Thursday, March 28, 2024

Phi thuyền Hỏa Tinh của Nga sắp rớt xuống trái đất


MOSCOW, Nga (NYT) –
Cơ quan không gian Roscosmos của Nga cho biết phi thuyền thăm dò Hỏa Tinh bị trục trặc ngay sau khi phóng đi hồi tháng 11 và không ra khỏi quỹ đạo Trái Ðất, sẽ rớt trở lại bầu khí quyển vào khoảng cuối tuần này.










Phi thuyền Phobos-Grunt được chuẩn bị đưa lên hỏa tiễn phóng. (Hình: AP/RosCosmo)


Phi thuyền tự động Phobos-Grunt nặng 13 tấn, trị giá $125 triệu, được chế tạo trong 5 năm, phóng lên từ căn cứ không gian Baikonur ở Kazakhstan ngày 8 tháng 11 năm ngoái với sứ mạng thám sát hộ tinh Phobos của Hỏa Tinh và hy vọng có thể lấy được mẫu đất đá mang về. Nhưng do trục trặc ở hỏa tiễn, Phobos-Grunt không theo hành trình đi tới Hỏa Tinh như dự tính và mặc dầu các khoa học gia của Roscosmos cố gắng tìm cách điều chỉnh, phi thuyền chỉ vào một quỹ đạo cách mặt đất 125 dặm rồi dần dần xuống thấp.


Không quân chiến lược Hoa Kỳ theo dõi đường bay của phi thuyền trên quỹ đạo Trái Ðất dự đoán Phobos-Grunt sẽ đi vào bầu khí quyển trong khoảng từ ngày 14 đến 16 tháng 1, cháy và vỡ thành nhiều mảnh rơi xuống mặt đất. Khó có thể dự đoán chắc chắn những mảnh vỡ còn lại rơi xuống đâu trên một dải dài qua nhiều vùng bao gồm cả những đô thị lớn như London, New Yok, Tokyo vì điều này tùy thuộc vào thời điểm chính xác phi thuyền đi vào khí quyển, hướng của phi thuyền và ảnh hưởng từ mặt trời.


Theo tính toán của Roscosmos thì có nhiều triển vọng khoảng từ 20 đến 30 mảnh còn lại của Phobos-Grunt rớt trên Ấn Ðộ Dương và như vậy sẽ không nguy hiểm cho ai. Từ trước đến nay đã có nhiều vệ tinh rớt về Trái Ðất nhưng may mắn chưa có trường hợp nào gây tai nạn.


Lúc đầu khi Phobos-Grunt đi trật hành trình, Giám Ðốc Vladimir Popovkin của Roscosmos cho rằng có lẽ do máy điện toán dẫn đường bị trục trặc. Nhưng trong một cuộc phỏng vấn của tờ báo Izvestia hôm Thứ Ba, ông tuyên bố nguyên nhân là do bị tác động bởi một hệ thống vũ khí chống hỏa tiễn hay vệ tinh. Ông nói: “Chúng tôi không muốn lên án ai, nhưng có thể một thiết bị điện tử rất mạnh nào đó đã ảnh hưởng tới phi thuyền”.


Hồi tháng 11, một cựu chuyên gia hỏa tiễn của Nga đã nghi ngờ là sóng điện từ mạnh của một đài radar Hoa Kỳ ở Alaska có thể tác động đến máy điện tử trên phi thuyền.


Ông Popovkin tuy nhiên cũng đưa ra một giải thích khác là có thể phi thuyền đã bị hỏng trước khi phóng lên. Phi thuyền phải để tại căn cứ một thời gian dài chờ đợi cho Trái Ðất và Hỏa Tinh di chuyển tới vị trí thích hợp, điều kiện này hai năm mới có lại một lần, như vậy “nếu không phóng được trong năm 2011, chúng tôi phải vứt bỏ Phobos-Grunt”, ông nói. (H.C.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT