Thursday, March 28, 2024

Chi phí y tế ở Mỹ tăng vọt, bác sĩ và bệnh nhân đều ‘kêu trời’ (kỳ 1)

Tâm An/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Đi chơi về, hết hồn khi nhận được giấy báo viện phí (bill). Nằm viện chỉ có từ sáng Thứ Ba tới chiều Thứ Tư thì về nhà, mà bệnh viện báo tiền phí là $14,125, chưa kể thêm ba tờ bill tiền X-ray với phí bác sĩ này kia. Như thế này thì ai dám bệnh nữa? Dù là có bảo hiểm trả nhưng mà tôi cứ thấy Healthcare ở Mỹ đúng là ‘rip off’ (chặt chém).”

Đó là chia sẻ của bạn K.L. đăng trên Facebook diễn đàn nhóm Điểm Tựa. Bài đăng của cô được hàng trăm người đồng tình và để lại trên 200 lượt bình luận, trong đó có không ít những lời than phiền về chi phí y tế Mỹ cao một cách quá vô lý ở Mỹ.

Bạn Nguyễn Đông ở Phoenix, Arizona, cho hay: “Tôi có lần phải vô phòng cấp cứu có bốn tiếng, trong đó chủ yếu là ngồi chờ và đi xét nghiệm, không được nằm chút nào, vậy mà bill về là $17,000. Ở Mỹ, tôi sợ nhất là bị bệnh. Mỗi lần đau ốm, chỉ khi không thể chịu đựng được tôi mới dám vô bệnh viện.”

Bạn Phong Hà, sinh sống tại thành phố Rosemead, California, lên tiếng: “Người nhà tôi chỉ nằm viện có 15 ngày, bill bệnh viện về là $285,000. Nhìn bill mà hết hồn.”

Anh Mike Nguyễn, cư dân Chicago, tiểu bang Illinois, cho biết: “Năm 2010 tôi phải giải phẫu thay một bên thận, bệnh viện gửi về rất nhiều bill, trong đó có bill cho lần giải phẫu là khoảng $120,000. Ngoài ra còn bill nằm viện sau giải phẫu là $40,000 một tuần, cùng hàng loạt các bill khác như bác sĩ gây mê, xét nghiệm, y tá và tiền thuốc chống đào thải.”

“Nhưng hồi 2015, có một người quen cũng giải phẫu thay thận y chang tôi tại cùng bệnh viện này, tôi được biết, viện phí của anh ấy đã tăng gấp bốn lần. Tôi không hiểu vì sao cách có mấy năm mà tăng dữ vậy?!” anh cho biết thêm.

Các bà mẹ than trời về chi phí sinh đẻ ở Mỹ 

Chị Hannah Le, cư dân thành phố Edina, tiểu bang Minnesota, đưa cho phóng viên xem bill của bệnh viện về ca sinh đẻ đứa con đầu lòng của chị, trong đó, chi phí cho mẹ sinh mổ là $17,542 còn chi phí chăm sóc em bé trong ba ngày là $9,350. Tổng cộng hơn $26,000.

Chị Hương Trần, 29 tuổi, ở Orlando, Florida, cho hay: “Mấy năm trước tôi sinh con trong tình trạng sức khỏe yếu nên phải nằm viện mất một tuần. Lúc nhận được bill bệnh viện gửi về, tôi muốn đứng tim, vì tổng cộng các loại bill là hơn $106,000.”

Hình chụp một bill bệnh viện của một bệnh nhân gốc Việt (giấu tên), trong đó chi phí chụp cộng hưởng từ MRI hết hơn $6,000 một lần, trong gần năm tiếng nằm viện, tổng cộng chi phí $24,066. (Hình: Bệnh nhân cung cấp)

“Sinh con đã đau đớn mệt mỏi, lại phải nghỉ làm để chăm con, mất đi một nguồn thu nhập. Khi nhìn thấy cái bill thật sự là rất ‘shock.’ Chúng tôi mua bảo hiểm gia đình, tiền deductible cho family plan là $13,500. Có nghĩa là gia đình tôi phải trả trước số tiền deductible này, sau đó còn thiếu nhiêu, bảo hiểm mới trả 80%. Tiền đâu mà trả nổi bây giờ,” bà mẹ trẻ có đứa con bốn tuổi than thở.

Đặc biệt, một bà mẹ gốc Việt tên Mai Ly ở Chicago, Illinois, cho hay: “Sáu năm trước, tôi sinh đôi hai bé, một trai, một gái, phải nằm lồng kính trong ba tháng tại bệnh viện Avocate Illinois Masonic Medical Center. Sau đó bệnh viện gửi bill về, chi phí lên tới $5 triệu. Đó là chi phí cho hai bé, còn phần nằm viện của tôi là $65,000 nữa.”

Còn ở California thì sao? Dưới đây là bảng thống kê chi phí sinh đẻ, bao gồm cả sinh thường và sinh mổ, chăm sóc trẻ sơ sinh và bà mẹ sau sinh.

Thống kê chi phí sinh đẻ tại một số thành phố vùng Little Saigon, Nam California:

Các thành phố Westminster, Garden Grove, Santa Ana Chi phí bệnh viện
Chăm sóc tiền, hậu phẫu (trước, sau khi mổ) $5,000
Chi phí mổ $1,201
Chi phí chăm sóc trẻ sơ sinh và kiểm tra sức khỏe/ngày $250
Chi phí chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi (mỗi ngày) $4,825
Chi phí chăm sóc trẻ sơ sinh thông thường (mỗi ngày) $2,943
Bác sĩ khám lúc chuẩn bị sinh con $500
Chi phí đẻ thường $4,455

Nguồn: Ứng dụng FH Cost Lookup của tổ chức bất vụ lợi FAIR Health, Hoa Kỳ

Theo bảng trên, tại thành phố Westminster, tổng cộng một ca sinh mổ trong ba ngày cộng lại là $16,280. Trong khi đó chi phí chi cho ekip bác sĩ, y tá trực tiếp mổ chỉ có $1,201 tức chiếm con số rất ít, chỉ 7.3%.

Người dân Mỹ than phiền về chi phí y tế quá cao, đòi hỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe phải có tính cạnh tranh và lấy bệnh nhân là trọng tâm. (Hình: Loudermilk.house.gov)

Theo bài báo đăng trên tạp chí Insider vào Tháng Bảy, 2018, của tác giả Allie Lembo, có tiêu đề: “The United States has one of the highest birth costs, with surprise billing skyrocketing some bills to six figures” (tạm dịch: Chi phí sinh đẻ ở Mỹ cao nhất nhì thế giới, tăng ‘ngút trời,’ có bill lên tới hàng triệu đô la), thì “Chi phí sinh nở trung bình ở Mỹ là khoảng $10,800, nhưng với sự thiếu minh bạch trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ, các hóa đơn y tế ngày càng cao một cách khó hiểu.”

Dưới đây là bảng thống kê chi phí sinh đẻ của 17 nước do tạp chí Insider dẫn nguồn một nghiên cứu của trường đại học tư thục Coyne College tại Chicago.

Nghiên cứu năm 2016 về chi phí sinh đẻ của trường Coyne College tại Chicago:

Quốc gia Chi phí sinh đẻ trung bình Ghi chú
Mỹ $10,800

$24,000

sinh thường

sinh mổ, C-section

Canada $3,195 sinh thường

 

Argentina $2,237

$2,972

sinh thường

sinh mổ, C-section

Chile $3,589
Anh $2,300

$3,400

sinh thường

sinh mổ, C-section

Đức $2,500
Úc $5,300
Singapore $10,000 tương tự như ở Mỹ
Nhật $61,800 cao nhất thế giới
Thụy Sĩ $7,700

$9,900

sinh thường

sinh mổ, C-section

Hồng Kông $12,000 – $15,000 cao hơn Mỹ
Tây Ban Nha $1,950 sinh thường
Mexico $600 nhưng có phí “đút lót,” tương tự như Việt Nam
Nam Phi

 

$1,500

$2,000

sinh thường

sinh mổ ,C-section

Thái Lan $2,000

$3,000

sinh thường

sinh mổ, C-section

Indonesia $1,837 sinh thường
Philippines $2,122

$7,300

sinh thường

sinh mổ, C-section

Nguồn: Tạp chí Insider, Tháng Bảy, 2018, tác giả Allie Lembo

Theo bảng trên, chi phí sinh mổ ở Hoa Kỳ cao gấp bảy lần so với ở Anh, cao gấp tám lần so với Thái Lan và cao gấp ba lần so với Canada.

Các bác sĩ gốc Việt nói gì? 

Không chỉ bệnh nhân than trời về bill bệnh viện cao vô lý, các bác sĩ hiện đang làm việc tại Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự bất bình về hệ thống y tế ở đất nước này.

Hầu hết các bác sĩ đều cho rằng các than phiền về chi phí y tế nêu trên đều đúng sự thật và đó là những “bất cập,” “lỗ hổng” hay “problem” của nền y tế Hoa Kỳ.

Nói chuyện với phóng viên nhật báo Người việt, Bác Sĩ Bùi Đắc Lộc, ở thành phố Westminster, cũng từng gặp cảnh tương tự như các bệnh nhân ở trên: “Có lần tôi bệnh phải vô phòng cấp cứu (ER) của bệnh viện. Chỉ trong bốn tiếng đồng hồ làm xét nghiệm máu, chụp cắt lớp, chích hai mũi giảm đau rồi về, vậy mà bệnh viện tính bill là $17,000.”

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, ứng viên tranh cử Tổng Thống Mỹ năm 2020 với chiến dịch trọng tâm liên quan tới bảo hiểm y tế cho mọi người dân “Medicare for All.” (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Là bác sĩ có thâm niên có hàng chục năm làm việc trong ngành y, ông cho biết thêm: “Cũng là một ca mổ ruột thừa, có bệnh viện bill cho bệnh nhân $5,000 có bệnh viện bill tới $160,000.”

Bác sĩ nhi khoa Quỳnh Kiều, ở Fountain Valley, chia sẻ: “Nước Mỹ chúng ta đang tiêu tốn rất nhiều tiền vào Healthcare nhưng phẩm chất thì không tương xứng với số tiền đó. Nếu quý vị coi kỹ một bill tính tiền, chi phí chủ yếu là tiền dịch vụ trong bệnh viện… chứ tiền trả cho bác sĩ không có bao nhiêu.”

“Thậm chí một số chi phí họ còn không trả cho chúng tôi. Ví dụ như chi phí sàng lọc thị giác cho trẻ em trước khi tới trường, MediCal tính tiền công cho bác sĩ chỉ có $2.45 cho 20 phút khám. Điều vô lý nữa là chi phí này 40 năm qua không hề thay đổi, dù đồng tiền đã mất giá đi nhiều. Thậm chí từ năm ngoái tới giờ, khi cơ quan CalOptima quản lý các hồ sơ MediCal, họ còn không trả chúng tôi số tiền công này.”

Cả ba bác sĩ đều cho rằng bill bệnh viện tăng, phần lớn là do chi phí về thuốc chữa bệnh, giường bệnh và thiết bị y tế (như các máy chụp X-ray, MRI, CT, siêu âm) cao một cách vô lý.

Theo Bác Sĩ Lộc thì “chi phí nằm viện hiện bệnh viện tính vào khoảng $2,500/ngày, cao tương đương với giá tiền một phòng khách sạn năm sao ở Mỹ. Đây chỉ là chi phí giường nằm đơn thuần, chưa bao gồm thuốc thang hay bác sĩ, y tá chăm sóc.”

“Tôi bị bệnh cao huyết áp, phải dùng thuốc Telmisartan 40 mg. Một điều khó hiểu là, nếu dùng bảo hiểm Medicare, thì giá nhà thuốc tính cho tôi là $80 một vỉ. Trong khi đó, nếu mua ở hiệu thuốc bên ngoài không cần đưa bảo hiểm ra, giá chỉ còn $30?!” Bác Sĩ Lộc cho biết thêm.

Bác Sĩ Nguyễn Hữu Hùng, hiện đang làm việc tại Bolsa Medical Group, tâm sự: “Mấy năm gần đây, giá thuốc chữa bệnh tiểu đường (loại chích cho bệnh nhân) tự dưng tăng vọt, khiến nhiều bệnh nhân của tôi dù có bảo hiểm Medicare đã trả 80% nhưng họ vẫn không có đủ tiền để trả co-pay 20% tiền thuốc. Trong khi đó tại Canada, giá thuốc không cần bảo hiểm chỉ có mấy chục đồng. Tôi đành viết đơn thuốc rồi nói họ tìm cách sang Canada hoặc nhờ người quen bên đó mua về.”

“Thân chủ tôi, có khi không thể mua thuốc bên Canada được, thì tôi đành kê đơn thuốc khác nhưng hiệu quả trị bệnh không bằng, họ phải chịu bệnh tật dày vò. Tôi cảm thấy đau lòng về điều này,” Bác Sĩ Hùng nói thêm.

Là bác sĩ có kinh nghiệm trên 40 năm về khám chữa bệnh cho người cao niên, Bác Sĩ Hùng chia sẻ: “Điều tôi trăn trở nhất, là hệ thống bảo hiểm y tế Mỹ tồn tại nhiều bất công cho những người ‘tax payer.’ Họ đi làm đóng thuế cả đời, tới khi về già 65 tuổi, được hưởng Medicare. Nhưng Medicare lại chỉ chi trả khoảng 80% tiền thuốc mà thôi. Trong khi đó, có những người không đi làm gì, hoặc làm rất ít để giữ cho ‘low income,’ không đóng thuế gì hết, thì lại được chính phủ cho MediCal, loại bảo hiểm này rất mạnh, chi trả gần như toàn bộ tiền thuốc.”

Quý vị, ai đã từng “đứng tim” khi nhận bill bệnh viện? Quý vị có bất bình về chuyện này? Cách nào đối phó với chuyện trả bill cao? Lý do gì chi phí y tế ở Mỹ cao hơn hẳn các nước khác? Vì sao vấn đề này tồn tại lâu nay không được các nhà làm luật sửa đổi? (Tâm An)

Kỳ 2: Những bất cập trong hệ thống y tế Mỹ

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT