Wednesday, April 24, 2024

Tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á qua phim ‘Raya and the Last Dragon’

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Vào ngày 5 Tháng Ba, Disney công chiếu phim hoạt họa mới nhất là “Raya and the Last Dragon.” Trước đó, Disney tổ chức một cuộc họp báo trực tuyến hôm Thứ Bảy, 27 Tháng Hai, để giới thiệu bộ phim này lần cuối.

Raya lúc còn nhỏ và người cha Benja, thủ lĩnh của lãnh thổ Tim Rồng. (Hình: Disney)

Cuộc họp báo này có sự tham gia của các nhà sản xuất, các đạo diễn và nhiều diễn viên gốc Á Châu, để nói về phim hoạt họa mới nhất của Disney, dùng Đông Nam Á làm ý tưởng.

Nội dung

“Raya and the Last Dragon” có bối cảnh ở thế giới thần thoại Kumadra, có hình dáng một con rồng, và được chia thành năm lãnh thổ tại năm bộ phận của rồng, gồm có Nanh, Tim, Lưng, Móng và Đuôi.

Cách đây 500 năm, thế giới này từng bị quái vật hình khói Druun tấn công, chạm vào bất cứ ai là người đó biến thành đá. Thấy vậy, các rồng thần phải đứng ra bảo vệ thế giới, và bỏ hết sức mạnh của mình vào viên ngọc rồng để đánh bại quái vật đó.

Cuối cùng, loài rồng biến thành đá và để lại ngọc rồng cho con người, ngăn chặn quái vật Druun tấn công thế giới lần nữa.

Nhân vật chính của “Raya and the Last Dragon” là Raya (minh tinh Kelly Marie Trần chuyển âm), con gái của ông Benja (tài tử Daniel Dae Kim chuyển âm), người đứng đầu của lãnh thổ Tim.

Vì một biến cố xảy ra, viên ngọc rồng bị vỡ, làm quái vật Druun quay trở lại với thế giới Kumandra, và mỗi lãnh thổ giữ một phần của viên ngọc để tự vệ.

Sáu năm sau khi ngọc rồng bị vỡ, Raya phải hành trình khắp Kumandra để lấy ngọc rồng của các lãnh thổ kia, và tìm Sisu, rồng thần cuối cùng của thế giới, với hy vọng đánh đuổi được quái vật Druun.

Các diễn giả của cuộc họp báo gồm dàn diễn viên và các nhà sản xuất. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Bộ phim này có chủ đề chính là niềm tin, và có nhiều nhân vật thể hiện niềm tin mạnh mẽ dành cho người khác như ông Benja và rồng Sisu. Trong khi đó, nhân vật chính Raya luôn nghi ngờ mọi thứ chung quanh vì một biến cố xảy ra lúc còn nhỏ, và nhân vật phản diện Namari (minh tinh Genma Chan chuyển âm) phá vỡ niềm tin của nhiều người để đạt được mục đích.

Diễn viên tự thu âm ở nhà

Vì lấy nhiều ý tưởng từ Đông Nam Á, “Raya and the Last Dragon” có hai nhà soạn kịch bản người gốc Đông Nam Á là ông Qui Nguyễn và bà Adele Lim.

Ông Qui Nguyễn cho biết: “Tôi rất hãnh diện vì là một phần của bộ phim này, với nhiều nhân vật người Đông Nam Á. Một bộ phim có những người hùng như vậy rất có ý nghĩa đối với trẻ em.”

Khi sản xuất “Raya and the Last Dragon,” dịch COVID-19 đang hoành hành khắp thế giới, nên đội ngũ sản xuất gần như phải làm việc ở nhà hoàn toàn, từ các họa sĩ cho đến các diễn viên.

Tài tử Daniel Dae Kim kể lại lúc thu âm: “Tôi phải thu âm ở nhà, sau đó gửi phần thu âm đó cho Disney. Một lúc vì không rành công nghệ, tôi bị mất nhiều đoạn thu âm, dài tổng cộng đến cả tiếng đồng hồ.”

“Quý vị để những người không rành công nghệ tự làm việc ở nhà như vậy chắc chắn sẽ có chuyện xấu xảy ra,” ông đùa.

Tài tử Benedict Wong trong vai Tong, một chiến binh vạm vỡ của lãnh thổ Lưng, kể: “Lúc thu âm thì tôi đang ở Úc, nên may mắn hơn mọi người là được vào phòng thu âm đàng hoàng.”

Để giúp không khí của buổi hội thảo vui tươi hơn, tài tử Wong còn mặc trang phục giống như nhân vật Tong trong phim.

Vai phản diện Namari, người sẽ đứng đầu lãnh thổ Nanh Rồng trong tương lai. (Hình: Disney)

Minh tinh 14 tuổi, Thalia Trần, trong vai em bé Noi, chia sẻ: “Em ở với gia đình trong giai đoạn cách ly và phải thu âm trong phòng đựng quần áo của bố mẹ. Em nghĩ bộ phim này thể hiện được tính độc lập mạnh mẽ của các nhân vật, và đó là một phần rất quan trọng của văn hóa Đông Nam Á. Em cho gia đình xem bộ phim này, và ai cũng thích.”

Minh tinh Kelly Marie Trần thì cám ơn đội ngũ sản xuất của Disney đã dùng “phép màu” của họ để hoàn thành bộ phim này, và tạo ra một tình huynh đệ giữa toàn bộ những người tham gia.

Văn hóa Á Châu và những nét độc đáo của bộ phim

Minh tinh Awkwafina trong vai rồng thần Sisu cho biết cô rất ngạc nhiên vì nhân vật này nhìn rất giống cô ngoài đời khi hóa thân thành con người.

Nhà soạn kịch bản Adele Lim thì nói “Raya and the Last Dragon” sẽ cho khán giả thấy được vẻ đẹp của rồng Á Châu, và khác với rồng của Tây Âu ra sao.

“Bộ phim này còn cho khán giả thấy được tình bạn của phái nữ, rất ít thấy trong Hollywood. Không chỉ vậy, nhân vật Sisu lúc nào cũng hài hước, nhưng vẫn thể hiện được sự thông thái, và lúc nào cũng nhìn những mặt tốt nhất của từng con người,” bà Lim nói.

Bà Virana, thủ lĩnh của lãnh thổ Nanh Rồng, trò chuyện với con gái Namari. (Hình: Disney)

Một điểm độc đáo của “Raya and the Last Dragon” là không có vai phản diện, hay vai “trùm” rõ ràng.

Minh tinh Genma Chan cho biết nhân vật Namari, do mình chuyển âm, tuy là vai phản diện, nhưng không phải là người xấu, và có nhiều điểm giống với nhân vật chính Raya.

“Tôi rất thích bộ phim này vì không có trắng đen rõ ràng, và tự hào vì mình được tham gia,” cô nói.

Minh tinh Sandra Oh, đóng vai Virana, thủ lĩnh của lãnh thổ Nanh Rồng và mẹ của Namari, cũng chia sẻ những suy nghĩ tương tự. Bà còn cho hay rất cảm động vì những bài học đáng quý từ bộ phim hoạt họa này.

“Raya and the Last Dragon” là một tác phẩm giàu văn hóa Đông Nam Á, từ kiến trúc đến trang phục và võ thuật.

Tài tử 13 tuổi, Izaac Wang, trong vai cậu bé Boun, chia sẻ: “Em rất thích bộ phim này vì có nhiều văn hóa Đông Nam Á như quần áo, thức ăn và vũ khí.”

Như tài tử Wang nói, đội ngũ sản xuất của Disney đã bỏ nhiều công sức để tìm hiểu văn hóa Đông Nam Á để thể hiện trong phim hoạt họa mới này. Họ phải đến các nước ở khu vực đó để học nhiều thứ, và tạo ra thế giới Kumandra có nhiều nét quen thuộc với khán giả gốc Đông Nam Á.

Văn hóa Đông Nam Á còn được thể hiện qua các cảnh đánh nhau, sử dụng võ thuật và vũ khí của các quốc gia trong khu vực này. Người có nhiều đóng góp cho phần võ thuật của bộ phim là ông Qui Nguyễn.

Raya lần đầu gặp rồng thần Sisu. (Hình: Disney)

Ông rất am hiểu về các môn võ của Đông Nam Á như Silat của Indonesia, Muay Thai của Thái Lan và Vovinam của Việt Nam. Các nhà sản xuất khác kể ông nhiều lần cầm các vũ khí truyền thống vào phim trường để hướng dẫn bằng cách đánh các bài quyền.

Các diễn viên và các nhà sản xuất cho biết bộ phim này còn có nhiều nét văn hóa của người Á Châu như kính trọng người lớn tuổi, tình gia đình, cộng đồng, và trẻ em học nhiều thứ từ gia đình trong lúc lớn lên.

Một nét độc đáo nữa của “Raya and the Last Dragon” là sự hài hước của rồng thần Sisu, với giọng nói của minh tinh Awkwafina. Rồng thần này luôn đầy cá tính, luôn vui đùa được trong mọi tình huống, giống như nhân vật Genie hay “Thần Đèn” trong phim hoạt họa “Aladdin” của Disney.

Với cá tính không ai thay thế được, Genie do cố tài tử Robin Williams chuyển âm là một nhân vật bất hủ của Disney, và là một phần không thể thiếu với thế hệ khán giả xem phim Disney trong thập niên 1990.

Minh tinh Awkwafina cho biết tài tử Robin Williams là một nguồn cảm hứng khi cô đóng vai Sisu, và rất biết ơn các nhà sản xuất đã cho phép cô đóng vai này tự nhiên.

Raya (phải) và rồng thần Sisu hóa thân thành con người. (Hình: Disney)

Sản xuất và công chiếu trong thời điểm kỳ thị người Á Châu gia tăng

“Raya and the Last Dragon” được sản xuất trong năm 2020, lúc đại dịch COVID-19 khởi phát, làm người Á Châu khắp Hoa Kỳ bị kỳ thị vì đại dịch được gọi là “virus Trung Quốc.”

Qua đến đầu năm 2021, nhiều vụ tấn công người Á Châu lớn tuổi xảy ra khắp nước, tạo ra nhiều hoạt động kêu gọi bảo vệ các cộng đồng Á Châu.

Vì vậy, các nhà sản xuất của Disney cho rằng “Raya and the Last Dragon” sẽ là một cầu nối văn hóa, giúp khán giả hiểu được sự phong phú của văn hóa Á Châu.

Minh tinh Sandra Oh cho rằng bộ phim này có nhiều điểm tương tự với tình hình hiện nay vì thế giới đang thiếu niềm tin, không thể nào tiến bộ được nếu mọi người không mở lòng với nhau, và phải chịu gặp những chuyện đau lòng để người khác tin tưởng mình.

Nhà soạn kịch bản Qui Nguyễn thì rất mừng vì phim hoạt họa mới của mình được công chiếu trong thời điểm khó khăn này, và là một niềm hãnh diện cho người Mỹ gốc Á Châu.

Cảnh trận đấu giữa Raya (trái) và Namari tại lãnh thổ Lưng Rồng. (Hình: Disney)

Cuối cùng, tài tử Daniel Dae Kim nói: “Khán giả nên xem bộ phim này cùng gia đình và sẽ học được nhiều thứ. Tác phẩm này là sự đại diện của người Á Châu trên màn ảnh, với vai nữ chính mạnh mẽ là Raya. Quý vị sẽ thấy được nhiều cái hay của văn hóa Á Châu, và điều đó sẽ thay đổi cách nhìn của quý vị.”

“Raya and the Last Dragon” sẽ công chiếu ngoài rạp và chiếu trên mạng qua Premier Access với giá $29.99 của dịch vụ chiếu phim Disney+ vào ngày 5 Tháng Ba. [qd]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT