Bài thuốc trị chóng mặt

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Gan là một trong những tạng có nhiệm vụ thanh lọc rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe. Nhiệm vụ chính của gan là tẩy độc.

Gan sẽ trung hòa tất cả những độc tố trong máu và di chuyển chúng xuống thận. Thận, ruột non và ruột già thanh lọc một lần nữa. Thanh đi ngược lên phế trở lại, còn trọc thì tống ra ngoài theo đường tiểu tiện và đại tiện.

Gan còn chế biến tất cả những đồ ăn chúng ta ăn vào và chuyển hóa thành những dưỡng chất cần yếu để cơ thể chúng ta sẵn sàng hấp thụ.

Theo nghiên cứu của Bác Sĩ Bernad MD cho biết những chất mỡ và cholesterol sau khi gan thanh lọc chuyển xuống thận và ruột để tiếp tục thanh lọc nữa, nhưng muốn thanh tẩy những chất này cần phải có chất xơ.

Một số người không ăn rau trái và các hạt, nên không có chất xơ để chuyển những cholesterol, mỡ và tế bào ung thư ra ngoài, rồi chúng lại đi ngược về gan và cứ thế làm thành một vòng lẩn quẩn và càng ngày chất độc càng tích lũy càng nhiều mà gây ra ung bướu.

Thường người ta không để ý đến lá gan nhiều, bởi vì gan không trực tiếp nối với dây thần kinh. Vào lúc chúng ta cảm thấy có điều gì không ổn định với tạng này, thì hầu như lúc đó gan đã bị hủy hoại tới 75%. Lúc sự hư hoại đã xuyên qua lớp ngoài của lá gan và chạm tới những dây thần kinh, thì cảm giác đau đớn mới nhận được. Đó là những triệu chứng báo động như viêm gan, xơ gan và ung thư gan.

Chóng mặt do gan phong

Chóng mặt do gan phong gây ra thường ù tai, hay giận dữ, thường dễ bực tức, nhức đầu một bên, đôi khi buồn mửa, miệng đắng, khô miệng và cổ họng, tê tứ chi. Lưỡi đỏ, rêu lưỡi mỏng. Mạch huyền.

Trong trường hợp này là nội phong, chứ không phải phong từ bên ngoài tấn công vào tạng gan. Khi gan phong nổi động đi nghịch lên thành chóng mặt, nhức đầu.

Chủ trị: Bình gan, giải nhiệt, vì gan khí uất kết gây ra nhiệt, nóng nảy đưa tới đắng miệng và khô. Khí không thông, cản huyết đưa ra ngoài bì da mà gây ra tê tứ chi.

Dùng bài: Trấn An Tức Phong

1-Ngưu tất 12 grs
2-Đại giả thạch 15 grs
3-Long cốt 18 grs
4-Mẫu lệ 12 grs
5-Quy bản 12 grs
6-Bạch thược 12 grs
7-Huyền sâm 9 grs
8-Thiên môn đông 9 grs
9-Xuyên luyện tử 6 grs
10-Mạch nha 12 grs
11-Nhân trần 9 grs
12-Cam thảo 3 grs

-Xuyên luyện tử, nhân trần: Xơ gan, giáng hỏa.
-Long cốt, mẫu lệ, đại giả thạch, quy bản: Trấn kinh, tiềm dương.
-Bạch thược, huyền sâm, thiên môn đông: Bổ âm, sinh tân dịch.
-Mạch nha: Bổ tì, tiêu tích.
-Ngưu tất dẫn huyết xuống chân.
-Cam thảo điều hoa các vị thuốc.

Chóng mặt do gan dương hữu dư

Chóng mặt thấy nhà cửa quay cuồng, ù tai, miệng đắng. Lưỡi đỏ và mịn, rêu vàng khô. Mạch sác và huyền.

Trong trường gan dương thượng nghịch này có thể gây ra nội phong. Muốn chữa trường hợp này phải bình gan và trừ phong tà. Bài thuốc:

1-Sài hồ 9 grs
2-Bạch thược 6 grs
3-Thanh bì 6 grs
4-Xuyên khung 4 grs
5-Hương phụ 6 grs
6-Cam thảo 3 grs
7-Câu đằng 9 grs
8-Thạch quyết minh 9 grs
9-Linh dương giác 9 grs
10-Địa long 6 grs

-Sài hồ, bạch thược, xuyên khung: Bình gan, trị nhức đầu.
-Thanh bì, hương phụ, cảm thảo: Tản khí trung tiêu, kiện toàn tiêu hóa.
-Câu đằng, địa long: Trị nhức đầu, chóng mặt.
-Linh dương giác, thạch quyết minh: Thanh nhiệt, giải phong.

Chóng mặt do thiếu máu

Nguồn gốc của máu do sự chuyển hóa của thức ăn, sau khi bao tử nhận và tiêu hóa đồ ăn, tì (lá lách) phân tích và biến hóa thành chất bổ tinh khiết. Rồi tì khí chuyển hóa những chất này lên phổi. Trong khi chuyển hóa lên trên, cốc khí bắt đầu chuyển những chất cần thiết thành máu.

Sự chuyển hóa hoàn hảo khi chất bổ tinh khiết tới phổi, nơi đây đồ ăn đã chuyển hóa phối hợp với thanh khí từ bên ngoài vào và cuối cùng tạo thành máu. Và máu được phân phối đi toàn cơ thể là nhờ vào tâm khí phối hợp với bể khí ở ngực.

Vậy nguyên nhân gây ra thiếu máu thường là do sự yếu kém của tì vị là hai tạng phủ chính trong việc kiện toàn tiêu hóa.

Khi bị thiếu máu gây ra chóng mặt vì máu không đủ để tim điều hòa, tim phải đập nhanh hơn, làm việc dễ mệt mỏi, lên cầu thang vài bậc đã muốn chóng mặt và thở hổn hển.

Đau vùng thượng vị và hạ vị liên miên, ê ẩm vùng thượng vị, đau có khi lan rộng ra cả hai bên bụng dưới, mùa Đông đau nhiều hơn mùa Hè, thường đau vào lúc đói, chườm ấm dễ chịu, thích ăn đồ nóng, ăn đồ lạnh vào thì dạ dày khó chịu, thường đầy bụng, đại tiện phân nhão hoặc lỏng bất thường, ợ hơi, chậm tiêu, biếng ăn, bụng trướng, miệng nhạt, người mệt mỏi, chân tay đôi khi bất lực, sợ lạnh. Khi bệnh nhân nói tiếng thường nhỏ yếu, hụt hơi, sắc mặt vàng nhợt. Mạch trầm trì, vô lực. Rêu lưỡi mỏng, trắng lợt.

Phương pháp chữa: Kiện tì, hòa vị, nếu tì hư hàn thì ôn trung, kiện tì. Bài thuốc Hương Sa Lục Quân Tử Thang

1-Sâm Hoa Kỳ 12 grs
2-Bạch truật 9 grs
3-Phục linh 9 grs
4-Cam thảo 6 grs
5-Bán hạ chế 9 grs
6-Mộc hương 6 grs
7-Sinh khương 3 lát
8-Sa nhân 6 grs
9-Trần bì 6 grs
10-Đại táo 3 trái

-Nhân sâm: Bổ tì và bao tử.
-Bạch truật: Tiêu thấp trong bao tử.
-Phục linh: Thông thủy tích trong bao tử.
-Cam thảo: Phối hợp và điều động các vị thuốc.
-Sa nhân, mộc hương, trần bì, sinh khương: Bổ tì vị khí, kiện toàn tiêu hóa, giúp ăn ngon.
-Bán hạ: Chữa nôn mửa do tì vị hư hàn gây ra. (BS Đặng Trần Hào)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cá salmon kho khóm hộp”