi, hoảng sợ, buồn phiền…


Lưỡi đỏ và không có rêu lưỡi. Mạch sác.


Chủ trị: Thanh tâm hỏa và an tâm.


Dùng thuốc: Hoàng liên, liên tử tâm, huyền sâm, cúc hoa, hòe hoa, kim ngân hoa…


 


Còn hỏa trong ruột già thì sao?


 


Cũng thường gây lở loét miệng và môi. Lợi bị sưng, bệnh nhân cảm thấy khó chịu như răng bị kênh lên, răng đau và lỏng lẻo, đi cầu bón, chảy máu cam.


Vì ruột già là đường kinh chạy qua lợi và miệng trên. Nếu ruột già bị nóng, bón sẽ ảnh hưởng tới lợi, miệng và có thể gây ra lở miệng.


Tóm lại trong tất cả các trường hợp; lợi, miệng, môi, lưỡi bị sưng đều là do hư hỏa hay thực hỏa của các tặng phủ mất quân bình gây ra. Dù là hư hay thực chúng ta cũng phải tả hỏa, thanh hỏa, bổ âm và tiêu viêm.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT