Thursday, March 28, 2024

‘Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử’ cười với quê hương, khóc với quê hương

Đằng-Giao/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Hai chương trình ca nhạc “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử” và “Music in Passage of Time” tại Little Saigon tới đây sẽ đưa khán giả về với dòng nhạc quê hương, tìm về không khí Sài Gòn một thời đã qua.

Quê hương qua “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử” 

“Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử,” một công trình biên soạn quy mô, sẽ diễn ra từ 7 giờ 30 phút tối đến 11 giờ tối Thứ Bảy, 24 Tháng Hai, tại Saigon Performing Arts Center, 16149 Brookhurst St., Fountain Valley, CA 92708.

Nhạc sĩ Lê Huy, thành viên ban tổ chức, nói một cách khái quát: “Chương trình là một câu chuyện về lịch sử đất nước từ thời tiền chiến đến nay. Câu chuyện được kể lại bằng âm nhạc qua các giọng hát hàng đầu của tân nhạc Việt Nam hải ngoại như Ý Lan, Elvis Phương, Nguyên Khang, Quang Tuấn, Trần Thu Hà và Thương Linh.”

Không muốn làm mất đi yếu tố thích thú và bất ngờ của chương trình, ban tổ chức chỉ cho biết hai ca sĩ Quang Tuấn và Thương Linh sẽ trình diễn một liên khúc của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và Từ Linh.

Và đã nhắc đến ca sĩ Elvis Phương là phải nhắc đến nhạc phẩm “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” của nhạc sĩ Ngọc Chánh.

Ban tổ chức cũng hứa hẹn giọng ca độc đáo Ý Lan qua nhạc phẩm “Kỷ Niệm” của Phạm Duy.

Hầu như những nhạc sĩ tên tuổi đều có sáng tác tiêu biểu được trình diễn trong chương trình như Đoàn Chuẩn và Từ Linh đến Phạm Duy và tất cả các nhạc sĩ miền Nam Việt Nam cho đến ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Ca sĩ Elvis Phương. (Hình: Moonlight Restaurant & Banquet)

“Một chương trình vỏn vẹn vài giờ đồng hồ không thể nào nói hết được lịch sử âm nhạc Việt Nam. Nhưng khán giả sẽ thấy những biến chuyển trong âm nhạc Việt Nam, từ thời tiền chiến cho đến năm 1975,” nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, thành viên ban tổ chức, nói.

“Mặc dù trong Nam đã có những nghệ sĩ tên tuổi như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, Lam Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Lê Dinh, ca sĩ Trần Văn Trạch, nhưng âm nhạc miền Nam bắt đầu trổ nhiều sắc thái rực rỡ khi có sự đóng góp của các nghệ sĩ miền Bắc như Phạm Duy, Thái Thanh, Cung Tiến, Duy Trác…,” ông giải thích.

Nhạc sĩ Lê Huy cho biết “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử” là một công trình hết sức quy mô, tuyển lọc vô cùng tỉ mỉ.

“Vì muốn làm một chương trình để đời, chúng tôi không thể nào cẩu thả được. Chọn nhạc phẩm tiêu biểu cho từng nhạc sĩ rất khó. Phải làm sao để chỉ vài nhạc phẩm mà có thể nói lên đặc thù của mỗi nhạc sĩ. Rồi chuyện chọn đúng ca sĩ để thể hiện đúng đắn linh hồn của những nhạc phẩm này lại là vấn đề gai góc hết sức. Ca hay thì dễ, nhưng ca cho có ‘hồn’ thì là cả một ‘nhức đầu’ cho chúng tôi,” ông nói.

Tất cả mọi lựa chọn cho chương trình đều phải nói lên sự gắn bó của âm nhạc theo vận nước nổi trôi thời cận đại.

Ông tiếp: “Nhạc tiền chiến có những thanh thản, đầy mộng mơ, lãng mạn trong từng âm hưởng. Thời chiến tranh, những giọt nước mắt trở thành não nề, những tiếng nấc nghẹn thương con, những tiếng thở dài giữa đêm trường, khóc chồng đã bỏ mình nơi trận địa đã len vào lời ca, tiếng nhạc làm cho âm nhạc sáng tác vào giai đoạn này mang những giai điệu đặc biệt.”

Như để tỏ ý tôn trọng thời gian của khán giả, ban tổ chức muốn phần giới thiệu chương trình thật chuẩn xác và thích hợp. “Chúng tôi không muốn giới thiệu dông dài, cà kê dê ngỗng một cách vô bổ như thường thấy,” ông Hoàng Thi Thao nói.

Ca sĩ Nguyên Khang. (Hình: Facebook Nguyen Khang)

Ông thêm: “Đêm nhạc phải là nhạc thuần túy, nên thời gian phải dành cho ca sĩ trình bày nhạc phẩm là chính, chứ không phải cho MC lên nói chuyện giúp vui.”

Vì lối suy nghĩ này, phần nói chuyện của “Nhạc Việt Theo Dòng Lịch Sử” chỉ vừa đủ để dẫn dắt khán giả cùng ngược dòng thời gian mà hòa mình trong âm nhạc trong quãng thời gian đầy biến cố lịch sử nhưng đầy cảm xúc trầm bổng, chơi vơi.

“Music in Passage of Time” tìm về không khí Sài Gòn một thời đã qua 

Trước đó, cũng trong ngày Thứ Bảy, 24 Tháng Hai, tại hí viện Saigon Performing Arts Center, vào lúc 1 giờ trưa đến 4 giờ 30 phút chiều là chương trình “Music in Passage of Time – Âm Nhạc Theo Dòng Thời Gian.”

“Chương trình này sẽ đưa khán giả tìm về thời gian 1960-1970, tìm lại những kỷ niệm thời tuổi trẻ không thể nào quên được. Và cũng để giới thiệu cho tuổi trẻ bây giờ những nhạc phẩm đặc thù đã có nhiều tác động đến âm nhạc Việt Nam,” nhạc sĩ Hoàng Thi Thao giới thiệu.

Ông nói: “Thế hệ lớn tuổi cần được ôn lại một thời đã qua của mình. Nhưng thế hệ trẻ mới lớn cũng nên có dịp thưởng thức những nhạc phẩm Anh, Pháp đã một thời được cha anh yêu thích. Âm nhạc của thời gian trước, có những giá trị nghệ thuật đặc biệt mà nhạc mới không thể nào sánh được.”

“Nhạc ngoại quốc và nhạc trẻ Việt Nam thời ấy đã nằm sâu trong ký ức thanh niên Việt Nam lớn lên trong chiến tranh. Những nhạc phẩm này để nhắc nhở và trân trọng những gì họ đã mất mát vì cuộc chiến điêu tàn,” ông nói thêm.

Ông tin tưởng: “Đối với những người trẻ tuổi Việt Nam, chắc chắn họ sẽ có những trải nghiệm thích thú khi nghe một thể điệu âm nhạc khác lạ đối với họ.”

“Music in Passage of Time – Âm Nhạc Theo Dòng Thời Gian” quy tụ những giọng ca quen thuộc như Ý Lan, Elvis Phương, Thanh Tùng, Nguyên Khang và Thương Linh với hai ban nhạc Phượng Hoàng và The Black Stones.

Ông Lê Huy, người phụ trách âm nhạc, cho biết chương trình muốn ôn lại khoảng thời gian nhạc Anh, Pháp và Mỹ ảnh hưởng đến giới trẻ miền Nam Việt Nam qua các đài phát thanh quân đội Mỹ.

Ca sĩ Thương Linh. (Hình: Facebook Thuong Linh)

Ông cho biết sẽ có những màn trình diễn đặc biệt như tiết mục trình diễn trống trong bài “Wipeout” (Surfaris) hay phần solo organ trong bài “Telstar” (The Tornados), những giai điệu đặc trưng cho một thời kỳ âm nhạc.

Đặc biệt, chương trình muốn gợi nhớ không gian Sài Gòn trong giai đoạn 1966-1975 qua những nhạc phẩm hòa tấu của những ban nhạc lừng danh thế giới như The Shadows và Ventures…

Ông tiếp: “Đây là một số ban nhạc tiền phong khởi xướng phong trào nhạc trẻ thế giới.”

Về ảnh hưởng của nhạc Pháp tại Việt Nam, ông nói: “Nhạc Pháp đã có mặt tại Việt Nan từ thời Pháp thuộc nhưng rất hạn chế, không được thịnh hành ngoài dân gian mà chỉ phổ biến trong giới thượng lưu và tại những phòng trà dành cho lớp quý tộc.”

Năm 1954, Hiệp Định Genève phân đôi đất nước Việt Nam, miền Bắc lọt vào tay Cộng Sản và cũng từ đó, âm nhạc chỉ được sáng tác và sử dụng cho mục tiêu tuyên truyền chính trị có lợi cho đảng Cộng Sản.

Ngược lại, ở miền Nam, dưới chính thể Cộng Hòa, âm nhạc đã thăng hoa, không những chỉ hạn chế trong những ca khúc Việt nam mà âm nhạc quốc tế cũng đã bắt đầu góp mặt và được phổ biến khắp mọi nơi song song với bước tiến văn minh của nhân loại trên thế giới.

Ông tiếp: “Nhạc pop thế giới được phổ biến tại miền Nam Việt Nam trong thập niên 1950.”

Cho đến năm 1962, các ban nhạc bắt đầu tự đàn, hát, trình diễn những ca khúc của riêng mình.

Từ đó, làn sóng này lan rộng, ảnh hưởng đến giới trẻ trong nước. Ban nhạc Phượng Hoàng được hình thành trong thời gian này.

Trong khi phong trào dịch nhạc ngoại quốc sang lời Việt tăng cao với sự đóng góp của những cây cổ thụ trong làng âm nhạc như Phạm Duy, Lữ Liên,… thì ban nhạc Phượng Hoàng được hoan nghênh qua những ca khúc Việt Nam do họ sáng tác. Họ cũng đã khẳng định chỗ đứng của nhạc trẻ Việt Nam.

Ông hồi tưởng: “Năm 1971, tại Sài Gòn, ca sĩ Elvis Phương và ban nhạc Phượng Hoàng đóng góp cho nhạc trẻ Việt Nam với những nhạc phẩm bất hủ như phiên khúc Mùa Đông, Cười Lên Đi Em Ơi, Tôi Muốn, Yêu Người và Yêu Đời, Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời, Hãy Nhìn Xuống Chân…”

Nhạc sĩ  Lê Huy, thành viên duy nhất còn lại của ban nhạc Phượng Hoàng, chia sẻ: “Tôi rất hãnh diện được cùng Elvis Phương trình diễn những nhạc phẩm do hai cố nhạc sĩ và cũng là thành viên ban nhạc Phượng Hoàng là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang sáng tác.” (Đằng-Giao)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thành phố tình yêu Venice”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT