Wednesday, April 24, 2024

Loài người sẽ bị tiểu hành tinh diệt chủng?

Hà Dương Cự/Người Việt

Khủng long ngự trị trên trái đất khoảng 180 triệu năm, nhưng đột nhiên bị diệt chủng vì một tiểu hành tinh đâm sầm vào trái đất.

Vậy thì tiểu hành tinh là gì? Liệu loài người có thể bị tiêu diệt như khủng long hay không?

Các loại vật thể nhỏ ngoài không gian

Trong không gian có vô số hành tinh, sao hay thiên hà, nhưng cũng có những vật thể nhỏ.

Tiểu hành tinh (asteroid) là những vật thể rắn nhỏ bay vòng quanh mặt trời. Tuy cũng bay quanh mặt trời như những hành tinh nhưng tiểu hành tinh nhỏ hơn nhiều, đường kính từ 1,000 km trở xuống tới khoảng 10 mét.

Thiên thạch (meteoroid) cũng bay quanh mặt trời nhưng nhỏ hơn tiểu hành tinh.

Sao băng (meteor) khi một thiên thạch bị sức hút của trái đất và rơi vào bầu khí quyển thì bị đốt cháy phát ra ánh sáng mà mắt thường thấy được, đó là sao băng. Nếu thiên thạch cháy không hết, phần còn lại rơi xuống đất thì được gọi là vẫn thạnh (meteorite).

Sao chổi (comet) là một vật thể không gian hoàn toàn khác với sao băng. Sao chổi bay quay mặt trời giống như tiểu hành tinh, nhưng sao chổi chỉ có băng đá và bụi. Khi quay gần mặt trời thì băng đá và bụi bắt đầu bốc thành hơi. Hơi này làm thành cái đuôi của sao chổi.

Đặc tính của tiểu hành tinh

Khoảng 4.6 tỷ năm về trước thái dương hệ của chúng ta bắt đầu thành hình. Một phần lớn đám mây gồm có khí và bụi co rút lại vào khoảng giữa và trở thành mặt trời. Một phần khác thì tụ lại thành các hành tinh. Một phần nhỏ còn lại thì trở thành các tiểu hành tinh.

Phần lớn tiểu hành tinh ở trong Vành Đai Tiểu Hành Tinh (Asteroid Belt). Vành đai này nằm giữa quỹ đạo của Hỏa Tinh và Mộc Tinh. Tuy nhiên cũng có một số tiểu hành tinh bay ngoài Vành Đai Tiểu Hành Tinh.

Một vẩn thạch trong sa mạc Nubian xứ Sudan. (Hình: NASA)

Các nhà thiên văn học đã quan sát được một số tiểu hành tinh có quỹ đạo đi ngang qua quỹ đạo trái đất. Có khoảng vài trăm ngàn tiểu hành tinh trong thái dương hệ và chắc còn rất nhiều tiểu hành tinh khác chưa được nhận diện. Khó khăn để nhận diện nhất là những tiểu hành tinh nhỏ (dưới 100 km). Có thể có cả triệu tiểu hành tinh như vậy.

Tại sao cần khảo sát các tiểu hành tinh

Tiểu hành tinh là những vật thể ngoài không gian được hình thành cùng một lúc với thái dương hệ, nên khảo sát những vật chất trên những tiểu hành tinh để có thể trả lời những câu hỏi căn bản như là thái dương hệ được thành hình ra sao và nước trên trái đất từ đâu tới. Tìm hiểu về tiểu hành tinh cũng có thể giúp ngăn cản tiểu hành tinh đâm vào trái đất và tránh được tai họa diệt chủng.

Trong tương lai tiểu hành tinh có thể là trạm nghỉ chân cho những chuyến đi xa trong vũ trụ. Hy vọng người ta có thể rút nước và nhiên liệu từ tiểu hành tinh để tiếp tục cuộc hành trình ngoài không gian.

Có hai quốc gia đã phóng những con tàu vũ trụ để khảo sát các tiểu hành tinh, đó là Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Cơ quan NASA của Hoa Kỳ đã có nhiều con tàu vũ trụ đi thám hiểm các tiểu hành tinh. Năm 1991 con tàu vũ trụ Galileo của NASA là con tàu đầu tiên bay ngang qua một tiểu hành tinh. Năm 2000 tàu vũ trụ NEAR (Near Earth Asteroid Rendezvous) Shoemaker đã bay vòng quanh tiểu hành tinh Eros và đã đáp xuống Eros và đo đạc được một vài thứ. Kế hoạch mới nhất là con tàu vũ trụ OSIRIS-REx hiện đang bay quanh tiểu hành tinh 101955 Bennu và dự định sẽ thu nhặt đất và đá vụn để đem về trái đất để khảo sát. Ngày trở về trái đất là Tháng Chín, 2023.

Người Nhật tuy không ồn ào tuyên bố này nọ như Trung Quốc nhưng đã có nhiều thành quả đáng kể trong vấn đề thám hiểm không gian. Năm 2003 Cơ Quan Thám Hiểm Không Gian Nhật Bản (Japan Aerospace Exploration Agency, viết tắt là JAXA) đã phóng con tàu vũ trụ Hayabusa lên quan sát tiểu hành tinh 25143 Itokawa. Vào Tháng Mười Một, 2005, con tàu vũ trụ Hayabusa đã đáp xuống tiểu hành tinh Itokawa và thu thập một số các hạt bụi tí hon của tiểu hành tinh và mang về trái đất vào năm 2010. Đứng về phương diện khoa học và kỹ thuật đây là một thành quả rất đáng kể vì sự phức tạp của cả công trình.

Năm 2014, JAXA lại phóng con tàu vũ trụ Hayabusa2 để khảo sát tiểu hành tinh Ryugu. Mục đích của Hayabusa2 là nghiên cứu nguồn gốc và sự tiến hóa của thái dương hệ cũng như nguồn gốc của nước và khoáng chất trên trái đất.

Để đạt được mục đích này, vào Tháng Tư vừa qua Hayabusa2 đã đào được một hố nhỏ để lấy mẫu từ dưới sâu, vì mẫu trên mặt tiểu hành tinh đã có nhiều va chạm với các tia vũ trụ nên không còn nguyên thủy. Con tàu vũ trụ sẽ đem mẫu này về trái đất để nghiên cứu.

Con tàu vũ trụ thám hiểm tiểu hành tinh Hayabusa2. (Hình: isas.jaxa.jp)

Vì sự thành công của con tàu vũ trụ Hayabusa2, Giáo Sư Makoto Yoshikawa, người đứng đầu chương trình, đã được báo Nature chọn là một trong 10 người quan trọng nhất về khoa học trong năm 2018.

Tiểu hành tinh và sự diệt chủng của khủng long

Năm 1980, nhà vật lý Luis Walter Alvarez và người con Walter, một nhà địa chất, đã đưa ra một giả thuyết cho rằng khủng long bị diệt chủng vì một tiểu hành tinh đâm vào trái đất. Trước đó loài khủng long đã ngự trị trái đất một thời gian rất dài, khoảng 180 triệu năm.

Lúc đầu lý thuyết của hai cha con nhà Alvarez đã gây ra nhiều tranh cãi, nhưng bây giờ hầu hết các khoa học gia đều chấp nhận lý thuyết này để giải thích sự biến mất một cách nhanh chóng của loài khủng long.

Lý thuyết của sự đụng mạnh của một tiểu hành tinh được những chứng tích rõ ràng hỗ trợ. Người ta đã khám phá ra hố sâu gây ra do tiểu hành tinh ở vùng biển ngoài khơi Mễ Tây Cơ. Hố sâu này được gọi là hố Chicxulub tọa lạc tại bán đảo Yucatán, Mễ Tây Cơ và có cùng cỡ tuổi với thời kỳ loài khủng long biến mất, tức là khoảng 66 triệu năm về trước. Tiểu hành tinh này được ước tính là lớn khoảng 10 đến 15 km, nhưng vì sức rơi xuống quá mạnh nên đã tạo nên một hố rộng tới 150 km.

Khi tiểu hành tinh rơi xuống với một vận tốc cao đã làm thành một hố lớn và gây ra một đám cháy lớn thiêu hủy ngay tức khắc tất cả những gì chung quanh đó. Nó còn làm tung lên không khí một số lượng lớn các vật thể, nhất là bụi và gây ra một cơn sóng thần khổng lồ quét qua phần lớn Mỹ Châu. Lớp bụi tuy không che hết mặt trời nhưng làm giảm rất nhiều số lượng ánh sáng chiếu xuống đất. Do đó ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của các loài vật và làm nhiều giống vật bị diệt chủng trong đó có khủng long.

Trái đất có thể bị tiểu hành tinh đâm vào không?

Trái đất không phải chỉ cô lập trong vũ trụ mà theo ước tính của NASA thì mỗi ngày trái đất nhận được trên 100 tấn bụi từ vũ trụ rơi vào. Khoảng một năm một lần thì có một thiên thạch to bằng cái xe hơi rơi từ trên trời xuống và cháy tan hết trước khi chạm đất. Cứ khoảng 2,000 năm thì có một tiểu hành tinh lớn cỡ 100 mét rơi vào trái đất và sẽ gây thiệt hại tại địa phương. Cứ khoảng một vài triệu năm thì có một tiểu hành tinh lớn đủ để đe dọa tất cả các sinh vật trên trái đất.

Hiện tại thì không có nguy cơ loài người bị tiệt chủng vì tiểu hành tinh đâm vào trái đất. Nhưng hiện tượng này đã xảy ra trong quá khứ, nên có thể sẽ lập lại trong tương lai. (Hà Dương Cự)

—-
Nguồn tài liệu: www.nhm.ac.uk, www.nasa.gov, www.space.com

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT