Luật Khánh Tận: Hậu quả khai phá sản với việc làm, gia đình và tâm lý

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. website: www.lylylaw.com

Nhiều đồng hương Việt Nam trên đất Mỹ không may bị rơi vào tình trạng nguy ngập về tài chánh vì gặp rủi ro như mất việc, buôn bán thua lỗ, ly dị… có nghĩ đến giải pháp khai phá sản nhưng ngần ngại phân vân không biết hậu quả sẽ ra sao e rằng xấu nhiều hơn tốt, rủi nhiều hơn may. Thực ra Luật Khánh Tận chính là cứu tinh cho những người sa cơ lỡ vận giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời nên hoàn toàn không có ảnh hưởng bất lợi cho người khai về phương diện công ăn việc làm, gia đình con cái cũng như tâm lý riêng trong xã hội.

Trước nhất về ảnh hưởng đối với công việc, luật Liên Bang Hoa Kỳ có xác định rằng chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương không được kỳ thị bất cứ nhân viên công quyền nào vì lý do phá sản để giáng chức, giáng cấp, giảm lương hay hạ tầng công tác. Đối với tư nhân Luật Khánh Tận cũng cấm chỉ tất cả các chủ nhân các hãng xưởng, công ty không được sa thải hay trừng phạt công nhân vì lý do vỡ nợ. Trong thực tế nếu theo Chương 7 rất ít chủ nhân biết người làm của mình khai phá sản ngoại trừ trường hợp duy nhất là bị chủ nợ kiện bắt xiết lương và Tòa Khánh Tận đối lại ra án lệnh đình chỉ không cho xiết. Vụ này thường chỉ có người phụ trách lương bổng biết chuyện nhưng theo quy luật chung của ngành quản trị nhân viên giới chức này không được phép tiết lộ với ai. Mặt khác nếu khai theo Chương 13 một số chủ nhân chỉ biết đến việc khai phá sản của thuộc cấp do tòa ra án lệnh cho hãng trừ thẳng vào lương số tiền chấp thuận cho trả hàng tháng.

Nhiều nghề nghiệp cần điều chuẩn an ninh (security clearance) thí dụ như nhân viên công lực, FBI, CIA, người đảm nhận chức vụ quốc phòng quan trọng hoặc nhân viên các hãng tư có hợp đồng với chính phủ, việc khai phá sản có thể ảnh hưởng đến kết quả điều chuẩn an ninh do nghi vấn những người tiền bạc thiếu hụt thường dễ bị đe dọa bắt chẹt (black mail) nên khi khai phá sản giải quyết sạch nợ thì nguy cơ ấy cũng giảm đi. Khi đi xin việc mới, tuy luật khánh tận cấm các chủ nhân hãng xưởng hay công ty không được sa thải hay từ chối không mướn do khai phá sản, nhưng họ có thể lấy cớ khác vì chủ nhân khi tuyển mộ nhân viên thường có lệ yêu cầu cho kiểm tra tín dụng (credit check). Trường hợp này tốt hơn hết nên thành thật tiết lộ tình trạng đã khai phá sản và đặt câu hỏi với nơi tuyển dụng ngay lúc phỏng vấn để biết rõ có ảnh hưởng đến việc mới hay không. Thông thường sự ngay thẳng sẽ có lợi hơn là để họ thâu nhận rồi sau đó truy ra hồ sơ tín dụng xấu có thể đem đến kết quả không thuận lợi.

Về vấn đề kỳ thị người khai phá sản, Luật Khánh Tận cũng cấm chỉ tất cả các cơ quan công quyền lẫn các hãng xưởng tư nhân không được bạc đãi một người vì lý do vỡ nợ, thí dụ như chính quyền không được khước từ hay cắt trợ cấp xã hội, từ chối hoặc trục xuất ra khỏi gia cư công cộng (public housing), không tái cấp phát môn bài buôn bán rượu, không cho phép tham gia chương trình tài trợ địa ốc của tiểu bang, không cấp phát học bạ đại học (college transcript), khước từ cấp bằng lái xe, từ chối không bảo đảm tiền sinh viên vay đi học (student loan). Nói chung một khi một món nợ đã được tòa án giải tỏa thì tất cả mọi liên quan đến món nợ ấy cũng phải chấm dứt. Các món nợ tư nhân không được cởi mở hơn nợ chính phủ tuy không đuổi việc hay trừng phạt công nhân vì vỡ nợ nhưng họ vẫn có quyền hợp pháp khi khước từ gia cư hay không cấp học bạ.

Về ảnh hưởng Luật Gia Đình đối với người được nuôi con trong các vụ ly dị, từ trước tới nay chưa hề bao giờ có trường hợp nào bị mất quyền giữ con vì khai phá sản. Ly dị (hay ly thân) và phá sản là hai việc ngày nay thường dính dấp với nhau nên các vị thẩm phán Tòa Khánh Tận đều có kinh nghiệm với Luật Gia Đình, hay ngược lại các chánh án tòa ly dị cũng rất rành rọt với Luật Khánh Tận, do đó hai vấn đề này bao giờ cũng được xử riêng rẽ dù rằng một người có thể vừa ly dị và vừa khai phá sản cùng một lúc. Không nên bận tâm vì sợ vỡ nợ sẽ ảnh hưởng tới tình trạng giám hộ con cái.

ại Hoa Kỳ mọi người đều quen với nếp sống tự do nên có nhiều người sợ rằng vỡ nợ sẽ bị tù tội, điều này không bao giờ xảy ra vì khai phá sản không phải là vi phạm hình sự trừ trường hợp man khai. Trong đơn nộp cho tòa án bao giờ cũng có câu tuyên thệ khai đúng sự thật, nếu ai chủ tâm gian dối, thí dụ như dấu không khai ra hết tất cả tài sản cùng giấy tờ liên hệ đến tình trạng tài chánh hiện tại, khai bớt tài sản không miễn trừ hoặc tệ hơn dùng số an sinh xã hội giả che dấu tung tích thật, tất cả những hành động đó được coi là lừa đảo (fraud) sẽ bị truy tố theo hình luật. Rất hiếm trường hợp bị tù tội vì man khai dù rằng gần đây số người bị truy tố có gia tăng. Một người ở Massachusett bị tù vì dấu không khai trong danh sách tài sản khánh tận một căn nhà chung cư condo và một số nữ trang trị giá $26,000. Một người khác ở Alaska cũng bị truy tố vì dấu không khai một số kim cương và nữ trang quí. Những thí dụ trừng phạt trên đã nói lên mục đích rõ ràng của Luật Khánh Tận để giúp cho những người lương thiện bất hạnh không may sa cơ thất thế bị lún sâu vào vòng nợ nần có một cơ hội thứ hai khởi sự lập lại cuộc đời. Các thẩm phán Tòa Khánh Tận đương nhiên sẽ không hỗ trợ cho những kẻ muốn lợi dụng pháp luật để lừa bịp sau này thành hậu hoạn tiếp tục lộng hành với tầm lớn hơn.

Sau khi khai phá sản người khai hoàn toàn được tự do dọn nhà, thay đổi việc làm, hay ly dị. Nếu đổi chỗ ở chỉ cần thông báo địa chỉ mới cho tín viên nếu vụ khai chưa kết thúc. Nếu dọn đi vì lý do bán nhà theo Chương 13 thì tín viên có thể lấy một phần tiền bán thanh toán cho các chủ nợ. Thay đổi việc làm không có ảnh hưởng khi khai theo Chương 7, chỉ phải báo cho tín viên sở làm mới nếu khai theo Chương 13 để được chuyển lệnh khấu trừ vào lương sang hãng mới. Tại Hoa Kỳ ly dị lúc nào cũng được dù đang khai phá sản mà không ai có quyền cấm đoán. Nếu khai phá sản theo Chương 7 mà muốn ly dị thường thì vụ phá sản kết thúc rất nhanh trước cả vụ ly dị. Tuy nhiên cả hai vợ chồng cùng đứng tên khai theo Chương 13 thì có thể gặp một vài rắc rối phức tạp nếu muốn tiếp tục vụ khai phá sản lẫn ly dị. Luật Khánh Tận ấn định điều kiện để được khai chung bắt buộc phải là vợ chồng, do đó nếu ly dị sẽ không còn hội đủ điều kiện nữa và tòa sẽ bãi bỏ vụ khai. Trường hợp đặc biệt tín viên cũng có thể cho tiếp tục khai theo Chương 13 nếu cả hai người đồng ý chỉ ly thân để tiếp tục vụ khai và cùng trả nợ chung cho đến khi vụ khai kết thúc hoàn tất thì lúc đó sẽ điều chỉnh lại tình trạng thành ly dị. Khi khai phá sản chỉ có các chủ nợ và các nghiệp vụ liên hệ được biết đến nội vụ, ngoài ra rất hiếm người khác được biết ngoại trừ những người được đương sự nói cho biết hoặc những người có lý do lấy được báo cáo tín dụng của người khai.

Một số người bị mặc cảm thường sợ vỡ nợ sẽ làm mất danh giá. Hoa Kỳ là một xứ văn minh có nếp sống cao trong một nền kinh tế phồn thịnh, việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ tiện nghi xa xỉ dễ dàng, phần đông sống thoải mái với lối “mua trước trả sau” do vay nợ ngân hàng và tín dụng không khó khăn. Từ nhà cửa, xe cộ hay các nhu cầu tiện nghi khác tất cả có thể được tài trợ mua trả góp, ai có công ăn việc làm bình thường đều sẽ đủ khả năng trả nợ hàng tháng. Không may bất chợt gặp tai họa bất thường như đau ốm, mất việc, buôn bán thua lỗ khiến cho khả năng trả góp bị đứt đoạn đưa đến tình trạng nợ nần ngập đầu dồn vào đường cùng. Nếu không có Luật Khánh Tận đến như cứu tinh cho cơ hội lập lại cuộc đời thì biết bao thảm kịch đau thương có thể xẩy ra. Như vậy việc khai phá sản tìm lối thoát là điều không có gì làm cho lương tâm phải áy náy. Hơn thế các ngân hàng khi cấp thẻ tín dụng đã tính trước mức thiệt hại do một số người dùng thẻ bị phá sản vào chi phí thương vụ nên đã gia tăng trội thêm lãi suất bù lại. Trong thực tế ngân hàng và các công ty cấp thẻ tín dụng vẫn phát triển rất thịnh vượng, cổ phiếu lên giá vùn vụt cho dù mức khách hàng vỡ nợ có gia tăng, sự kiện này chứng minh rằng lợi tức đem về của các cơ sở này rất cao. Luật Khánh Tận đặt căn bản trên tinh thần tha thứ hơn là trừng phạt thực sự rất hữu ích cho toàn dân trong hệ thống pháp luật Hoa Kỳ. Hiển nhiên luật này đã cứu sống nhiều mạng người khỏi tự vận vì nợ và giảm thiểu số nạn nhân có thể trở thành vô gia cư vì mất nhà mất việc.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu luật khánh tận Hoa Kỳ về thủ tục khai theo Chương 7 và Chương 13 cùng những phương cách giải quyết nợ nần khác nếu không muốn khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, Điện thoại: (714) 531-7080, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)