Thursday, March 28, 2024

Triển lãm Bonsai Tết tại chùa Bảo Quang

 


Nghệ thuật thu nhỏ cây cảnh 


Nguyên Huy/Người Việt


SANTA ANA (NV)Trong hai ngày liên tiếp, Thứ Bảy và Chủ Nhật, 21 và 22 Tháng Giêng, nhằm ngày 28 và 29 Tết Nhâm Thìn, Hội Cây Kiểng Bonsai Việt Nam đã mở cuộc triển lãm tại chùa Bảo Quang, Santa Ana, như một món quà tinh thần Xuân cho cộng đồng người Việt ở Nam California.









Các nghệ nhân Bonsai Việt Nam, từ trái, Phạm Thông (cựu hội trưởng), Nguyễn Ðang (quản trị) và Lê Quang Bình (hội trưởng), bên cạnh cây tùng (chỉ có ở California) do anh Phạm Thông tạo dựng săn sóc. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Hơn 20 tác phẩm nghệ thuật Bonsai được các hội viên trong hội mang tới đặt trên những vị trí thích hợp cả về nơi chốn cũng như ánh sáng trong phòng triển lãm của khu văn hóa nghệ thuật trong chùa.


Trước những phong cảnh trong trời đất được thu nhỏ, thật nhỏ trong tầm mắt, tầm tay, người đến thưởng ngoạn chợt thấy lòng lắng xuống như muốn hòa đồng với thiên nhiên, bỏ mặc cảnh đời xung quanh với những đua tranh hối hả.


Gần 100 khách đến thưởng ngoạn vào giờ khai mạc, ai nấy đều giữ cho không khí phòng triển lãm thật tĩnh lặng. Thì thầm là những cảm xúc đan xen khi đứng trước cảnh đất trời mênh mông được thu nhỏ lại.


Khách thưởng ngoạn đã dừng chân khá lâu trước những tác phẩm như “Forest” của Joe Cao. Cả một nghệ thuật tạo dựng lại rừng trước mắt chúng ta chỉ bằng hơn một chục cây cảnh cao bằng ngón tay hay nhỉnh hơn một chút. Gần đó một gốc mai “tứ quí” nhỏ chỉ bằng nắm tay, nhưng cũng có đến hơn một chục cánh mai vàng khiến người xem lại được trở về cùng Xuân miền Nam nắng ấm. Ngay cửa vào là một gốc đào lớn, nhưng lại chỉ có những cành hoa nhỏ bé có những cánh hoa đào đang e ấp khoe sắc Xuân.









Một chậu Bonsai, mang tên “Forest,” với cảnh rất thanh tịnh tại buổi triển lãm. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Ai cũng hiểu rằng nghệ thuật Bonsai là một nghệ thuật của tinh vi, kiên nhẫn và đầy sáng tạo, là một thú chơi
của những người đã phảng phất nhuốm thiền. Nhưng ít ai hiểu rõ được cái nghệ thuật này nó đã công phu như thế nào.


Anh Phạm Thông, cựu hội trưởng, giải thích: “Khi tìm được một cây đoán chừng có độ tuổi dăm bẩy chục năm cho đến vài trăm năm tại những khu rừng hẻo lánh, thâm sơn, chúng tôi phải hết sức khéo léo tách từng rễ để đưa gốc về vườn nhà. Phần nhiều đến 80% là gốc cổ thụ không sống được tiếp. Qua vài năm mới biết được có đậu hay không. Kế tiếp là định tuổi của cây bằng phương pháp ‘thử carbon.’ Khi biết chắc cây đã sống được mới tính đến chuyện cắt tỉa. Cắt tỉa thế nào để cho cây không bị ‘chột’ mà trái lại còn kích thích cho cành lá phát triển. Tuyệt đối không dùng một thứ thuốc kích thích nào trong việc nuôi dưỡng cây ngoài các loại phân đã được điều chế cho Bonsai. Trong lúc cắt tỉa này cũng phải lưu ý đến sự phát triển của cây, không được để cho cây phát triển quá mức đưa đến cành lá sẽ thô, không thích hợp.”


Nói về các loại cây dùng cho nghệ thuật Bonsai, ông Thông cho biết: “Cây cỏ thì có rất nhiều, phải biết chọn cây mà dùng cho nghệ thuật Bonsai. Các loại cây có tiếng thường được chọn trong Bonsai là loại “Hắc tùng” hay “Bách tùng.”


“Ở Việt Nam có nhiều người chơi cây si với rễ sù sì cũng đẹp lắm, nhưng không quí bằng tùng, bách. Một điều nên nhớ là đất nước và khí hậu ở Việt Nam không thích hợp cho các loại tùng bách ở California và ngược lại. Nên nhiều người đã dùng sách vở tiếng Việt xuất bản ở Việt Nam mà áp dụng cho Bonsai ở California đều không đạt được kết quả gì,” ông Thông giải thích thêm.


Hội Cây Kiểng Bonsai Việt Nam ở Nam California được thành lập từ 14 năm nay. Ông Lê Quang Bình, đương kim hội trưởng, cho biết: “Hiện nay hội chúng tôi có được 150 hội viên và một số các nhà cố vấn người Nhật, người Hoa và cả người Mỹ nữa. Hàng tháng, chúng tôi có những buổi sinh hoạt để hướng dẫn cho các hội viên mới đồng thời để các hội viên cũ trao đổi kinh nghiệm với nhau.”


Theo ban tổ chức cho biết, triển lãm Bonsai là để cho bà con cùng thưởng thức nghệ thuật tao nhã này chứ cũng không nhằm khía cạnh thương mại. Một tác phẩm nghệ thuật Bonsai phải kể là không thể có giá vì nó được tạo dựng từ sáng tạo, công phu chăm sóc hàng chục năm trời. Ai định cho được cái giá này? Nên các tác phẩm về nghệ thuật Bonsai thường được “nhượng” lại cho nhau trong “tình Bonsai” khi cảm thấy có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu.”


Nói về thú chơi Bonsai của người Việt mình, ông Phạm Thông có nhận xét: “Người Việt ít lâu nay cũng đã để tâm vào nghệ thuật chơi Bonsai. Nhưng thường là chơi, chứ không hẳn là sáng tạo. Giới có tiền khi thăm các cuộc triển lãm, có thể mua những cây Bonsai thật quí hiếm, nhưng khi đưa về nhà rồi thì lại không biết cách chăm sóc nên Bonsai hư hỏng nhiều hoặc chết hoặc mất đi cái dáng vẻ đã được chăm sóc trong một thời gian dài từ những nghệ nhân nuôi trồng Bonsai.”


Ông tiếp: “Ở hải ngoại, theo như trong hội chúng tôi thì giới chơi Bonsai không hẳn là các cụ cao niên mà lại có rất nhiều bạn trẻ vì ‘chơi cây cảnh Bonsai là vừa thực hiện được những hiểu biết khoa học lại vừa thỏa mãn được óc sáng tạo tưởng như mình cũng là một thứ tạo hóa.’”


Quí độc giả yêu thích nghệ thuật Bonsai có thể gia nhập Hội Cây Kiểng Bonsai Việt Nam, hay liên lạc qua số điện thoại (949) 266-4619.


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT