Wednesday, April 24, 2024

Khủng hoảng nợ tiền học, vấn nạn tại các đại học Mỹ


Lê Tâm
(Theo USA Today)


Cuộc khủng hoảng nợ tiền học đại học đang xảy ra ở Mỹ không chỉ ảnh hưởng riêng tới thành phần sinh viên học các đại học bốn năm, mà còn ngay cả ở các đại học cộng đồng hai năm.



Sinh viên Mỹ trong ngày tốt nghiệp. (Hình: Getty Images)


Các đại học cộng đồng hai năm có giá tiền học phí thấp hơn các trường đại học khác và mở rộng cửa đón hầu như tất cả moi người. Các đại học này thường cũng là nơi đào tạo các kỹ thuật viên mà hãng xưởng mong muốn và cũng có thể là giải pháp ít tốn kém để tiến vào đại học bốn năm.


Tuy nhiên, trong khi nhiều sinh viên đại học cộng đồng tốt nghiệp với bằng cán sự, giúp họ có được việc làm tốt, hay bước lên đại học bốn năm, nhiều sinh viên đại học cộng đồng cũng bỏ ngang và ngày càng có nhiều sinh viên này đang mượn những món nợ mà họ không thể trả.


Các tiểu bang ở Mỹ nay đang chú trọng nhiều vào việc giảm số nợ của các sinh viên đại học bốn năm hơn là sinh viên đại học cộng đồng. Tuy nhiên, một số những biện pháp đang thi hành cũng có thể giúp các sinh viên đại học hai năm này.


Phần lớn các bang nay đưa điều kiện để tính số tiền tài trợ đại học công lập một phần dựa trên tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn. Và một số tiểu bang cũng đang tìm cách giảm chi phí học đại học cộng đồng bằng cách cung cấp học bổng để người sinh viên không phải trả học phí, như tổng thống Barack Obama đã từng đề nghị trước đây.


Vào năm 2000, có khoảng 15% sinh viên năm đầu đại học cộng đồng ở Mỹ mượn nợ để đi học. Chừng 12 năm sau đó, có khoảng 27% sinh viên các đại học này phải mượn nợ. Tại đại học cộng đồng Macomb Community College ở tiểu bang Michigan, nơi ông Obama tới để đọc bài diễn văn về cải cách đại học cộng đồng, chỉ có 6% sinh viên nơi này mượn nợ từ chính phủ liên bang. Tuy nhiên trong số các sinh viên này, vốn trung bình nợ khoảng $5,170 khi tốt nghiệp, có tới 18% không trả được nợ.


Trong thời gian có cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh vừa qua, người dân nghèo, có mức thu nhập thấp, ào ạt kéo vào các trường đại học cộng đồng và các trường nghề tư thục với học phí rất cao để có được một nghề đáp ứng đòi hỏi của thị trường và với hy vọng sẽ có mức lương cao. Nhưng dù các trường tư thục này thường có mức học phí rất cao, kết quả nghiên cứu cho thấy trong những năm gần đây tỉ lệ sinh viên không trả được nợ ở các đại học cộng đồng và các trường nghề tư nhân đều ngang nhau.


Có tới 38% các sinh viên trường đại học hai năm phải khởi sự trả nợ tiền học năm 2009 đã ngưng trả nợ trong vòng năm năm sau đó, trong khi có tới 47% sinh viên từ các trường tư thục kiếm lời đã “xù nợ” cũng trong thời gian này, theo bản báo cáo do Adam Looney, một kinh tế gia tại Bộ Tài Chánh Mỹ thực hiện và được công bó hồi Tháng Chín năm ngoái. Bản báo cáo cho biết đại đa số các trường hai năm là các đại học cộng đồng.


Nhiều sinh viên đại học cộng đồng khi khởi sự bước vào trường, tự bản thân đã có nhiều khó khăn. Họ thường lớn tuổi hơn, sống trong các cộng đồng nghèo, và ít có sự trợ giúp tài chánh từ gia đình. Có khoảng 36% trong số này có mức thu nhập chung của cả gia đình vào khoảng dưới $20,000, theo cơ quan nghiên cứu Community College Research Center thuộc trường đại học Columbia University.


Dù vậy, các sinh viên đại học cộng đồng trước đây đã không phải mượn tiền để đi học. Mức học phí thường chỉ vài ngàn đô la một năm-từ $1,400 ở California tới $7,500 ở Vermont. Các sinh viên thuộc các gia đình nghèo, thường được hưởng tối đa học bổng Pell Grant-vào khoảng $5,815 trong năm nay, đủ để trang trải tiền học.


Thế nhưng ngày càng có nhiều sinh viên đại học cộng đồng mượn nợ hơn.


Tại Virginia, một trong số ít tiểu bang công bố chi tiết về vấn đề nợ tiền học của sinh viên, tỉ lệ sinh viên đại học cộng đồng không trả nợ tiền học đã tăng hơn gấp đôi trong thập niên qua.


Trong niên khóa 2014-2015, khoảng 37% sinh viên tốt nghiệp đại học hai năm ở Virginia và chuẩn bị lên đại học 2 năm, đã mang nợ, so với 15% chừng 10 năm trước đây. Trong số những người tố nghiệp trường nghề hai năm, khoảng 41% mắc nợ.


“Họ phải mượn tiền để chi trả cho các thứ hơn là tiền học và lệ phí. Họ mượn tiền để sống,” theo lời Tod Massa, thuộc cơ quan giáo dục tiểu bang.


Nhiều sinh viên đại học cộng đồng mượn tiền để trả tiền sách vở, di chuyển, ăn uống, nơi ở, ngay cả khi họ vừa đi học vừa đi làm. Chi phí chung cho một sinh viên đại học cộng đồng ở Virginia tăng từ $9,410 một năm, khoảng 10 năm trước đây, lên tới $15,083, cho các sinh viên sống với cha mẹ, theo dữ kiện của tiểu bang. Những người sống tự túc có chi phí còn cao hơn nữa.


Các nhà soạn thảo chính sách ở Mỹ thường chú ý đến các món nợ lớn, nhiều khi tới mấy trăm ngàn đô la. Nhưng các sinh viên mượn số nợ ít hơn nhiều lại là những người thường xù nợ nhất.


“Số nợ không trả được thường vào khoảng $5,000. Đó là cả món nợ, chứ không phải số nợ phải trả mỗi năm. Đó là tất cả số nợ mà một sinh viên mượn để đi học mà không trả được,” theo bà Susan Dynarski, một giáo sư tại đại học Michigan.


Giáo Sư Dyarski nói rằng số tiền nhỏ này thường cho thấy rằng người sinh viên đã bỏ học nửa chừng và do đó không đạt được những ích lợi mà bằng cấp đại học sẽ đem đến cho họ, trong khi vẫn mắc nợ.


Nợ tiền học nếu không trả được cũng sẽ đưa đến nhiều vấn đề khác cho người mượn có mức lợi tức thấp này, khiến đời sống của họ đã khổ và nhiều rắc rối lại càng rắc rối hơn.

MỚI CẬP NHẬT