Saturday, April 20, 2024

NASA đưa phi thuyền lên gần mặt trời vào năm 2018

GREENBELT, Maryland (NV) – Nhân loại từng đưa phi thuyền lên thám hiểm mặt trăng, Hỏa Tinh, kể cả ngoại tầng không gian xa thẳm nhưng lò lửa mặt trời thì chưa, điều mà NASA dự tính thực hiện nội trong năm 2018.

Theo NBC News, trái đất nằm cách mặt trời khoảng 93 triệu dặm (gần 150 triệu cây số), và phi thuyền Solar Probe Plus dự trù sẽ bay đến gần chừng 4 triệu dặm, tức 6 triệu cây số.

Ông Eric Christian, khoa học gia của NASA tại trung tâm không gian Goddard Space Flight Center ở Greenbelt, Maryland, nói: “Đây sẽ là sứ mạng bay lên gần mặt trời lần đầu tiên của chúng ta. Tuy không thể đến ngay bề mặt,” nhưng đủ gần để có thể tìm câu trả lời cho ba câu hỏi quan trọng.

Thứ nhất, để biết tại sao bề mặt của mặt trời, gọi là “photospher,” lại không nóng bằng bầu khí quyển “corona” của nó.

Theo NASA, bề mặt của mặt trời chỉ nóng vào khoảng 10,000 độ F (5,500 độ C), nhưng bầu khí quyển ở bên trên lại vào khoảng 3.5 triệu độ F (2 triệu độ C).

Ông Christian nói: “Ai cũng nghĩ là càng xa nguồn lửa chúng ta càng được mát hơn, nhưng ở đây tại sao bầu khí quyển lại nóng hơn bề mặt, quả là một câu đố nát óc.”

Kế tiếp, giới khoa học muốn biết do đâu gió mặt trời (solar wind) có thể tăng tốc.

Mặt trời thổi một luồng phân tử mang điện tích ra mọi hướng ở vận tốc hàng triệu dặm mỗi giờ. Nhưng chúng ta không hiểu được làm thế nào chúng có thể tăng gia tốc,” ông Christian nêu thắc mắc.

Từ lâu con người từng biết đến gió mặt trời. Các quan sát viên ngày xưa đã chú ý rằng đuôi sao chổi luôn luôn quay về hướng xa với mặt trời, theo ông Christian, điều này cho thấy có gió mặt trời bay ra ở vận tốc nhanh hơn nhiều so với vận tốc của sao chổi.

Thứ ba, sứ mạng thám hiểm muốn biết chắc tại sao mặt trời thỉnh thoảng lại bắn ra những phân tử có năng lượng lớn, gọi là phân tử năng lượng mặt trời, vốn gây nguy hiểm cho phi hành gia lẫn phi thuyền nếu không được bảo vệ.

Các nhà khoa học từng tìm câu trả lời cho những bí ẩn này từ trái đất nhưng “vấn đề là chúng ta ở xa đến 93 triệu dặm, khiến mọi sự đều nhòe đi, khó có thể biết rõ được những gì đang xảy ra trên mặt trời,” ông Christian nói.

Bay tới gần mặt trời ở khoảng cách 4 triệu dặm không phải là không có thử thách, mà thử thách lớn nhất không có gì ngạc nhiên, chính là sức nóng.

Để đối phó với nhiệt độ cực nóng 2,500 độ F (1,370 độ C) bên ngoài phi thuyền, các khoa học gia NASA thiết kế một lớp vỏ bọc bằng hợp chất carbon dày 4.5 inch (11.4 cm).

Ngoài ra, còn có thêm các ống tản nhiệt để chuyển nhiệt thấm qua lớp vỏ, trở lại ra bên ngoài, “để không làm hại đến các dụng cụ trong phi thuyền, vốn rất nhạy cảm với sức nóng,” ông Christian giải thích.

Phi thuyền Solar Probe Plus còn phải được bảo vệ để chống lại phóng xạ của mặt trời, vốn có thể làm hư các mạch điện tử, đặc biệt là bộ nhớ của nó.

Đột kích ở Yemen của Mỹ không lấy được dữ kiện tình báo quan trọng

Nếu mọi sự diễn ra như dự tính, Solar Probe Plus sẽ là vật thể nhân tạo đầu tiên đến gần mặt trời nhất.

Tính đến nay, phi thuyền bay gần mặt trời nhất là Helios 1, phóng hồi Tháng Mười Hai, 1974, đã bay đến khoảng cách 29 triệu dặm (47 triệu cây số), và Helios 2, phóng vào Tháng Tư, 1976, gần thêm được 1.8 triệu dặm (3 triệu cây số) so với Helios 1.

Gần đây hơn, phi thuyền Messenger, phóng lên thám hiểm Thủy Tinh (Mercury) hồi Tháng Tám, 2004, hành tinh cách mặt trời 36 triệu dặm (58 triệu cây số.) (TP)

MỚI CẬP NHẬT