Thursday, April 25, 2024

Ngày Rằm Tháng Bảy ở chùa và nghĩa trang nghệ sĩ


Ngành Mai

Nếu như tính theo Âm Lịch thì ngày Rằm Tháng Bảy là một trong ba ngày lễ lớn trong năm, gồm Thượng Nguơn (Tháng Giêng), Trung Nguơn (Tháng Bảy) và Hạ Nguơn (Tháng Mười). Ðặc biệt Rằm Tháng Bảy lại kèm theo “ngày báo hiếu” dựa theo sự tích Mục Liên-Thanh Ðề, và cũng đồng thời là “tháng cúng cô hồn” được phổ biến rộng rãi trong nhân gian, hầu như ai cũng biết. Do nhiều sự kiện quan trọng ở Tháng Bảy trong lịch sử văn hóa dân tộc này, mà thiên hạ đi cúng chùa rất đông, và đây là tập tục đã có từ lâu đời trong xã hội Việt Nam.


Quang cảnh chùa Nghệ Sĩ trong một ngày Rằm Tháng Bảy. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Ở đây tôi không nói về lịch sử ngày Rằm Tháng Bảy được ghi lại rất nhiều trong kinh sách của Phật Giáo, có liên quan đến tiền thân Ðức Phật Mục Kiền Liên Bồ Tát. Và cũng không đề cập đến câu chuyện 12 cửa ngục Âm Phủ, với hình ảnh ghê sợ mà người gây nên tội ở trần gian, khi thác xuống phải chịu hình phạt. Mà trong bài viết này tôi chỉ đề cập đến sự thể, hình ảnh diễn ra ở chùa và nghĩa trang nghệ sĩ Gò Vấp trong ngày Rằm Tháng Bảy hằng năm mà thôi!

Từ 60 năm trước ở vùng Hạnh Thông Tây, Gò Vấp, có một miếng đất rộng khoảng 8 ngàn thước vuông gần như bỏ hoang, không có nhà cửa người dân, bởi quanh đây là thành lính, căn cứ quân sự của quân đội viễn chinh Pháp. Mảnh đất được các nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, Năm Châu đại diện Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu mua để xây cất ngôi chùa, và phần lớn đất đai còn lại thì làm nghĩa trang nghệ sĩ.

Việc cúng kiếng ở chùa Nghệ Sĩ cũng giống như nhiều ngôi chùa khác ở trong vùng, nhưng có sự khác biệt là khách thập phương ngoài việc cúng chùa thắp hương lạy Phật, họ còn đi… tảo mộ ở nghĩa trang cạnh bên, đặc biệt ngày Rằm Tháng Bảy thì quá rõ, người đi thăm mồ mả quá đông đã vô tình tạo nên một nét đặc thù mà có lẽ chỉ ở đây mới có.

Không riêng gì người nghệ sĩ đi cúng chùa, rồi sẵn đó tấp qua thăm mộ những người cùng tổ nghiệp, mà những người tuy không phải nghệ sĩ nhưng lại có liên quan đến các cô đào, anh kép quá cố đang nằm ở nghĩa trang, thì họ cũng nhân ngày Rằm Tháng Bảy vừa đi cúng chùa, vừa vào đây thăm mộ luôn. Lại có cả những khán giả cải lương sẵn dịp cũng vào thăm mộ thần tượng của họ lúc sinh tiền, như trường hợp nghệ sĩ Thanh Nga, rất nhiều người bao quanh ngôi mộ của cô nhân ngày Rằm Tháng Bảy này.

Từ giữa thập niên 1960 trở về trước người đi cúng chùa không nhiều, và người viếng mộ nghệ sĩ cũng lưa thưa, nhưng dần dần về sau thì nghệ sĩ cải lương già yếu cứ nối tiếp nhau vào đây “nghỉ xả hơi dài hạn,” thì con số người đi cúng chùa đông đảo hơn nhiều, và số người đi viếng nghĩa trang cũng tăng theo.

Rồi kể từ đầu thập niên 1990 trở về sau thì cảnh tượng ngày Rằm Tháng Bảy ở chùa nghệ sĩ vô cùng tấp nập, thiên hạ chen chúc nhau vào chùa lạy Phật cầu nguyện. Sau đó thì một số không ít đã kéo nhau ra nghĩa trang cạnh bên để thắp hương cho các ngôi mộ, với ước vọng gì đó không hiểu, mà người nằm ở đây có hiểu được chăng để chứng cho tấm lòng của họ? Rất khó mà có câu trả lời vậy!

Khói hương nghi ngút trong ngày này, hình như ngôi mộ nào cũng được đốt nhang. Do bởi ngoài việc thắp hương ngôi mộ chính thức mà họ đi viếng, người ta cũng không tiếc gì bó nhang đang cháy còn lại, nên đã cắm luôn cho những ngôi mộ xung quanh.

Tiếng chào nhau, tiếng hỏi thăm, kể cả tiếng mời gọi coi bói coi tay, hòa lẫn tiếng rao hàng inh ỏi của mấy bà mấy chị bán nhang, bán giấy tiền vàng bạc, mỗi người một tiếng đã tạo nên cảnh ồn ào náo nhiệt trong khu đất nghĩa trang này. “Mộ nghệ sĩ A ở đâu, mả nghệ sĩ B ở chỗ nào?” Ðó là các câu hỏi mà người chưa biết ngôi mộ mình muốn đi thăm nằm ở đâu. Các em nhỏ ở đây khá rành, các em biết rõ và sẵn sàng hướng dẫn. Dĩ nhiên khi khách xác định ngôi mộ thì các em được cho tiền, nhiều ít tùy theo sự hào hiệp của khách. Ngày Rằm Tháng Bảy cũng là dịp để các người bán nhang dạo quanh chùa kiếm khá nhiều tiền, bởi có ai đi thăm mộ mà không đốt nhang?

Tóm lại cảnh tượng ngày Rằm Tháng Bảy ở chùa Nghệ Sĩ đã vô tình biến thành ngày “Lễ Thanh Minh” hằng năm của giới nghệ sĩ, cùng các thành phần liên hệ. Và trong câu thơ tuyệt tác của đại thi hào Nguyễn Du nếu như đem áp dụng ở đây thì sẽ là “Thanh Minh nhằm tiết Tháng… Bảy.”

Hồi mấy chục năm trước đây, đâu có ai nghĩ đến việc sau này giới cải lương qua đời nhanh quá, đưa đến tình trạng quá tải, đất nghĩa trang nghệ sĩ ngày càng thu hẹp. Bởi vậy ban quản trị nghĩa trang Gò Vấp đã có quy trình lấy cốt những ngôi mộ lâu ngày, hỏa thiêu xong đặt vào trong cái am, để có đất trống chôn người khác.

Thế nhưng, “con người tính không qua trời tính,” công việc đang tiến hành thì chính quyền ra lệnh cấm không cho chôn cất ở đây nữa, vì ô nhiễm môi trường, bởi vùng đất Gò Vấp không còn là đất hoang như hồi mới mua, mà đã trở thành đô thị.

Như vậy coi như quy trình lấy cốt thiêu đốt đặt vô am đã đương nhiên dừng lại, bởi không cho chôn nữa thì lấy cốt lên làm chi cho tốn kém chớ!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT